Tư vấn: 3 mẫu laptop chơi game trong tầm giá 20-30 triệu

Nội Tâm  | 11/07/2011 0:00 AM

Không phải chiếc laptop nào cũng đáp ứng được tất cả các tiêu chí mà người dùng cần, đặc biệt ở phân khúc “phổ thông” thì càng không.

Bạn cần gì ở một chiếc laptop chơi game?
 
Laptop chơi game tất nhiên sinh ra để chơi game, nên chúng sẽ có thiết kế và phần cứng khác với các dòng laptop khác. Nếu như laptop phổ thông chỉ chủ yếu chú trọng cấu hình; laptop doanh nhân hướng đến thiết kế sang trọng và các tính năng bảo mật, trong khi vẫn đòi hỏi làm việc tốt; thì ở laptop chơi game, đó là vẻ ngoài hầm hố, hệ thống âm thanh sống động, bàn phím lớn hơn, màn hình hỗ trợ độ phân giải cao và đương nhiên – cấu hình tương thích chơi game.
 
Tuy nhiên không phải chiếc laptop nào cũng đáp ứng được tất cả các tiêu chí này, đặc biệt ở phân khúc “phổ thông” thì càng không, nên việc bạn cần làm là xác định thứ tự ưu tiên của mình trước khi tham khảo sản phẩm.
 
Hơn nữa, các laptop chơi game đều chịu chi phí hình thức, màn hình và bộ loa khá nặng. Nếu không đủ khả năng tài chính cho chúng, bạn hoàn toàn có thể hướng đến các laptop dòng phổ thông cấu hình mạnh. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến độc giả 3 laptop chơi game tốt giá dưới 30.000.000 VNĐ thỏa mãn 3 tiêu chí: cấu hình, hình thức và ngon-bổ-rẻ.
 
Độc giả lưu ý: Giá các sản phẩm dưới đây chưa bao gồm VAT.
 
Asus G73JH-BTS7
 
Nếu nói đến laptop chơi game tại Việt Nam, không thể không đặt Asus G73JH-BTS7 lên đầu danh sách giới thiệu. Trước tiên bởi giá của chiếc gaming laptop này gần tầm với nhất đối với đa số game thủ: chỉ 22.000.000 VNĐ (chưa VAT) – nghe khá shock nếu đem so với Alienware hay thậm chí là so với giá của chính sản phẩm cách đây không lâu: 25.000.000 VNĐ. Tuy nhiên nếu muốn sở hữu G73 với cái giá "giật mình" như thế này bạn sẽ phải chấp nhận sử dụng hàng Refurbished vì hiện tại mẫu kế nhiệm G74 đã ra mắt vì vậy rất nhiều công ty buôn bán đã "bỏ quên" G73. Chính vì sự khan hàng này mà có những nơi đã bán G73 brandnew với cái giá lên tới 30 triệu đồng. Điều này chứng tỏ rằng mặc dù đi trước, sức hút của G73 vẫn không hề nhỏ.

Chúng tôi sẽ gửi đến độc giả review chi tiết sản phẩm này trong thời gian tới. Còn hôm nay, hãy điểm sơ qua xem bỏ ra 30 triệu VNĐ, chúng ta sẽ nhận lại được những gì.
 
 
Một trong những lý do chiếc laptop này có giá tốt đến vậy chính ở việc tinh giảm hình thức và chất liệu vỏ máy. Tôi không hề có ý chê bai bởi nếu đặt cạnh các laptop thông thường khác, G73JH vẫn có nhan sắc “mặn mà” hơn, nhưng nếu đem so với Dell Alienware thì quả thực là một trời một vực. Không chỉ vậy, lớp vỏ bằng nhựa lại có khả năng bị trầy xước – khá nguy hiểm khi một trong những nhiệm vụ của máy tính xách tay là “bị quăng quật”.
 
