Máy bay đánh bom B-2 - "Bom tấn" của quân đội Mỹ

PV  | 19/01/2012 05:02 PM

B-2 là một dòng máy bay đánh bom rất nổi tiếng của Mỹ nhờ khả năng tàng hình và thiết kế đột phát. Tuy nhiên giá thành quá cao và ít cơ hội thực nghiệm nên nó dần bị quân đội Mỹ bỏ quên.

Máy bay ném bom B-2 hay còn được biết đến là một chiếc máy bay ném bom tàng hình là một dự án đầy tham vọng của quân đội Mỹ nhằm thay thế dòng B-52 huyền thoại đã già nua. Nước này cần một loại máy bay có thể mang bom hạt nhân sang tận Liên Xô chỉ trong vài giờ đồng hồ. Và loại máy bay này phải có khả năng tránh bị kẻ địch phát hiện.
 
Tất nhiên việc chế tạo loại máy bay này không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Northrop Grumman là hãng đã giành được hợp đồng này và tiêu tốn hàng tỉ USD cùng với gần 10 năm nghiên cứu. Sản phẩm cuối cùng được cho là một cỗ máy cực kỳ tiên tiến – một máy bay có chiều dài cánh khoảng 52m nhưng lại có khả năng tàng hình mạnh mẽ, tới mức các radar còn tưởng nó là một con bọ. Dưới góc hình khí động học, đây cũng là chiếc máy bay có thiết kế ưu việt, nó không có bất kỳ một bộ phận cân bằng nào trên máy bay thông thường, nhưng theo các phi công thì B-2 bay êm ái như một chiếc chiến đấu cơ.
 
 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về chiếc B-2 và khả năng ẩn mình đặc biệt của nó. Ngoài ra còn có các thông tin tiểu sử và hệ thống chiến đấu.
 
Thiết kế và cơ chế hoạt động
 
Một chiếc máy bay thông thường sẽ có thân máy bay, 2 cánh và 3 bộ phận cân bằng được đặt ở phía đuôi. Phi công sẽ điều chỉnh hoạt động của các bộ phận trên cánh và bộ cân bằng nhằm thay đổi luồng khí đi qua máy bay, nhờ đó có thể nâng, hạ hoặc quay theo ý muốn. Các bộ cân bằng còn giúp máy bay giữ thăng bằng khi bay trên không.
 
Tuy nhiên B-2 lại có thiết kế hoàn toàn khác: Cả máy bay là một chiếc cánh lớn và trông như boomerang. Thiết kế này có hiệu quả hơn hẳn so với thiết kế thông thường. Loại bỏ phần đuôi và phần thân máy bay sẽ giảm lực cản của không khí. Một ưu điểm lớn nữa là nó giúp B-2 di chuyển một quãng đường dài tốn ít thời gian hơn. Đây không phải là máy bay nhanh nhất và nó chỉ có thể gần với tới vận tốc âm thanh (khoảng 305m/s), nhưng B-2 có thể di chuyển 11.000km mà không cần bơm nhiên liệu và 18.500km nếu có thêm một lần tiếp nhiên liệu trên không. Điều này đồng nghĩa với việc B-2 có thể di chuyển tới mọi nơi trên thế giới.
 
B-2 có 4 động cơ General Electric F-118-GE-100, mỗi động cơ có lực đẩy tương đương 7850 kg. Cũng như các máy bay thông thường khác, phi công sẽ điều chuyển các bộ phận trên cánh máy bay để giúp B-2 hoạt động như ý muốn. Các bánh lái trên máy bay sẽ điều khiển độ cao lên xuống và hướng di chuyển của máy bay. Thiết kế này đã tồn tại khá lâu, tuy nhiên trước đây nó gặp phải vấn đề về độ ổn định. Không có các bộ cân bằng nằm phía sau, máy bay sẽ có khả năng quay vòng ngay trên không trung ngoài ý muốn. Đây là lý do tại sao trong những năm 1940, quân đội Mỹ không hứng thú với kiểu thiết kế này của Northrop Grumman.
 
 

Đến những năm 1980, công nghệ máy tính lúc này đã phát triển hơn trước và giúp cánh máy bay hoạt động dễ dàng hơn. Northrop Grumman sử dụng một cơ chế điều khiển khác trên B-2. Thay vì trực tiếp điều khiển máy bay bằng các bộ phận cơ khí, phi công lúc này sẽ ra lệnh cho máy tính, và máy tính điều khiển máy bay.
 
