Cảm nhận "Vua sư tử" của Apple sau 3 ngày dùng thử

Maestro  | 27/02/2011 10:30 AM

GenK.vn đã cài đặt và dùng thử Lion trong vòng 3 ngày ngay sau khi Apple phát hành. Dưới đây là những đánh giá đầu tiên, thực hiện trên quan điểm của người dùng Mac quan tâm đến hiệu năng.

Việc Apple tung ra phiên bản thử nghiệm của hệ điều hành Lion trong những ngày vừa rồi là sự kiện được tín đồ của quả táo cắn dở mong chờ suốt bấy lâu. Người dùng OS X đã phải chờ đợi 2 năm để được sử dụng hệ điều hành tiếp theo của dành cho các loại máy Mac. Vậy, vua của họ nhà mèo sở hữu những chi tiết gì khiến người dùng phải chú ý.
 
GenK.vn đã cài đặt và dùng thử Lion trong vòng 3 ngày ngay sau khi Apple phát hành. Dưới đây là những đánh giá đầu tiên, bài viết được thực hiện trên quan điểm của một người dùng Mac quan tâm đến hiệu năng.


Về cơ bản, Lion không tạo ra một sự đột phá giống như từ đèn dầu sang bóng điện, nói riêng trong nhóm hệ điều hành của Apple. Phiên bản này cũng chỉ là một bước cải tiến lớn giống như sự ra đời của Snow Leopard cách đây gần 2 năm. Lion mang tới nhiều cải tiến “lạ miệng” cho những người dùng Mac nhưng chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu mà phần đông người dùng trông đợi vào sự kết hợp giữa OS X và iOS. 

Hơn thế nữa, về hiệu năng, Lion tạo cảm giác khá thất vọng cho người dùng. Ngay cả mới một chiếc Macbook Pro phiên bản năm 2010 với 4GB Ram và chíp xử lý Core i3 cũng cảm thấy “lặc lè” khi cõng con sư tử của nhà Táo. Những dòng Macbook có độ tuổi khoảng 2 năm trở lên thì càng khổ sở hơn khi chạy hệ điều hành này. 


Bạn chỉ cần mở khoảng hơn 10 tab trên trình duyệt và chạy đồng thời một vài ứng dụng khác như Page, Photoshop, iTunes và Speed Download là đã có thể cảm thấy khó chịu để phải khởi động lại máy. Ngay cả một người dùng Mac lâu năm, nếu lười restart máy thì gần như cũng chẳng cần phải khởi động lại chiếc laptop của mình trừ phi bộ nhớ bị chiếm đóng bởi một phần mềm quá “nặng đô”. Ấy thế mà Lion đã thay đổi điều đó.

Phiên bản mới không đem lại một bước tiến lớn về đồ họa giống như Leopard từng thực hiện từ nhiều năm trước đây. Thế nhưng, nó lại chẳng thể so sánh về độ mượt mà như khi sử dụng Snow Leopard. Mặc dù vẫn biết rằng đây chỉ là một phiên bản thử nghiệm và chưa ổn định giống như báo tuyết vốn đã được vá chằng chịt bởi nhiều lần update lớn nhưng về hiệu năng, Lion vẫn khiến người dùng cụt hứng.


Những tính năng mới như Lauchpad hay cơ chế rubber-band scrolling không giúp công việc hàng ngày của bạn trở nên trôi chảy hơn. Nó chỉ giúp hệ điều hành OS X giống với iOS và tiêu tốn của bạn nhiều thời gian. Đầu tiên trong đó phải kể đến cơ chế scroll ngược của Lion. Khi dùng 2 ngón tay vuốt trên touchpad để duyệt web, bạn sẽ cảm thấy lóng ngóng bởi mỗi lần kéo xuống thì trang web lại chạy lên và ngược lại.

Apple nói rằng bước tiến của Lion là bạn sẽ không scroll một trang web bằng việc kéo thanh cuộn và bạn sẽ điều chỉnh chính trang nội dung. Nói gì thì nói, sự thay đổi này là thứ khiến người dùng bị sốc đầu tiên khi sử dụng Lion. Có thể phát kiến của Apple “vĩ đại” theo một cách hiểu nào đó và một số người sẽ tập làm quen với điều này. 


Thế nhưng, đại bộ phận khách hàng thì không muốn thay đổi thói quen dùng máy tính lâu năm của mình. Một lí do khác là bạn không thể cả đời chỉ động vào chiếc máy Mac của bản thân. Thế nên, đừng biến mình một người khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới để rồi gặp vấn đề khi có nhu cầu giao tiếp. May thay, tính năng cho phép tắt trong tùy chỉnh của Touchpad, nằm ở ngay dòng đầu tiên và cũng là nơi ít được chú ý nhất.