 
Tuy vậy, chưa nên vội kết luận phần hình thức là một điểm trừ của G73JH. Asus vẫn tỏ ra rất tinh tế trong khâu thiết kế. Với tông đen xám làm chủ đạo, cộng thêm hình dáng trông như một chiếc vali bí ẩn (nhìn từ trên xuống), chiếc máy vẫn toát lên vẻ lạnh lùng hầm hố, gợi ngay trong đầu người dùng ý nghĩ: “Laptop chơi game! Nhìn biết ngay!”
 
 
Máy có kích thước khá đồ sộ với màn hình 17,3” hỗ trợ độ phân giải 1600 x 900. Đây cũng lại là một yếu tố nhằm giảm giá thành của Asus. Nếu “ham hố” màn hình độ phân giải Full HD, chắc chắn giá thành của máy sẽ tăng lên kha khá. Dù sao 17,3” và 1600 x 900 cũng đã là một kết hợp quá hợp lý. Tuy chiều dày lớn nhất tới 568 mm ở điểm gập máy, nhưng nhìn ngang chiếc máy vẫn có cảm giác khá mỏng manh bởi kích thước màn hình quá to. Trọng lượng của con quái vật này thì khỏi bàn: tới 3,7 kg.
 
 
Máy có 2 khe tản nhiệt đặt phía sau, giúp duy trì nhiệt độ ổn định suốt thời gian chinh chiến. Dù là khe tản nhiệt nhưng nhìn cũng rất ngầu, trông giống miệng động cơ phản lực thì đúng hơn. Tản nhiệt cũng là mặt mạnh của G73JH, vỏ máy vẫn không quá nóng sau một thời gian dài “chiến” game.
 
 
Bàn phím dạng nút (chicklet) được thiết kế chuyên dành cho game thủ với hệ thống đèn backlit phía dưới khá hữu dụng khi chơi game buổi tối. Kích thước đồ sộ cũng cho phép Asus trang bị bàn phím với kích thước phím tiêu chuẩn và đầy đủ bàn phím số. Tuy nhiên, phần phím số lại có chiều rộng nhỏ hơn một chút, gây khả năng bấm nhầm khá khó chịu khi mới sử dụng.
 
Nếu có nhu nầu giải trí sau nhiều giờ chinh chiến, ổ đĩa Bluray nhất định sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Tuy nhiên do giới hạn về độ phân giải, người dùng chỉ có thể tận hưởng tối đa các bộ phim 720p. Đổi lại cho chút tinh giảm về hình thức và màn hình, G73JH-BST7b sở hữu cấu hình cực kì mạnh mẽ: Intel Core i7-740QM 4 x 1,73 GHz (Turbo Mode 2,93 GHz), bộ nhớ RAM 6 GB DDR3 cùng lưỡi gươm AMD HD 5870M – đứng trong nhóm 1 card đồ họa cho laptop. Với cấu hình thế này, ít game nào có thể cản trở con quái vật này. Bạn hoàn toàn có thể thưởng thức game mới với thiết lập (gần như) cao nhất.
 
Tuy nhiên HD 5870M lại tồn tại một số bug nhỏ tại một số game (điển hình như ranh giới giữa nước và bề mặt gỗ trong Crysis). Đây cũng có thể coi là một điểm trừ cho toàn hệ thống dù nó không thực sự quá nghiêm trọng. Thêm một điểm khó hiểu nữa: ổ cứng dung lượng 640 GB tuy đem lại khả năng lưu trữ khá lớn, nhưng tốc độ lại chỉ 5400 vòng/phút – nhiều khi gây bực mình trong quá trình chuyển file. Có lẽ mục đích của nhà sản xuất nhằm cải thiện thời lượng pin.
 
Có một nhược điểm chung của các laptop chơi game: đừng trông mong gì ở thời lượng pin của chúng. Dù được trang bị pin 8-cell, bạn chỉ có thể nghe nhạc, lướt web hoặc làm các công việc đơn giản trong khoảng hơn 2 giờ, xem phim chỉ khoảng 1 giờ 15 phút (còn chưa hết nổi 1 bộ phim nữa), còn chơi game thì... tốt nhất là không nên chơi game khi dùng pin.
 
