Những series phim truyền hình càng kéo dài càng dở (Phần 2)

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/05/2015 04:04 PM

Không chỉ là 5 phim đã nhắc đến trong phần I, phần II của bài viết sẽ mang đến cho bạn 5 series phim truyền hình khác. Nổi trội hơn, fan đông hơn và cũng bị bệnh kéo dài "trầm kha".

Như ở phần trước, những series đình đám như Prison Break, Smallville hay Lost đều dở vì kéo dài câu truyện. Danh sách này tiếp tục có thêm những cái tên nổi tiếng khác.

1. Glee (2009 - Nay)

Gleephim truyền hình dài tập thể loại nhạc kịch được giới trẻ vô cùng yêu thích. Bắt đầu lên sóng từ năm 2009, nội dung phim xoay quanh câu lạc bộ hợp xướng của trường trung học William McKinley với các cô cậu học trò “nhất quỷ nhì ma”. Tuy nhiên, chính việc lồng ghép khéo léo giữa những rắc rối tuổi teen với các vấn đề xã hội, văn hóa, giáo dục… cùng những bản nhạc remix tuyệt hay theo chủ đề của mỗi tập đã khiến cho Glee gần như trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ Mỹ. Cho tới năm 2015, series này đã kéo dài tới 6 mùa và có dấu hiệu… “hụt hơi”.

Ban đầu, nhà sản xuất Ryan Murphy muốn thời gian trong Glee là thời gian thật, dàn diễn viên sẽ lớn lên theo mỗi mùa và sau 3 mùa, họ có thể đàng hoàng tốt nghiệp như học sinh thật. Tuy nhiên khi mùa 3 gần kết thúc, các fan tỏ vẻ không sẵn sàng xa rời dàn nhân vật cũ và đón nhận những gương mặt mới nên nhà sản xuất bèn đưa ra phương án: vẫn giữ lại dàn diễn viên cũ (và mở rộng phạm vi bối cảnh bằng cách theo chân họ đến trường đại học), cùng lúc bổ sung thêm một số nhân tố mới. Thế nhưng cách làm này dần bộc lộ sai lầm khi người xem bị “choáng” bởi quá nhiều tuyến nhân vật với muôn vàn rắc rối diễn ra cả ở ngoài trường học, cộng thêm những yếu tố “nửa người lớn nửa trẻ con” khiến series này khó xác định được đối tượng khán giả trọng yếu của mình. Ngoài ra, việc bổ sung thêm mà không cắt bớt “người cũ” cũng khiến tuyến nhân vật của Glee trở nên quá đông đảo, gây ra tình trạng “loãng”, nhân vật ít đất diễn và tâm lý không được khai thác sâu.

Có lẽ, Glee nên dừng lại ở mùa 3 cùng với dàn diễn viên cũ mới là quyết định sáng suốt nhất

Có lẽ, Glee nên dừng lại ở mùa 3 cùng với dàn diễn viên cũ mới là quyết định sáng suốt nhất

2. Revenge (2011 - 2014)

Revenge từng là series “chiếm sóng” của đài ABC với tỷ suất người xem cao nhất từ thời Lost tới nay. Bộ phim kể về hành trình báo thù đầy máu và nước mắt của cô gái trẻ trung, xinh đẹp Emily Thorne (Emily VanCamp) với những kẻ từng hãm hại gia đình cô trong quá khứ. Sự thành công của phim đến từ kịch bản chặt chẽ, cuốn hút và diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên. Người xem sẽ bị quây chặt trong tầng tầng lớp lớp mưu đồ của Emily Thorne cũng như bàng hoàng, lo lắng cho số phận của cô giữa “hang hùm miệng sói”. Bên cạnh đó, các khán giả nữ sẽ khó rời mắt khỏi những khung hình đẹp như mơ lột tả cuộc sống xa hoa ở Hampton cũng như những bộ cánh sang trọng, kiều diễm mà các người đẹp khoác lên trong phim.

Thế nhưng cuối tháng 4/2015, đài ABC đã chính thức ra tuyên bố không làm tiếp “Revenge” mùa 5. Đây là quyết định khó khăn nhưng cần thiết bởi vì kịch bản “khó hiểu” khiến cho show không thể tiếp tục. Cả bộ phim vốn dĩ tập trung vào kế hoạch trả thù của Emily Thorne sau cái chết của cha cô, nhưng nếu ông ấy… còn sống thì sao? Chẳng phải mọi nỗ lực từ trước đến nay của Emily trở thành vô nghĩa? Các biên kịch không biết vì sao lại bỏ qua vấn đề này và đưa người cha của Emily Thorne từ cõi chết quay lại. Cùng lúc đó, họ đưa Daniel Grayson (chồng cũ của Emily) lên đoạn đầu đài một cách tức tưởi và cũng đầy khó hiểu. Khán giả cảm thấy khó chịu với những tình tiết vô lý của kịch bản chính là yếu tố thúc đẩy Revenge đến bên bờ vực thẳm.

3. Supernatural (2005 - Nay)

Không nhiều series có được sự thành công to lớn và tầm ảnh hưởng rộng rãi như Supernatural . Trải qua 10 mùa phát sóng, Supernatural vẫn được đài CW (nhượng quyền lại từ đài Warner Bros.) ưu ái đặt làm tiếp mùa thứ 11. Sức hút của show này đến từ chủ đề kinh dị - giả tưởng vốn rất ăn khách, nội dung phong phú, hấp dẫn cộng thêm dàn diễn viên trẻ đẹp và có tính tương tác cao.