Máy tính cũng giúp ích rất nhiều trong việc vận hành máy bay, nó thực thi nhiều thao tác một cách độc lập mà không cần mệnh lệnh của phi công. Ví dụ như việc tự động theo dõi độ cao của máy bay và hiển thị lên màn hình, theo dõi vị trí và sự ảnh hưởng của các luồng không khí đối với máy bay. Nếu máy bay bỗng nhiên di chuyển bất thường, máy tính tự động điều khiển các bánh lái để chống lại các lực đẩy tác động. Khả năng điều khiển của máy tính chính xác đến nỗi phi công thậm chí còn không nhận ra điều này.
 
Cần bao nhiêu người để vận hành một chiếc B-2?
 
B-2 khi cất cánh chỉ cần 2 người – 1 phi công và một chỉ huy nhiệm vụ ngồi trong buồng lái. Trong khi B-52 cần tới 5 người hay B-1B cần 4 người để cất cánh.
 
B-2 được tạo ra dựa trên ý tưởng về một chiếc máy bay hoạt động độc lập và không cần sự hỗ trợ của các loại máy bay khác. Để làm được điều này nó được trang bị khả năng tàng hình để xuyên phá không phận của kẻ địch, một công việc mà hàng chục chiếc máy bay khác kết hợp lại mới có thể làm được. Trong tập trận, B-2 thường được một số chiến đấu cơ khác hỗ trợ, bởi người ta khó có thể cho phép rủi ro xảy ra đối với một chiếc máy bay đắt tiền đến vậy.
 
Ẩn mình
 
Ưu tiên hàng đầu mà Northrop Grumman tập trung vào B-2 là khả năng tàng hình. B-2 được thiết kế để lẩn tránh và ném bom các khu vực cần thiết mà không cần phải tham chiến. Để làm được điều này, B-2 cần phải ẩn mình thật khéo léo với nhiều phương pháp khác nhau. Đầu tiên nó phải lẫn vào bầu trời để đánh lừa mắt của con người, và vận hành thật êm ái. Quan trọng hơn là phải tàng hình trên radar và các thiết bị hồng ngoại của quân địch. B-2 cũng phải che giấu được năng lượng từ mà chính nó phát ra.
 
 

Thiết kế mỏng và màu sơn đen giúp B-2 lẫn vào trong vùng trời đêm, ngay cả ban ngày người ta cũng khó có thể quan sát được chiếc máy bay này. Khi di chuyển, B-2 gần như không để lại một vạch đuôi nào phía sau. Và cũng giống như những chiếc máy bay khác, bộ phận gây ồn nhất chính là động cơ. Nhưng không giống với B-52, động cơ của B-2 được giấu bên trong máy bay giúp triệt tiêu tiếng ồn phát ra. Thiết kế khí động học cũng giúp B-2 di chuyển êm ái, và động cơ cũng hoạt động ở mức thấp hơn.
 
Động cơ trên B-2 có khả năng giảm thiểu tối đa tín hiệu nhiệt bởi các thiết bị hồng ngoại, đặc biệt là tên lửa tầm nhiệt có khả năng phát hiện ra sự hiện diện của động cơ máy bay. Khí thải trên B-2 được đưa qua một ống làm mát trước khi ra ngoài, việc đưa ống thải lên phía trên cũng là cách khôn ngoan để tránh bị kẻ địch phát hiện. Bởi lẽ đa số các bộ cảm biến hồng ngoại sẽ quét phần dưới máy bay.
 
Sóng radar cũng là một dạng sóng  tương tự như sóng của ánh sáng, và màu đen trên B-2 có khả năng hấp thụ loại sóng này. Phần thân B-2 được cấu tạo bởi các nhiều chất liệu nhẹ khác nhau và đặc biệt có khả năng hấp thụ sóng radar ở mức tối đa. Những vật liệu này rất đắt và Không Lực Hoa Kỳ luôn phải thay thế chúng thường xuyên. Sau mỗi lần bay, đội sửa chữa phải dành nhiều giờ để kiểm tra lại các tính năng tàng hình của B-2. Các bộ phận kim loại vốn rất dễ bị phát hiện sẽ được giấu bên trong máy bay, ví dụ như động cơ hoặc các loại bom.
 
 

Một phương pháp khác để tránh sóng radar được áp dụng lên chính hình dạng của B-2. Sóng radio khi chạm vào một vật thể nào đó sẽ đập ngược lại. Nhưng với thiết kế cong khoảng 45 độ, sóng này sẽ được hất thẳng về phía khác. Phần trên và dưới của B-2 được thiết kế theo dạng này và giúp ích rất nhiều trong việc lẩn tránh trên không trung. Đặc biệt là toàn bộ máy bay không có một góc cạnh nào, tất cả các chi tiết đều có bề mặt cong.
 
