Những tác phẩm cổ bị "chết" do phục chế nghiệp dư

Chuby  | 08/09/2012 12:00 PM

Đôi khi, chúng ta không biết nổi giới hạn về khả năng của bản thân.

Trong thời buổi hiện nay, khi đời sống người dân đã được cải thiện hơn rất nhiều, việc sửa chữa một món đồ hỏng đôi khi còn khó khăn việc mất công đi sắm món đồ mới dù ai cũng hiểu một chút hỏng hóc có thể dễ dàng được sửa chữa. Tuy nhiên, việc tự sửa được những món đồ cũ trong nhà bao giờ cũng được những người xung quanh đánh giá cao hơn (Dĩ nhiên là cao hơn về năng lực, hiểu biết chứ không thể hơn về mặt vật chất). Đặc biệt hơn nữa, với những thứ không thể thay thế được như những tác phẩm nghệ thuật cổ thì việc trùng tu, khôi phục là công việc đáng được ngưỡng mộ.
 
nhung-tac-pham-co-bi-chet-do-phuc-che-nghiep-du
Trùng tu di tích sai quy cách gây phản tác dụng.
 
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc khôi phục lại những tác phẩm cổ cũng theo đúng hướng của nó. Ngay tại Việt Nam, chúng ta đã không ít lần rộ lên những thông tin về việc trùng tu di tích sai quy cách, khiến cho các di sản quốc gia bị phá hủy. Ở đây đó, vẫn còn rất nhiều những di sản cổ có giá trị bị con người hiện đại hủy hoại nhờ có những “chuyên gia” kém chuyên môn nhưng lại vô cùng năng nổ. Đối với những trường hợp này, câu nói “nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại” thật chẳng sai.
 
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về một vài vụ việc khi những di tích trên thế giới bị phá hoại nhờ có những nỗ lực khôi phục của con người hiện đại.
 
1. Khi những nhà phục chế nghiệp dư ra tay
 
Bức trang Ecce Homo là một bức tranh chân dung Chúa Jesus  trên tường của một nhà thờ tại Borja, Tây Ban Nha do danh họa thế kỷ XIX, Elias Garcia Martinez vẽ. Mới chỉ 2 năm trước đây, bức họa trên tường nhà thờ này vẫn còn trong tình trạng khá tốt, các đường nét, hình hài vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, đến tháng 7 vừa qua, bức vẽ nổi tiếng này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong tấm hình trong cuốn catalog về những tác phẩm nghệ thuật tôn giáo được chụp vào tháng 7 vừa qua, chúng ta có thể thấy rõ bức tranh đã bị biến dạng, những mảng màu vẽ đã bị tróc ra và màu gốc của bức tranh cũng đã bị thay đổi.
 
nhung-tac-pham-co-bi-chet-do-phuc-che-nghiep-du
Chặng đường "tiến hóa" của bức tranh Ecce Homo.
 
Tuy nhiên, thật kỳ diệu, cho đến ngày 6/8, khi Trung tâm nghiên cứu của Borja (tên tiếng Tây Ban Nha là Centro de Estudios Borjanos) kiểm tra khu vực bức vẽ này, những người quản lý đã hết sức sửng sốt khi bức tranh Ecce Homo đã được ai đó cố gắng phục chế lại. Tuy nhiên, việc phục chế bức tranh này lại được thực hiện bởi một ai đó có trình độ nghệ thuật quá thấp, do đó, thay vì quay về với hình ảnh ban đầu, Ecce Homo giờ đây trở thành bức tranh chân dung của một chú khỉ. Thông tin này đã khiến toàn giới nghệ thuật xôn xao, thậm chí, hình ảnh phục chế của Ecce Homo đã trở thành đề tài châm biếm trên mạng Internet trong thời gian vừa qua.
 
nhung-tac-pham-co-bi-chet-do-phuc-che-nghiep-du
Cecilia Gimenez - Cụ bà 80 tuổi này là chuyên gia phục chế đã cố gắng tái tạo lại bức tranh Ecce Homo.
 
Sau quá trình điều tra, cụ bà Cecilia Gimenez, hiện nay 80 tuổi và sống gần nhà thờ, là tác giả của bức tranh phục chế này. Dường như sau khi nhận thấy sự hư hại trên bức tranh này, bà Gimenez đã tự cho mình phải có trách nhiệm khôi phục lại bức tranh nổi tiếng này. Theo hội đồng văn hóa địa phương, mặc dù việc làm của bà Gimenez được bắt đầu với ý định tốt đẹp nhưng do thiếu trình độ và thậm chí chưa được sự cho phép của những người có trách nhiệm nên việc làm này thực sự không thể được hoan nghênh.
 
2. Ngay cả những người chuyên nghiệp cũng không khá hơn
 
Nhà nguyện Sistine là nhà nguyện nổi tiếng nhất tại nơi ở của Giáo hoàng. Trần, tường, các căn phòng của nhà nguyện Sistine được phủ kín bởi những tác phẩm nghệ thuật từ thời Phục hưng của các nghệ sỹ vĩ đại Michelangelo, Raphael, Bernini và Sandro Botticelli. Từ khi được hoàn thiện, nhà nguyện Sistine đã trải qua rất nhiều lần lau dọn, rắc rối bắt nguồn từ chính những lần lau dọn này.
 
nhung-tac-pham-co-bi-chet-do-phuc-che-nghiep-du
Tượng David ngày nay khác rất nhiều so với nguyên gốc khi được tạo ra.
 
