Đến lượt Wikipedia học theo ý tưởng lớn của Facebook

Vi Dũng  | 27/06/2011 0:00 AM

Đây quả thật là sáng kiến thông minh của Wikipedia nhằm khích lệ người dùng chia sẻ kiến thức.

Bách khoa toàn thư mở lớn nhất thế giới, Wikipedia vừa qua đã thông báo về việc thử nghiệm tính năng mới mang tên ‘WikiLove’ dành cho những bài viết bằng tiếng Anh trên trang này. Trong thông báo chính thức, Wikipedia gọi đây là một“Phép thử nghiệm cho sự cảm kích” của những người truy cập trang Wikipedia và đọc thông tin, những bài viết mà những cộng tác viên gửi lên. Wikipedia tin rằng đây là một cách hữu hiệu để cổ vũ những cộng tác viên và những người sử dụng, cũng như cổ vũ nhiều người khác đăng tải bài viết hữu ích của mình lên, giúp hoàn thiện thêm trang bách khoa toàn thư mở khổng lồ này.
 
 “Việc thể hiện sự cảm kích, dù dưới bất kỳ hành động nào, cũng là một sự giúp đỡ rất lớn.”
 
Wikipedia đã tiến hành một cuộc khảo sát để tìm ra nhân tố thực sự khích lệ những cộng tác viên sửa đổi nội dung bài viết trên Wikipedia, từ đó giúp trang web này tăng thêm tính cập nhật. Và kết quả cũng không có gì bất ngờ: 78% những người được hỏi đều sẽ chỉnh sửa những chủ đề và bài viết nếu họ nhận được sự cảm kích và những đoạn bổ sung vào phần thiếu sót của họ trên mỗi bài viết.
 
 
Hiện tại, nút “WikiLove” đang được Wikipedia Foundation thử nghiệm trên trang web riêng cũng như những bài viết mới được cập nhật. Dự kiến chức năng này sẽ được sử dụng rộng rãi trên tất cả các bài viết tiếng Anh của Wikipedia vào ngày 29/6 này.
 
Tìm hiểu kỹ hơn, thì chức năng WikiLove này hoạt động tương tự như một tính năng đang làm cả thế giới internet “phát sốt”. Đó chính là nút “Like” của mạng xã hội Facebook, hay mới đây là tính năng Google+1 của Google. Tuy nhiên khác với Facebook, Wikilove sẽ chỉ hoạt động và có giá trị ở trang web của Wikipedia. Nếu một người muốn gửi lời cảm ơn cho bài viết hữu ích mà họ đọc được trên Wikipedia, chỉ cần nhấn nút “WikiLove”, một món quà ảo dưới dạng những ngôi sao, một chú mèo con hay thậm chí là… một cốc bia sẽ được gửi tới người viết cũng như chỉnh sửa bài viết đó.
 
 
Nếu đem tính năng này đi so sánh, thì nó là bước cập nhật mang tính xã hội hoá của tổ chức phi lợi nhuận Wikipedia, từ đó cũng thúc đẩy việc hoàn thiện nội dung, nâng cao chất lượng cho mỗi bài viết trên trang bách khoa toàn thư mở này.
 
 
Người đứng sau tính năng rất đáng chú ý này là Ryan Kaldari, một trong những kỹ sư phát triển của Wikipedia Foundation. Anh đã tạo ra bản phác thảo sơ khai của WikiLove, và nhóm phát triển tại tổ chức này đã hoàn thiện nó và đưa vào thử nghiệm. Wikipedia cũng tuyên bố rằng sẽ kiểm soát việc hoạt động của WikiLove để theo dõi tần suất sử dụng tính năng mới này của người sử dụng Wikipedia, cũng như kiểm tra xem liệu nó có làm tăng số lần chỉnh sửa bài viết của những cộng tác viên hay không.
 
Tham khảo Techie Buzz
Xem thêm:

internet