Những tuyên bố gây tranh cãi của làng game Việt gần đây

PV  | 28/04/2013 12:20 AM

Cùng GameK điểm qua những tuyên bố đầy tranh cãi của những ông lớn trong làng game Việt thời gian vừa qua.

Đôi khi đó là những scandal xoay quanh các nhà phát hành, cũng có lúc một vài game thủ được trở thành chủ đề bàn tán của làng game Việt. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ điểm qua một số tuyên bố đầy tranh cãi của các nhà phát hành game Việt Nam trong thời gian gần đây.

VTC: “Hacker sẽ khó có cửa sống trong Đột Kích”

Đó là lời tuyên bố đầy tự tin của ông Lê Minh Ngọc, trưởng dự án game Đột Kích phát biểu với giới báo chí trong lễ ra mắt phiên bản update tháng 4 của tựa game online bắn súng nổi tiếng nhất thời điểm hiện tại.

Những tuyên bố gây tranh cãi của làng game Việt gần đây 1

Thế nhưng, đối với mỗi game thủ tham gia Đột Kích, hack có vẻ như đã trở thành một “nét văn hóa” trong game, khi người người gian lận, nhà nhà gian lận. Cộng với đó là việc trong quá khứ, đã có không ít lần VTC Game quyết tâm ra tay ngăn chặn nạn hack trong Đột Kích, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tất cả những cố gắng của NPH này đều không mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chính vì lẽ đó, đông đảo game thủ đam mê tựa game này đã lên tiếng phản pháo lại tuyên bố này của đại diện phía VTC Game, cho rằng đó đơn thuần lại là một lời hứa suông nữa đến từ nhà phát hành, và tình trạng game thủ gian lận sẽ không thể nào thuyên giảm.

Những tuyên bố gây tranh cãi của làng game Việt gần đây 2

Có vẻ như cộng đồng game thủ đã đúng. Gần như ngay sau khi phiên bản update 1107 mang tên Vũ Khí Tối Thượng ra mắt, trên không ít trang web chui chia sẻ công cụ gian lận của game thủ Việt, phần mềm hack dành cho phiên bản mới nhất cũng đã “lên sóng” và theo nhận định một số người chơi game, tình trạng hack trong Đột Kích vẫn không khác gì thời điểm trước khi ông Lê Minh Ngọc có phát biểu kể trên.

OneC: “Đại Việt Truyền Kỳ là game do chúng tôi tự sản xuất”

Đây cũng là một tuyên bố gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng game thủ kể từ khi những tấm hình concept đầu tiên của Đại Việt Truyền Kỳ được giới thiệu đến cộng đồng game thủ. 

Những tuyên bố gây tranh cãi của làng game Việt gần đây 3

Khi những bức hình concept nhân vật của Đại Việt Truyền Kỳ được những trang tin game trong nước đăng tải, đã có không ít người phát hiện ra cái chất “Trung Hoa” quá sâu đậm trong những bức vẽ tạo hình nhân vật như thế này. Thêm vào đó, một số game thủ cũng nghi ngờ tạ game được quảng cáo là “game thuần Việt” này chỉ là một sản phẩm được xào nấu lại từ một webgame Trung Quốc.

Những tuyên bố gây tranh cãi của làng game Việt gần đây 4

Đến khi game chính thức ra mắt, cộng đồng lại càng có thêm những bằng chứng cho rằng chất thuần Việt của game chỉ tồn tại trên chữ nghĩa, tức là những nhân vật và nhiệm vụ trong game, còn lại tất cả những chi tiết đồ họa của Đại Việt Truyền Kỳ đều toát lên bản sắc rất khó nhầm lẫn của ngành công nghiệp game Tàu.

GOSU: “Chúng tôi mua Cửu Âm Chân Kinh với giá 20 tỉ Đồng”

Khi Cửu Âm Chân Kinh, game online kiếm hiệp bom tấn còn đang làm mưa làm gió làng game trong nước, thì GOSU, nhà phát hành tựa game này lại tiết lộ về cái giá họ phải bỏ ra để sở hữu tựa game này từ tay Cubinet, nhà phân phối độc quyền Cửu Âm Chân Kinh tại khu vực Đông Nam Á.

Những tuyên bố gây tranh cãi của làng game Việt gần đây 5

Theo GOSU, con số trên hợp đồng mua bán được ấn định là 950.000 USD (khoảng 20 tỉ Đồng) đã khiến không ít game thủ Việt Nam choáng váng. Tuy nhiên gần như ngay lập tức, tranh cãi giữa cộng đồng game thủ đã nổi lên về mức độ xác thực của dãy số 11 chữ số kể trên.

Những tuyên bố gây tranh cãi của làng game Việt gần đây 6

Kỳ thực, theo nguồn tin riêng của GameK, thì thỏa thuận hợp tác giữa GOSU và Cubinet về sản phẩm Cửu Âm Chân Kinh có cái giá rất rẻ, đơn giản vì hai bên đã thỏa thuận ăn chia lợi nhuận của tựa game. Còn ở thời điểm hiện tại, khi nhà phát hành này đã bỏ rơi chính đứa con của mình, thì mức độ xác thực về bản hợp đồng 20 tỉ lại càng được chứng minh trong mắt các game thủ.

Game5: “Đặt tên game theo logo… rồng lộn ngược!”

Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ khoảng thời gian đầu tháng 3 vừa qua, khi một webgame mới được nhà phát hành Game5 quảng bá tại Việt Nam. Mọi chuyện chắc chắn sẽ không có gì rùm beng, nếu như cái tên của game không phải là… Rồng Lộn! Ngay lập tức tựa game đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi và tẩy chay vì cách đặt tên game quá dung tục và phản cảm.

Những tuyên bố gây tranh cãi của làng game Việt gần đây 7

Thanh minh cho cái tên này, giám đốc sản phẩm của Rồng vào thời điểm đó đưa ra lý lẽ cho rằng: “Đầu tiên, tình cờ trong quá trình làm việc, đối tác gửi file logo sang, không hiểu sao khi chúng tôi mở ra lại bắt gặp hình ảnh con rồng bị treo lộn ngược. Một hình ảnh khá hài hước. Bên cạnh đó, năm nay đã là năm Rắn rồi, thế mà chúng tôi vẫn cho ra mắt sản phẩm với chủ đề Rồng, cứ như lội ngược dòng, nên cả nhóm đùa bảo rằng Rồng này hình như là Rồng lộn ngược.”

Những tuyên bố gây tranh cãi của làng game Việt gần đây 8

Nếu những chia sẻ của vị giám đốc này là sự thật, thì webgame Rồng đã vô tình rơi vào tình trạng tình ngay lý gian, khi cái tên của họ chỉ cần đọc lái đi là sẽ trở thành một cụm từ cực kỳ phản cảm. Cũng chính vì thế mà Rồng không có được sự ủng hộ cần thiết của cộng đồng game thủ khi ra mắt.