Kể từ khi ra đời, B-2 ít được trọng dụng
 
Khi dự án B-2 bắt đầu, Không Lực Hoa Kỳ dự định mua 132 chiếc với tổng chi phí là 22 tỉ USD. Tuy nhiên khi nó chính thức ra mắt vào năm 1988, con số này được nâng lên tới 70 tỉ USD. Tất nhiên là có rất nhiều người trong Quốc Hội Mỹ không hài lòng với mức giá này, cũng phải nhắc rằng trước đó Lầu Năm Góc đã bỏ ra tới 20 tỉ USD để giúp phát triển dự án.
 
Tại thời điểm Liên Xô tan rã vào năm 1991, giá của B-2 còn độn lên cao hơn nữa và nhu cầu mua B-2 của Mỹ giảm hẳn. Năm 1993, Quốc Hội nước này cho phép quân đội nâng cấp B-2 thành một chiếc máy bay chiến đấu, tổng cộng là 21 chiếc. Nhiều người cho rằng B-2 không xứng với cái giá của nó, đặc biệt khi mà những loại máy bay cũ như B-52 và B-1 có thể mang nhiều bom hơn và có vận tốc cao hơn. Do đó người ta đã ngưng lại kế hoạch bổ sung thêm B-2.
 
 

Vũ khí
 
Lúc đầu, B-2 được tạo ra nhằm thả bom hạt nhân  Liên Xô nếu như có xảy ra chiến tranh. Với việc Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, quân đội Mỹ đã đánh giá lại vai trò của B-2. Nó sẽ là một chiếc máy bay ném bom đa năng, với thiết kế vận chuyển các loại bom thông thường và kèm theo vũ khí hạt nhân.
 
Hệ thống đánh bom trên B-2 có 2 bệ phóng được đặt bên trong máy bay. Khi chỉ huy ra lệnh sẵn sàng đánh bom, một mệnh lệnh được gửi cho máy tính cho phép mở khoang vũ khí, xoay bệ phóng tới vị trí chính xác cần đánh bom. Khi được ra lệnh tiếp theo, bệ phóng thả bom về phía mục tiêu, trên mỗi quả bom cũng được gắn một hệ thống dẫn đường riêng. B-2 có thể mang theo khoảng 18.100 kg đạn dược.
 
 

Hệ thống dẫn đường được trang bị trên những quả bom này có tên là JDAM, bao gồm một đuôi nhằm di chuyển hướng, một hệ thống máy tính, một hệ thống dẫn đường và một bộ thu tín hiệu GPS. Chiếc B-2 sử dụng GPS riêng để đánh dấu vị trí của mục tiêu. Khi phi công đã xác định được mục tiêu, họ gửi tọa độ GPS tới JDAM và bắt đầu thả bom.
 
Trên không trung, bộ GPS của JDAM liên tục xác định vị trí của chính quả bom đó. Hệ thống máy tính sẽ điều khiển đuôi bom để dẫn tới mục tiêu. Hệ thống này hoạt động rất chính xác và cho phép B-2 thả bom và đào thoát thật nhanh. Ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu, JDAM cũng hoạt động rất tốt bởi nó chỉ cần có tín hiệu từ vệ tinh là có thể tìm được mục tiêu, tầm nhìn không ảnh hưởng tới độ chính xác của JDAM.
 
Lời kết
 
Chính bởi giá thành cao và thiếu cơ hội thực nghiệm trên chiến trường, B-2 là một loại vũ khí gây nhiều tranh cãi. Trong khi nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một trong những loại máy bay tốt nhất của quân đội Mỹ, thì vẫn có người đánh giá B-2 còn nhiều mặt hạn chế như khả năng tàng hình không tốt trong điều kiện thời tiết xấu. Nhưng tất cả đều đồng tình rằng thiết kế khí động học của B-2 mang tính cách mạng và đây là một cỗ máy rất tuyệt vời.
 
Ngoài ra thiết kế điều khiển hoàn toàn nhờ máy tính của B-2 được coi là bước nhảy vọt trong thời kỳ những năm 1980. Hiếm có loại máy bay thả bom nào có thể hoạt động mà chỉ cần 2 người lái. Quá trình sản xuất B-2 cũng thực hiện trên máy tính nên cho độ chính xác rất cao. Đây là một đòi hỏi tất yếu bởi bất kỳ một lỗi nhỏ nào cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng tang hình của máy bay.
 
Tham khảo HowStuffWorks
Xem thêm:

khám phá