Facebook cả gan “vuốt mặt” trung tâm lưu trữ của Google

Vi Dũng  | 10/04/2011 12:00 PM

Trong thời gian gần đây, Facebook luôn giới thiệu thông tin về thiết kế trung tâm lưu trữ dữ liệu của mình cho mọi người biết. Vậy thực sự họ đang làm gì?

Khi một công ty khoe khoang về sự “rộng mở” trong công việc kinh doanh của mình, cách duy nhất để phát hiện ra thứ họ đang thực sự theo đuổi chính là nhìn vào những đối thủ cạnh tranh của họ. Những người có cùng mục tiêu thành công, nhưng làm “kín” (ít khoe khoang) hơn. Bỏ ngoài tai những lời hùng biện của các nhà quản lý, sự “rộng mở” nói trên luôn luôn có một mục đích kinh doanh rõ ràng.
 
Và thông thường, nó là một trong những cách hữu hiệu nhất để một công ty chiếm lại thị phần của một công ty đang “độc chiếm” trong một lĩnh vực nhất định. Hãy cùng GenK điểm qua 2 ví dụ điển hình về sự “khoe khoang” nói trên, và mục đích của họ.
 
IBM và một số công ty khác lên tiếng ủng hộ Linux, đơn giản là để chiếm lại thị phần hệ điều hành máy vi tính, vốn đã bị thống trị trong rất nhiều năm bởi Microsoft. Google tự đánh bóng tên tuổi cho đứa con Android OS của mình, với mục đích không gì khác hơn việc cân bằng thị trường hệ điều hành di động, cũng như kiếm tiền từ những chiếc smartphone tương tự như Apple iPhone hay RIM Blackberry. Thứ họ tập trung đầu tư công sức và vốn liếng để thành công, chính là việc phát triển những thiết bị vừa túi tiền, trong đó sở hữu những dịch vụ và ứng dụng đến từ Google.
 
Hai ví dụ trên lại đưa chúng ta quay lại cuộc chiến nóng bỏng giữa một gã khổng lồ và một chàng David mới nổi: Google và Facebook. Trong thời gian gần đây, Facebook luôn giới thiệu thông tin về thiết kế trung tâm lưu trữ dữ liệu của mình cho mọi người biết. Vậy thực sự họ đang làm gì?
 
Trung tâm lưu trữ dữ liệu của Facebook, Oregon, Mỹ.
 
Facebook diễn đạt ý tưởng của họ bằng những cụm từ hết sức hàn lâm (và họ luôn luôn làm như vậy). Họ nói rằng Facebook được trợ giúp và hưởng những lợi ích từ những phần mềm mã nguồn mở, và họ muốn đưa những lợi ích này đến cho cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích người tiêu dùng, Facebook còn đang cố gắng để “đọ chưởng” với một trong những thứ quan trọng nhất của Google: trung tâm lưu trữ dữ liệu.
 
Bên trong Data Center của Facebook. (ảnh minh hoạ)
 
Google là một công ty truyền thông. Họ kiếm tiền bằng cách bán dịch vụ quảng cáo, và lợi nhuận thu về được dùng để hoạt động trang tìm kiếm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu xét cho cùng, Google còn là một công ty phát triển phần mềm, họ đã tạo ra rất nhiều dịch vụ và ứng dụng trên nền Internet. Không phải ngẫu nhiên mà hiện tại, họ có hơn 1 tỉ người sử dụng dịch vụ trên toàn thế giới.
 
Tuy nhiên, những ứng dụng hay phần mềm đó thường phải được chạy trên một hệ thống lưu trữ dữ liệu khổng lồ, đặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Những trung tâm dữ liệu này có một lợi thế cạnh tranh không nhỏ, không một ai hay doanh nghiệp nào có thể tạo nên một hệ thống như vậy và hoạt động chúng một cách hiệu quả trong một khoảng thời gian ngắn. Và Google đã lấy đó làm lợi thế cạnh tranh cho mình. Chính vì lẽ đó, Google luôn “giữ khư khư” những chi tiết về trung tâm dữ liệu của mình. Biến nó thành một bí mật mà ai cũng háo hức chờ tiết lộ.
 
Trung tâm dữ liệu của Google đặt tại Lenoir, Bắc Carolina, Mỹ.
 
Facebook cũng đang làm việc tương tự Google, họ cũng viết phần mềm và bán dịch vụ quảng cáo. Nhưng thực chất thứ họ đang làm chính là kiếm tiền từ những hệ thống trung tâm dữ liệu ở một nơi khác, chứ không từ đại bản doanh Pato Alto, California.
 
Mặc dù vậy, Facebook vẫn chỉ là một cậu bé tí hon nếu đem so sánh với Google. Nếu xét về doanh thu cũng như số lượng đội ngũ nhân viên của Facebook so với Google, chúng ta có một phân số khá nghiệt ngã: một phần mười. Để đuổi kịp mức độ “đồ sộ” của hệ thống lưu trữ dữ liệu của Google, Facebook sẽ mất thêm khoảng 5 năm, cùng rất nhiều công sức.
 
Vì vậy, thay cho việc tự mình xây dựng một trung tâm lưu trữ riêng. Facebook đã bỏ tiền thuê một vài kỹ sư thông minh nhất, để họ tự thiết kế trung tâm dữ liệu lý tưởng, sau đó tổng hợp ý tưởng và thiết kế một hệ thống lưu trữ dữ liệu không chỉ đáng tin cậy, mà còn sử dụng ít năng lượng hơn những trung tâm dữ liệu khác.
 
Sau đó, Facebook mở cửa đón tiếp toàn thế giới đến với trung tâm dữ liệu của họ. Bây giờ, bất kỳ công ty nào có ý định thiết lập một hệ thống lưu trữ riêng, đều có thể ngắm nhìn hệ thống của Facebook để tự tạo riêng cho mình một trung tâm lưu trữ. Đó chính là lý do vì sao ngày hôm nay, tại trung tâm lưu trữ của Facebook, chúng ta có thể gặp đại diện của Rackspace, Zynga, Twitter hay thậm chí là cả của Dell nữa.
 
Theo lời của Facebook, với trung tâm lưu trữ này, họ muốn thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ thị trường hệ thống lưu trữ dữ liệu. Quả thật, sự “rộng mở” này của Facebook đã giúp ích cho không ít công ty, ngoại trừ những đối thủ, những kẻ lấy sự kín đáo trong thiết kế trung tâm dữ liệu làm lợi thế cạnh tranh. Ở đây GenK muốn nhấn mạnh đến Google.
 
 
Một số người lại cho rằng, bằng việc giới thiệu trung tâm dữ liệu của họ đến với toàn thế giới, Facebook đã làm cho những công ty cạnh tranh (những công ty đã đổ hàng tấn tiền vào việc nghiên cứu và phát triển hệ thống lưu trữ) thành những kẻ ngốc. Theo họ, thứ mà Facebook thực sự muốn nói chính là: chỉ cần 3 kỹ sư và 1 năm bỏ công làm việc, họ đã có một thứ gì đó tốt hơn rất nhiều những thứ mà kẻ khác đang cố gắng che đậy.
 
Tham khảo Business Insider