Hãy cẩn thận khi chơi những tựa game này, chuột và bàn phím của bạn có thể sẽ bị đập tan tành

Nga0Du  - Theo Helino | 14/05/2018 04:05 PM

Nếu là một người chơi thiếu kiên nhẫn, có lẽ bạn không nên chơi những tựa game này.

1) World’s Hardest Game

Đúng như tên gọi của nó, World’s Hardest Game được sinh ra là để đánh bại ý chí và nghị lực của người chơi. Nguyên tắc chơi không có gì phức tạp, chỉ cần dịch chuyển một khối từ điểm A đến điểm B mà không được chạm vào các vật có mặt giữa 2 điểm đó. Nghe qua thì có vẻ đơn giản là vậy, tuy nhiên nếu muốn phá đảo trò chơi này, bạn chắc chắn sẽ phải bỏ ra một lượng thời gian và công sức không hề nhỏ.

2) Getting Over It with Bennett Foddy

Nếu có giải cho game “lầy lội” nhất năm 2017, Getting Over It with Bennett Foddy chắc chắn sẽ thắng lớn mà không phải bàn cãi. Trong Getting Over It, bạn sẽ phải leo qua cả rặng núi đá hùng vĩ với một cái búa tạ để đổi lấy phần thưởng "bí ẩn và tuyệt vời". Nhưng giống như mọi game khác của Bennett Foddy, nói luôn dễ hơn làm. Chỉ cần lệch tay một chút, chiếc búa mất điểm tựa, bạn có thể rơi xuống rất sâu và cuốn theo đó là toàn bộ những nỗ lực leo trèo trước đó.

3) Cuphead

Nếu như hình ảnh là những ấn tượng ban đầu về trò chơi thì gameplay mới thực sự là linh hồn tinh túy nhất của Cuphead. Game là sự kết hợp giữa những màn chạy nhảy theo kiểu đi cảnh với phong cách bắn súng nhịp độ cực nhanh, tập trung chủ yếu vào những màn đấu boss sôi động. Với sự tỉ mỉ trong thiết kế cũng như những thách thức mà nhà sản xuất đem đến cho người chơi, không quá khi nói rằng Cuphead chính là một Dark Souls phiên bản ngộ nghĩnh.

4) Nioh

Bối cánh trong Nioh được đặt trong thời kỳ Sengoku, hay thường được gọi là thời Chiến Quốc của Nhật Bản (diễn ra trong 2 thế kỷ 15 và 16). Trong game, bạn sẽ được hóa thân vào một nhân vật mang tên William và trải qua một hành trình đầy thử thách ở thời kỳ phong kiến của xứ sở hoa anh đào. Kinh nghiệm và những kỹ năng của William sẽ giúp anh có thể sống sót được ở trong vùng đất đầy quỷ dữ của các samurai.

Được mệnh danh là Dark Souls phiên bản Samurai, Nioh mang trong mình nhiều đặc điểm rất giống với bom tấn của From Software. Game buộc bạn phải chú trọng đến từng hành động nhỏ khi chơi. Thay vì spam kỹ năng liên tục hay chém loạn xạ mà không tình toán, bạn sẽ phải cẩn thận trong từng đường gươm, mũi giáo. Chỉ cần mất cảnh giác một chút thôi, bạn hoàn toàn có thể trả giá bằng cả màn chơi của mình.

5) Devil May Cry 3: Dante’s Awakening

Devil May Cry 3 một cái tên đủ khơi dậy sự phấn khích và khiến các game thủ hardcore phải chùn tay. Devil May Cry 3 sẽ làm bạn ức chế trong sự sung sướng, thật sự là như vậy đấy. Độ khó của game đủ “đá đít” bạn khỏi ghế và gào thét mỗi khi qua được một con boss khổng lồ của game, độ dã man với bàn phím và cơn bạo lực của bạn sẽ tăng không phanh theo từng bước chân của nhân vật chính Dante.

6) Dark Souls 3

Dark Souls 3 là tựa game nhập vai hành động được phát hành cho Xbox One, PS 4 và PC; trong đó, người chơi sẽ bước vào một thế giới gothic kỳ bí để chiến đấu chống lại những thế lực hắc ám, bạo tàn. Bảy năm kể từ sự ra đời của Souls Demon, Dark Souls 3 đã là phiên bản thứ 4 trong seri nổi tiếng Souls game của hãng From Software.

Với một tựa game hardcore có độ khó được đẩy lên cao độ như Dark Souls, ý nghĩa của chiến thắng sau khi đánh bại một con boss tại đây không giống như bất cứ điều gì bạn từng trải nghiệm trong các trò chơi khác. Đôi khi bạn chỉ muốn đập vỡ chiếc tay cầm sau khi chết 15 lần liên tiếp trong một màn chơi. Nhưng rồi sau đó lại la hét ầm nhà và nhảy cẫng lên như một đứa trẻ sau khi có được chiến thắng trong lần thử thứ 16. Đó đơn giản là Dark Souls.

7) Salt and Sanctuary

Trong số tất cả game được nói đến ở danh sách này, “Salt and Sanctuary” có lẽ là sản phẩm nắm bắt được “phần hồn” của cơ chế chiến đấu của “Dark Souls” nhất, và thể hiện nó hoàn hảo trên môi trường đồ họa 2D. Đội ngũ thiết kế game đã lấy nguồn cảm hứng lớn từ series “Souls”, và đem đến một cơ chế chiến rất thử thách, yêu cầu tính chất thao tác cao, phải cẩn thận canh chừng thanh lực stamina, và căn chuẩn từng giây để né tránh một đòn chí mạng của kẻ thù.

Bên cạnh đó, khâu kiến tạo và phát triển nhân vật của “Salt and Sanctuary” cũng theo hướng mở, không ràng buộc người chơi vào một lớp nghề nghiệp nhất định, cung cấp vô số chủng loại vũ khí, phép thuật và phong cách chiến đấu để đa dạng hóa trải nghiệm. Hơn nữa, phong cách đồ họa độc đáo theo kiểu vẽ tay của game phải nói là rất xuất sắc, xây dựng nên một thế giới quan tăm tối, đầy vẻ hiểm nguy.

8) Alien: Isolation

Dù tựa game có ghi rõ ràng chữ “Alien” nhưng Xenomoprh không phải là thứ duy nhất bạn cần quan tâm đến trong game. Với môi trường xung quanh đầy những con robot bị trục trặc, những người sống sót hung hăng được trang bị vũ khí tới tận răng, tất cả bị mắc kẹt trong một trạm không gian bỏ hoang, Alien: Isolation giống như một cuộc thử thách tính kiên nhẫn hơn là một trò chơi đơn thuần. Bạn sẽ chịu được bao lâu trước khi quyết định bỏ rơi Amanda Ripley và cuộc hành trình tìm lối thoát khi mà nhân vật này phải chạy trốn tới 90% thời lượng game?