Ngẫm mà xem , điện ảnh 2017 đã xúc phạm trí thông minh chúng ta như thế nào?

Hiếu Chấy  - Theo Helino | 06/02/2018 03:57 PM

Bạn nghĩ bạn thông minh? Danh sách sau đây có thể khiến bạn phải tự chuẩn đoán lại trí khôn của mình!

2017 là một năm của kha khá những tác phẩm để lại dấu ấn: Get Out , A Ghost Story hay là Call Me by Your Name ,… Thế nhưng, để nói đến những thảm họa điện ảnh thì nhiều vô kể. Nếu như xem phim quá nhiều ảnh hưởng đến não bộ, thì những bộ phim được nhắc tới sau đây chắc chắn đã tàn nhẫn giựt đứt một số dây thần kinh trung ương của bạn mất rồi.

1. Mấy bộ phim hạng R nhảm nhí…

Rõ ràng, chúng ta đã dành hết cả một thanh xuân tươi đẹp vừa qua nằm phè phỡn xem những bộ phim hài người lớn nhảm nhí chứa đầy mấy câu thoại về tình dục.

Thật ra, không phải tất cả các bộ phim hài 2017 đều tệ hại. Vẫn có một số gương mặt khá khẩm và thực-sự-hài-hước giả sử như Girls Trip hay vài bộ phim hài indie khác. Thế nhưng, cứ mỗi Ingrid Goes West hay I, Tonya thì lại có thêm một Baywatch hay Bad Mom’s Christmas hoặc thậm chí là một mớ bòng bong vớ vẩn hơn như Snatched hay Rough Night. Nhân vật thì ngu ngơ, tình tiết thì câu khách, và các anh chàng động dục thì gần như hét toáng lên mỗi khi có cảnh hở hang. Tôi gần như đã chết sặc sau 2 tiếng đồng hồ bị nhồi nhét chuyện tình dục vào đầu, tương tự như khi xem 50 Sắc Thái.

Chúng tôi thực sự thông minh hơn các ông tưởng đấy, Hollywood ạ.

2. Hậu truyện, rất nhiều hậu truyện!

Người ta nói định nghĩa của sự dở hơi chính là làm đi làm lại một việc nào đó nhưng lại mong chờ kết quả khác nhau. Nếu nói như vậy là đúng thì chắc gần một nửa Hollywood đều nên đi gặp bác sĩ từ lâu mất rồi!

Hậu truyện, hậu truyện và hậu truyện, thậm chí những thương hiệu phim đã nằm im từ lâu cũng bị dựng dậy để làm thêm hậu truyện, mà không phải phần phim nào cũng hay. Tất nhiên, những nhà làm phim này có lý do của họ: các thương hiệu phim nổi tiếng luôn là công cụ "đào vàng" dễ dàng nhất, cho dù chất lượng có đến mức nào đi chăng nữa. Và thế là chúng ta – tất cả những kẻ vẫn mù quáng bỏ tiền ra để đi xem – hẳn phải là những tên đại ngốc.

Năm 2017, trí khôn của bạn đã giảm một bậc khi liên tục đâm đầu vào trò đùa kém khôn của Michael Bay (cái phim Transformers dở phát ói) hay phần phim đáng khiếp đảm nhất của Pirates of the Caribbean.

Tất nhiên, để những người xem như chúng ta bước chân ra rạp nghĩa là chúng ta vẫn còn niềm tin về bộ phim như lời quảng cáo. Thế nhưng suốt từ lần này đến lần khác, hóa ra chúng ta chỉ đang ủng hộ sự thiếu độc đáo của Hollywood, đồng thời khiến bản thân bị dắt mũi mà không hay.

3. Chán hậu truyện? Đã có thêm remake và reboot

2017 đánh dấu sự trở lại của rất nhiều thương hiệu phim nổi tiếng. Chúng ta đã được xem Beauty and the Beast với giọng rất-nỗ-lực của Emma Watson, rồi Ghost in the Shell không những không hay bằng bộ phim hoạt hình gốc mà còn có can đảm để cho Scarlett Johansson đóng vai nữ chính người Nhật, hay thậm chí là Flatliner – một bộ phim thảm họa làm lại từ một bộ phim trung bình.

Lại có thêm một bộ phim Murder on the Orient Express nữa, và đỉnh điểm của sự kinh hãi chính là "siêu phẩm" của Tom Cruise: The Mummy.

Không, chuyện làm lại một tác phẩm nổi tiếng không có gì là xấu cả. Thậm chí, trong một vài trường hợp như The Thing hay True Grit, việc thực hiện lại kịch bản gốc với sự hỗ trợ của công nghệ và chỉnh sửa hợp lý, kết quả thậm chí còn hoàn hảo hơn. Thế nhưng đối với phần lớn những tác phẩm làm lại năm vừa rồi, hiếm có những chi tiết hay thay đổi mới mẻ nào thực sự được đưa ra, và chúng ta – những người xem phim – thật ra chỉ đang bị "bón" cho những ý tưởng cũ mèm, giống như mấy đứa bé bị bà mẹ lừa đủ trò để ăn cho xong bát bột vậy.

4. Một nùi kiến thức sai lệch.

Geostorm – gần như là bộ phim dở hơi nhất 2017, đã dạy chúng ta rằng cách để chống bão chính là bắn đạn vào nó. Thật ra cách tốt nhất là hãy mặc lấy cái áo mưa nhé!

Life và Alien: Covenant đã dạy chúng ta rằng cứ thoải mái mà gây sự, đánh nhau với các thực thể bên ngoài trái đất, vì rõ ràng loài người thật thông minh và tân tiến biết bao.

Split bất ngờ dạy bạn rằng những bệnh tâm thần như Rối loạn đa nhân cách (DID) mà nhân vật chính trong phim gặp phải có thể khiến người bệnh sở hữu năng lực siêu nhiên chống đạn, trèo tường. Thực chất, những người gặp triệu chứng này thường có xu hướng làm tổn thương bản thân hơn những người khác, và sự thay đổi giữa các nhân cách cũng không dễ nhận ra như trên phim.

5. Dành riêng một phần cho Emoji luôn!

Bạn có thể làm được gì tốt cho cuộc đời? Đi dạo một vòng, đi trồng cây gây rừng, đi học thêm một tài lẻ mới,… Nhưng nếu bạn dành thời gian để xem Emoji, thì xin chúc mừng, bạn đã lại một lần nữa phá hủy cuộc đời mình.

Là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Mâm Xôi Vàng, Emoji – thứ sản phẩm lẽ ra cần phải được quên đi - xứng đáng được đứng riêng trong danh sách này.

Không hiểu rằng động lực nào đã giúp những nhà làm phim quyết định biến cái kịch bản dị hợm của bộ phim này thành hiện thực, nhưng kết quả thì ai cũng đã biết: một mớ hỗn tạp dài 86 phút giả dạng một bộ phim dành cho gia đình đầy những hỉ - nộ - ái - ố không ai thèm quan tâm (bởi vì quá nhạt nhẽo!).

Không những chỉ đơn thuần là dở, những bộ phim như Emoji thậm chí còn thiếu đi sự nhân văn đáng lẽ phải có. Thay vì đưa ra bất kỳ gợi ý nào cho việc con người đang trở nên quá nghiện ngập và lệ thuộc vào điện thoại, Emoji thậm chí còn cổ vũ cho hành động này của chúng ta. Và kết cục là tất cả chúng ta sẽ ngu dốt hơn, giống như bộ phim này vậy.