Ưu:
 
- Cấu hình mạnh mẽ đáp ứng tốt nhu cầu chơi game.
 
- Bàn phím chicklet có đầy đủ cả phím số.
 
- Tản nhiệt tốt.
 
- Thiết kế đơn giản “tiết kiệm” nhưng chấp nhận được.
 
- Không ham hố màn hình Full HD giúp giảm giá thành.
 
- Giá cả cực hợp lý.
 
Khuyết:
 
- Vỏ máy có khả năng trầy xước.
 
- Thời lượng pin tệ.
 
- Ổ cứng tốc độ 5400 vòng/phút.
 
Sản phẩm hiện có giá 22.000.000 VNĐ (Hàng refurbished chưa bao gồm VAT).
 
Dell Alienware M15X
 
Đặc điểm chung của dòng Alienware là đẹp nhưng... đắt và không mạnh (so với các laptop cùng giá tiền). Tuy nhiên “đắt xắt ra miếng”, chúng vẫn được giới game thủ đặc biệt ưa chuộng bởi thiết kế chuẩn đến từng góc cạnh.
 
 
M15X vẫn khoác lên mình bộ cánh không lẫn vào đâu được của dòng Alienware. Vẫn cực ngầu và đầy bí ẩn cùng tông đen-đỏ làm chủ đạo – đúng chất ngoài hành tinh với... hơi nhiều đèn LED: dưới bàn phím, đèn báo trạng thái, nút power hay thậm chí cả logo.
 
 
Khác với M11X, bàn phím của M15X được thiết kế dạng nút (chicklet) – đúng “chuẩn” game thủ giúp cảm nhận thao tác tốt hơn. Các phím có kích thước hợp lý, khá đẹp và bắt mắt cùng đột nảy tốt và bám ngón tay. Một hệ thống đèn LED được gắn bên dưới bàn phím và touchpad có thể điều chỉnh màu xanh và đỏ, nhìn cực ngầu. Nếu chơi game vào buổi tối thì quá tuyệt! Tuy nhiên do kích thước nhỏ hơn G73JH, bàn phím của M15X không có phần phím số nên rất bất tiện với 1 số game, đặc biệt các game online và eSport.
 

 
Không giống như chiếc Asus G73JH-BST7 ở trên, Alienware M15X chỉ được trang bị màn hình kích thước 15,6” nhưng lại hỗ trợ tới độ phân giải Full HD – điều tôi cho là quá xa xỉ, làm tăng giá thành khá nhiều trong khi thực sự việc sử dụng độ phân giải lớn đến vậy trên màn hình nhỏ là quá khó khăn. Bù lại thì hình ảnh của Alienware M15X phải nói sống động đến trên cả tuyệt vời. Song hành cùng bộ vỏ kim loại “hoành tráng” và màn hình Full HD, bộ lòng của M15X “nghèo nàn” hơn kha khá so với G73JH-BST7.
 
 
Sử dụng bộ xử lý Intel Core i7 720QM 4 x 1,6 GHz và bộ nhớ trong 4 GB DDR3, khả năng tính toán và xử lý tác vụ của chiếc laptop vẫn rất đáng nể. Tuy nhiên card đồ họa thì lại chẳng hề tương xứng: GT 240M. Với card đồ họa này, game thủ chỉ nên thiết lập cấu hình ở mức trung bình khá để duy trì khung hình chấp nhận được. Điều này cũng làm lãng phí hiệu năng tính toán của bộ xử lý – tức đồng tiền chúng ta bỏ ra không thực sự thỏa đáng cho lắm.
 
Với ổ cứng 320 GB 7200 vòng/phút, khả năng lưu trữ của chiếc máy cũng có thể chấp nhận được và đảm bảo tốc độ truy xuất dữ liệu tốt.
 
