Lý giải trang phục mới của Spider-Man trong Captain America: Civil War

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/03/2016 0:00 AM

Đối với một số người, bộ trang phục của Spidey trong Civil War trông như một mớ CG trơn tru, bóng bẩy quá mức, trong khi đó số khác ngay lập tức nhận ra và tán thưởng thiết kế được lấy cảm hứng từ nguyên tác truyện tranh Spider-Man trong thời kỳ Silver Age.

Trailer thứ 2 của bộ phim siêu anh hùng được đón chờ nhất trong năm của MarvelCaptain America: Civil War đã được tung ra trong tuần trước và càng đẩy sức nóng của bộ phim lên cao hơn bao giờ hết. Nhưng có vẻ như điều mà tất cả mọi người đang bàn tán hiện nay không phải là cuộc “hôn nhân đổ vỡ” của Captain và Iron Man, mà chính là sự xuất hiện vỏn vẹn có … 2 giây của Spider-Man.

Cuối cùng chúng ta đã được chứng kiến diện mạo mới nhất của anh chàng “hàng xóm thân thiện”, phiên bản được cho sẽ kết nối với một bộ phim riêng về Spider-Man đồng sản xuất bởi Amy Pascal của Sony và Kevin Feige của Marvel Studio. Và đúng như dự đoán, với kỳ vọng “siêu phàm” của người hâm mộ, hai làn sóng phản ứng trái chiều trước bộ trang phục mới của nhân vật quen thuộc này đã nổi lên và gây bão cộng đồng mạng.

Đối với một số người, bộ trang phục của Spidey trong Civil War trông như một mớ CG (Computer Graphic: Đồ họa vi tính) trơn tru, bóng bẩy quá mức, trong khi đó số khác ngay lập tức nhận ra và tán thưởng thiết kế được lấy cảm hứng từ nguyên tác truyện tranh Spider-Man trong thời kỳ Silver Age.

Captain America: Civil War - Trailer 2

Nếu bạn nghĩ rằng Spider-Man lần này trông hơi “kì quặc” một chút, thì đó có lẽ là bởi vì hầu hết các trang phục trước đây của anh chàng khi lên phim đều được thiết kế với chất liệu giúp làm nổi bật trên màn hình, vậy nên bộ đồ lần này cho người xem cảm giác hơi … giả và lấp lánh kiểu vi tính hơn.

Bộ trang phục màn ảnh đầu tiên được Tobey Maguire khoác lên người trong phần một của bộ ba Spider-Man ra mắt vào năm 2002 do Sam Raimi đạo diễn. Bộ này nhấn mạnh vào hình ảnh mạng nhện và logo ở đằng trước bằng cách làm chúng nổi lên khỏi lớp vải và phản chiếu ánh sáng. Lớp vải đỏ-xanh được thiết kế cực kỳ chi tiết với mô hình lục giác, in mờ để làm nổi bật phần cơ bắp bên dưới, phân tách bởi những đường thẳng vắt cả qua lưng và một phần thắt lưng màu đỏ cuốn quanh. Logo nhện ở phía sau bộ trang phục có màu đỏ, cũng khá lớn và chi tiết như ở phía trước.


Trang phục Spider-Man do diễn viên Tobey Maguire thủ vai

Trang phục Spider-Man do diễn viên Tobey Maguire thủ vai


Mặt sau của trang phục

Mặt sau của trang phục

Tới phiên bản reboot The Amazing Spider-Man của Marc Webb năm 2012, dường như bộ trang phục đã được biến tấu hơi … quá đà, có lẽ là với mục đích tạo sự khác biệt hoàn toàn so với trilogy trước. Họa tiết mạng nhện được chuyển về màu đen, nhưng lại lõm xuống so với phần màu đỏ, tạo điểm nhấn cho bộ trang phục theo phong cách ngược hẳn với thiết kế của Raimi. Đặc biệt, phần vải màu đỏ và xanh được bổ sung nhiều chi tiết hơn hẳn để nổi bật cho phần phim mới, phần vải đỏ được trang trí theo phong cách gần như tổ ong, còn phần vải xanh cũng sử dụng họa tiết kiểu này, song lại khắc nổi lên với đường may lục giác màu đen. Còn phần logo ở trước ngực được kéo dài các chân bên dưới để tạo ra họa tiết mạng nhện.


Trang phục trong The Amazing Spider-Man năm 2012

Trang phục trong The Amazing Spider-Man năm 2012

Phần đằng sau của bộ trang phục kéo dài 4 chi dưới của logo nhện đỏ, và đường kẻ thẳng song song với vai cũng đã được thiết kế vồng lên để chừa chỗ cho phần trên của logo. Phần thắt lưng cũng đã được thay đổi so với phiên bản trước, thay vì vòng hết qua eo, nó chỉ vắt qua một phần nhỏ ở lưng dưới rồi vòng xuống phần đôi giầy của bộ trang phục.


Mặt sau của trang phục năm 2012

Mặt sau của trang phục năm 2012

Đối với The Amazing Spider-Man 2, các nhà sản xuất đã phải thu hồi lại một số chi tiết thiết kế bị thay đổi hơi “quá đà” của phần 1. Bộ trang phục lần này của Andrew Garfield có vẻ như được ảnh hưởng từ dòng comic Ultimate Spider-Man vào những năm 2000. Phần mạng nhện lại trở về trạng thái in nổi như trong bản phim trước của đạo diễn Sam Raimi, phần mắt được mở rộng ra và họa tiết trên vải trở nên ít “hầm hố” hơn.


