Mùa game cuối năm toàn hàng khủng nhưng lắm người Việt thờ ơ: Bội thực hay vì lý do gì khác?

Nút Chuối  - Theo Helino | 16/12/2017 0:00 AM

Thế vì đâu mà căn bệnh "cảnh vẻ", không mặn mà gì với game mới, thờ ơ mỗi mùa game lại xuất hiện như vậy?

Không phải riêng mình bản thân bạn đâu, mà ngay cả chúng tôi, hay rất nhiều game thủ Việt khác cũng từng có cảm giác vô cùng ngao ngán khi những game đỉnh ra "từng đàn", hay có, dở có, nhưng hầu hết chẳng thể nào níu chân bạn lại được. Đó chính là cảm giác "chán game". Tình trạng này xảy ra đặc biệt nhiều vào thời điểm cuối năm khi cứ cách 2 3 ngày lại có một bom tấn ra mắt, vừa để bắt kịp mùa mua sắm của cư dân phương Tây, vừa để kịp đợt "chốt" danh sách những game cạnh tranh các giải thưởng lớn của các trang web cũng như các sự kiện lớn về game những ngày cuối cùng trong năm.

Nếu như phim ảnh có hai mùa, mùa phim bom tấn hè và mùa đông, với những siêu phẩm được ra rạp đúng dịp học sinh, sinh viên được nghỉ hè, thì mùa game lại đổ dồn về mùa đông, tức là khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11. Đấy là xét riêng về thị trường game nước ngoài. Còn ở làng game Việt, mùa game online diễn ra quanh năm, nhưng mạnh nhất là sau dịp Tết nguyên đán và mùa tựu trường. Khi ấy cộng đồng game thủ đang còn ngồi trên ghế nhà trường có dịp thưởng thức game nhiều nhất thay vì phải ở nhà cả ngày để các bậc phụ huynh quản lý.

Quay trở lại với hội chứng chán game. Khi ấy chúng ta tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ chơi game, hoặc chí ít là không đụng đến những tựa game mới nữa. Thế nhưng khi những bom tấn thực sự hấp dẫn ra mắt, chúng ta lại trở lại thế giới ảo đầy hào hứng và há hốc mồm kinh ngạc với món ăn tinh thần mà các nhà phát triển đã bỏ công sức dành tặng cho chúng ta.

Thế vì đâu mà căn bệnh "cảnh vẻ", không mặn mà gì với game mới, thờ ơ mỗi mùa game lại xuất hiện như vậy?

Game mới không hay bằng game cũ

Thật sự. Nó giống như kiểu so sánh một huyền thoại, một tuyệt phẩm với một món ăn thường thường bậc trung mà năm nào cũng có vậy. Lấy ví dụ Call of Duty và CS:GO. Một game năm nào cũng có bản mới. Game còn lại đã ra mắt từ năm 2012 nhưng trải qua nhiều lần cập nhật và tái cân bằng game. Tôi thực sự không so sánh cộng đồng fan của cả hai, thế nhưng ở một chừng mực nhất định, giờ đây CS:GO lại có được sức hút mạnh mẽ hơn nhiều so với Call of Duty xét về mặt đấu trường chuyên nghiệp. Trong khi các giải đấu Call of Duty vẫn diễn ra, rất nhiều tuyển thể thao điện tử tại Bắc Mỹ, thánh địa của CoD cũng đã rục rịch tuyển các team CS:GO về dưới màu áo của họ.

Một ví dụ khác, The Witcher và Assassin's Creed. Ở chừng mực nhất định, chúng đều là những game hành động thế giới mở với phong cách gameplay chặt chém là chủ yếu. Một bên có phép thuật, bên còn lại có ám khí, và cốt truyện của chúng đều hấp dẫn ở những nét rất riêng. Thế nhưng, mỗi lần CD Projekt Red ra mắt một phiên bản The Witcher, cộng đồng lại sốt xình xịch, kể cả khi có những lỗi lặt vặt ngày đầu game phát hành cũng chẳng mấy ai phàn nàn, điều này thì ai làm game PC cũng không thể tránh khỏi.

Còn Assassin's Creed, vì quá vắt sữa mà cộng đồng cũng thờ ơ, chỉ quan tâm tới đồ họa và cốt truyện vì lối chơi vốn đã quá quen thuộc chẳng có quá nhiều mới mẻ. Trong khi The Witcher vẫn là hệ thống gameplay như vậy, vẫn hai thanh kiếm và 5 phép thuật thì lại chẳng bị ai chê cười cả. Lý do rất đơn giản, Assassin's Creed có làm tốt đến đâu đi chăng nữa cũng khó lòng có thể bì được với thế giới quá ấn tượng mà các nhà làm game người Ba Lan đã tạo ra. Việc bỏ thời gian chăm chút cho game luôn đem lại kết quả tốt hơn so với việc vắt kiệt sức lao động của các studio để game kịp thời điểm ra mắt thường niên.

Nói ngắn gọn, game mới chưa chắc đã đẹp hơn, hay hơn game cũ.

Nhà nhà "đạo", người người "làm nhái"

Saints Row, Just Cause, Mafia III, Crackdown,... Tất cả chúng đều có một điểm chung, đó là cố gắng tái tạo lại thành công rực rỡ của GTA, series game nổi tiếng nhưng cũng chẳng kém phần tai tiếng. Hệ quả là những game thủ khi nghe đến "thế giới mở tự do" cộng với "hành động" mặc định sẽ nghĩ ngay đến GTA một cách vô cùng ám thị. Kể cả khi tựa game có khác biệt đến đâu đi chăng nữa, người chơi vẫn sẽ có chút cảm giác họ đang chơi một phiên bản GTA "trá hình", thiếu trầm trọng cá tính riêng của game đó.

