Game thuần Việt sẽ đi về đâu?

PV  | 11/01/2013 12:01 AM

Với tình hình thị trường hiện tại, quá khó để các MMO "made in VN" đánh bật được game ngoại.

Kể từ khi Thuận Thiên Kiếm của VNG ra đời đến nay, cụm từ "game thuần Việt" luôn giành được sự quan tâm lớn từ phía cộng đồng. Đặc biệt, sự xuất hiện của một loạt cái tên trong khoảng 2 năm trở lại đây như 7554, SQUAD, 2112 Revolution, G3... càng khiến nhiều người mơ về tương lai xán lạn cho ngành phát triển game nội địa.

Game thuần Việt sẽ đi về đâu? 1
 
Chẳng nói đâu xa, cách đây chừng chục năm ngành game Trung Quốc cũng đứng trước bờ vực khi cả thị trường bị MMO Hàn Quốc xâm chiếm. Tuy nhiên nhờ nhiều nỗ lực vượt bậc, chỉ trong vòng 2, 3 năm ngắn ngủi thì tới khoảng năm 2006-2007, quốc gia này về cơ bản đã thâu tóm trở lại mảnh đất quê nhà từ tay quốc gia láng giềng. Thậm chí hiện tại, cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Phương Tây đều lo ngại thế lực quá mạnh của ngành game xứ Gấu trúc.
 
Về lý thuyết, Việt Nam cũng đang được kỳ vọng sẽ lặp lại thành tích phi thường trên. Thế nhưng thực tế thì sau hơn 2 năm phát triển ồ ạt, ngành phát triển game nước nhà lại đang đi dần vào ngõ cụt. Thậm chí nhìn về năm 2013, hiếm ai có thể có con mắt lạc quan.
 
Quá khó để đột phá
 
Nếu như thời kỳ mà ngành game Trung Quốc nở rộ có một phần hỗ trợ khá lớn từ việc vận dụng bối cảnh lịch sử phong phú cộng với nền võ học đã quá nổi tiếng của quốc gia này (liên tục tung ra các MMO về đề tài võ hiệp, tam quốc...), thì nhìn lại ở Việt Nam, sự tương đồng văn hóa lại đang khiến chúng ta tự gây khó cho mình.

Game thuần Việt sẽ đi về đâu? 2
Cảnh người chơi chen chúc tham gia event trong Thuận Thiên Kiếm.
 
Người Việt quá quen và quá say mê các tác phẩm lịch sử và văn học Trung Quốc đến nỗi họ cảm thấy gần gũi hơn hẳn với các MMO võ hiệp tới từ quốc gia phương Bắc. Trong khi đó, lịch sử Việt Nam cũng rất hào hùng nhưng lại ít được tìm hiểu, ít xuất hiện trên phim ảnh và lại càng khó để chọn một đề tài lớn vào game (đó là chưa kể tới các vấn đề tế nhị).
 
Đừng trước hoàn cảnh đó, hy vọng sử dụng cốt truyện Việt để tạo nên đột phá so với các MMO Trung Quốc là quá khó khăn. Còn nếu lấy cốt truyện thần thoại phương Tây hoặc khoa học viễn tưởng thì lại quá xa với thị hiếu của giới trẻ, đến nỗi bây giờ ngay cả các NPH nhiều vốn cũng không dám phát hành chúng chứ chưa nói đến bỏ tiền ra sản xuất.
 
Hy vọng còn lại đến từ khâu đồ họa và gameplay, đúng là thời gian qua với sự xuất hiện của SQUAD, 7554 2112 Revolution thì chúng ta không còn phải đặt dấu hỏi về khả năng dựng đồ họa trong game Việt. Thế nhưng thực tế thì tại Việt Nam, game đẹp không có nghĩa đã thành công, dù nó có thể được tung hô và ủng hộ nhiệt liệt.
 
Game thuần Việt sẽ đi về đâu? 3
 
Gamer Việt thường hướng tới các MMO có đồ họa bắt mắt nhưng phải yêu cầu cấu hình thật thấp, lối chơi không quá khó. Mà với các studio nội địa thì việc tối ưu đồ họa là không dễ dàng, đó là chưa kể đến việc lúc này ngành phát triển game Trung Quốc đã tiến quá xa và tốc độ "đẻ" game của họ thì khó ai sánh được.
 
Dĩ nhiên, vẫn còn một cơ hội là đánh vào khía cạnh gameplay hay và sâu sắc, nhưng mảnh đất này có lẽ chỉ còn thể loại chiến thuật để chúng ta khai thác. Đơn giản vì ở thể loại nhập vai, các MMO Trung Quốc đã tập hợp quá đầy đủ toàn bộ tính năng đặc trưng. Vấn đề là chọn làm chiến thuật thì một là còn quá non tay để làm được một tựa game cân bằng sâu sắc, hai là đối tượng chơi cũng không nhiều (lực lượng gamer esport tuy có đông thật nhưng họ chủ yếu chơi game phương Tây).
 
Vậy là nhìn đi nhìn lại, ngành phát triển game Việt phải đột phá ở đâu? Giải được bài toán này không hề dễ dàng, và nếu chúng ta không giải được thì có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ không còn ai muốn sản xuất game.
 
Cánh cửa hẹp
 
Thời gian gần đây, thay vì tập trung phát triển các MMO đồ sộ thì các studio tại Việt Nam đang chuyển dịch dần sang mảnh đất webgame nhỏ, nhẹ và chơi ngay trên MXH. Hướng đi này rõ ràng đang cho thấy một số hiệu quả tích cực, thậm chí một vài game còn được xuất khẩu sang nước ngoài. Nếu không có gì thay đổi thì đây sẽ là cánh cửa hẹp để game Việt lách qua.
Game thuần Việt sẽ đi về đâu? 4
 
Thế nhưng cánh cửa ấy chưa hẳn đã tối ưu. Thứ nhất, thành công của các game "made in VN" ở thể loại game MXH chủ yếu là vì người chơi không yêu cầu quá cao, chủ yếu chơi "for fun" và tính gắn bó cũng khó lâu dài được như các MMO chính thống. Thứ hai, phần lớn chúng đều cố học theo các game tương tự đã phát triển tại nước ngoài (mà phần nhiều là Trung Quốc), chính vì thế chúng chỉ có thể sống khỏe khi còn sản xuất dễ dàng, giá thành rẻ hơn game ngoại, còn một khi game ngoại bán giá rẻ hơn thì mối nguy mới rõ ràng.
 
Nói chung, với tình hình thị trường hiện tại thì nhìn rộng ra vài năm nữa, vẫn quá khó để các MMO "made in VN" đánh bật được game ngoại. Và nếu không có gì thay đổi thì 2013 sẽ là một nốt trầm sau 2 năm 2011 và 2012 nở rộ của chúng.