Những vụ mua lại “hố” nhất trong lịch sử làng công nghệ

Vũ Tùng  | 22/08/2011 05:00 PM

Việc mua bán hay sáp nhập của một công ty vào tập đoàn không phải là điều gì xa lạ trên thế giới. Có nhiều thương vụ đem lại lợi nhuận khổng lồ nhưng cũng chẳng thiếu gì trường hợp các ông lớn phải vò đầu bứt tai vì rước phải “của nợ”.

Yahoo mua lại Geocities với giá 3,6 tỷ USD
 
Geocities là một dịch vụ tra cứu website khá thú vị, các trang web được phân loại theo từng lĩnh vực và xắp đặt theo vị trí các thành phố trên bản đồ thực. Yahoo đã mua lại công ty này vào năm 1999 với giá 3,6 tỷ đô và tiếp tục phát triển ý tưởng trên.
 
 
Sau 10 năm hoạt động không mấy hiệu quả, cuối cùng thì Yahoo đã phải dừng gần như toàn bộ dịch vụ này vào năm 2009 khi đang lưu trữ dữ liệu của 38 triệu trang web. Chỉ duy nhất tại Nhật Bản, Geocities vẫn còn được duy trì.
 
HP bỏ 1,2 tỷ USD để có được hãng điện thoại Palm
 
 
Mới đây hãng HP đã tuyên bố ngừng sản xuất các thiết bị chạy hệ điều hành WebOS – một sản phẩm rất có triển vọng được Palm giới thiệu năm 2009. Tuy hãng này tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển “đứa con nuôi” này và bán bản quyền cho các hãng phần cứng khác nhưng trên thực tế, tương lai của WebOS đang trở nên mù mịt, chẳng mấy chốc sẽ tử ẹo.
 
Như vậy, có thể nói HP đã thẳng tay “ném” 1,2 tỷ đô vào thùng rác.
 
Nhà mạng AT&T chi 100 tỷ đô để tiến vào thị trường kinh doanh truyền hình cáp
 
Nhưỡng tưởng rằng tiến quân vào dịch vụ truyền hình cáp là một bước đi đúng đắn, hãng AT&T đã mua Tele Communications (TCI) - công ty lớn nhất nước Mỹ trong lĩnh vực này với giá 100 tỷ USD.
 
 
Nhưng rồi lĩnh vực kinh doanh này không ngon ăn như họ nghĩ, AT&T nhanh chóng rút chân khỏi thị trường truyền hình cáp chỉ sau 2 năm thử sức. Họ đành chịu lỗ và bán lại TCI cho Comcast.
 
eBay tậu Skype với giá 2,6 tỷ USD
 
Ai cũng biết rằng việc mua lại Skype với giá 2,6 tỷ đô của eBay vào năm 2005 là một thương vụ thất bại hoàn toàn bởi doanh thu từ dịch vụ video chat trên internet là khá thấp, đồng thời nó cũng không giúp được gì nhiều cho việc liên lạc giữa người bán và mua trên trang đấu giá trực tuyến.
 
 
Công ty eBay đã rao bán lại Skype, thật may là ông lớn Microsoft đang trả giá 8 tỷ đô để mua lại dịch vụ hội thoại trực tuyến này – cứu eBay một bàn thua trông thấy.
 
Microsoft kéo Danger về để phát triển điện thoại
 
Chắc hẳn mọi người đều không lạ lẫm gì với đứa con smartphone yểu mệnh của Microsoft mang tên Kin. Để chuẩn bị cho sự xâm chiếm thị trường di động trong tưởng tượng của mình, gã khổng lồ đã trả 500 triệu đô để mua công ty chuyên viết ứng dụng cho điện thoại mang tên Danger.
 
 
Đáng tiếc là các nhân viên chủ chốt của Danger lần lượt rời đi do chính sách điều hành khó chịu của Microsoft, điều này cũng góp phần làm Kin nhanh chóng thất bại trên thị trường bởi thiếu các ứng dụng đáng chú ý. Microsoft đã phải trả một cái giá khá đắt cho sai lầm này.
 
Cisco trả 590 triệu đô để mua Pure Digital
 
Trước sự thành công của dòng máy quay phim bỏ túi nhỏ gọn mang tên Flip (bán được hơn 2 triệu chiếc trong vòng 1 năm) của hãng Pure Digital, Cisco đã bỏ ra 590 triệu USD để mua đứt công ty này và thêm 15 triệu nữa để giữ lại toàn bộ nhân viên đang làm việc.
 
 
Loại máy Flip này có khả năng ghi hình tới 60 phút với chất lượng tốt, độ phân giải cao, rất gọn nhẹ, giá cả phải chăng. Mọi việc đang êm đẹp thì bỗng nhiên hàng loạt máy ảnh tích hợp chức năng quay video HD của các hãng Canon, Nikon, Panasonic, Samsung… ra mắt thị trường và khiến sản phẩm mới về tay Cisco ế chỏng chơ.
 
