Microsoft đã khởi kiện Motorola và Google ra EU

PV  | 23/02/2012 05:00 PM

Hãng Microsoft ngày 22/2 đã đệ đơn khiếu nại lên Liên minh châu Âu (EU) chống lại công ty Motorola Mobility (MM) thuộc tập đoàn Google trong trận đấu mới nhất của cuộc chiến bản quyền giữa hai hãng công nghệ khổng lồ.

Hãng công nghệ Apple mặc dù đang ở trong cuộc chiến liên lục địa tương tự với hãng điện tử Hàn Quốc Samsung, cũng đã nộp đơn khiếu nại chống lại MM lên cơ quan quản lý cạnh tranh EU vào tuần trước.

Cả Microsoft và Apple đều cáo buộc MM, được Google mua lại với giá 12,5 tỉ USD, đã sử dụng quyền bảo vệ bản quyền một cách không công bằng để ngăn chặn các sản phẩm cạnh tranh.

Theo đó, MM bị cáo buộc không tuân thủ cam kết trong ngành này cung cấp các bản quyền tiêu chuẩn trọng yếu (SEP) cho những đối thủ cạnh tranh theo các thỏa thuận, công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử.


SEP là những bản quyền công nghệ được coi là cần thiết để các hãng công nghệ có thể sản xuất ra những sản phẩm tương thích lẫn nhau, dù khác hãng sản xuất.

Motorola đang tìm cách ngăn cản việc bán ra các sản phẩm máy tính Windows, tay cầm trò chơi điện tử Xbox và các sản phẩm khác của chúng tôi”, Phó tổng giám đốc phụ trách pháp lý của Microsoft, Dave Heiner cho biết.

Motorola đang yêu cầu Microsoft phải ngưng bán các sản phẩm đó trên thị trường nếu không họ sẽ không cung cấp các dịch vụ cơ bản của họ như chơi điện tử và kết nối không dây (vốn cần để các sản phẩm của Microsoft có thể hoạt động)”.

Tuy nhiên, một người phát ngôn của Google nói đơn khiếu nại của Microsoft chỉ là “một ví dụ nữa trong những cố gắng của họ sử dụng các quy định về bản quyền để tấn công đối thủ cạnh tranh.”


Các nhà quản lý ở Mỹ và châu Âu tuần trước đã bật đèn xanh cho việc Google thôn tính MM. Với việc mua lại hãng sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng và trò chơi điện tử này, Google cũng sở hữu luôn 17.000 bản quyền của MM.

Bộ tư pháp Mỹ đã thông qua thỏa thuận Google-MM sau khi Google, Apple và Microsoft cùng đưa ra các cam kết liên quan đến việc chia sẻ SEP “một cách công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử.”

Tuy nhiên, có vẻ như các điều khoản cam kết từ phía Google lỏng lẻo và mơ hồ hơn. Henier nói MM “đã từ chối chia sẻ các bản quyền với giá hợp lý.”

Với một máy tính xách tay giá 1.000 USD, Motorola đang đòi Microsoft trả phí 22,50 USD cho 50 bản quyền xem video cơ bản”, Henier nói, trong khi một nhóm khác gồm 29 công ty đang sở hữu khoảng 2.300 bản quyền bán số bản quyền tương tự với giá chỉ hai cent.

Nếu mọi công ty đều đòi tiền bản quyền như Motorola, giá của bản quyền sẽ lớn hơn tất cả chi phí sản xuất khác của mọi loại máy tính, máy tính bảng, điện thoại và các thiết bị khác”.

Theo Vietnamplus