Tuy nhiên, Supernatural đã mất dần sức hút từ sau sự ra đi của biên kịch chính Eric Kripke cuối mùa 7, và tin tức về mùa thứ 11 của phim chưa chắc đã khiến các fan hài lòng. Càng kéo dài, bộ phim càng bộc lộ nhiều yếu điểm liên quan đến logic và sức sáng tạo. Mặc dù khán giả rất yêu cặp đôi Jared Padalecki - Jensen Ackles nhưng điều đó không có nghĩa là họ không cảm thấy mệt mỏi khi hai anh em liên tục thách thức từ thiên thần đến ác quỷ mà vẫn… sống nhăn răng. Những tình tiết vô lý cứ liên tục lặp đi lặp lại mà không có lời giải thích xác đáng nào ngoài việc… đạo diễn thích thế. Xem ra, đài CW vẫn coi Supernatural là con gà đẻ trứng vàng (sự thực là lượng fan trung thành của series này rất đông đảo và ổn định) nhưng với chất lượng ngày càng đi xuống, có lẽ sẽ đến lúc người hâm mộ dần quay lưng với nó mà thôi.

4. Grey’s Anatomy (2005 - Nay)

Trải qua 11 mùa với nhiều biến cố thăng trầm, từ vị trí là một trong những series thuộc hàng top-ten, Grey’s Anatomy tuy vẫn được đánh giá cao bởi giới chuyên môn và nhiều khán giả yêu thích nhưng lượng người xem vẫn cứ… giảm dần.

Vào năm 2005, khi Grey’s Anatomy lên sóng lần đầu, chắc chắn ekip sản xuất khó có thể ngờ rằng một bộ phim về đề tài y học vốn khô khan lại có thể được khán giả ủng hộ nhiệt tình và kéo dài đến tận ngày hôm nay. Với nội dung xoay quanh cuộc sống của nhóm người tại một bệnh viện Seattle từ khi còn là thực tập sinh đến lúc trở thành các bác sĩ phẫu thuật dày dặn kinh nghiệm, cái hay của Grey’s Anatomy là cách lồng ghép khéo léo giữa những kiến thức chuyên môn với các tình huống đa dạng trong cuộc sống, biến bộ phim trở thành bức tranh phong phú nhiều màu. Tuy nhiên, càng dài càng dai càng dở và Grey’s Anatomy cũng không tránh khỏi số phận đó. Ngay từ khi kết thúc mùa 8, nhiều khán giả đã bày tỏ sự mệt mỏi của họ với nội dung ngày càng nhàm chán của phim: sự xuất hiện thừa thãi của nhân vật Bailey (Chandra Wilson), tuyến truyện của Webber (James Pickens Jr.) thì quá dài dòng và một số mối quan hệ đang trở nên nhạt nhẽo như giữa Jo (Camilla Luddington) và Alex (Justin Chambers), Arizona (Jessica Capshaw) và Leah (Tessa Ferrer)… Có lẽ đã đến lúc “Grey’s Anatomy” nghĩ đến một cái kết đúng lúc cho bức tượng đài này.

5. The Vampire Diaries (2009 - Nay)

Cách đây vài năm, chủ đề ma cà rồng bỗng trở nên cực hot với hàng loạt tên tuổi lớn như Twilight, True Blood, Let Me In… và dĩ nhiên không thể không kể đến The Vampire Diaries .

Bối cảnh của bộ phim diễn ra ở Mystic Falls, Virginia, một thị trấn nhỏ hư cấu bị ma ám và bao quanh bởi sinh vật siêu nhiên. Nhân vật chính Elena Gilbert (Nina Dobrev) rơi vào mối tình tay ba với hai anh em ma cà rồng Stefan Salvatore (Paul Wesley) và Salvatore Damon (Ian Somerhalder), từ đó cô buộc phải tiếp cận nhiều hơn với thế giới huyền bí này. Ngoài ra, series còn khai thác sâu hơn vào lịch sử của vùng đất Mystic Falls cũng như những âm mưu bị che giấu trong quá khứ của nó. Thành công của The Vampires Diaries khiến hãng CW hăm hở làm tiếp cả phần ngoại truyện cho nó là “The Originals”, kể về các gia tộc chính tại Mystic Falls.

Tuy nhiên, với tuyên bố chính thức rời bỏ series từ sau mùa 6 của nữ chính Nina Dobrev cùng lượng người xem giảm dần từ mùa 5, xem ra “tuổi thọ” của The Vampires Diaries không còn dài. Lý do là sau quãng thời gian nở rộ của các phim về đề tài “ma cà rồng”, nay chúng đã dần dần đi tới ngưỡng bão hòa. Người xem bắt đầu chán nản với motif tình yêu giữa ma cà rồng với chủng loài không phải ma cà rồng. Qua 6 mùa, các diễn viên cũng dần già đi và không còn thích hợp với câu chuyện quẩn quanh về tình yêu đôi lứa nữa. Đặc biệt đoạn kết của mùa 6 làm không ít khán giả “ứa gan” khi tưởng Elena cuối cùng cũng thoát khỏi kiếp ma cà rồng không mong muốn cùng người yêu Damon, không ngờ plot twist là nàng trở thành “công chúa ngủ trong quan tài” và hẹn người yêu 60, 70 năm sau mới tỉnh dậy. Trong thời gian sắp tới, đài CW nên cân nhắc một cách cẩn thận về việc có nên kết thúc series này tại mùa 7 hay không khi các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều đang rời bỏ họ.

 

>> Những series phim truyền hình càng kéo dài càng dở