Vì sao Microsoft bí mật khai tử máy tính bảng Courier?

MT  | 03/11/2011 12:00 PM

Máy tính bảng 2 màn hình từng được cho là "sản phẩm mang tính cách mạng" của Microsoft nhưng đã bị khai tử trong...bí mật vào năm ngoái. Đâu là lý do?

Vào cuối năm 2009, giới công nghệ hào hứng chờ đợi chiếc máy tính bảng của Apple. Nhưng một sự kiện khiến người ta chú ý không kém vào thời điểm đó. Microsoft hé lộ hình ảnh về chiếc máy tính bảng Courier 2 màn hình. Theo những hình ảnh bị rò rỉ vào thời điểm đó, Courier có kích thước 7 inch giống như một cuốn sách với hai màn hình cảm ứng, cho phép người dùng tương tác bằng ngón tay và bút điện tử. Người dùng rất háo hức với dự án máy tính bảng của Microsoft nhưng đột ngột vào giữa năm 2010, Microsoft công bố khai tử dự án này. Đâu là lý do cho một sản phẩm đầy hứa hẹn.

Courier có thể làm ảnh hưởng tới doanh số PC

Nhóm phát triển Courier do J Allard lãnh đạo. J Allard đã phát triển máy tính bảng này trên nền tảng Windows nhưng có sự sửa đổi: vị này đã loại bỏ ứng dụng email cho thiết bị để tập trung vào việc sáng tạo nội dung với bút phác thảo và chữ viết. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến “cần câu cơm” chính của Microsoft bởi nó sẽ không thúc đẩy được được doanh số bán của Exchange, cũng như các dịch vụ Office và Windows của gã khổng lồ này.

Courier sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến "cần câu cơm" của Microsoft.

Một trong những sự thật hiển nhiên là nhân viên làm việc tại Microsoft không thể tạo ra các sản phẩm để cạnh tranh chính với Windows, trừ khi ý tưởng kinh doanh của nhân viên có sức đột phá cao. Sản phẩm của nhân viên phải phù hợp với chiến lược tổng thể của Microsoft, trong đó việc bảo vệ Windows, sản phẩm chủ yếu đem lại 70% lợi nhuận cho gã khổng lồ phần mềm và doanh thu lớn (tiến tới mức 20 tỷ USD trong năm nay).
 
Courier cần phần mềm và phần cứng mới

Microsoft không phải là một công ty phần cứng. Việc thiết kế chiếc máy tính bảng 2 màn hình sẽ tốn không ít chi phí và thậm chí với ngay cả các hãng chuyên sản xuất phần cứng như Samsung, Apple thì đó cũng là một thách thức. Một ngoại lệ ngoài nguyên tắc “không tham gia phần cứng” của Microsoft chính là máy trò chơi Xbox khi gã khổng lồ này nhận ra mối đe dọa mất thị phần PC từ các máy chơi game cầm tay như PlayStation 2 của Sony. Microsft cũng tạo ra các thiết kế tham khảo với các đối tác phần cứng ở một vài lĩnh vực, nhưng sản phẩm chủ đạo của Microsoft, cần nhắc lại, chính là hệ điều hành Windows.

Courier sẽ khó phổ biến

Đây có lẽ là nguyên nhân chính cho số phận yểu mệnh của Courier. Theo Allard, Courier không có ứng dụng email mà chỉ tập trung vào sáng tạo nội dung, Bill Gates - người đồng sáng lập và là người được quyền quyết định vận mệnh của Courier tỏ ra ngần ngại. Microsoft luôn làm tốt trong việc xây dựng các phần mềm có mục đích chung mà các nhà phát triển hãng thứ 3 có thể tùy biến rộng rãi để phổ biến sản phẩm ra thị trường càng nhiều càng tốt. Bill Gates có lẽ cũng nhận ra rằng chiếc iPad thành công rực rỡ của Apple là một sản phẩm tiêu thụ nội dung, không phải là thiết bị sáng tạo nội dung.

Sáng tạo nội dung không phải là mảng thế mạnh của Microsoft.

Microsoft và Bill Gates đã đúng khi khai tử Courier

Microsoft thường được ví là gã khổng lồ nhưng chậm chạp. Hãng đã nhiều lần bị chị trích khi chậm chân trong thị trường smartphone, máy tính bảng, tìm kiếm. Để đáp lại những chỉ trích đó, Microsoft đã mạnh dạn đưa ra những dự án thử nghiệm như Kinect. Kinect đã thành công rực rỡ, đem về hàng tỷ lợi nhuận cho hãng này. Nhưng với Courier lại là câu chuyện khác. Courier là một sản phẩm không hợp lý và sinh ra không hợp thời. Nên nhớ trong năm 2009, Microsoft chứng kiến những kết quả tài chính bết bát nhất trong lịch sử và hãng đã phải sa thải đến 5000 nhân viên ngay đầu năm đó. Do đó mà con số 23 triệu USD để phát triển Courier cũng có thể coi là 1 sự lãng phí.

Tham khảo: Businessinsider