Với nhiều thế hệ độc giả, nhắc đến Kim Dung là nhắc đến một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc và có ảnh thưởng bậc nhất đến nền văn học Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung.

Với nhiều thế hệ độc giả, nhắc đến Kim Dung là nhắc đến một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc và có ảnh thưởng bậc nhất đến nền văn học Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung. 

-------------o-O-o------------

Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, Kim Dung đã hoàn thành tổng cộng 14 tiểu thuyết và 1 truyện ngắn. Hầu hết trong số chúng đều được đặt trong những bối cảnh có thật của lịch sử phong kiến Trung Hoa. Bên cạnh phần nội dung hấp dẫn, tình tiết ly kỳ và cách tạo dựng nhân vật độc đáo, các tác phẩm của Kim Dung còn được đánh giá rất cao về triết lý sống và nhân sinh quan sâu sắc. Tất cả những điều này đã tạo nên một thế giới kiếm hiệp Kim Dung riêng biệt và là một phần không thể thiếu trong ký ức của nhiều thế hệ người hâm mộ.

Thời niên thiếu của Kim Dung – Tài năng, cương nghị và đầy chất ngông

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 1.

Nhà văn Kim Dung

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh vào ngày 10/3/1924 tại Chiết Giang, Trung Quốc, trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Sau khi triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Hoa là nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912, gia tộc của ông bắt đầu sa sút và chuyển dần sang các ngành nghề khác.

Kim Dung từ nhỏ đã thông minh, lanh lợi và rất yêu thích văn học. Tác phẩm đầu tay của ông được xuất bản chính quy vào năm 1939, là cuốn sách Dành cho người thi vào sơ trung (một cuốn cẩm nang luyện thi), khi đó Kim Dung mới chỉ vừa bước sang tuổi 15. Đến khi lên bậc Cao trung, Kim Dung lại soạn sách Hướng dẫn thi vào cao trung. Hai cuốn sách in ra bán rất chạy, đem lại cho ông khoảng nhuận bút hậu hĩnh.

Năm 16 tuổi, Kim Dung viết truyện trào phúng Cuộc du hành của Alice có ý châm biếm ngài chủ nhiệm ban huấn đạo. Người này sau đó đã rất tức giận và kiến nghị với hiệu trưởng đuổi học Kim Dung. Kết quả, "cậu nhóc" Kim Dung bị đuổi học và phải chuyển sang một ngôi trường lân cận. Nhìn nhận ở thời điểm đó, Cuộc du hành của Alice rõ ràng đã mang đến một hệ lụy tồi tệ. Tuy nhiên, tác phẩm này cũng đã cho thấy được trí tưởng siêu việt cũng như tinh thần cương nghị của Kim Dung. Điều này được thể hiện rất rõ qua các tác phẩm của ông sau này, tiêu biểu nhất có thể kể đến như Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu hay Lộc Đỉnh Ký.

Nhiều tác phẩm của Kim Dung đã được chuyển thể thành phim điện ảnh

Sau khi chuyển đến trường mới, Kim Dung một lần nữa lại khiến ban giám hiệu của trường phải chao đảo. Lần này là bài viết mang tên Một sự ngông cuồng trẻ con, được đăng lên Đông Nam nhật báo. Bài báo này đã đánh mạnh vào những quy định bất công trong trường: Học sinh không được quyền phê bình thầy giáo, nhưng thầy giáo có quyền lăng nhục và phạt nặng học sinh. Sau khi được đăng báo, bài viết này đã làm chấn động dư luận trong và ngoài trường. Trước sự ủng hộ nồng nhiệt của học sinh, phụ huynh và các nhà giáo dục, trường học của Kim Dung đã phải bãi bỏ những quy định vô lý của họ.

Sau khi tốt nghiệp trường cao trung, Kim Dung thi vào khoa Luật của học viện chính trị Trưng ương ở Trùng Khánh. Trong thời gian đại học, Kim Dung vẫn duy trì được thành tích học tập xuất sắc và đạt nhiều phần thưởng do nhà trường trao tặng. Tuy nhiên, con đường học vấn của ông lại tiếp tục bị dở dang. Sau khi lên tiếng tố cáo những bê bối trong trường học, Kim Dung lần thứ hai trong đời bị đuổi học, năm đó ông 19 tuổi.

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc - Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên

Sau khi bị buộc thôi học, Kim Dung xin được một việc làm trông coi tại thư viện Trùng Khánh. Kim dung từng chia sẻ, trong thời gian này, ông được tiếp xúc với rất nhiều thể loại văn học khác nhau. Một số cuồn tiểu thuyết mà ông yêu thích có thể kể đến như Ivanhoe (Walter Scott), Ba người lính ngự lâm, Bá tước Monte Crito (đều của Alexandre Dumas), những tác phẩm này sau đó đã ảnh hưởng nhiều đến văn phong của ông.

