Internet cáp quang giá rẻ: Cuộc chiến sắp bắt đầu ở Việt Nam?

Phi Phong  | 10/08/2011 0:00 AM

Các ISP đang ra sức tấn công vào thị trường FTTH giá rẻ. Còn người dùng đã được lợi gì cuộc chiến này?

Khoảng nửa năm trở lại đây, các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) lớn của Việt Nam dành sự quan tâm nhiều hơn đến thị trường thuê bao cáp quang FTTH (Fiber To The Home). Một điều có thể thấy rõ qua động thái từ các ISP là đối tượng dịch vụ FTTH nhắm tới giờ đây là người dùng hộ gia đình thay vì chỉ doanh nghiệp như trước.
 
CMC TI và FPT Telecom chạy đà bằng công nghệ chuyển tiếp
 
Tuy mới tham gia thị trường internet nhưng Công ty Cổ phần hạ tầng viễn thông CMC (CMC TI) lại là đơn vị đầu tiên đưa ra chính sách bình dân hóa dịch vụ FTTH. Đại diện CMC TI trong một bài phỏng vấn mới đây khẳng định dịch vụ FTTH cung cấp trong tương lai gần sẽ hướng cả đến người dùng hộ gia đình thay vì chỉ doanh nghiệp.
 
Hiện tại, động thái đầu tiên mà CMC TI triển khai là việc tung ra gói dịch vụ FTTB (Fiber To The Building) – nằm trong kế hoạch chuyển từ internet băng rộng ADSL sang internet cáp quang FTTH. Sử dụng gói dịch vụ này, người dùng được chọn giữa hai gói cước Giganet B1 (12Mbps/8Mbps) và Giganet B2 (18Mbps/12Mbps) với cước phí lần lượt 500.000 đồng/ tháng và 750.000 đồng/tháng. Như vậy, so sánh với các gói cước internet băng rộng ADSL cao cấp, thì người dùng hộ gia đình hoàn toàn có thể chuyển sang dịch vụ FTTB với chi phí gần tương đương.
 
Phân biệt cơ bản các giao thức FTTx.
 
Cũng đưa vào khai thác công nghệ chuyển tiếp tương tự CMC TI, FPT Telecom hiện đang cung cấp ra ba gói dịch vụ VDSL: iSee (15Mbps/1Mbps), iShare (15Mbps/3Mbps) và iSmart (18Mbps/3Mbps) với giá dao động từ 570.000 đồng/tháng – 640.000đồng/tháng. Cũng theo FPT Telecom, việc sử dụng VDSL một công nghệ cũng sử dụng cáp quang như FTTH sẽ là giải pháp hợp lý trong giai đoạn trước khi người dùng có thể chuyển toàn bộ sang FTTH. Sở dĩ cần có bước đệm này vì giá dịch vụ FTTH chỉ có thể giảm được nhiều khi lượng thuê bao đạt đến một mức độ đủ lớn.
 
Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, các dịch vụ như FTTB, VDSL cũng được sử dụng để đưa khách hàng chuyển dần lên công nghệ internet cáp quang FTTH khi nó đã ở vào mức giá hợp lý nhất.
 
Viettel và VNPT đua khuyến mại khủng
 
Chọn hướng giảm giá trực tiếp thay vì đi đường vòng qua công nghệ chuyển tiếp, cả Viettel và VNPT mới đây đều đưa ra chính sách nhằm hạ giá thành dịch vụ internet cáp quang. Tại Hà Nội, VNPT vừa ta thông báo điều chỉnh tăng tốc độ truy nhập Internet của các gói dịch vụ thử nghiệm FiberHomeTV và FiberBusiness trên toàn địa bàn từ 1/8/2011.
 
 
Theo đó, tốc độ upload của các gói dịch vụ FiberHomeTV1, 2 tăng lên gấp 4 đến 6 lần, gói FiberBusiness tăng gấp 8 lần so với tốc độ cũ và không thay đổi mức cước sử dụng hàng tháng. Cụ thể, tùy theo nhu cầu sử dụng thực tế khách hàng có thể lựa chọn gói FiberHomeTV1 có tốc độ truy nhập 5Mbps/2Mbps với mức thuê bao tháng 499.000 đồng; FiberHomeTV2 có tốc độ truy nhập 7Mbps/3Mbps với mức thuê bao tháng 699.000 đồng hoặc FiberBusiness có tốc độ truy nhập 20Mbps/5Mbps với mức thuê bao tháng 1.200.000 đồng.
 
Trong số này, có thể thấy 2 gói cước FiberhomeTV 1,2 rất thích hợp với đốii tượng khách hàng tư nhân, hộ gia đình. Mặc dù, công bằng mà nó thì tốc độ các gói cước này chưa tạo được sự bứt phá so với các gói ADSL cùng tầm tiền.
 
 
Có phần bạo tay hơn, Viettel ngoài việc tung ra hai gói FTTH Eco và FTTB Eco với giá chỉ từ 350.000 đồng/ tháng. ISP này còn áp dụng chương trình khuyến mại lớn cho khách hàng sử dụng dịch vụ FTTH ở nhiều địa phương. Từ hình thức khuyến mại này, có những nơi người dùng được chọn lắp đặt FTTH của Viettel với giá thuê bao chỉ còn 500.000 đồng/ tháng.
 
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, với chính sách khuyến mại mà Viettel đang áp dụng, VNPT đã có công văn gửi lên cục Xúc tiến thương mại, “tố” đối thủ chơi xấu. Bởi theo Luật thương mại, hình thức giảm giá trên 50% của Viettel đã vi phạm quy định quản lý của nhà nước nói chung và làm ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực Internet nói riêng.
Xem thêm:

internet