Người Hàn và câu chuyện vô duyên đến lạ kì với ông trùm Valve

MissingMiddle  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/07/2017 02:30 PM

Hàn Quốc vốn được biết tới là xứ sở của Esports khi đây là đất nước sở hữu rất nhiều game thủ nổi tiếng, vô số các tổ chức gaming và thậm chí là những player của họ còn đi sang nước ngoài thi đấu và được kính trọng vô cùng. Ấy vậy mà tại đất nước này, 2 tựa game lớn nhất của ông trùm làng game Valve là DOTA 2 và CS:GO lại bị ghẻ lạnh, nguyên nhân là do đâu?

Từ trước tới nay, Hàn Quốc được biết tới như là con cưng của Blizzard khi những tựa game của hãng game này đều được ưa chuộng tại đây như Warcraft, HearthStone, Heroes of the Storm, OverWatch thậm chí StarCraft được coi là “quốc game” của đất nước này.

Bên cạnh đó thì Blizzard và Valve vốn có hiềm khích từ lâu và đỉnh điểm là việc Blizzard kiện Valve khi họ phát hành DOTA 2, đương nhiên là Blizzard đã thua vì DotA vốn thuộc về IceFrog, nhưng dù sao thì sự đối đầu giữa hai ông trùm này là không thể phủ nhận.


Hai ông trùm làng game này không hề ưa nhau tẹo nào.

Hai ông trùm làng game này không hề ưa nhau tẹo nào.

Chính vì lí do đó mà nhiều người cho rằng một đất nước yêu thích Blizzard như Hàn Quốc sẽ không chơi game của Valve. Giả thuyết này nghe qua có vẻ hợp lí, nhưng nếu tính kĩ ra, đây chỉ là một nhân xét mang tính cảm quan mà thôi. Xét cho cùng thì Esports và ngành game cũng là công cụ kiếm tiền của các tổ chức gaming, nếu tựa game đó kiếm ra nhiều tiền thì không có lí do gì họ lại bỏ qua cả. Đặc biệt là khi DOTA 2 đang sở hữu giải đấu có giá trị lớn nhất thế giới như The International.

Nguyên nhân thật sự của việc vô duyên của người Hàn với Valve có lẽ là bản chất 2 tựa game DOTA 2 và CS:GO không phù hợp với người dân xứ sở KimChi. Lấy một ví dụ cụ thể ở tựa game Liên Minh Huyền Thoại, nơi mà người Hàn thống trị trong khoảng thời gian vô cùng dài với 4 và có thể là 5 chức vô địch thế giới. Xét cho cùng thì Liên Minh Huyền Thoại là một cuộc đối đầu giữa từng cặp người chơi của 2 bên: đường trên, đi rừng và đường giữa, vị trí xạ thủ và hỗ trợ cũng tương tự, chỉ khác là việc đây là cuộc đấu 2vs2.

Kẻ nào thắng đường sẽ là người giành được lợi thế, chính vì thế mà Liên Minh Huyền Thoại kĩ năng cá nhân được đặt lên hàng đầu. Điều này được minh chứng cực kì rõ ràng khi mà Riot thường xuyên tổ chức những giải đấu All Star, nơi qui tụ hàng loạt những cái tên xuất sắc của từng khi vực. Chính vì lí do đó, người Hàn luôn luôn vượt trội ở tựa game này vì họ luôn là những người giỏi nhất, tập luyện chăm chỉ nhất, họ luôn đánh bại những tay chơi ở khu vực khác ngay từ giai đoạn đi đường và qua đó snowball cả trận đấu. Không quá khó hiểu khi mà SKT T1 đang thống trị Hàn Quốc lẫn thế giới khi những con người của họ đều sở hữu kĩ năng quá cao, đặc biệt là thiên tài Faker.


SKT T1 thống trị thế giới bằng kĩ năng cá nhân cực cao của từng người chơi.

SKT T1 thống trị thế giới bằng kĩ năng cá nhân cực cao của từng người chơi.

Tương tự đó là trường hợp của StarCraft hay các tựa game khác như Warcraft, OverWatch, v.v, khi cho dù đây là những tựa game chiến thuật, nó vẫn là cuộc đấu 1vs1 giữa hai người chơi hay cuộc đối đầu nhỏ lẻ của từng vị trí của hai bên, và khi những người Hàn Quốc có thể đè skill của đối phương thì việc họ thống trị ở những tựa game này là điều đương nhiên.

Còn ở CS:GO hay DOTA 2 thì điều này lại vô cùng khác biệt. DOTA 2 có hơn 100 vị tướng có bộ skill riêng biệt, những vị trí của Hero không bị bó hẹp ở một khu vực nhất định như Liên Minh Huyền Thoại, chính vì thế mà có những chiến thuật cực kì độc đáo được sinh ra và xóa mờ đi khoảng cách kĩ năng của những người chơi. Để có thể tìm ra, phát triển và thực thi những chiến thuật dị biệt như vậy, trong một team luôn cần những thủ lĩnh có đầu óc tính toán tuyệt vời và khả năng lãnh đạo tốt.

Hãy lấy PPD làm ví dụ, EG của anh lên ngôi tại TI5 một cách đầy thuyết phục cho dù trước giải đấu Secret với đội hình AllStar mới là ứng cử viên nặng kí nhất hay trong thời gian của TI5, CDEC hay LGD có phong độ cực cao mới là những cái tên được nhiều người nghĩ sẽ vô địch. Tuy nhiên bằng khả năng tính toán hay “hack não” tuyệt vời của mình, anh đã mang lại cho EG những lợi thế vô cùng to lớn ngay từ khâu ban pick và qua đó lên ngôi tại TI5 với tư cách là team đầu tiên của xứ sở cờ hoa vô địch TI.


Để vô địch một giải đấu lớn của DOTA 2 như TI thì vai trò của người đội trưởng là cực kì quan trọng.

Để vô địch một giải đấu lớn của DOTA 2 như TI thì vai trò của người đội trưởng là cực kì quan trọng.

Hay như CS:GO cũng vậy, cho dù là một tựa game FPS nhưng tình chiến thuật, khả năng di chuyển đội hình và đọc trận đấu của đội trưởng mới là thứ được đặt lên hàng đầu chứ không phải là việc cậy skill “tay to” là có thể vô địch. Không quá khó hiểu khi mà Astralis đang là đội game CS:GO hàng đầu thế giới khi họ sở hữu Glaive, một người đội trưởng có khả năng chỉ huy và đọc trận đấu cực kì tốt.

Chính điểm đó đã làm cho người Hàn nản lòng trước những đứa con cưng của Valve, họ có thể tập luyện gấp đôi người khác, họ có thể đi đường vượt trội so với đối phương hay họ có thể tập luyện được skill aim như những top player nhưng người Hàn không thể tìm ra được những người đội trưởng xuất chúng như PPD, xiao8, Fly ở DOTA 2 hay Glaive, Fallen của CSGO. Có lẽ những người Hàn Quốc cũng nhận ra được điều này và những tuyển thủ mạnh nhất của họ đang lưu lạc ở những phương trời xa xôi khác hay tìm tới những thủ lĩnh có uy tín để có thể phát triển hơn mà thôi.


Team DOTA 2 thành công nhất lịch sử DOTA Hàn Quốc cũng mỗi người một nơi sau TI6.

Team DOTA 2 thành công nhất lịch sử DOTA Hàn Quốc cũng mỗi người một nơi sau TI6.