Hiện không rõ model ở Việt Nam sử dụng pin gì, nhưng theo review nước ngoài thì với pin 9-cell, hệ thống chỉ “chiến” game được 1 giờ 14 phút (tắt WLAN) và giải trí đơn giản cùng WLAN trong 1 giờ 55 phút. Khách quan ra thì ngoài card đồ họa ra, các linh kiện còn lại của M15X cũng tiêu tốn điện năng tương đương G73JH (còn thêm cả... đèn LED nữa). Khối lượng máy rơi vào khoảng 2,7 kg – cũng khá ổn đối với một laptop chơi game.
 
Sản phẩm hiện có giá 27.300.000 VNĐ (chưa bao gồm VAT).
 
Ưu:
 
- Thiết kế tuyệt đẹp.
 
- Khối lượng tốt.
 
- Hình ảnh đẹp.
 
Khuyết:
 
- Cấu hình bất cân đối.
 
- Màn hình quá “xịn” không cần thiết gây tăng giá thành.
 
Asus K53SV-SX125
 
Nếu bạn không phải một game thủ khó tính trọng hình thức như Alienware và cảm thấy bất tiện với kích thước đồ sộ của Asus G73JH, đồng thời chỉ chú trọng tới cấu hình thì K53SV là một lựa chọn rất đáng để mắt. Thực tế thì chiếc laptop này không phải dòng gaming laptop nên nhất định sẽ tồn tại một vài khiếm khuyết.
 
 
Nhìn vào hình thức, có thể nhận ra ngay đây là chiếc laptop thuộc dòng phổ thông. Không có khe tản nhiệt khủng bố cũng như dàn đèn LED hào nhoáng, K53SV chủ yếu nhắm vào người dùng hầu bao hạn chế nhưng vẫn muốn sở hữu hệ thống đủ mạnh mẽ cho nhu cầu giải trí cũng như làm việc.
 

 

Tuy cùng được trang bị màn hình 15,6” giống Alienware M15X, Asus K53SV-SX125 chỉ hỗ trợ độ phân giải 1366 x 768 – một sự hơi mất cân đối theo... chiều ngược lại. Góc nhìn của màn hình cũng khá hẹp. Không chỉ thế, chiếc máy còn sử dụng màn phím chicklet với đầy đủ cả phím số nên kích thước các phím hơi hẹp hơn tiêu chuẩn.

 
 
Tuy nhiên, cấu hình của K53SV-SX125 lại được xây dựng “chuẩn không cần chỉnh”. Bộ xử lý Intel Core i5-2410M 2 x 2,3 GHz Sandy Bridge (Turbo Mode 2,9 GHz), card đồ họa Nvidia 540M và bộ nhớ trong 4 GB DDR3 phối hợp hoàn hảo với độ phân giải 1366 x 768. Không chỉ tương xứng với nhau về sức mạnh, chúng còn đủ khả năng lướt game ở các thiết lập khá trên độ phân giải nhỏ này. Ổ cứng dung lượng tốt 500 GB, nhưng rất tiếc vẫn chỉ hoạt động tốc độ 5400 vòng/phút.
 
Với ưu điểm tiêu thụ ít điện của bộ xử lý Sandy Bridge 2 nhân, K53SV có thể “chịu” được tới 2 giờ chơi game, 3 giờ 29 phút chạy DVD (tắt WLAN) và tới 4 giờ 16 phút cho các nhu cầu giải trí & công việc thông thường (bật WLAN). Khối lượng chiếc máy rơi vào khoảng 2,6 kg – khá ổn so với giá thành, hình thức và cấu hình.
 
Sản phẩm hiện có giá 16.700.000 VNĐ (chưa bao gồm VAT).
 
Ưu:
 
- Cấu hình cân đối.
 
- Thời lượng pin tốt.
 
- Giá tốt.
 
Khuyết:
 
- Màn hình hơi kém.
 
- Loa không thích hợp với việc chơi game.
Xem thêm:

laptop

tư vấn