Sau một năm gắng gượng, cuối cùng Cisco cũng đành phải khai tử dòng sản phẩm này - ném 600 triệu đô ra ngoài cửa sổ.
 
Microsoft đốt 6 tỷ đô cùng với aQuantive
 
Trong tình thế đối thủ lớn là Google đã thâu tóm thành công DoubleClick, Yahoo chuẩn bị mua 80% cổ phần Right Media, America Oline (AOL) cũng sắp mang Tacoda về. Microsoft đã tiến hành thương vụ trị giá 6 tỷ USD với aQuantive nhằm tăng sức mạnh để cạnh tranh trong thị trường quảng cáo trực tuyến.
 
 
Cuối cùng thì việc mua lại này chẳng mang lại cho Microsoft lợi ích gì. Sau 2 năm không có gì tiến triển, CEO của aQuantive bỏ đi. Tiền mất tật mang, gã nhà giàu vừa bị thu hẹp thị trường vừa tốn tiền vô ích.
 
Yahoo hào phóng biến Mark Cuban thành tỷ phú khi bỏ 5,7 tỷ USD để mua Broadcast.com
 
Không hiểu tại sao Yahoo lại tiến hành một thương vụ kỳ lạ như mua lại Broadcast.com vào năm 1999 với cái giá 5,7 tỷ đô – gấp 100 lần tổng doanh thu hàng năm của công ty này. Sau vài năm phát triển tiếp dịch vụ này thành Yahoo!Music và Yahoo!Platinum, đến năm 2009 thì toàn bộ chúng đều đã chết ngắc.
 
 
Cả vụ mua bán ngớ ngẩn này chỉ “nuôi béo” mỗi Mark Cuban – người sáng lập ra Broadcast.com, ông này nghiễm nhiên trở thành tỷ phú bởi sự hào phóng của Yahoo đối với mình.
 
AT&T cố gắng mở đường vào thị trường kinh doanh máy tính với 7 tỷ USD
 
Đã có thời kỳ ông lớn trong làng viễn thông của Mỹ - AT&T muốn tiến bước vào thị trường máy tính cá nhân, đó là vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Công ty này đã thâu tóm NCR với cái giá 7 tỷ USD để mở đường cho việc tiến vào “vùng đất hứa PC”.
 
 
Nhưng rồi con đường này lại không hề bằng phẳng, AT&T không thể tìm ra cách tạo nên xu hướng mới cũng như cộng lực giữa truyền thông và máy tính. Sau này, NCR lại bị tách ra với giá trị là 4 tỷ USD, lỗ mất 3 tỷ do sai lầm trong việc định hướng tương lai.
 
Lycos tụt từ một công ty trị giá 12,5 tỷ xuống 95 triệu (đô) trong vòng 4 năm
 
Vào năm 2000, hãng Terra Networks đã bỏ ra 12,5 tỷ đô để mua lại công ty Lycos - một trong những thế lực lớn của dịch vụ tìm kiếm, thuê máy chủ, tạo tên miền… trên thế giới ảo tại thời điểm đó.
 
 
Ở thời kỳ internet bùng nổ trên toàn thế giới, hàng loạt các website ra đời, đáng nhẽ các dịch vụ thế mạnh trên sẽ “hái” ra một lượng tiền khổng lồ. Chính những chính sách kinh doanh rối rắm đã cầm chân sự phát triển của Lycos và tạo cơ hội cho hàng loạt công ty ra đời sau vượt lên chiếm lĩnh thị trường, đẩy hãng này xuống dốc.
 
Kết quả là sau 4 năm, Terra Networks buộc phải bán lại Lycos với cái giá rẻ mạt: 95 triệu đô.
 
Sự sáp nhập khủng khiếp của AOL và Time Warner
 
Sự kiện hai ông lớn AOL và Time Warner là một dấu mốc lịch sử trong làng công nghệ thông tin và truyền thông của nước Mỹ. Tưởng chừng như tập đoàn này sẽ trở thành một đế chế hùng mạnh thao túng cả giới công nghệ bằng các kênh truyền hình cũng như những đường dây internet rộng khắp lan toả khắp các châu lục.
 
 
Thế nhưng tình hình kinh doanh của tập đoàn này ngày một sa sút trầm trọng sau khi sáp nhập. Trong khoảng 2 năm, lần lượt CEO của Time Warner và AOL đều buộc phải “lặn”, hàng loạt những nhân vật nắm quyền điều hành cũng bị giáng chức.
 
Trên thị trường chứng khoán cổ phiếu của AOL - Time Warner giảm 70% giá trị, doanh thu của tập đoàn cũng giảm tới 1,5 tỷ USD chỉ sau khoảng 2 năm. Ước tính thiệt hại của vụ sáp nhập này lên tới con số hàng chục tỷ đô.
 
Tham khảo: BusinessInsider
Xem thêm:

thư giãn