Hỏa Phụng Liêu Nguyên: Tản mạn về Bát Kỳ - Chiếc mặt nạ thứ 8 (Phần 1)

JiveLive  - Theo Trí Thức Trẻ | 14/05/2016 06:00 PM

Hỏa Phụng Liêu Nguyên
31/07/2016 NCB: Trung Quốc NPH:

Có thể nói, Bát Kỳ chính là nhân vật bí ẩn nhất trong bộ Manhua nổi tiếng nhất thế giới về đề tài Tam Quốc Chí. Thân thế thật sự của người này đến nay vẫn luôn là bí ẩn khiến các fans hâm mộ đau đầu đi tìm lời giải đáp.

Hỏa Phụng Liêu Nguyên là một trong những bộ Manhua nổi tiếng nhất thế giới về đề tài Tam Quốc Chí, được sáng tác bởi Trần Mưu (Chen Mou), còn có tên tiếng Anh là The ravages of time. Không giống như các tác phẩm khác viết về Tam Quốc chịu sự ảnh hưởng nhiều của tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của nhà văn La Quán Trung, Hỏa Phụng Liêu Nguyên có thể coi là một cuốn tiểu thuyết bằng tranh cực kì “hack não” và mang đậm tinh thần anh hùng ca, thể hiện được hào khí lịch sử mà cho đến nay vẫn chưa một tác phẩm nào đạt đến trình độ này.


Bát Kỳ: Những nhân tài quyết định vận mệnh Tam Quốc

Bát Kỳ: Những nhân tài quyết định vận mệnh Tam Quốc

Trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên, bên cạnh những nhân vật mang tính lịch sử như Tào Tháo, Lữ Bố, 3 anh em Quan, Trương, Lưu… thì Bát Kỳ của Thủy Kính Tiên Sinh được coi là xương sống của cả tác phẩm, có ảnh hưởng đến hầu hết những trận chiến lớn nhất với hàng trăm ngàn kế, liên hoàn kế khiến độc giả đau đầu. Trong đó ngoài Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Viên Phương… thì thân phận nhân vật bí ẩn Bát Kỳ, người đứng cuối cùng luôn được giữ kín. Vậy người đó thực sự là ai? Tại sao nhân vật này lại không ra mặt?

Bát Kỳ thực sự là ai?
Bát Kỳ thực sự là ai?

Những lần xuất hiện trong truyện của Bát kì.

Lần xuất hiện đầu tiên của Bát kì có thể là khi Thủy Kính tiên sinh dẫn đám học trò mình đi giải đố ở liên quân Quan Đông. Thủy Kính có tám học trò những chỉ dẫn năm người đi. Vậy ba người không đi là ai? Chỉ biết chắc chắn là không có Viên Phương, bởi Nhất kì đã xuất sơn không còn đeo cái mặt nạ nữa. Một số ý kiến cho rằng Giả Hủ ủng hộ Trác nên chắc chắn không đi giải đố cho đối thủ, nhưng lại có ý kiến bảo rằng Bàng Thống với Khổng Minh giải đố chứ Giả Hủ có giải đâu, giả vờ đi để thăm dò và phá bĩnh (!?).

Liệu Bát Kỳ có ở đây?
Liệu Bát Kỳ có ở đây?

Thực ra Bát kì có trong năm người này hay không cũng đâu quan trọng, bởi Bàng Thống, Khổng Minh với Ý độc chiếm sân khấu rồi, còn ba kì kia chỉ là phông nền với mấy câu nói vu vơ “Biết thế ta đã cố gắng”, “Chỉ giỏi nói vuốt đuôi”. Cuối đoạn truyện, có một chi tiết khá quan trọng là Thủy Kính tiên sinh ngắt lời giải của Lượng. Có ý kiến cho rằng Thủy Kính làm vậy bởi ông không tin vào lời giải đố của Lượng. Có ý kiến lại cho rằng Thủy Kính làm thế vì bản thân ông tuy chống Trác nhưng cũng không ưa liên quân Quan Đông, biết trước đám liên quân này sớm tan rã mà thôi. Và vẫn theo một luồng ý kiến ở phía trên cho rằng vì Thủy Kính biết Giả Hủ đi theo để nghe ngóng nên giả vờ không tin, cốt để cho Lượng bí mật gửi thư cho Nhất Kì Viên Phương (!?)

