Sóng thần Nhật Bản khiến người dùng Việt lao đao khi nâng cấp máy

Truật Xích  | 18/03/2011 12:00 PM

Sóng thần đã làm chao đảo cả đất nước Nhật Bản lẫn thị trường linh kiện điện tử thời gian qua, không chỉ ở nước ngoài mà còn ở Việt Nam.

Thông thường, dân chơi game Việt Nam hay có thói quen nâng cấp máy tính vào những giai đoạn đầu và cuối năm – thời điểm “nóng” nhất khi mà các tựa game đòi hỏi cấu hình cao ra mắt. Không chỉ thế, đầu năm còn là giai đoạn Tết nhất vừa hết, ai nấy cũng rủng rỉnh tiền bạc. Năm ny cũng chẳng phải là ngoại lệ khi tháng 3 và tháng 5 này, hàng loạt các tên tuổi game “sát phần cứng” lần lượt ra mắt. Tiền đã tới tay, chỉ cần vung ra là dàn máy cổ lỗ sĩ sẽ được lên đời. Thế nhưng sự thể không đơn giản như người ta nghĩ.
 
Đăng tin tăng giá ngay dưới bảng báo giá.
 
Sóng thần Nhật Bản là thảm họa đáng sợ nhất mà năm 2011 đã đem đến cho người dân Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. Vì sao lại là “thế giới nói chung”? Vì thực tế, cơn sóng thần vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng thế giới mà đặc biệt là giới đam mê đồ điện tử tại Việt Nam.
 
Công ty nghiên cứu thị trường IHSS iSupply vừa công bố tình hình thiệt hại vừa qua sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp điện tử. Nguồn cung cấp các thiết bị phần cứng máy tính như DRAM, NAND flash, vi xử lý, màn LCD… sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Điều này hoàn toàn có thể được lý giải dễ dàng vì Nhật Bản là nơi cung cấp tới 1/5 lượng sản phẩm làm từ các chất bán dẫn ra thế giới. 40% số chip memory trên smartphone, tablet và máy tính đều đến từ đất nước mặt trời mọc.
 
Cung giảm, cầu tăng dẫn đến hệ quả tất yếu đó là giá cả leo thang "chóng mặt". Chỉ tính riêng ngày 14/3 vừa qua, giá NAND flash đã tăng đến 20.48% trong khi giá DRAM tăng từ 0.2% tới 7.56%. Trong khi đó, tình hình cấp bách tại Nhật Bản khiến các nhà sản xuất lớn như Toshiba hay Sony vẫn chưa thể khôi phục sản xuất ngay lập tức cũng như công bố chính xác thời gian các nhà máy hoạt động trở lại bình thường.
 
Sóng thần đang "tung hoành" cả thế giới linh kiện điện tử.
 
Các đại lý bán linh kiện tại Việt Nam đã bắt đầu rục rịch “đánh tiếng” cho khách hàng về sự tăng giá đột ngột trong thời gian vừa qua. Do đó, kể cả với những ai không biết nhiều về thị trường linh kiện thế giới cũng có thể hình dung ra được viễn cảnh không mấy tốt đẹp trong tương lai gần. Nhìn chung, những ngày vừa qua thực sự là giai đoạn ảm đạm nhưng dự tính trong thời gian tới đây, việc người tiêu dùng ồ ạt mua vào các mặt hàng điện tử đề phòng việc tăng giá tiếp tục diễn ra là hoàn toàn có thể. Anh Hoàng, một trong số rất nhiều người đang muốn nâng cấp cỗ máy của mình để có thể “chiến” ngon lành Shogun 2: Total War, vừa ra mắt thời gian qua cho biết:
 
“Tình hình thế này thì phải đi mua ngay thôi. Để lâu giá tăng lên lúc đấy mới mua thì lại hối không kịp. Trước cứ đinh ninh rằng cuối tháng 3 có đợt giảm giá, vừa khít với lúc nhận lương, lúc ấy mua thì chuẩn. Thật không ngờ là sóng thần ở Nhật lại ảnh hưởng đến bên mình mạnh thế. Cũng may là chăm đọc báo nên dự đoán trước được, đặng biết đường mà suy tính”.
 
Theo dự tính trong thời gian tới, lượng người mua linh kiện máy tính có thể sẽ tăng.
 
Tuy nhiên không phải ai cũng mang tâm lý “quyết mua bằng được không chờ giá tăng” như anh. Không ít người tiêu dùng khác đang ngày đêm hy vọng về một tương lai sáng sủa. Nhìn chung, họ là những người rất lạc quan khi cho rằng động đất sóng thần tại Nhật Bản sẽ sớm muộn được giải quyết. Và vì thế, người Nhật sẽ tích cực khôi phục lại thị trường công nghệ điện tử đang đóng băng của mình. Như một lẽ tất yếu, giá linh kiện điện tử sẽ giảm và đó mới là thời điểm mua hàng.
 
Anh Tùng, một lập trình viên có sở thích chơi hàng điện tử tin vào sự cải biến lạc quan đó. Anh tin rằng: “Chỉ trong 1 đến 2 tháng nữa giá linh kiện sẽ hạ thôi. Mua sớm bây giờ là đã không kịp rồi vì giá đã bắt đầu tăng. Chẳng thà mình đợi giá hạ rồi mua, như vậy sẽ vừa tiết kiệm lại vừa đúng thời điểm”.
 
RAM - mặt hàng "nhạy cảm" trong thời gian này.
 
Nhìn chung, cũng chỉ là sự tính toán giữa từng cá nhân mỗi người với nhau còn thực sự, mọi chuyện sẽ diễn tiến như thế nào thì đến cả chuyên gia kinh tế cũng khó mà nhận định. Dẫu vậy, một thực tế không thể phủ nhận đó là mối quan tâm của dân Việt đối với nước Nhật thời gian vừa qua. Không chỉ là sự lo lắng, cảm thông và khâm phục mà còn có cả sự cầu mong “Ôi hàng đừng tăng giá”.