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 3.

Với nhiều năm làm việc ở các tờ báo khác nhau, đến năm 1946, Kim Dung dưới sự giúp đỡ của anh ruột là Tra Lương Giám đã tiếp tục theo học khoa Luật tại trường đại học Đông Ngô, Thượng Hải. Đến năm 1955, khi đang làm việc tại Tân Văn Báo (Hồng Kông), Kim Dung cho ra mắt cuốn tiểu thuyết võ hiệp đầu tay là Thư Kiếm Ân Cừu Lục. Truyện được đăng hàng ngày trên Hương Cảng tân báo và bút danh Kim Dung bắt đầu xuất hiện từ đây.

Từ thành công của Thư Kiếm Ân Cừu Lục, Kim Dung bắt đầu được chú ý nhiều hơn trên văn đàn Trung Quốc. Với sự ra đời tiếp đó của Bích Huyết Kiếm, tên tuổi của Kim Dung càng trở nên nổi tiếng hơn. Kể từ đây, ông và người bạn thân Lương Vũ Sinh được xem như hai người khai lập ra Tân phái của dòng tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc.

Đến năm 1959, Kim Dung cùng người bạn thân Trầm Bảo Tân lập ra Hồng Kông Minh Báo. Với những bài viết chính luận sắc, Kim Dung đã đưa Minh Báo tới nhiều thành công. Đến thời điểm hiện tại, Minh Báo vẫn đang hoạt động tốt và là một trong những nhật báo được đánh giá uy tín nhất tại Hồng Kông.

Sự nghiệp sáng tác của Kim Dung được bắt đầu vào năm 1955 và kết thúc vào năm 1972 với 15 tác phẩm, bao gồm:

Tác phẩmThời điểmSố lượng nhân vật
Thư Kiếm Ân Cừu Lục
1955
513 nhân vật
Bích Huyết Kiếm
1956
488 nhân vật
Xạ Điêu Anh Hùng Truyện (Anh Hùng Xạ Điêu)
1957
918 nhân vật
Thần Điêu Hiệp Lữ (Thần Điêu Đại Hiệp)
1959
979 nhân vật
Tuyết Sơn Phi Hồ
1959
130 nhân vật
Phi Hồ Ngoại Truyện
1960
439 nhân vật
Bạch Mã Khiêu Tây Phong
1961
67 nhân vật
Uyên Ương Đao
1961
34 nhân vật
Ỷ Thiên Đồ Long Ký
1961
956 nhân vật
Liên Thành Quyết
1963
229 nhân vật
Thiên Long Bát Bộ
1963
1211 nhân vật
Hiệp Khách Hành
1965
364 nhân vật
Tiếu Ngạo Giang Hồ
1967
979 nhân vật
Lộc Đỉnh Ký
1969-1972
1230 nhân vật
Việt Nữ Kiếm
1970
16 nhân vật

Sau khi Kim Dung hoàn thành các tác phẩm của mình, một người bạn của ông là Nghe Khuông phát hiện rằng chữ đầu tiên của tựa đề 14 tiểu thuyết có thể tạo thành 2 câu thơ thất ngôn:

Ghép thơDịch nghĩa
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tuyết bay đầy trời bắn hươu trắng
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh
Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 6.

Võ hiệp Kim Dung – Một thế giới với triết lý sống và nhân sinh quan sâu sắc

Bên cạnh phần nội dung hấp dẫn, tình tiết ly kỳ và cách tạo dựng nhân vật độc đáo, các tác phẩm của Kim Dung còn được đánh giá rất cao về triết lý sống và nhân sinh quan sâu sắc. Đề tài ưa thích nhất của ông chính là tinh thần tự hào dân tộc mạnh mẽ và chủ nghĩa yêu nước cháy bỏng. Xuyên suốt qua 15 tiểu thuyết của ông, có đến quá nửa trong số đó thể hiện được tinh thần này.

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 7.

Một triết lý khác cũng được Kim Dung đặc biệt quan tâm chính là Luật nhân quả, một hệ tư tưởng đặc trưng của Phật giáo. Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng ta có thể lấy ví dụ về một nhân vật phản diện nổi tiếng trong Anh Hùng Xạ Điêu, đó là Dương Khang. Nói về nhân vật này, bi kịch chính là từ chuẩn xác nhất để miêu tả về số phận của anh ta. Bi kịch của Dương Khang xuất phát từ nhiều phía, cả bên ngoài lẫn bên trong, tuy nhiên rốt cuộc cái kết đau đớn cuối cùng cũng là do nhân vật tự chuốc phải.

