Những thứ dễ làm bạn "phát điên" lên khi lướt web

Minh Dũng  | 18/02/2011 0:00 AM

Điểm danh những chi tiết cực kì khó chịu của thế giới mạng trong và ngoài nước.

Nhiều khi việc lướt web không phải lúc nào cũng đem đến cho người sử dụng những phút giây thoải mái. Hãy cùng xem cộng đồng mạng thường hay “nổi cáu” lên vì những lí do như thế nào.
 
Cửa sổ Pop-up
 
Nếu tâm trạng đang rất thoải mái và muốn trải nghiệm cảm giác cáu giận, thì các cửa sổ pop-up là thứ tốt nhất dành cho bạn. Chúng luôn xuất hiện một cách bất ngờ và… ồ ạt khiến cho chiếc màn hình bỗng nhiên phải gánh thêm 5, 6 cửa sổ mới với những nội dung chẳng liên quan.
 
Thậm chí, nhiều pop-up sau khi được bật ra còn tự động “chạy” một đoạn âm thanh. Thử tưởng tượng bạn đang lướt web vào ban đêm, tự nhiên có một bài nhạc kêu ầm ĩ thì chuyện gì sẽ xảy ra?
 
Quá nhiều pop-up được mở ra.
 
Chính vì lí do đó, cửa sổ pop-up xứng đáng là thứ khiến người dùng dễ “nổi điên” nhất khi đang khám phá những trang web. Hãy sử dụng những chương trình chống pop-up để việc lướt web được dễ chịu hơn.
 
“Bài hát các bạn đang nghe được phát từ…”
 
Nếu là người chăm chỉ cập nhật những bài hát mới của các sao, nhóm nhạc Việt, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được câu nói này: “Bài hát bạn đang nghe được phát từ H.thành T.V, một trong năm siêu thị nội ngoại thất lớn nhất VN. Chúc các bạn nghe nhạc vui vẻ”. Tất nhiên đó chỉ là một ví dụ nho nhỏ trong hàng trăm câu nói bắt đầu bằng “Bài hát các bạn đang nghe được phát từ…” được chèn vào những audio nhạc, nhưng chỉ vài giây ngắn ngủi đó thôi cũng đã đủ khiến cho người nghe nhạc nổi cáu.
 
Giữa hoặc cuối bài hát, bạn sẽ được nghe câu nói đó.
 
Câu nói này ra đời từ thuở “sơ khai” khi cộng đồng Việt mới biết tới internet, khi những site nhạc còn đếm được trên đầu ngón tay. Nó chỉ có mục đích duy nhất là khiến cho người nghe biết được nguồn gốc của bài hát, nhưng vô tình điều đó lại làm người nghe vô cùng khó chịu.
 
Lỗi 404
 
Đang mải miết “google” để tìm kiếm những thông tin quan trọng, bạn reo lên sung sướng khi nhìn thấy một đường link chứa đựng toàn bộ các kiến thức mình cần. Nhưng khi “click” vào đó, dòng chữ “404: not found” nhạt nhẽo hiện ra.
 
Giờ đây, hầu hết các trang web đều có thông báo lỗi 404 thân thiện hoặc vui nhộn.

Quả thật, không ít người cảm thấy vô cùng bực mình khi truy cập vào một địa chỉ thú vị mà nó lại biến mất. 404 là lỗi xảy ra trong trường hợp người dùng truy cập vào một địa chỉ không tồn tại và trường hợp này có... rất nhiều trên web.
 
Đăng kí thành viên
 
“Bạn phải đăng kí thành viên mới xem được liên kết này” là tình trạng thường gặp nhất khi người sử dụng muốn tải nội dung trên một forum nào đó mà chưa trở thành thành viên. Cách khắc phục duy nhất ở đây là… đăng kí một tài khoản, sau đó đăng nhập dưới danh nghĩa thành viên thì bạn mới có thể tiếp tục download. Nó khiến rất nhiều người cảm thấy khó chịu, nhất là khi đang vội mà gặp phải tình huống này.
 
 
Tuy nhiên, cũng phải thông cảm vì diễn đàn không có thành viên không thể gọi là một diễn đàn. Nếu ai cũng có tâm lí "đánh nhanh, rút êm", chắc chắn các forum sẽ mãi tẻ nhạt, vắng vẻ.
 
Flash quảng cáo
 
Trang web thường hay đi kèm với các banner quảng cáo của đủ mọi sản phẩm, mặt hàng, thiết bị… những quảng cáo này được làm dưới dạng flash, sẽ nhấp nháy liên tục để hiển thị những thông tin cần thiết. Tuy nhiên, điều đó đôi khi khiến người xem bị rối mắt giữa một “rừng” banner chuyển động liên tục. Thậm chí một số flash quảng cáo còn đi kèm âm thanh, gây ra vô số phiền toái và rắc rối.
 
Người sử dụng nên tải về những công cụ “dọn dẹp” quảng cáo nếu
muốn những trang web mình ghé thăm trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn.
 
Quảng cáo kèm video
 
Tại Việt Nam, hình thức quảng cáo này mới bắt đầu xuất hiện trong một vài trang web nổi tiếng. Khi nhấn “play” một video tại website đó, sẽ có một đoạn phim dài khoảng 10 giây (hoặc dài hơn) quảng cáo về một dịch vụ, sản phẩm… nào đó trước khi vào video chính. Có thể không phải ai cũng thấy khó chịu, nhưng số người không hài lòng với hình thức quảng cáo này không ít.
 
Thật ra đó chỉ là một cách quảng bá của nhà sản xuất, nhờ có hình thức
 quảng cáo này mà nhiều thương hiệu đã trở nên “nổi như cồn”.