Điểm qua nền tảng Trinity bình dân cho desktop với mainboard FM2

Leopard  | 06/07/2012 12:00 PM

Dựa trên chipset FCH A85X do AMD sản xuất.

Nếu bạn là fan của AMD và đang có dự định sắm một cỗ desktop PC mới với chi phí thấp, hãy đợi thêm một thời gian nữa. Trong Q3 hoặc Q4 tới, hãng khổng lồ x86 lớn thứ hai thế giới sẽ tung ra nền tảng APU mới dựa trên các chip Trinity và socket FM2. Nói gọn về sức mạnh, năng lực CPU của Trinity kém xa chip Ivy Bridge (IvB) đến từ Intel, song hiệu năng đồ hoạ 3D lại hoàn toàn áp đảo đối thủ.


Chúng ta đã từng nói nhiều về bản thân con chip 32nm mới của AMD. Nhưng nó chỉ là một phần của câu chuyện. Hiện tại các thiết kế dành cho desktop (và kể cả laptop) của AMD lẫn Intel đều dựa trên cấu hình 2 - 3 chip (1 CPU, 1 chipset hoặc 1 CPU, 1 chipset chính và 1 chipset phụ), trong đó các cấu hình 2 chip được dùng phổ biến với các hệ thống phổ thông / bình dân. Cả hai đấu thủ này cũng có kế hoạch làm ra cấu hình 1 chip (hay còn gọi là SoC) nhưng chúng dành cho tablet nên không bàn ở đây.

Chipset FCH A85X - Hạt nhân của toàn mainboard.

Trọng tâm ở bài này là con chip A85X vì nó là hạt nhân của toàn chiếc board do Onda sản xuất. Tên model của chiếc board không được tiết lộ song có thể thấy nó gần như đã sẵn sàng để chào bán. Hãy tạm gọi nó là Onda A85X. Onda A85X có kích thước micro-ATX, mẫu thiết kế công nghiệp phổ biến với người dùng bình dân. Ngoài ra với kích thước này, bạn có thể tự dựng lên một hệ thống HTPC (PC giải trí gia đình) mà không phải lo lắng về việc chọn một chiếc case (thùng máy) nào cho vừa.


Tuy khác biệt về chân cắm CPU (APU), song kích thước đế tản nhiệt của socket FM2 hoàn toàn giống với socket FM1 hoặc AM3+... Bạn hoàn toàn có thể dùng lại tản nhiệt cũ cho chiếc board mới mà không gặp trục trặc nào về tính tương thích. Khúc mắc duy nhất của chúng ta là liệu các chip Trinity có gắn lên socket FM1 được hay không.


Với thiết kế nguồn điện cho CPU tới 5 phase, được cấp bởi 1 đầu ATX 24 chân và 1 đầu 8 chân phụ, có thể thấy tuy Onda A85X "nhỏ mà có võ" vì thiết kế này "dư sức" đáp ứng được nhu cầu "nhai điện" của các chip có TDP tới 140W. Trong khi đó các thông tin sơ bộ về A10-5800K (model Trinity cao cấp nhất) cho hay TDP con chip này chỉ tới 100W. Tức Onda A85X "thừa" khá nhiều điện và bạn có thể trải nghiệm xem overclock (OC) là gì với chi phí tương đối thấp (dĩ nhiên bạn cần tìm hiểu trước vì OC sẽ khiến hệ thống kém ổn định hơn bình thường).


Nhìn trực diện từ trên cao, Onda A85X có 1 khe PCIe để trang bị thêm card đồ hoạ rời (hỗ trợ Dual Graphics nếu bạn dùng model Radeon phù hợp của AMD) và 1 khe PCI thuộc thế hệ cũ. Khả năng mở rộng thêm thiết bị ngoại vi trên chiếc board này nói riêng và các thiết kế micro-ATX nói chung cơ bản thấp. Onda A85X chỉ có 2 khe DIMM để cắm RAM DDR3 do NSX muốn tiết kiệm chi phí, song với đa phần mọi người thì "2 que là đủ".


Nếu bạn để ý ở góc trái bên dưới chiếc board có 1 khối màu xám đề chữ Onda, đấy chính là tản nhiệt cho chipset A85X. Ngay bên dưới nữa là 4 cổng SATA 6 Gbps màu trắng. Một lần nữa do thiết kế micro-ATX nên số lượng cổng SATA thực mà A85X hỗ trợ (tới 8 cổng) bị cắt giảm xuống chỉ còn 1/2.


Nhìn từ phía sau, Onda A85X cơ bản có đủ các loại cổng giao tiếp phổ biến hiện nay: PS/2, D-Sub (VGA), DVI, HDMI, USB 2.0 & 3.0, GigaLAN, sound & mic. Chi tiết hơi "buồn" là số lượng cổng này lại bị Onda cắt giảm để tiết kiệm chi phí sản xuất (micro-ATX thường có giá thành thấp). Vì bản thân chipset A85X hỗ trợ đến 4 cổng USB 3.0, 10 cổng USB 2.0 và 2 cổng USB 1.1 (để cắm chuột / bàn phím). Bạn thắc mắc sao Onda không dùng trang bị hết 4 cổng USB ở phía sau là 3.0 cho tiện? Đáp: vì BIOS nhiều mainboard chưa hỗ trợ tốt việc boot từ các cổng USB 3.0 nên không trang bị hết cho các cổng phía sau.


Và tuy gọi là cấu hình 2 chip, nhưng thực ra AMD lẫn Intel vẫn cần đến các NSX chip thứ ba nhằm cung cấp các giải pháp âm thanh / mạng thay cho họ. Ví như loa trên Onda A85X do chip Realtek ALC661 đảm nhận, còn liên kết GigaLAN đến từ chip Realtek RTL8111E.

Tham khảo Expreview.