Cựu tướng tài của AMD & Apple trở về với AMD

Leopard  | 03/08/2012 12:00 PM

Tên: Jim Keller, tuổi: 53, thành tựu: rất nhiều

Công cuộc cải tổ lại toàn bộ tập đoàn của tân CEO Rory Read vẫn đang tiếp tục diễn ra. Và nó để lại nhiều thông tin không tốt cho AMD khi tạo ra một "cuộc tháo chạy" của khá nhiều nhân tài từ hãng này. Nhưng đấy là bản chất của sự thay đổi: khi người cũ không còn phù hợp thì không cần thiết phải giữ lại. Ngược lại, con đường mới lại vạch ra những công việc mới và đòi hỏi những con người có năng lực đảm nhận trọng trách đó. Jim Keller chính là người mà ban lãnh đạo của AMD thấy phù hợp cho chiến lược mới.

cuu-tuong-tai-cua-amd--apple-tro-ve-voi-amd
Chip Athlon 64 dùng kiến trúc K8, huyền thoại một thời cho PC.

Nhưng Keller là ai? "Anh" chính là nhạc trưởng trong đội ngũ thiết kế CPU của AMD hơn 10 năm trước. Các kiến trúc K7 (Athlon), K8 (Athlon 64 & Opteron 64) nổi tiếng của AMD đều có sự đóng góp của Keller. Người kỹ sư này còn đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên khi định nghĩa ra các tập lệnh kiến trúc AMD64 hay x86-64 (64-bit). AMD64 đã làm phá sản hoàn toàn ý đồ của Intel khi muốn tách biệt hoàn toàn điện toán 64-bit ra khỏi kiến trúc x86 bằng kiến trúc Itanium (IA64). Về sau Intel buộc phải dùng lại các tập lệnh x86-64 cho các chip của mình. Chính x86-64 là bộ tập lệnh giúp cho PC của bạn có thể chạy được các phần mềm và hệ điều hành 64-bit trong hôm nay.

Trước khi về làm cho AMD hồi những năm 90 của thế kỷ trước, Keller đã đầu quân cho DEC. Các con chip Alpha 21164 & 21264 có đóng góp của "anh" được xem là một trong các thành tựu lớn của công nghệ điện toán, khi chứng tỏ được sự ưu việt của kiến trúc RISC so với kiến trúc CISC (vốn có trên các chip Intel lúc bấy giờ). Hiện nay kiến trúc x86 của Intel cũng không còn "thuần" CISC. Kiến trúc ARM hiện thống trị điện toán di động cũng là một đại diện RISC.

cuu-tuong-tai-cua-amd--apple-tro-ve-voi-amd
Jim Keller (phải) cạnh đồng nghiệp khi làm việc tại P.A. Semi hồi 2005.

Nhưng sau khi đóng góp K7, K8 và AMD64 cho AMD, Keller đã rời bỏ sang SiByte. Công ty này về sau bị Broadcom mua lại. Keller làm việc ở đây với vai trò trưởng nhóm kiến trúc và đã thiết kế ra những con chip mạng dựa trên kiến trúc MIPS với băng thông lên tới 1 Gb/s. Hôm nay chip mạng 1 Gb/s rất bình thường trên PC nhưng 10 năm trước, đó là một bước tiến lớn cho kiến trúc mạng.

cuu-tuong-tai-cua-amd--apple-tro-ve-voi-amd
Chip A5 có trên các sản phẩm di động của Apple.

Cuộc đời Keller có khá nhiều lần "chuyển phà". Sau Broadcom, trụ sở của P.A. Semi là nơi "anh" đặt chân tới. Nếu quan tâm tới Apple, hẳn bạn có nghe đến công ty này. Hãng chuyên thiết kế các chip di động tiết kiệm này được Apple mua lại hồi 2008. Keller trở thành trưởng nhóm thiết kế các mẫu chip SoC di động bên Apple, như A4, A5... Đây chính là linh hồn của iPod, iPhone, iPad, Apple TV. Và ảnh hưởng của các sản phẩm này lên thị trường như nào thì bạn cũng đã rõ.

cuu-tuong-tai-cua-amd--apple-tro-ve-voi-amd
HyperTransport, giao tiếp phổ biến trong các máy tính cao cấp.

Một đóng góp to lớn khác của Keller cho cả ngành công nghiệp điện toán là tiêu chuẩn kỹ thuật giao tiếp HyperTransport, vốn được dùng rộng rãi trong các sản phẩm cao cấp của nhiều hãng như IBM, AMD, NVIDIA, Cray, Broadcom, Orcalce...

Tại AMD hôm nay, Keller sẽ giữ vai trò của phó chủ tịch tập đoàn kiêm trưởng nhóm kiến trúc bộ phận vi xử lý. Keller sẽ chịu trách nhiệm báo cáo lên Mark Papermaster, cũng đồng thời là một người "mới" tại AMD. Trước đấy Papermaster làm việc cho IBM và Apple. Dường như tại thung lũng Silicon, các nhân tài từ các hãng gặp nhau và khi họ cùng chia sẻ chung hứng thú thì việc chuyển chỗ rất tự nhiên (và không chỉ tại Silicon, khắp Trái Đất này đều thế). Vẫn chưa rõ ý đồ của AMD khi tuyển Keller về là gì. Song với các thành tựu (portfolio) của "anh", sản phẩm tương lai của hãng này sẽ có hy vọng lớn.

Tham khảo AMD.