Trang phục của The Amazing Spider-Man 2 năm 2014

Trang phục của The Amazing Spider-Man 2 năm 2014

Phần phía sau của bộ trang phục vẫn kéo dài chi dưới của logo nhện đỏ, nhưng đường thẳng song song với vai ít bị vồng hơn, vạt thắt lưng cũng được thiết kế lại để vòng hết qua eo.


Mặt sau của trang phục năm 2014

Mặt sau của trang phục năm 2014

Tất cả những bộ trang phục này đều được thiết kế dựa trên mục đích mang Spider-Man lên màn ảnh theo một phong cách độc đáo, song vẫn dễ nhận diện trong kỷ nguyên điện ảnh hiện đại. Điều này đồng nghĩa với việc phải điều chỉnh lại thiết kế nguyên tác của nhân vật từ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, kết hợp với những kỳ vọng của ngành điện ảnh về trang phục siêu anh hùng trong thời hiện đại.

Có rất nhiều lý do để thêm vào họa tiết cho trang phục của các siêu anh hùng, và nhiều khi điều đó là cần thiết để mang đến sự chân thật trên màn ảnh. Song điều khiến trang phục Spider-Man mới của Marvel/Sony khác biệt so với những phiên bản cũ là ở chỗ nó không dựa trên bất cứ thiết kế nào gần đây của nhân vật trong comic, và khác hẳn với những thiết kế táo bạo trong vũ trụ siêu anh hùng của Warner Bros. hay Fox. Phần họa tiết mạng nhện màu đen ở đây không hề được in nổi hay chìm xuống trên nền vải đỏ, và nó được tạo nên bởi hai đường chỉ đen chạy thẳng song song với một khoảng trống nhỏ ở giữa.


Cận cảnh đằng trước của trang phục Spider-Man mới trong Civil War

Cận cảnh đằng trước của trang phục Spider-Man mới trong Civil War

Họa tiết trên phần vải đỏ ở đây thậm chí còn không nổi bật bằng phiên bản “xuống tông” trong The Amazing Spider-Man 2. Tương tự cả ở phần vải xanh, thiết kế này cũng sử dụng rất ít họa tiết bổ sung, điều này có thể sẽ khiến nó trông ít “thật” hơn khi xuất hiện trên rạp. Song chắc hẳn phong cách thiết kế này sẽ làm cho người xem thấy bộ đồ trong The Amazing Spider-Man 2 trông như được may lại từ những quả bóng rổ cũ nếu để so sánh.


Tổng quan đằng trước

Tổng quan đằng trước

Logo nhện ở phía trước có lẽ là nhỏ nhất trong các phim về Spider-Man từ trước đến nay, và nếu bạn dừng trailer đúng chỗ, bạn sẽ thấy logo nhện ở phía sau còn được thiết kế khác hơn nữa. Tất nhiên nhiều người xem sẽ phàn nàn bởi nó tương đối giống con … ve chó hơn là nhện, nhưng trên thực tế, thiết kế này lại khá giống với nguyên tác trong dòng truyện Silver Age.


Logo đằng sau có sự khác biệt lớn

Logo đằng sau có sự khác biệt lớn

Steve Ditko là họa sĩ đầu tiên vẽ nên nhân vật Spider-Man, và ông cũng là người làm nên nguyên tác thiết kế với phần mắt kính, logo nhện hình noãn ở phía sau, và thắt lưng màu đỏ.


Bộ đồ của Spider-Man dưới bàn tay họa sĩ Steve Ditko

Bộ đồ của Spider-Man dưới bàn tay họa sĩ Steve Ditko

John Romita là người kế nhiệm tiếp theo, và bộ trang phục mới trong Civil War có logo ở trước ngực tương đối giống với hình vẽ của ông.


Spider-Man dưới thời họa sĩ John Romita

Spider-Man dưới thời họa sĩ John Romita

Một điểm thú vị nữa ở đây (bên cạnh hộp bắn tơ bổ sung của Spidey trong bản này) chính là những con mắt máy móc. Bạn có thể nghe thấy tiếng chúng tự động co giãn ra vào, như vậy phần mắt kính có thể thay đổi kích cỡ từ phong cách của John Romita ngay lập tức sang phong cách của Steve Ditko.


Đôi mắt lần này là máy móc có thể tự ý thay đổi kích cỡ

Đôi mắt lần này là máy móc có thể tự ý thay đổi kích cỡ

Khi thông tin Sony và Marvel sẽ hợp tác để làm nên phiên bản mới này của Spider-Man được tung ra, Marvel Studio đã cho thấy sự hứng khởi khi có thể lần đầu tiên “xuất xưởng” hình ảnh nhân vật theo đúng ý mình kể từ khi Stan Lee bán bản quyền làm phim về The Amazing Spider-Man vào thập niên 70. Và chắc hẳn họ muốn gửi đến một thông điệp rõ ràng rằng: Đây là một nhân vật mà bạn sẽ nhận ra, bởi bạn chưa từng được nhìn thấy anh ấy như vậy bao giờ. Lần này, giải pháp khôn khéo chính là bám vào nguyên tác nhân vật trong comic từ thời thủy tổ.

Theo Geek

10 sự thực kỳ thú không phải ai cũng biết về thế giới anime