Siêu tàu ngầm nguyên tử Typhoon - Kẻ hủy diệt thực sự

PV  | 13/12/2011 05:14 PM

Cùng tìm hiểu về chiếc tàu ngầm nguyên tử đồ sộ nhất từ trước tới nay.

Từ hàng nghìn năm nay, đại dương bao la luôn là nơi diễn ra sự giao tranh quyết liệt. Một chân lý bất di bất dịch: để thống trị thế giới, trước tiên bạn phải làm chủ mặt biển. Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, những quốc gia từng là những đế chế hùng mạnh một thời, họ luôn hiểu rõ điều này. Kiểm soát được mặt biển đồng nghĩa với việc bạn sẽ kiểm soát được thương mại, bảo vệ việc vận chuyển, và quan trọng hơn - lan truyền tầm ảnh hưởng của mình tới những quốc gia thuộc địa.
 

 
Trong cuộc chiến này, tất nhiên tàu thuyền luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Thế kỷ 20 - thế kỷ của nguồn năng lượng hạt nhân nguyên tử, và dĩ nhiên, hàng hải cũng không nằm ngoài cuộc chơi này. Tàu ngầm nguyên tử ra đời như một hệ quả tất yếu trong quá trình phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp hạt nhân. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn khái quát về những chiếc tàu này, thông qua đại diện là Typhoon -- con tàu ngầm đồ sộ nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
 
Một vài nét về lịch sử hình thành và phát triển của Typhoon
 
Typhoon là loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo được phát triển bởi hải quân Xô Viết từ những năm 1980. Ngay từ những ngày đầu ra đời, với sức mạnh và sự đồ sộ của mình, con tàu này đã lập tức được đặt biệt danh là Typhoon - Cuồng phong.
 
Typhoon được phát triển từ dự án 941, dưới tên gọi Akula - nghĩa tiếng Nga: Cá mập. Dự án này được phát triển nhằm tạo ra những con tàu có khả năng đối kháng với tàu ngầm Ohio của Mỹ (theo nhiều số liệu, những chiếc Ohio này có khả năng mang theo đến 192 đầu đạn hạt nhân). Tuy nhiên, những chiếc tàu ngầm ra đời từ dự án này lại quá đồ sộ, và chúng buộc phải được thu nhỏ lại để thích hợp hơn với việc chiến đấu.
 
Tổng cộng có 6 chiếc Typhoon đã ra đời từ dự án này. Ngày nay, chỉ còn duy nhất tàu Dmitry Donskoi là còn hoạt động trong hải quân Nga, phục vụ cho các vụ thử nghiệm phóng tên lửa.
 
Cấu trúc
 
Typhoon được thiết kế với phương châm chính - "Sống sót và không bị phát hiện". Con tàu cấu trúc đa thân, trong đó phần thân chính được phủ một lớp vật liệu cách âm giúp con tàu này trở nên hoàn toàn "tàng hình" trước sóng radar địch. Tàu bao gồm 19 khoang, trong đó khoang điều khiển nằm ngay chính giữa tàu, thiết kế này sẽ giúp tăng khả năng sống sót của tàu lên rất nhiều. Ngay cả trong trường hợp một vài khoang tàu bị phá hủy hay ngập nước, nó vẫn có khả năng hoạt động tiếp.

 
Thiết kế của Typhoon cho phép nó có thể phá băng và di chuyển xuyên qua lớp băng dày đặc. Một thiết bị với tên gọi Nose horizontal hydroplanes (tạm dịch: thiết bị xác định đường chân trời) được gắn ở thân tàu và có khả năng thu vào bên trong tàu. Thiết bị này bao gồm hai kính tiềm vọng, một cho đài chỉ huy và một cho sử dụng chung. Ngoài ra, nó còn chứa một kính lục phân vô tuyến (thiết bị dùng để dò vị trí của tàu, radar và ăng-ten dò đường.
 

 
Cũng như các tàu ngầm nguyên tử khác, Typhoon được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò có khả năng sản xuất được khoảng 190 MW số điện. Mỗi lò phản ứng hạt nhân sẽ được đặt ở thân chính của tàu, cung cấp năng lượng cho các tuabin. Theo nhiều chuyên gia quân sự, lượng điện này đủ để cung cấp cho cả một thành phố cỡ vừa.
 
 
Với trọng tải vào khoảng 30.000 tấn, kích thước 200m chiều dài, 23 mét chiều rộng, đây là tàu ngầm đồ sộ nhất từng được xây dựng. Để dễ hình dung hơn, con tàu này có kích thước gần tương đương với tòa tháp Effeil, và trọng tải của nó ước chừng gấp 4-5 lần những con tàu ngầm hiện đại ngày nay. Không gian bên trong tàu rộng tới mức đủ để cung cấp không gian sinh hoạt cho một lượng thủy thủ đoàn lên tới 150 người trong vòng nhiều tháng. Thực tế, một chiếc Typhoon có thể hoạt động liên tục dưới nước trung bình trong vòng 3 tháng, và trong những trường hợp cần thiết, ví dụ như khi chiến tranh xẩy ra, nó còn có thể hoạt động lâu hơn nữa.
 
Typhoon có khả năng di chuyển nhanh một cách đáng ngạc nhiên, nhất là khi so sánh với kích thước và trọng tải đồ sộ của nó: 40 km/h khi nổi, và 50 km/h khi lặn.
 