Vì mong muốn học được võ công của Tây Độc Âu Dương Phong, Dương Khang đã ra tay giết hại Âu Dương Khắc (con ruột của Phong). Sau khi sự việc bị Hoàng Dung lật tẩy, Dương Khang đã mất mạng vì chất độc của Âu Dương Phong còn sót lại trên áo giáp của Hoàng Dung. Mặc dù không phải chính tay Tây Độc hạ sát, tuy nhiên luật nhân quả đã báo ứng, một mạng phải đền một mạng. Thêm vào đó, cái chết của Dương Khang cũng có tác động từ phía Hoàng Dung. Điều này lại càng thể hiện cho việc Dương Khang cũng phải đền tội vì đã giết hại các sự phụ của Quách Tĩnh (được Hoàng Dung thay mặt).

Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa chấm dứt ở đây. Luật nhân quả vẫn ứng nghiệm ngay cả khi Dương Khang đã chết. Con của Khang là Dương Quá sau này lại vô tình được Âu Dương Phong dạy võ công. Đây được coi là một phần "trả nợ" cho việc Dương Khang và Hoàn Nhan Hồng Liệt đã cứu cha con Âu Dương Phong trên biển. Chưa dừng lại ở đó, Dương Quá còn bị con gái Quách Tĩnh là Quách Phù chặt đứt một cánh tay. Điều này được lý giải bằng việc Quá phải chịu thay Dương Khang vì tội lỗi đã làm với Quách Tĩnh trong quá khứ. Một nhát dao gần như đã tước đoạt mạng sống của Quách Tĩnh phải trả giá bằng cánh tay của Dương Quá, luật nhân quả một lần nữa lại thể hiện rõ ràng qua ngòi bút và khả năng sáng tạo tuyệt vời của Kim Dung.

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 8.

Về tư tưởng văn học trong các tác phẩm của mình, Kim Dung luôn coi trọng việc phản ảnh xã hội một cách chân thực là căn bản. Ông không thích lối viết văn hoa với quá nhiều sự mơ mộng và hão huyền. Trong lời tựa của một bộ truyện Lộc Đỉnh Ký phát hành năm 1981, Kim Dung đã viết:

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 9.

Có những độc giả bất mãn Lộc Đỉnh ký, vì nhân phẩm của nhân vật chính Vi Tiểu Bảo quá trái ngược với các quan niệm giá trị thông thường. Độc giả tiểu thuyết võ hiệp quen đem mình thay cho anh hùng trong tiểu thuyết, nhưng Vi Tiểu Bảo thì không thể thay được. Trên phương diện này, cướp đi mất niềm vui của bấy nhiêu độc giả, tôi cảm thấy rất có lỗi.

Nhưng nhân vật chính trong tiểu thuyết không nhất định phải là người tốt. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tiểu thuyết là sáng tạo nhân vật, người tốt, người xấu, người tốt có khuyết điểm, người xấu có ưu điểm… đều có thể miêu tả. Việc Trung Quốc thời Khang Hy có loại nhân vật như Vi Tiểu Bảo hoàn toàn không phải là chuyện không có khả năng...

... Nếu nhân vật trong tiểu thuyết trọn vẹn mười phần, thì không thể chân thực. Tiểu thuyết phản ảnh xã hội, trong hiện thực xã hội không có con người hoàn mỹ tuyệt đối. Tiểu thuyết hoàn toàn không phải là sách giáo khoa đạo đức. Có điều người đọc tiểu thuyết của tôi có rất nhiều thiếu niên thiếu nữ, vậy thì cũng nên nhắc nhở với những người bạn trẻ trong trắng ấy một câu: Vi Tiểu Bảo coi trọng nghĩa khí, đó là phẩm đức tốt, còn như những hành vi còn lại, thì ngàn vạn lần đừng nên học theo...

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 10.

Hình ảnh nhân vật Vi Tiểu Bảo trong tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký được phác họa qua tác phẩm điện ảnh

... Lúc gặp các độc giả gặp nhau lần đầu, câu hỏi mà tôi thường gặp nhất là "Ông thích bộ tiểu thuyết nào của mình nhất?". Câu hỏi này rất khó trả lời, nên tôi thường không trả lời. Còn nếu bàn về "mình thích", thì tôi thích mấy bộ có tình cảm mãnh liệt như Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Phi Hồ Ngoại Truyện, Tiếu Ngạo Giang Hồ. Lại thường có người hỏi "Theo ông bộ tiểu thuyết nào của mình là hay nhất?", thì bộ này là hay nhất. Có điều rất nhiều độc giả hoàn toàn không đồng ý. Tôi rất thích sự không đồng ý của họ. (theo bản dịch của Hội những người hâm mộ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung).

