8 lý do chứng minh kỷ nguyên PC vẫn đang rất hùng mạnh

MT  | 15/07/2012 05:30 PM

Những thiết bị được xem là đại diện cho thời kì "hậu PC" như smartphone hay tablet vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn thay thế cho PC truyền thống.

Rất nhiều người đang giữ niềm tin chúng ta đang bước vào thời kì hậu PC, thời những chiếc máy tính truyền thống dần bị thay thế bởi smartphone và máy tính bảng cùng những chiếc Chromebook - loại máy tính nhẹ nhàng chủ yếu hoạt động "trên mây". Doanh số PC được 2 hãng nghiên cứu Gartner và IDC thực hiện gần đây dường như thêm một minh chứng mạnh mẽ cho nhận định đó: so với Q2 năm ngoái, doanh số PC xuất xưởng đã giảm 0,1%. Trong một phát biểu mới đây, COO của Microsoft, Kevin Turner, cho biết chúng ta đang ở trong thời kì "PC +" (PC cộng). "Tablet và PC không có sự khác biệt. Chỉ với một nút bấm, chúng ta có thể chuyển qua lại giữa hai loại thiết bị này, đồng thời, chúng ta vừa có thể sử dụng cảm ứng, vừa dùng chuột, vừa dùng bút và bàn phím" - Turner ám chỉ tới Surface chạy Windows 8.


Những người tin rằng thời kì hậu PC đã tới có thể coi phát biểu đó cũng là lẽ thường tình bởi nó đến từ Microsoft. Nhưng còn nhiều lý do khác cho thấy kỷ nguyên PC vẫn đang rất hùng mạnh và không dễ gì bị đánh đổ.

"Đám mây" chưa đủ mạnh

Điện toán mây sẽ là một phần quan trọng của tương lai, nhưng nó không thể thay thể nhu cầu . Người dùng sẽ không muốn mất thời gian để cho "đám mây" upload dữ liệu lên máy chủ rồi mới có thể thực hiện những công việc như chỉnh sửa ảnh hay video. Những dữ liệu quý giá của họ phải có mặt ngay tức thì khi họ cần, ngay trong ổ đĩa lưu trữ của máy. "Đám mây" cũng có nghĩa nếu bạn bị ngắt mất kết nối internet, bạn sẽ không thể nào làm được việc. Còn ngược lại, ổ cứng trong máy luôn đi kèm với người dùng, có mặt tức thời khi họ cần, không cần kết nối internet để truy cập. Ngay cả các thiết bị di động hiện nay cũng phải cung cấp thêm tính năng sử dụng khi không có internet. Điển hình là dịch vụ nhận diện giọng nói của Google. Hầu hết các thiết bị Android mới dùng HĐH Android mới nhất đều được trang bị tính năng nhận diện giọng nói cả khi không có internet.

Kiểu dáng đa dạng

PC ngày càng đa dạng về kiểu dáng và đi theo xu hướng ngày càng nhỏ gọn. Trong những năm 1980, nói tới PC là nói tới những thùng máy tính để bàn to nặng, nhưng bây giờ, PC có thể chỉ to hơn bàn tay con người một chút (các mẫu netbook). Người dùng có thể thoải mái lựa chọn một dàn máy tính, một chiếc laptop nhẹ nhàng, hay sắp tới là những chiếc PC có thiết kế dạng lều như IdeaPad Yoga. 

Laptop trong hình dáng "túp lều" IdeaPad Yoga. 

Khi Windows 8 ra mắt vào mùa thu tới, chúng ta sẽ được chứng kiến những chiếc PC trong hình hài tablet (như Surface), "đối thủ" của nó. Điểm khác biệt là chúng chạy HĐH quen thuộc Windows giúp chúng ta thực hiện những tác vụ hàng ngày cho công việc như xử lý văn bản, chỉnh sửa video, lướt web...

Không thể phủ nhận những chiếc tablet như iPad có kiểu dáng đẹp mắt, tiện dụng, nhưng nên nhớ rằng iPad dùng hệ điều hành cho các thiết bị di động - iOS, không phải OS X như Mac. Điều đó đồng nghĩa bạn không thể thao tác các tác vụ hàng ngày như làm trên PC chạy Windows như xử lý văn bản...

PC vẫn là thiết bị tốt nhất ở khả năng đa nhiệm

Hệ điều hành di động có thể coi rất kém ở khả năng đa nhiệm. iOS và Windows Phone thậm chí còn không cho phép người dùng chạy ngầm một số ứng dụng. Trên Android, bạn cũng phải bấm tổ hợp phím mới có thế chuyển qua các ứng dụng đang mở. Với Windows và Mac OS, người dùng có thể dễ dàng chạy nhiều ứng dụng cùng một lúc. Bạn có thể vừa gửi mail, vừa chat, vừa transcode video...mà không gặp bất cứ khó khăn gì.