 
Vũ khí
 
Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân
 

 
Thứ vũ khí nguy hiểm nhất của Typhoon. Mỗi tên lửa mang theo mình 10 đầu đạn hạt nhân, với sức nổ ước khoảng 100-150 kiloton, tương đương với khoảng 100-150 nghìn....tấn thuốc nổ. Cần biết rằng, quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima ngày 06/08/1945 chỉ có sức nổ vào khoảng 13 kiloton, tức là chỉ bằng khoảng 1/10 một quả tên lửa được gắn trên Typhoon. Mang theo trên mình 20 quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn chiến lược lên đến gần 10.000 km, độ chính xác 500 m, rõ ràng con tàu này có đủ sức tiễn đưa bất cứ một vùng lãnh thổ nào trở về với thời kỳ nguyên thủy.
 

 

Cùng với thiết kế giúp phá băng và lặn xuống độ sâu cần thiết, Typhoon có thể hoàn toàn chìm nghỉm dưới lớp băng dày đặc tại các vùng cực. Bằng cách này, người ta hi vọng nó có thể hoàn toàn "tàng hình" trước mắt các tàu ngầm tấn công cũng như các lực lượng chống tàu ngầm của địch. Khi đã yên vị, nó có thể tự do khai hỏa bất cứ khi nào có lệnh. Sử dụng hệ thống phân phối độc lập, Typhoon có khả năng tấn công 10 mục tiêu khác nhau chỉ với một cái ấn nút. Và với khoảng 150-200 đầu đạn hạt nhân được phóng đi trong một lần khai hỏa, đây thực sự là một cơn ác mộng đối với bất cứ kẻ địch nào

 

 
Ngư lôi
 
Như đã trình bày ở trên, Typhoon không phải là loại tàu chiến được thiết kế cho những cuộc đối đầu trực diện. Tuy nhiên, để đề phòng những trường hợp rủi ro khi bị phát hiện, Typhoon cũng được trang một hệ thống ngư lôi dành cho các tình huống "cận chiến". Hệ thống này bao gồm 4 ống phóng ngư lôi 630mm và 2 ống phóng ngư lôi 533mm, với tổng cộng 22 quả tên lửa chống tàu ngầm và ngư lôi các loại. Ống phóng ngư lôi cũng được dùng để thả mìn khi cần thiết.
 

 
Đột nhập bên trong siêu tàu ngầm
 
Do sức mạnh và khả năng hủy diệt khủng khiếp của mình, Typhoon từ lâu đã bị xếp vào viện bảo tàng. Hơn nữa, những thông tin về thiết kế và cách thức vận hành của Typhoon là bí mật quốc gia của Nga và liên minh Xô Viết, vì vậy, chúng ta khó lòng có cơ hội thăm quan một chiếc Typhoon lúc nó đang hoạt động. Video 8 phút sau đây sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan và chi tiết nhất về bên trong của chiếc tàu ngầm này.
 
Trong 8 phút của video sau, ngoài thông tin về kích thước và những thông tin chúng tôi đã đề cập ở phía trên, với công nghệ dựng hình, các bạn có thể có cái nhìn tổng quan và chính xác nhất về không gian bên trong và cách thức Typhoon khai hỏa.
  
 
Cuộc sống trên một chiếc tàu ngầm nguyên tử
 
Hành trình kéo dài vài tháng trên một chiếc tàu ngầm nguyên tử là cực kỳ khắc nghiệt. Làm việc ở độ sâu hàng trăm mét dưới mực nước biển, hàng tháng không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, thêm vào đó là việc sống và sinh hoạt ngay cạnh hai lò phản ứng hạt nhân luôn chạy hết công suất - chính vì những lý do này mà những thủy thủ phải trải qua một quá trình tuyển chọn và đào tạo rất hà khắc.
 

 
Trước tiên, họ phải vượt qua hàng loạt những thử nghiệm hóc búa nhằm kiểm tra những giới hạn về thể chất, tinh thần và tâm lý. Sau khi đã vượt qua thử thách đầu tiên này, họ sẽ trải qua khóa đào tạo khoảng 2 tháng nhằm hiểu rõ về cấu trúc, hệ thống vũ khí, và quan trọng nhất là các biện pháp phòng tránh và xử lý thiệt hại (đơn giản nhất là việc phòng cháy chữa cháy), cùng với đó là khả năng làm việc nhóm trên tàu.
 
Với một chiếc tàu ngầm như Typhoon, một nhóm thủy thủ đoàn sẽ phải làm việc liên tục trong vòng 60-80 ngày trước khi được quay trở về đất liền. Không gian bên trong chiếc tàu là không đủ cho khái niệm "phòng riêng", các thủy thủ sẽ phải chấp nhận ngủ trên những chiếc giường tầng có những bức màn giăng xung quanh nhằm tạo ra sự riêng tư tạm thời.
 
Ngoài nhiều biện pháp bảo vệ tại chỗ trong và xung quanh các lò phản ứng hạt nhân cũng như các đầu đạn hạt nhân, các thủy thủ sẽ được liên tục theo dõi sự tiếp xúc với bức xạ. An toàn hạt nhân được tiến hành rất nghiêm ngặt. Kết thúc quá trình làm việc kéo dài khoảng 2 tháng, thủy thủ đoàn sẽ được kiểm tra toàn diện, và nếu như có bất cứ điều gì không bình thường trong răng, tóc hay máu, họ sẽ lập tức được gửi đến nơi điều trị cần thiết.
 
Kết
 
Kích thước đồ sộ, và sức mạnh hủy diệt, đó là những yếu tố làm nên tên tuổi của Typhoon, và đó cũng chính là lý do đưa nó thẳng về...viện bảo tàng. Bạn trông chờ gì ở những con tàu này, một vụ nổ mạnh gấp hàng trăm lần vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima, và tiễn đưa nền văn minh nhân loại về thời kỳ đồ đá?
 
Tham khảo: navaldefence , science
Xem thêm:

khám phá