Sáu kì đang lắng nghe Thủy Kính phân tích bá chủ
Sáu kì đang lắng nghe Thủy Kính phân tích bá chủ

Lần xuất hiện thứ hai của Bát kì là việc Sáu đồ đệ của Thủy Kính tiên sinh xếp hàng để lắng nghe lời khuyên bảo của sư phụ về việc chọn chủ. Thủy Kính tiên sinh sau một hồi phân tích đã chỉ ra rằng, hiện giờ chỉ có hai bá chủ đáng để đi theo là Tôn Kiên và Táo Tháo. Đáp lại lời khuyên đó, có ba kì ra mặt chống đối còn ba kì còn lại nhanh chóng nghe lời. Một câu hỏi được đặt ra là ba kì nghe lời là ai và ba kì chống đối là ai? Nếu như phe phản đối rõ ràng có Thống và Lượng và phe ủng hộ rõ ràng có Quách Gia và Chu Du, thì một lần nữa cái tên Giả Hủ xuất hiện gây phân vân cho độc giả. Giả Hủ đứng về phía bên nào đây? Có ý kiến cho rằng Hủ theo Trác nên rõ ràng là phe phản đối rồi. Có ý kiến lại bảo rằng Hủ tạm thời theo Trác thôi chứ về sau vẫn theo Tháo. Và vẫn tiếp tục luồng ý kiến ở trên cho rằng Hủ giờ vẫn đang là học trò mà đã ngông nghênh tỏ ý theo Trác thì không có lợi, chắc phải giả vờ để tiện đường sớm xuất sơn chứ (?!).

Bàng Thống xuất hiện cùng người bí ẩn được cho là Bát Kỳ
Bàng Thống xuất hiện cùng người bí ẩn được cho là Bát Kỳ

Lần xuất hiện có thể là thứ ba và gây nhiều tranh cãi của Bát kì là chuyến đi của Thống đến thăm Bị, khi hoàng thúc Lưu Bị vừa được Hạ Hầu Đôn cứu ra khỏi đống xác chết sau cái bẫy của Lữ Bố ở Từ Châu. Ngoài Thống ra, trên thuyền còn có một nhân vật đội mũ bịt mặt rõ ràng là một trong Bát Kì. Một điểm khá thú vị là Lưu Bị lúc này đang tắm. Có giả thuyết cho rằng Thống cố tình chọn thời điểm này để có thể xem được toàn thân thể của Lưu Bị, để tìm xem Bị có “dấu ấn thiên tử” kiểu như nốt ruồi của An Lộc Sơn không (?!). Cuộc nói chuyện có nội dung gì thì không biết rõ, chỉ biết sau khi rời khỏi đó, người đội mũ bịt mặt nói một câu rất mông lung: “Trời cũng giúp ông ta”. Người thì bảo rằng đó chỉ có thể là Lượng thôi, vì Lượng vốn quan tâm đến Bị và hay đi cùng Thống. Người thì cho rằng đây đích thị là Bát kì, Lượng thì chia tay với Thống từ đợt Thủy Kính tiên sinh sai đi thăm Chu Du và giờ đang ở Long Trung rồi, hơn nữa Lượng đã biết Bị là người thế nào rồi, còn đến gặp làm chi?

Ngoài ba lần xuất hiện trên thì theo những suy đoán khác nhau, có người còn cho rằng “Bát kì có thể còn xuất hiện thêm nhiều lần trong bộ truyện nữa rồi, chẳng qua chúng ta chưa biết được đó là Bát kì mà thôi”. Nhưng có thể nói ba lần trên là những lần xuất hiện chắc chắn nhất.

Hình ảnh hiếm hoi khi năm kỳ cùng xuất hiện
Hình ảnh hiếm hoi khi năm kỳ cùng xuất hiện

Năm kì tụ họp trước Thất tinh tục mệnh đăng. Trong đó ghi rõ ràng rành mạch rằng Bát Kì là đồ đệ của Trương Chiêu tiền bối. Xem ra khả năng nhân vật này là quân sư của Đông Ngô là khá cao.

Các game thủ quan tâm đến đề tài Tam Quốc có thể tham gia thảo luận tại ĐÂY.

(Còn tiếp)

(Sưu tầm từ Hội Những Người Hâm Mộ Hỏa Phụng Liêu Nguyên)

>> Những ẩn ý ít người biết trong ảnh bìa của Hỏa Phụng Liêu Nguyên (Phần Cuối)