Ngay cả với Windows 8 - HĐH được Microsoft thiết kế cho tablet với giao diện Metro, hãng này vẫn phải giữ lại tính năng cho phép hiển thị 2 ứng dụng cạnh nhau để cải tiến khả năng chuyển đổi qua lại giữa các tác vụ. Đồng thời, trong Windows 8, desktop trên màn hình PC sẽ hiển thị trên màn hình ngoài khi kết nối PC với chúng.

Bàn phím và chuột vẫn cần thiết cho công việc

Bàn phím vật lý đem lại trải nghiệm đánh máy tuyệt hơn rất nhiều so với bàn phím ảo.

Không thể phủ nhận trải nghiệm chạm vuốt trên màn hình cảm  ứng là rất thú vị. Bằng những động tác tay đơn giản, bạn có thể vuốt nhẹ trên màn hình để xem một thư viện ảnh. Khi cần, bạn chỉ cần nhúm ngón tay lại để zoom vào bức ảnh đó...Nhưng khi cần một thiết bị để làm việc, bạn cần một chiếc máy tính thực thụ kèm theo bàn phím và chuột vật lý. Bên cạnh sự bất tiện, bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng đôi khi còn khiến chúng ta tức điên lên vì tính năng tự động hoàn chỉnh từ. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể sắm thêm một bàn phím gắn ngoài để đánh máy với tablet, nhưng chắc chắn một điều rằng trải nghiệm đánh máy với bàn phím gắn ngoài trên máy tính bảng không thể bằng được bàn phím trên laptop hay máy bàn, chưa kể đến bạn phải mất thêm thời gian cho những công việc kết nối này.

Khả năng nâng cấp

Bạn muốn chiếc tablet của mình mạnh hơn. Chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải tìm mua máy mới. Bạn không thể nâng cấp chiếc máy hiện có như bạn có thể làm với PC được. Với laptop, bạn có thể mở rộng dung lượng ổ cứng, RAM. Với máy bàn, bạn có thể tùy biến mọi thứ từ ổ cứng, bo mạch chủ, nguồn. Với máy bàn, bạn có thể tự mình build cấu hình máy.

Tương thích phần cứng

Nếu muốn kết nối iPad hay tablet Android với máy in, có một số model hỗ trợ kết nối không dây. Thế nhưng sẽ là vấn đề nan giải nếu văn phòng bạn chỉ có chiếc LaserJet 5P. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với máy quét, hệ thống bán hàng (point-of-sale), thiết bị dùng cổng tiếp nối cũ. PC hiện nay có thể kết nối với thậm chí là các thiết bị cổ xưa nhất thông qua adapter.

PC là thiết bị của nhà phát triển dùng 

Có bao giờ bạn tự hỏi các ứng dụng mà lập trình viên viết ra đến từ đâu? Liệu các nhà phát triển dùng tablet để viết ứng dụng? Chắc chắn là không. Tất cả các công cụ để phát triển ứng dụng cho Android, iOS hay Windows Phone, thậm chí là BlackBerry OS đều chạy trên máy tính, không phải điện thoại hay tablet. Để lập trình cho iOS, bạn phải dùng Mac. Tuy nhiên, PC Windows là công cụ tốt nhất để lập trình cho tất cả các nền tảng di động khác. Chẳng có lập trình viên nào đủ kiên nhẫn để duyệt hàng nghìn dòng code trên một chiếc tablet 10 inch.

Doanh số chưa nói lên được vấn đề

Theo nghiên cứu của Gartner, doanh số PC đã giảm 0,1% so với Q2 năm ngoái, nhưng khi so sánh các con số, chúng ta sẽ thấy PC vẫn phổ biến hơn tablet. Thậm chí, nếu không có sự trì hoãn ra mắt Ivy Bridge đến tận cuối mùa xuân từ Intel, doanh số PC chưa chắc đã giảm. Đó là chưa kể tới nhiều người dùng trì hoãn mua PC để chờ đợi Windows 8 ra bản thương mại vào cuối tháng 10 tới.

Con số 87,5 triệu chiếc máy tính được xuất xưởng chỉ trong Q2 vừa qua cũng cho thấy PC vẫn đang rất hùng mạnh và không thể nói chúng đang đến ngày "tận diệt". 

Cuối cùng, bạn sẽ nhận thấy rằng "đối thủ" lới nhất khiến doanh số PC mới không tăng trưởng, không phải đến từ tablet, mà là do PC...cũ. Tưởng tượng bạn đang dùng chiếc máy tính chip Core 2 Duo và vẫn đáp ứng đủ tất cả các nhu cầu sử dụng của mình, bạn sẽ chưa có lý do gì để bỏ tiền mua máy mới.

Tham khảo: Laptopmag