Hóa ra chơi game bị thua, càng tức bạn càng nên nghe nhạc buồn

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 19/07/2016 04:53 PM

Chắc chắn khi nghe nhạc, cảm giác sẽ bớt ức chế và bí bách hơn nhiều so với việc các bạn tiếp tục try hard find game tiếp đấy!

Hóa ra việc nghe những bản nhạc buồn như Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng, Em Đi Bỏ Mặc Con Đường,... trong lúc tâm trạng đang không tốt lại giúp cho nỗi buồn thật sự được vơi đi bởi chúng giúp gợi nhớ lại trong não những ký ức tích cực và kích thích giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh trong não liên quan tới cảm giác vui sướng, từ đó giúp tâm trạng được cải thiện lên. Đây chính là kết luận từ nghiên cứu vừa công bố bởi các nhà khoa học Anh và Phần Lan, sử dụng quan điểm tâm lý học và thần kinh học để giải thích vấn đề tưởng chừng như nghịch lý rằng nghe nhạc buồn khi buồn lại vui lên.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Durham, Anh và Đại học Jyväskylä, Phần Lan đã phân tích dữ liệu thu được từ 3 khảo sát trên quy mô lớn, tiến hành trên tổng cộng 2.436 người để bao quát sở thích nghe nhạc và những phản ứng của con người. 3 phản ứng chính khi nghe nhạc đã được chỉ ra bao gồm: niềm vui, sự thoải mái và nỗi đau. Theo các nhà nghiên cứu, các hình thái cảm xúc này được kích hoạt khi những kỷ niệm vui hoặc buồn được gợi nhớ lại bằng âm nhạc .

Nhà tâm lý học Adrian North tại Đai học Curtin, Úc, người không tham gia nghiên cứu lần này, cho biết rằng có 2 cách giải thích cho hiện tượng cảm thấy dễ chịu khi buồn mà nghe nhạc buồn: đầu tiên là về phương diện tâm lý học xã hội và thứ 2 là về khoa học thần kinh nhận thức.

Theo đó dưới góc độ tâm lý học xã hội, một cách để nhìn nhận về vấn đề này chính là chúng ta sẽ cảm thấy tốt về bản thân nếu cảm thấy người khác còn trải qua tình trạng tồi tệ hơn. Đây là một hiện tượng tâm lý nổi tiếng được biết tới với tên gọi "so sánh xã hội hướng xuống." Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thậm chí còn trải qua nỗi buồn tồi tệ hơn bạn nhiều. Một giả thuyết khác dưới quan điểm tâm lý học xã hội chính là con người thích nghe những bản nhạc phản ánh được những cung bậc thăng trầm trong cuộc sống thật của họ, hoạt động như một cách để cộng hưởng vào từng tình huống riêng mà mỗi người phải đối mặt.

Ở góc độ thứ 2 mà theo giáo sư North là thuyết phục hơn thì nó giải quyết vấn đề bằng cơ chế thần kinh và những loại hóa chất dẫn truyền, xử lý các vấn đề xảy ra bên trong tâm trí con người. Một số nhà khoa học nghĩ rằng những bản nhạc sầu thảm có liên quan tới một loại hormone gọi là prolactin - loại hóa chất giúp kiềm chế sự đau buồn. Về cơ bản thì cơ thể con người luôn sẵn sàng đối ứng với các chấn thương tâm lý và khi sự kiện đó không xảy ra, cơ thể sẽ kết hợp loại hóa chất này với những chất ức chế khác nhằm tạo cảm giác dễ chịu cho cơ thể.

Nhờ vào kết quả quét não, các nhà nghiên cứu đã biết được rằng việc nghe nhạc cũng có thể giải phóng ra dopamine - loại chất dẫn truyền thần kinh có liên quan tới thức ăn, tình dục và cả chất ma túy. Loại chất này sẽ đưa con người đến một đỉnh điểm nhất định của cảm xúc và rất có thể, đây cũng là tác nhân giúp con người nhận thấy được niềm vui khi nghe các giai điệu buồn. Một giả thuyết khác cho rằng cách mà cơ thể xử lý nỗi buồn thông qua nghệ thuật sẽ rất khác so với khi cảm nghiệm trực tiếp: thí dụ như xem một bộ phim ủy mị, nghe một bài hát đau khổ hoặc ngắm một bức tranh bi thảm.

Một nghiên cứu hồi năm 2014 đã chỉ ra rằng một số người thường nghe nhạc buồn là để cảm nhận vẻ đẹp của nó. Và lần này, nghiên cứu tiến hành bởi các nhà khoa học Anh và Phần Lan cũng nhận thấy những người nghe nhạc buồn sẽ có khiếu thẩm mỹ cao hơn. Từ đó, họ cho rằng có sự liên hệ giữa cảm giác đau khổ và việc tạo ra những hình tượng nghệ thuật. Một hệ quả là những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ nỗi sầu muộn sẽ trở nên hấp dẫn hơn, đồng thời người ta sẽ thưởng thức, đánh giá các tác phẩm này một cách khách quan theo nhiều cách khác nhau. Một quan điểm khác lại cho rằng nỗi buồn có thể làm cho người ta tập trung hơn, siêng năng hơn và điều này sẽ tác động tới việc nghe cũng như sáng tác nhạc.

Tuy nhiên, có một điều rằng nỗi buồn trong mỗi người sẽ có cách hoạt động khác nhau và tác động của nhạc buồn của tới cảm xúc của họ khi nghe cũng khác nhau. Các tác giả của nghiên cứu lần này khám phá được rằng đối với một số người, các bản nhạc buồn sẽ thật sự khiến họ trở nên tiêu cực và đau khổ bởi nó gợi lại những kỷ niệm xấu. Từ đó, họ cho rằng những bản nhạc buồn không phải luôn là cách tốt nhất để cải thiện tâm trạng ở một người đang buồn hoặc stress.

Quay trở lại với những game thủ Việt. Chắc chắn sẽ có những lúc bạn phải phát điên lên với đồng đội hay sau những trận đấu game căng thẳng mà kết quả lại chẳng như mình mong muốn. Có một tật xấu khiến cho không ít trận đấu của game thủ bị phá hoại. Thay vì phối hợp đồng đội, rất nhiều game thủ lại thích chứng tỏ khả năng của bản thân bằng cách… solo. Thế nhưng đời thì không như là mơ, những lần solo này thường khiến game thủ nhận được thất bại cay đắng và khiến cho cả đội mất đi một vị trí cần thiết.

Khi mọi chuyên không như mong muốn, chẳng có lý do gì chúng ta lại không thoát khỏi game, bật một hai bản nhạc cho thư giãn đầu óc và quên đi thất bại vừa nhận được. Chắc chắn cảm giác sẽ bớt ức chế và bí bách hơn nhiều so với việc các bạn tiếp tục try hard find game tiếp đấy!

(Tham khảo Tinh Tế)