“Tôi đã nghiện game mobile ra sao”

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 09/10/2012 0:00 AM

Nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thưa các bạn độc giả, ngay sau khi bài viết nói về những tác hại khi lạm dụng quá mức game mobile được “lên sóng”, GameK đã nhận được không ít phản hồi của nhiều độc giả. Một điều khá bất ngờ đối với GameK, đó là trong số những phản hồi này, có cả những bức thư của không ít ông bố, bà mẹ đã và đang có những đứa con “lậm” game mobile vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. Bện cạnh những lời tâm sự của các bậc phụ huynh, đó là những chia sẻ của các bạn trẻ, những người đang hàng ngày bỏ nhiều tiếng đồng hồ chỉ để lướt Facebook và “đốt pin” với những tựa game trên chiếc điện thoại.
 
toi-da-nghien-game-mobile-ra-sao
 
Có lẽ điểm chung trong tất cả những bức thư chia sẻ gửi đến GameK, đó là sự đồng tình với những tác hại cả ngắn hạn lẫn dài hạn đã được đề cập trong bài viết đã ra mắt cách đây không lâu. Tuy nhiên, cũng có nhiều chia sẻ gửi đến chúng tôi, đưa ra thiếu sót của chính GameK, đó là đã bỏ quên không đề cập những triệu chứng “nghiện game mobile”. Và trong bài viết lần này, GameK xin chia sẻ một vài hiện tượng rất đặc trưng của một con nghiện game mobile. Nếu bạn đang vướng vào một hoặc một vài “triệu chứng” dưới đây, thì rất có thể bạn đang là một con nghiện game trên di động đúng nghĩa!
 
Chơi game mọi lúc mọi nơi
 
toi-da-nghien-game-mobile-ra-sao
 
Trên xe bus, công viên hay thậm chí cả lúc hẹn hò; chúng ta dễ dàng thấy những người trẻ cầm trên tay một chiếc smartphone và say sưa “luyện” game bất kể xung quanh. Cách đây vài năm, những hình ảnh này khá hiếm gặp, một phần do giá các smartphone còn chat, phần khác là các đầu game còn chưa phong phú và hấp dẫn. Khi đã cắm đầu vào thì cho dù xung quanh có xảy ra điều gì bạn vẫn… bình chân như vại hay nói cách khác là thờ ơ. Về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tâm lí và nhận thức của bạn về những người xung quanh.
 
Luôn “đói” game
 
Sự ra đời của các smartphone và tablet như iPad đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền công nghiệp game cũng như khách hàng. Với tốc độ ra mắt tựa game mới đến chóng mặt song hành cùng các phiên bản mô phỏng theo các tựa game nổi tiếng. Chúng ta, những khách hàng tiềm năng luôn có cảm giác cồn cào và thèm muốn thử nghiệm các tựa game mới luôn ra mắt mỗi ngày, hay thậm chí theo dõi thông tin của game từ những ngày ý tưởng mới rậm rịt còn trên bàn giấy. Nói về độ cuồng tín của các game thủ mobile, đôi lúc họ còn có phần hơn các game thủ ở các nền tảng khác như PC hay Console. Chỉ một vài từ khóa trên google, chúng ta dễ dàng tìm thấy các diễn đàn và website các topic thảo luận rất sôi nổi hay các bản tin game luôn cập nhật hàng ngày.
 
Thay đổi những thói quen, kể cả ăn uống
 
toi-da-nghien-game-mobile-ra-sao
 
Để dỗ dành trẻ con, một số bậc phu huynh phải lôi iPad ra để chúng lấy đó làm “động lực” để ăn uống, nếu không bạn sẽ không tưởng tượng được hành vi của lũ trẻ sẽ như thế nào. Giới trẻ thay vì sinh hoạt với cộng đồng khi đến những nơi công cộng thì lại lôi smartphone ra và tự cách biệt với bạn bè xung quanh. Đến những quán café xung quanh thành phố, dễ dàng thấy những nhóm bạn trẻ cầm trên tay chiếc điện thoại đắt tiền chúi đầu vào chơi game hàng giờ thay vì bàn luận chém gió một vấn đề nào đó. Những sự thay đổi tuy nhỏ, nhưng một phần đã khiến sự nhận thức của các bạn chuyển biến theo chiều hướng xấu.
 
Từ chối trách nhiệm
 
Vì tính chất nhỏ gọn của smartphone và các trò chơi đơn giản dễ gây nghiện có thể khôi phục lại tình trạng đang chơi ở bất kì đâu, bất kì lúc nào, nó vô tình khiến bạn trở thành một zombie-nghiện-game đúng nghĩa. Chỉ một chút sai vặt hay nhờ vả của bạn bè người thân cũng làm cho bạn gắt gỏng nóng giận. Bạn rất ghét bị làm phiền giữa phiên chơi game của mình, thay vì đó ỷ lại hoặc mặc kệ trách nhiệm được giao cho ai đó: “Nếu ai đó làm được thì tại sao tôi phải làm điều đó?”. Suy nghĩ dần dần trở nên bị động và thiếu đi động lực trong cuộc sống và công việc.
 
Dễ ganh đua
 
toi-da-nghien-game-mobile-ra-sao
 
Tình trạng này hầu như đều xuất hiện và là đại diện chung cho cái gọi là nghiện game. Thay vì những bộ đồ khủng hay level cao trong các game PC/Console có phần phức tạp, game mobile lại hướng ta đến sự ganh đua các chỉ số với nhau. Hầu như những tựa game hiện giờ đều kết nối với các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter; tính chất chia sẻ dễ dàng và nhanh chóng các điểm số dễ làm kích thích tính tò mò cũng như nóng mặt ai đó. Cuộc đua giữa những người chơi sẽ xuất hiện, điều này là con dao 2 lưỡi. Ganh đua là tốt vì chúng ta có động lực, nó giúp thúc đẩy suy nghĩ không những trong game mà còn là cuộc sống. Tuy nhiện, lạm dụng nó chỉ đơn thuần khiến người chơi dính vào game đó suốt ngày và không thể suy nghĩ về điều gì khác . Một ví dụ nhỏ về Fruit Ninja. Nó là một tựa game đơn giản, nhưng sẽ khiến bạn dành cả ngày cho nó chỉ để khoe số “sao” giành được với bạn bè.