Khi doanh nghiệp Việt "nương nhờ" Youtube, Facebook

Phi Phong  | 26/06/2011 0:00 AM

Ngay từ những năm 2008, nhãn hàng Close Up đã đạt được thành công với chiến dịch“Tìm em nơi đâu” thu hút trên 3 triệu lượt người quan tâm tại Youtube.

Một đoạn clip nhảy FlashMob tại Mỹ Đình đang thu hút hàng ngàn lượt xem trên Youtube vài ngày gần đây. Thực chất, video được dàn dựng công phu bởi Nokia để chào mừng sự kiện ra mắt sản phẩm mới ở Việt Nam. Không dừng lại nội dung độc đáo, dễ tạo ra hiệu ứng lan truyền, nhà tổ chức còn để ngỏ câu hỏi với phần thưởng “vé xem phim Transformer 3” nhằm câu kéo khán giả. Cũng giống như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác, Nokia đang đặt hi vọng qua Youtube có thể tiếp cận tới hàng triệu khách hàng trong nước.
 
 
Truyền thông xã hội (Social Media) đang dần trở thành cầu nối giúp nhiều công ty, doanh nghiệp kết nối với người dùng Việt Nam – đất nước có trên 27 triệu dân tiếp xúc với internet. Khởi động với chi phí đôi khi thấp hơn nhiều hình thức marketing truyền thống, truyền thông xã hội vẫn có thể đem lại hiệu quả quảng bá cao, dễ dàng đo lường kết quả. Ở một khía cạnh khác, hướng tiếp cận này giúp doanh nghiệp và khách hàng tạo dựng được mối quan hệ hai chiều, gắn kết.
 
Theo báo cáo của Vinalink trong năm 2011, có khoảng 2000 doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đến việc sử dụng Facebook để tiếp thị hình ảnh. Khoảng 400 doanh nghiệp từng định hình chiến lược marketing online sử dụng trang chia sẻ Youtube. Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ tại Việt Nam, nhưng nhìn vào thành công mà nhiều công ty đạt được, rõ ràng "Social Media" đang khẳng định được vai trò không thể thiếu dù ở bất cứ quốc gia nào.
 
Ngay từ những năm 2008, nhãn hàng Close Up đã đạt được thành công với chiến dịch“Tìm em nơi đâu” thu hút trên 3 triệu lượt người quan tâm tại Youtube và blog Yahoo! 360. Đây là câu chuyện kể về một chàng trai muốn tìm lại cô gái từng gặp trong một chiều mưa ở Sài Gòn. Anh chàng đã nhận được sự ủng hộ nhiềt tình của cộng đồng mạng. Ít lâu sau, Close Up tham gia khéo léo vào chiến dịch tìm lại cô gái của chàng trai với nhiều hoạt động cộng đồng ở quy mô lớn.
 
Chiến dịch "Tìm em nơi đâu" của Close up bắt đầu bằng 1 clip không thể thật hơn.
 
Ở đây, truyền thông xã hội qua blog Yahoo! 360 và trang chia sẻ Youtube đã giúp Close Up tạo được hiệu ứng marketing lan truyền (viral marketing) vượt ngoài mong đợi. Dẫu còn nhiều ý kiến khen chê, nhưng ai cũng thừa nhận mức độ nhận biết thương hiệu của nhãn hàng này tại Việt Nam đã tăng đáng kể sau chiến dịch “Tìm em nơi đâu”.
 
Không xây dựng được nội dung thật tự nhiên, logic như Close Up, nhưng Sony Ericsson cũng ít nhiều gây ấn tượng với người dùng qua dự án hợp tác cùng Don Nguyễn. Dưới sự tài trợ của hãng, hiện tượng Youtube Việt Nam đã quảng cáo ngầm cho chiếc Sony Ericsson Vivaz qua clip “Vọng cổ Geisha”. Tuy vẫn bị đánh giá là “quá phô”, nhưng với 1 triệu lượt xem và vô số bản sao của clip này, nhà tổ chức chắc chắn vẫn thắng lớn.
 
Cip hát nhép "Vọng cổ Geisha" quảng cáo cho điện thoại Sony Ericsson.
 
Gần đây nhất, một đoạn clip đua xe chuyên nghiệp có độ dài 4 phút đang thú hút đông đảo sự chú ý của cộng đồng mạng. Nếu tinh ý, ngay từ những phút đầu, người xem đã nhận ra video thực hiện để quảng cáo cho sản phẩm của Ford tại Việt Nam.
 
Ở một hướng tiếp cận khác của truyền thông xã hội, nhiều doanh nghiệp đang xây dựng được những cộng đồng người dùng trung thành với sản phẩm của mình trên Facebook. Trong bảng tổng sắp Fanpage lớn ở Việt Nam, người ta dễ dàng nhận ra nhiều thương hiệu lớn như LanguageLink (109 ngàn fan), Linksys (36 ngàn fan), HTC Việt Nam (28 ngàn fan), Converse Việt Nam (26 ngàn fan), KFC Việt Nam (22 ngàn fan), Dell Việt Nam (14 ngàn fan), LG Mobile Việt Nam (5 ngàn fan)...
 
 
Trên fanpage của Muachung, đơn vị kinh doanh theo nhóm rất nổi tiếng ở Việt Nam, khách hàng luôn nhận được câu trả lời nhanh, sớm từ doanh nghiệp ngay khi có thắc mắc. Còn trên fanpage của Dell Việt Nam, thành viên luôn biết thông tin về các khuyến mãi sắp tới của hãng một cách nhanh nhất. Thậm chí, chính cộng đồng người dùng Dell ở đây vẫn thường xuyên giúp đỡn lẫn nhau về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến hãng.
 
Không dừng ở việc xây dựng được cộng đồng người dùng gắn kết, các doanh doanh nghiệp này còn tận dụng khá hiệu quả kênh giao tiếp trực tuyến vào các chiến dịch marketing cụ thể. Dell Việt Nam từng rất thành công với việc quáng bá sản phẩm Dell Streak bằng việc tổ chức cuộc thi online qua Facebook.
 
Chỉ phải bỏ ra 5 chiếc điện thoại và một phần nhỏ chi phí nhưng “May mắn với Dell Streak” thực sự đã tạo ra cơn sốt trên Facebook và các diễn đàn công nghệ vào cuối năm 2010. Thành công của nó còn thấy rõ hơn khi sau đấy, nhiều nhà tổ chức cũng học tập mô hình thi online, like ảnh, tag hình để tìm cách tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ, tốc độ nhanh.