Cũng không thể đổ hết lỗi cho những game đó được. Có trách thì chỉ biết trách GTA đã quá nổi tiếng mà thôi. Thế giới mở đâu phải một thể loại mà GTA độc quyền? Thế nhưng thay vì tạo ra những phong cách riêng có, thì nhiều game lại có sự tương đồng đến đáng sợ với những bậc tiền bối vốn đã đi vào huyền thoại.

Một cái tên khác phải kể đến chính là Diablo. Nếu bạn bỏ ra 5 giây gõ cụm từ Diablo tìm kiếm ở đầu trang web, chúng ta sẽ thấy ít nhất 10 game online với lối chơi "hậu bối của Diablo". Quả thật bước tiến từ game nhập vai theo lượt sang thời gian thực của Diablo 20 năm về trước đã khiến nó cùng cả series trở thành tượng đài. Nhưng đi kèm với đó chính là những tựa game với lối chơi copy gần như hoàn hảo, từ bối cảnh, kỹ năng nhân vật, class, item, thậm chí cả cách triển khai các dungeon trong game. Thậm chí cả cách hiển thị thanh máu và mana đối xứng trên HUD cũng được copy giống hệt!

Hay điển hình là PUBG. Sau một thời gian ra mắt, hàng loạt những bản clone ăn theo cũng xuất hiện với tốc độ nhanh như tên lửa.

Đó là nước ngoài. Việt Nam cũng chẳng khác mấy. Nhiều game mobile hay game online hiện nay có lối chơi giống nhau đến đáng sợ. Cũng có auto, tự động làm nhiệm vụ, cũng có chiến đấu theo lượt, nâng cấp tướng, cường hóa vật phẩm. Đành rằng chúng là những tính năng không thể thiếu trong bất kỳ MMORPG nào, nhưng nó được triển khai một cách tương đồng đến mức dường như khi game mới ra mắt, chúng ta lại được chơi một tựa game y hệt, chỉ khác mỗi nhân vật, khung cảnh và... tên game mà thôi.

Hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều

Chúng tôi đã từng phân tích cho các bạn trường hợp của No Man's Sky. Nó chính là ví dụ tuyệt vời nhất của cụm từ "hứa suông" mà nhiều nhà phát triển game đã mắc phải. Từng có thời kỳ game thủ phát điên vì những siêu phẩm của Ubisoft bị hạ thấp hết cỡ cấu hình, chẳng giống những gì nó được miêu tả trong các đoạn trailer tại sự kiện game.

Nhưng dù "drama" có là gì đi chăng nữa, thì chắc chắn game thủ vẫn sẽ có những lần thất vọng nữa. Đó chính là lúc, game thủ không dám liều thêm một lần nữa tin tưởng vào các nhà phát hành, sợ lời hứa sẽ biến thành bom xịt.

Rồi dần dà cộng đồng game thủ hành xử chẳng khác gì những cô nàng từng bị tình yêu phản bội, rồi tự dối lòng "đàn ông ai cũng vậy". Đối với chúng ta, "đàn ông" chính là những tựa game với những NPH game lớn. Khi game ra mắt không được như kỳ vọng, chúng ta chê bai, tẩy chay một NPH, nhưng đến dự án tiếp theo, chúng ta lại tiếp tục với những cung bậc hỉ, nộ, ái, ố y như lần đầu tiên vậy.

Điều này bất chợt làm tôi nhớ đến câu nói của Vaal trong Farcry 3: "Mày có biết thế nào là điên rồ không? Là làm đi làm lại một việc, hết lần này đến lần khác, và mong chờ mọi việc sẽ thay đổi."

Vì... không crack được

Với một thị trường vẫn còn chuộng game crack như ở Việt Nam, việc bỏ 60 USD ra để chiến game là điều xa xỉ với rất nhiều người. Tôi chưa nói đến tác hại của crack hay ích lợi của game bản quyền, mà bản thân nhiều người yêu game cũng chẳng thể nào kiếm ra được số tiền đó để mua vui cho bản thân khi mà cơm áo gạo tiền còn đang là mối lo treo lơ lửng.

Và khi game ra mắt, ngoài việc xem clip trên YouTube hoặc mượn tài khoản bạn bè chơi thử, nhiều người trong chúng ta chỉ biết tìm đến crack hoặc chờ đợi những mùa giảm giá để sở hữu những game đó với giá mềm, chứ 1 triệu 2 chắc chắn là con số khó có thể nghĩ đến.

Vô hình chung, chính crack cũng đã tạo ra một lý do nữa khiến chúng ta thờ ơ với game mới ra mắt. Hãy nhìn vào một số game sử dụng Denuvo 4.8 mới đây. Chúng đều chơi rất hay, thậm chí còn hay hơn cả phiên bản trước đó. Nhưng vì sao cộng đồng game thủ Việt không quan tâm? Rất đơn giản, vì nó sử dụng DRM Denuvo, và không thể crack được. Đơn giản chỉ có vậy thôi.

Đến khi có một bom tấn được crack thành công, bỗng nhiên nó lại trở nên rất hot trên các diễn đàn và group Facebook dành cho game thủ ở Việt Nam, cho dù nó đã ra mắt từ cả năm về trước.