Những cuộc lau chùi lại nhà nguyện Sistine chỉ nhằm mục đích chính là quét sạch bụi bẩn cũng như loại bỏ những lớp sáp nến bám trên tường của nhà nguyện. Tuy nhiên, việc lau chùi những bức tranh trong nhà nguyện Sistine lại bị kịch liệt phản đối bởi giới nghệ thuật. Theo họ, những tác phẩm nghệ thuật hàng trăm năm tuổi này không được phép đụng chạm đến dù với bất cứ lý do nào.
 
Rất nhiều thay đổi đối với những tác phẩm nghệ thuật tại nhà nguyện Sistine đã bị biến đổi so với khi chúng đã được tạo ra. Màu trắng bóng của những bức tượng Hy Lạp tại đây không phải là màu sắc của thời xa xưa mà là màu của thế kỷ 19. Những người phụ trách việc trông coi các tác phẩm nghệ thuật khi ấy đã cho rằng màu sắc lòe loẹt trên những bức tượng khiến họ cảm thấy bức bối, khó chịu. Do đó, họ đã tẩy sạch lớp màu nguyên gốc trên những bức tượng và biến chúng thành một màu trắng toát như hiện nay. Những nhà nghệ thuật vào những năm 1800 cũng đã gây nên những thay đổi không đáng có cho bức tượng David. Khi ấy, họ đã phủ tượng David trong một lớp sáp để bức tượng này có được màu trắng “đẹp hơn đối với họ”, sau đó, lớp sáp này được tẩy đi bằng acid hydrochloric. Việc tẩy rửa này đã khiến lớp đồng nguyên gốc xung quanh tượng David biến mất hoàn toàn.
 
nhung-tac-pham-co-bi-chet-do-phuc-che-nghiep-du
Quá trình dọn rửa cho bức tranh đã khiến nó bị biến dạng rất nhiều.
 
Ngoài nguyên nhân tự ý thay đổi cái tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc, một lý do nữa khiến cho những tác phẩm ở nhà nguyện Sistine bị hư hại là sự thiếu kiến thức khi lau dọn nhà nguyện. Thực tế, rất khó để có thể phân biệt được bụi bẩn và bụi sơn dầu, cũng như khó phân biệt được những chi tiết vụn vặn trong bức tranh với những vết bẩn. Ngay cả khi có thể phân biệt được những vết bẩn với những phần trong bức tranh, cũng rất khó để có thể lau rửa bụi bẩn mà không gây tổn hại đến những tác phẩm nghệ thuật đắt giá này.
 
3. Và khi tác nhân bên ngoài trở thành rào cản
 
Theo những câu chuyện cổ kể lại, những bức vẽ tôn giáo cổ được vẽ trên những tấm vải dệt đặc biệt, những tấm vải dệt do những trinh nữ mù say trong rượu thánh tạo thành. Tuy nhiên, ngày nay, chắc chắn bạn không thể tìm được những tấm vải dệt được sản xuất với cùng phương thức nói trên, cũng như bạn rất khó có thể tìm được những nguyên liệu giống với nguyên liệu mà vài trăm năm trước đã được dùng để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật này.
 
Với trình độ khoa học hiện tại, có lẽ không khó để phân tích thứ vật liệu đã được sử dụng cũng như tái sản xuất những thứ vật liệu này. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý khi phục chế các tác phẩm nghệ thuật chính là việc phục chế chỉ trở nên hoàn hảo nếu như nguyên liệu sử dụng trong quá trình phục chế có độ tuổi ngang bằng hoặc gần tương đương với nguyên liệu sử dụng trong tác phẩm gốc.
 
Một ví dụ điển hình là những cỗ quan tài được tìm thấy tại Ai Cập. Thường thì khi được tìm thấy, những món đồ được chôn quá lâu dưới đất khi được khai quật sẽ không khỏi bị trầy xước, hư hại. Từng có trường hợp cỗ quan tài của Pharaoh khi được khai quật lên đã bị mất một con mắt, những con mắt trên cỗ quan tài Ai Cập được làm từ thạch cao tuyết hoa (Alabaster). Khi được đưa về bảo tàng ở châu Âu, các nhà quản lý bảo tàng đã có ý định phục chế lại con mắt bị mất, tuy nhiên, họ lại không có sẵn thứ nguyên liệu quý này. Thay vì một con mắt bằng thạch cao tuyết hoa như nguyên gốc, các nhà phục chế tại đây đã sử dụng nguyên liệu là thạch cao loãng để thay thế. Kết quả là sau vài năm, con mắt phục chế bị ngả ố vàng, cỗ quan tài đẹp đẽ trở nên đáng sợ hơn với con mắt vàng bẩn thỉu trên khuôn mặt.
 
nhung-tac-pham-co-bi-chet-do-phuc-che-nghiep-du
 
Tham khảo: io9