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 12.

Những hình ảnh từ tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ đã được chuyển thể thành game

Võ hiệp Kim Dung và sức ảnh hưởng rất lớn đến nền nghệ thuật, giải trí, giáo dục và cả văn hóa đương đại Trung Quốc

Tính đến tháng 3/2017, đã có tất cả 98 tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung, đây là một con số kỷ lục mà bất cứ nhà văn nào trên thế giới cũng phải mơ ước. Trong số 15 tiểu thuyết đã phát hành, Ỷ Thiên Đồ Long Ký là tác phẩm được chuyển thể nhiều nhất lên màn ảnh với 14 lần (7 phim điện ảnh và 7 phim truyền hình). Trái với Ỷ Thiên, Phi Hồ Ngoại Truyện lại là tác phẩm chưa một lần được chuyển thể thành phim.

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 13.

Thời kỳ đỉnh cao nhất của các bộ phim Kim Dung là từ giai đoạn 1980 đến 2000 (61 tác phẩm). Đây là thời kỳ mà điện ảnh Trung Quốc đại lục và đặc biệt là Hồng Kông đã có nhiều bước nhảy vọt lớn. Với nguồn kịch bản "bất tận" từ các tác phẩm chuyển thể của Kim Dung, có thể nói, đây là một trong số những nguồn năng lượng chủ yếu đã thúc đẩy hai nền điện ảnh này tăng tốc mạnh mẽ và thu hút được hàng triệu fan trên toàn Châu Á.

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 14.

Kể từ năm 2000 trở về đây, số lượng các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung đang có dấu hiệu giảm dần (21 phim). Tuy nhiên, chúng vẫn đóng góp một phần khá quan trọng quá trình phát triển của điện ảnh Hoa ngữ. Với việc giới thiệu hàng loạt ngôi sao hạng A đình đám, không quá khi nói rằng, đây như một "lò luyện sao" siêu cấp dành cho màn ảnh Trung Quốc.

Với 98 tác phẩm và gần 4000 tập phim thuộc hai thể loại điện ảnh và truyền hình (chưa tính hoạt hình và các thể loại kịch sân khấu khác), các tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung đã nối lại với nhau như một thước phim dài bất tận mà nếu muốn xem hết, bạn sẽ phải mất 10 năm hoặc nhiều hơn thế.

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 15.

Ngoài đóng góp lớn lao cho ngành nghệ thuật và giải trí, các tác phẩm của Kim Dung có thể coi là cuốn từ điển nhỏ về phong tục, tập quán, văn hóa Trung Hoa, bao gồm các lĩnh vực y thuật dân tộc Trung Quốc, châm cứu, võ thuật, âm nhạc, thư pháp, cờ vây, trà đạo, các triết học của đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão, và lịch sử phong kiến Trung Hoa. Cuối năm 2004, nhà xuất bản giáo dục của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa tác phẩm Thiên Long Bát Bộ vào sách giáo khoa lớp 12. Bộ Giáo dục Singapore cũng làm như vậy đối với các trường cấp 2, 3 sử dụng tiếng Trung Quốc.

Kim Dung: Từ một cậu bé từng bị đuổi học trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc - Ảnh 16.

Sở hữu hơn 300 triệu bản in đã được bán ra (chưa tính các bản lậu), Kim Dung được coi là tiểu thuyết gia người Hoa thành công nhất trong 50 năm trở lại đây. Với những đóng góp của mình, Kim Dung từng được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp (1982), huân chương danh dự OBE của Hoàng gia Anh (1981). Cùng với đó ông cũng là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học như Bắc Kinh, Chiết Giang, Nam Khai, Hong Kong, British Columbia và tiến sĩ danh dự của đại học Cambridge. Đặc biệt hơn, tên Kim Dung được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), đây là tiểu hành tinh được tìm ra trùng với ngày sinh của ông – 10/3.

Ở thời điểm hiện tại, khi đã bước sang tuổi 93, Kim Dung đã không còn viết sách, cũng hiếm khi xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông thực sự đã đi đến những đoạn đường cuối trong cuộc hành trình của mình. Trong tương lai 10, 20 năm hoặc nhiều hơn nữa, có thể những câu truyện của Kim Dung đã trở nên xưa cũ, có thể những nhân vật do ông tạo ra đã không còn "hot" với giới trẻ, tuy nhiên Kim Dung sẽ vẫn là Kim Dung. Một cái tên bất hủ sẽ mãi đi cùng năm tháng. 


Khánh Cường
Quốc Anh
Theo Trí Thức Trẻ27/03/2017