Vua bài 3 - Căng thẳng đấu trí, cười rung cả ghế

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/02/2016 12:30 PM

Ra mắt từ năm 1989, cho đến nay loạt phim Thần Bài đã có tổng cộng… 17 phim, cả chính thống và những tác phẩm spin-off.

Con số này đủ nói lên sự hâm mộ của khán giả dành cho thương hiệu đình đám này. Không những vậy, series này còn là xuất phát điểm của những cái tên lừng danh trong nền điện ảnh Hoa ngữ như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa hay Châu Tinh Trì. Chính trong Thần Bài 2 (1990), Châu Tinh Trì lần đầu thử nghiệm lối diễn hài nhảm và được khán giả ủng hộ nhiệt liệt. Thành công đó đã khiến anh mạnh dạn đi theo trường phái này và xây dựng tên tuổi “vua hài Hồng Kông”.

Năm 2014, đạo diễn Vương Tinh quyết định làm mới thương hiệu này theo một cách “dị” chưa từng có. Trong From Vegas to Macau (2014), ông mời lại Châu Nhuận Phát vào vai thần bài, nhưng là… một nhân vật khác mang tên Thạch Nhất Kiên. Càng lạ lùng hơn khi ở cuối phim, thần bài Cao Tiến do Châu Nhuận Phát thủ vai trong series gốc cũng xuất hiện. Trong From Vegas to Macau 2, đến lượt đồ đệ của Cao Tiến là Đao Tử (Lưu Đức Hoa) góp mặt.

Điều đáng tiếc nhất với khán giả trong series mới về Thần Bài có lẽ là sự vắng mặt của Châu Tinh Trì. Song, đó cũng là điều dễ hiểu khi anh đã rời khỏi màn ảnh từ nhiều năm nay, chỉ còn đảm nhận vai trò đạo diễn. Mặc dù vậy, Vua Bài 3 vẫn không hề “giảm nhiệt” nhờ có sự góp mặt của Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu và Trương Gia Huy. Chỉ cần một trong bốn cái tên này cũng đủ khuynh đảo phòng vé Hoa ngữ, đừng nói là khi tất cả cùng hội ngộ.

Nếu như Hollywood có loạt phim Fast & Furious bắt đầu với đua xe đường phố, nhưng về sau mở rộng câu chuyện đến mức… đánh nhau với đặc nhiệm và cứu thế giới, thì series Thần Bài của Hoa ngữ cũng tương tự như vậy. Trong Vua Bài 3, những màn đọ sức trên sới bạc chỉ chiếm thời lượng ít ỏi, còn lại tác phẩm đúng chất một nồi “lẩu thập cẩm” với những trận chiến đủ thể loại, từ bắn súng, đấu võ, robot đại chiến đến cả… đánh bóng bàn để bình định thiên hạ. Nhìn chung, khán giả trẻ sẽ mãn nhãn với những màn giao đấu đẹp mắt, nhưng với những người lớn tuổi, có lẽ họ sẽ thích phim tập trung hơn vào chủ đề chính thay vì… đi lạc đề khá nhiều.

Ngoài ra, đối với các mọt phim, Vua Bài 3 còn là cơ hội kiểm chứng “công phu luyện công”. Phim liên tục có nhiều tình huống trào lộng nhái theo các tác phẩm Tây Tàu đủ kiểu, khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Robot phụ tá cho Thạch Nhất Kiên khá giống với C-3PO trong Star Wars. Nhân vật của Trương Gia Huy thì hết luyện Như Lai Thần Chưởng lại đến… phóng tơ như Spider-Man.

Khi Thạch Nhất Kiên bị chập cheng, ông thậm chí còn tự xưng mình là Trương Vô Kỵ và gọi mọi người xung quanh bằng tên các nhân vật trong Kim Dung. La Gia Anh tái hiện vai diễn huyền thoại của mình trong Quốc Sản 007, mà bản thân vai này lại lấy cảm hứng từ nhà khoa học Q của 007. Ngoài ra còn có hai sự xuất hiện vô cùng độc đáo của “bà chủ nhà” khét tiếng trong Tuyệt Đỉnh Kung Fu và ca sĩ… Psy đến từ Hàn Quốc. Có lẽ trong danh sách “bị troll” chỉ thiếu có… Châu Tinh Trì là hoàn hảo.

Như đã nói ở trên, From Vegas to Macau là loạt phim kỳ lạ khi Châu Nhuận Phát một mình đóng cả hai nhân vật, và cả hai đều là thần bài. Trong phần này, “thần bài cũ” Cao Tiến thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn hai tập trước. Nếu để ý kỹ, khán giả dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa hai thần bài, Thạch Nhất Kiên tính tình thoải mái, trong khi Cao Tiến có phần đứng đắn hơn. Nhìn chung, nam diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Hoa ngữ đã hoàn thành tốt cả hai vai nhờ kinh nghiệm diễn xuất dày dạn.

Không hề kém cạnh Châu Nhuận Phát, Trương Gia Huy cũng gây ấn tượng trong vai trợ thủ của Thạch Nhất Kiên. Anh đảm nhận vai trò “cây hài” xuyên suốt phim, liên tục có những câu nói đùa và kết nối các nhân vật khác. Còn Lưu Đức Hoa là cái tên đã quá quen thuộc và luôn chinh phục được khán giả, chỉ cần anh xuất hiện đã khiến “vạn người mê” rồi. Trong khi đó, có chút thất vọng dành cho vai diễn của thiên vương Trương Học Hữu. Song, lỗi không phải ở anh mà là ở đội ngũ kịch bản đã tạo ra một kẻ phản diện chưa đủ chiều sâu. Nhân vật của Trương Học Hữu ngoài vài cảnh tỏ ra “ngầu đời” thì lại khá một chiều, và cũng chẳng có kế hoạch gì ra trò. Chưa kể, cái kết đắng lòng của hắn khá “cụt ngủn”, và cũng là lời cảnh tỉnh cho những chàng trai si tình quá mức, nhất là khi dịp Valentine đã gần kề.

Nhìn chung, Vua Bài 3 là bộ phim hài mang phong cách bình dân. Thậm chí có thể nói phim khá giống những phim hài Tết của Việt Nam, tập trung vào mảng miếng nhiều hơn đường dây chính của câu chuyện. Mặc dù vậy, đây vẫn là tác phẩm có đầu tư về mặt kỹ xảo, cũng như đem lại không ít tiếng cười rộn rã đầu xuân. Đánh trúng tâm lý của người xem, Vua Bài 3 đã thắng lớn ở phòng vé của Trung Quốc và Hồng Kông.

Tác phẩm đổ bộ tới Việt Nam từ ngày 12/2 (Mùng 5 Tết) với tên gọi Vua Bài 3: Phát Tài Phát Lộc.

(Theo Kenh14 - Trí Thức Trẻ)