Nguồn gốc các chủng tộc giả tưởng trong phim ảnh và video game: Elf

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 30/09/2016 0:00 AM

Có thể khẳng định rằng “Elf” là một trong những chủng tộc giả tưởng tuyệt vời nhất từng tồn tại trong các tác phẩm văn học giả tưởng hiện đại lẫn video game.

Trong thế giới giả tưởng của các tác phẩm văn học, cổ tích, phimvideo game có tồn tại vô số những chủng tộc thần bí, được tạo nên từ trí tưởng tượng của con người để lôi cuốn khán giả. Ở loạt bài viết "Nguồn gốc các chủng tộc,” chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về gốc gác, đặc điểm và sự phát triển của từng loài. Lần này, chúng ta sẽ đến với một giống loài rất được yêu mến trong các thể loại giả tưởng như “The Lord of the Rings” đó là “Elf”:

Có thể khẳng định rằng “Elf” là một trong những chủng tộc giả tưởng tuyệt vời nhất từng tồn tại trong các tác phẩm văn học giả tưởng hiện đại lẫn video game. Ai ai cũng yêu thích “Elf” bởi họ có diện mạo hào nhoáng, mọi cử chỉ và hành vi đều cho thấy sự văn minh, thông thái vượt trội so với những chủng tộc khác. Tuy nhiên ít ai biết được nguồn gốc xuất thân xa xôi của từ “Elf” mà thường họ chỉ biết đến những hiện thân phổ biến nhất thông qua loạt phim và tiểu thuyết kinh điển “The Lord of the Rings” như Legolas mà thôi.

Ảnh hưởng của tác giả J.R.R. Tolkien lên đề tài giả tưởng phương Tây là rất lớn, nó bao trùm lên nhiều thế hệ và tạo nguồn cảm hứng cho người ta sáng tạo nên những thế giới giả tưởng khác như “Dungeons & Dragons” hay “Warcraft”, để rồi chính chúng lại có ảnh hưởng ngược lại đến phiên bản phim mà chúng ta được xem trên màn ảnh.

Là một người Anh, Tolkien là một học giả về truyền thuyết, truyền thống và sự tích dân gian của người Anglo-Saxon, và đó chính là những cơ sở căn bản để ông xây dựng nên vũ trụ Middle-earth. Nhưng trong khi văn hóa “tiếng Anh” ngày nay có bao gồm một chút tiếng Pháp, tiếng Celtic và vô số thứ tiếng cổ điển khác, nguồn gốc cổ nhất của ngôn ngữ, tôn giáo và đặc biệt là chuyện dân gian của nó đều bắt nguồn từ tiếng Đức xa xưa.

Trong hình dạng này hoặc hình thái khác, “Elf” có sự tồn tại trong tất cả văn hóa liên quan tới Đức, từ bản thân nước Đức cho tới nước Anh, và lên tận khu vực Scandinavia. Về cơ bản, chúng là những sinh vật gắn liền với rừng, cánh đồng và những nơi hoang dã, đồng thời được tương truyền rằng có vẻ ngoài cực kỳ đẹp đẽ. Ngoài đặc điểm chung đó ra, mỗi văn hóa cổ điển ở Châu Âu lại có cách diễn tả khác nhau về bản tính của loài này, khiến chúng có đủ vai trò từ người giúp đỡ tốt bụng cho tới sinh vật săn mồi tàn bạo.

Ví dụ ở những văn tự thời trung cổ của Đức, “Elf” là một quái vật xấu xa, quỷ quái, nhưng đó cũng không phải hình tượng duy nhất. Nếu bạn tìm hiểu xa hơn nữa, “Elf” ở văn hóa Đức lại mang tính tích cực nhiều hơn, bởi trong tiếng Đức cổ có từ “Alberich” mang nghĩa nôm na là “sức mạnh elf”. Vì thế, những bản ballad ở thời Trung Cổ thường đặt “Elf” vào các vai trò kiểu như người chuyên đi cám dỗ người khác, nhưng tùy theo từng bài hát mà họ có thể một kẻ quyến rũ dễ mến hay là một kẻ thích đi mê hoặc hại người.

Hầu hết chuyện dân gian Đức đều coi “Elf” là những tinh linh rừng rậm, tồn tại trong cùng thế giới với chúng ta nhưng lẩn tránh con người bình thường, tuy nhiên truyền thuyết Na Uy lại có một hướng tiếp cận rất khác. Trong vũ trụ đó, “Elf” là nhiều chủng tộc hoàn toàn riêng biệt, trú ngụ ở những thế giới tách biệt khỏi chúng ta. Các “Elf” này được phân chia thành hai chủng chính là “Light Elf” và “Dark Elf”, chúng có sở hữu sức mạnh hơn người thường, nhưng chưa đủ đến độ thần thánh, và ngự trị ở hai cõi Alfheim và Svartalfheim.

Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả những gì mà ta có thể biết về chủng tộc “Elf”, bởi trong quá khứ chúng còn thường xuyên được dung nhập với những dạng sinh vật giả tưởng khác. Ví như trong các tác phẩm của nhà sử gia và nhà thơ nổi tiếng Snorri Sturluson, ông đã có nhiều nghiên cứu về văn hóa Na Uy cổ điển (nhờ đó mà ta có thể tiếp cận ở thời nay), và đã phần nào đó kết hợp “Dark Elf” với chính tộc “Dwarf” cũng sinh sống ở Svartalfheim, đồng thời hình tượng “Light Elf” và “Dark Elf” cũng là mô phỏng của “Thiên Thần” và “Ác Quỷ” theo Thiên Chúa Giáo, bởi bản thân Sturluson là một người theo đạo.

Ở thời Elizabeth, “Elf” lại được các nhà văn, nhà thơ và nhà viết kịch giai đoạn đó dung nhập với nhiều dạng tinh linh bé nhỏ như “Kobold”, “Gnome”, … và cả “Fairy” nữa. Qua đó, “Elf” trong những tác phẩm giả tưởng thời này thường có diện mạo bé nhỏ và đôi khi có cả đôi cánh giống các người họ hàng “Fairy” của mình. Nổi tiếng nhất có thể đến tác phẩm "Midsummer Night’s Dream" của đại văn hào William Shakespeare, nơi ông đã dung nhập nhiều khái niệm cổ về những sinh vật như "Puck", "Hodgoblin" và có cả Vua của loài "Fairy" với tên gọi Oberon, một từ khác có nguồn gốc từ tiếng Đức "Alberich".

Theo Geek

29 bức ảnh cho thấy "Forza Horizon 3" là game đua xe đẹp nhất từ trước tới nay