Chi tiết thứ hai khiến việc duyệt web trên Lion giống như địa ngục phải kể đến tính năng rubber-band scrolling, giống như các thiết bị nền tảng iOS. Nói nôm na là khi kéo đến hết một trang web hay bất cứ thứ kỳ có tính năng cuộn trên Lion, kể cả Finder, thì bạn sẽ có thể kéo qua cả trang nội dung đó và nó sẽ văng bật trở lại như một sợi dây cao su. 

Sự thay đổi về đồ họa của Leopard.

Tính năng kể trên rất hữu ích với những thiết bị có màn hình bé như iPhone vì hỗ trợ người dùng ý thức được giới hạn của một trang web dành cho hệ thống di động. Tuy nhiên, điều ấy trở nên không cần thiết với các thiết bị có màn hình lớn như Macbook hay iMac. Bạn sẽ phải chứng kiến trang web nhảy liên tục trước mắt mình và không kiểm soát nội dung tốt như khi dùng Snow Leopard.

Tuy nhiên, bù lại thì các thao tác với Safari lại nhanh hơn rất nhiều. Các tính năng sử dụng phím tắt như bookmark được thực hiện với tốc độ tối ưu. Đáng buồn là các extension hiện tại dành cho Safari như Gmail hay đọc tin trên NY Times vẫn chưa tương thích với phiên bản Safari mới này. Ngoài ra, tốc độ duyệt web của bạn cũng không tăng.


Lí do một phần đến từ sự “cà khổ” của con sư tử “mông to”. Còn lại, thử nghiệm cho thấy Chrome chạy trên Lion mượt hơn cả Safari của Apple. Đây là một vấn đề khó lòng chấp nhận. Hơn nữa, tính năng search history bằng từ khóa trên thanh địa chỉ của Safari rất được ưa chuộng. Thế nhưng, bạn lại không thể tìm kiếm tên bookmark theo tiêu đề. Chi tiết này khiến việc quản lý bookmark trên Safari từ Snow Leopard đến Lion đều rất tệ.

Launchpad - thứ biến OS X thành iOS - có một vài điểm đáng khen. Chụm 4 đầu ngón tay trên touchpad và bạn sẽ nhìn thấy một màn hình giống như trên các thiết bị chạy iOS. Tuy nhiên, màn hình ngang của Macbook và iMac khiến việc di chuột tìm đến một ứng dụng cần thiết phải đi quãng đường xa hơn nhiều so với việc di chuột lên folder Application và scroll vài đường là đã tìm thấy thứ mình cần một cách nhanh gọn.


Sự rườm rà và bất hợp lí về cách sắp xếp folder lẫn hiệu năng khi thao tác sẽ khiến bạn chẳng muốn quan tâm tới việc mình có thể tập hợp app có cùng nhóm tính năng vào một folder ra sao. Mission Control - sự kết hợp của Exposé và Space của Mac - cũng gặp phải vấn đề tương tự.

Nó cho phép bạn kiểm soát được rằng mình đang chạy những thứ gì mà dễ dàng tìm tới ứng dụng đó. Tuy nhiên, lại nói về hiệu năng. Tính năng này không cơ động và linh hoạt như Exposé lẫn Space. Mỗi app chạy toàn màn hình (fullscreen) cũng đều bị tính là một space và khi dùng 4 ngón tay để di chuyển qua các Space cũng tốn nhiều thời gian hơn.

Space trên Snow Leopard.

Bạn nên dùng tổ hợp phím tắt. Tuy nhiên, ở Snow Leopard thì với một cú vẩy cổ tay đưa chuột ra góc màn hình là người dùng có thể nhìn thấy tất cả các Space mình đang sử dụng rồi “lao” tới đó rất nhanh. Khoảng thời gian delay trong việc chuyển đổi không gian làm việc của Lion là một thứ không đánh vào hiệu năng của hệ điều hành. Nó chỉ khiến chiếc Mac của bạn giống một chiếc iPhone nằm ngang hơn.

Mail 5 thì lại là ứng dụng tuyệt vời nhất của Lion. Công cụ sử dụng lối trình bày trực quan của Mail trên iPad và bạn yên tâm kiểm soát tất cả các thư còn lại trong khi không cần thoát ra vào lại liên tục như Gmail trên browser. Những ứng dụng hay dùng khác như Adress Book, iCal... cũng được cải tiến nhưng không có nhiều thay đổi nổi bật.

Adress Book mới.

Với Quicktime trên Lion, bạn hãy vuốt 4 ngón tay xuống để nhìn thấy các Recent Files mà mình đã xem trong thời gian gần nhất. Việc kéo 2 ngón tay để tua phim cũng sẽ kích hoạt một thanh cuộn báo tốc độ tua. Đây là những cải tiến nhỏ và được người dùng ưa chuộng trên Lion. Ít nhất, nó không làm bạn khó chịu.

Các tính năng như AirDrop hay Mac Server chưa được đánh giá trong bài viết này.


iCal.