Những khó khăn ít ai biết về công việc của biên tập viên manga

Rishave  - Theo Trí Thức Trẻ | 18/03/2016 03:46 PM

Để tạo ra 1 bộ manga hay thì chỉ họa sỹ hay biên kịch là không đủ, chúng ta còn cần cả đến một người tưởng chừng như rất lạ lẫm: Biên tập viên manga. Tuy nhiên, công việc này đôi khi cũng mang rất nhiều áp lực mà người ngoại đạo như chúng ta khó lòng thấu hiểu.

Chắc hẳn ở Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ có niềm đam mê đến truyện tranh và luôn nung nấu ước mơ góp phần thực hiện 1 bộ truyện của riêng mình. Tuy nhiên rất nhiều trong đó lại nhận ra mình không có khả năng vẽ cũng như lên kịch bản nên dường như ước mơ đó rất xa vời. Ở Nhật Bản cũng vậy, nhưng họ đã nhận ra rằng để sản xuất được 1 bộ manga hay thì chỉ họa sỹ và biên kịch (đôi khi 2 người này là 1) là không đủ mà còn cần cả 1 con người đứng phía sau để hỗ trợ các tác giả – đó chính là những biên tập viên Manga.

Vậy công việc của những biên tập viên Manga là gì?

Về cơ bản, những biên tập viên Manga là người của nhà xuất bản cử đến để hỗ trợ các tác giả trong suốt quá trình sản xuất truyện tranh. Họ sẽ làm việc với họa sỹ và biên kịch để đưa ra ý kiến cải thiện tạo hình, tính cách nhân vật, cách dẫn dắt mạch truyện để phù hợp với thị hiếu độc giả, giúp bộ truyện tranh trở nên hoàn thiện nhất trước khi được xuất bản.

Bên cạnh đó, những biên tập viên Manga còn đảm nhiệm 1 nhiệm vụ vô cùng quan trọng đó chính là thúc ép các tác giả, đảm bảo tiến độ của bộ truyện – điều mà các bạn có lẽ đã khá quen thuộc khi thỉnh thoảng được các tác giả đưa vào tác phẩm của mình (điển hình như cố họa sỹ Fujiko F. Fujio của Doraemon). Tuy nhiên vẫn có 1 số biên tập viên bất lực trước tác giả mà mình làm việc cùng (series Hunter x Hunter liên tục bị trì hoãn trong vòng 2 năm là 1 ví dụ)

Trở thành 1 biên tập viên Manga khó thế nào?

Gần đây, trong 1 cuộc phỏng vấn với Shueisha, nhà xuất bản của Weekly Shonen Jump, nhà xuất bản này đã tiết lộ những yêu cầu chính của họ khi tuyển 1 người vào làm tại vị trí biên tập viên Manga.


Theo Shueisha, có 3 bước cần phải vượt qua trước khi bạn được nhận làm biên tập tại 1 công ty manga.

Theo Shueisha, có 3 bước cần phải vượt qua trước khi bạn được nhận làm biên tập tại 1 công ty manga.

Đầu tiên, bạn phải gửi cho họ bản giới thiệu bản thân (giống CV hay Sơ yếu lý lịch tại Việt Nam). Do có rất nhiều người mong muốn làm việc tại vị trí này nên đây có thể coi là 1 bước chọn lọc những người có tiềm năng.

Nếu CV của bạn được chấp nhận, bạn sẽ được tiến đến vòng 2, làm các bài thi chính thức. Bài thi kéo dài trong tầm khoảng 4 giờ và đòi hỏi 1 lượng kiến thức vô cùng lớn, từ kiến thức xã hội, khả năng viết văn bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Kanji, khả năng dẫn dắt câu chuyện,… Nếu qua được bài kiểm tra này thì chúc mừng bạn, bạn đã được vào vòng phỏng vấn.

Sau cả quá trình ấy, chỉ có 1 số ít người được gọi đến làm việc nhưng đừng vội mừng bởi mặc dù bạn đã đi được tới đây nhưng những người quản lý hoàn toàn có thể phân bạn vào những vị trí phù hợp với năng lực của bạn, ví dụ như kế toán, nhân sự, hành chính, trợ lý,… thế nên để làm được biên tập viên manga thì còn tùy thuộc vào 1 chút may mắn nữa.

Nếu được nhận làm biên tập viên manga, bạn sẽ được yêu cầu đọc cả ngàn chap truyện ở đủ mọi thể loại, vừa đọc vừa đặt mình vào vị thế tác giả và đưa ra những ý kiến để giúp bộ truyện hấp dẫn hơn. Sau đó, bạn sẽ được phân làm biên tập phụ trách những tác phẩm phù hợp nhất với mình.

Dựa vào những thông tin trên, chúng ta đã phần nào hiểu tại sao nên công nghiệp truyện tranh ở Nhật Bản lại phát triển đến vậy. Không chỉ vì đó là mảnh đất của những tác giả tài năng mà còn vì cả 1 hệ thống sản xuất vô cùng chuyên nhiệp chỉ để nhằm tạo ra những bộ manga tuyệt vời nhất cho người đọc.