Giải mã Crysis 3 – Đứa con của những kẻ không biết làm game

Lê Minh Hưng  - Theo Helino | 07/05/2019 11:50 PM

Game nhìn đẹp thì ai mà chẳng trầm trồ, nhưng đến lần thứ ba rồi thì nó đâu còn gì là đặc biệt nữa.

Bạn nghĩ gì khi người ta đề cập đến Crysis 3? Đó là một tựa game có đồ họa tuyệt vời, thuộc hàng siêu phẩm sát phần cứng với hàng loạt hiệu ứng ấn tượng và blablabla… Bạn có thấy một cái vấn đề to đùng nằm chình ình ở trong chính câu trả lời ấy không?

Giải mã Crysis 3 – Đứa con của những kẻ không biết làm game - Ảnh 1.

Dạo gần đây người viết bỗng nhiên có cảm hứng chơi lại phần ba của series game Crysis, một phần vì lâu rồi chưa chơi, và một phần khác vì muốn xem đồ họa game đã tiến xa tới mức nào, nhất là sau khi đã được rửa mắt với Metro: Exodus. Thế rồi câu hỏi ở đầu bài xuất hiện trong đầu: Ừ đúng, người ta nghĩ cái gì khi nói đến Crysis 3? Nếu như bạn cũng từng có trăn trở tại sao mình không nhớ cái gì hết về một trong những tựa game lớn nhất năm 2013, thì bài viết này có lẽ sẽ giúp giải đáp phần nào khúc mắc kéo dài sáu năm trời đó.

Một tựa game tưởng như có tất cả

Nói không ngoa thì Crysis 3 ở thời điểm phát hành có gần như tất cả. Sự hậu thuẫn từ nhà phát hành khổng lồ Electronic Arts, công nghệ của những thiên tài từ Crytek và số vốn đầu tư khổng lồ 66 triệu USD đủ cho thấy sự kì vọng to lớn vào thành công của chương cuối Crysis. Cộng với đó là thời gian phát hành không thể tốt hơn: 19/02/2013, thời điểm mà BioShock Infinite một tháng sau mới trình làng, Alien: Colonial Marines thì ngập trong gạch đá còn Call of Duty: Ghosts thậm chí còn chưa ra mắt mãi tới tháng mười một năm đó.

Tựu chung lại thì Crysis 3 không có đối thủ. Ấy là chưa kể có rất ít sản phẩm bắn súng góc nhìn người thứ nhất, nếu không nói là không có, thời điểm đó đủ sức cạnh tranh được với một tựa game được đầu tư từ đầu đến chân như đứa con tinh thần của Crytek. Danh tiếng từ hai tựa game trước cũng góp phần không nhỏ vào tương lai tưởng như đã ăn chắc của Crysis 3.

Ấy nhưng nó vẫn thất bại.

Khi những gã điên không còn điên nữa

Bản thân người viết không có bất kì xúc cảm gì đối với lối chơi của phần game Crysis thứ nhất, hay ít nhất là nửa sau của game. Gameplay bắn nhau với người ngoài hành tinh đơn điệu cộng với đó là các mode sức mạnh có phần yếu ớt của nanosuit khiến cho trải nghiệm Crysis chưa bao giờ đạt tới cái gọi là tuyệt phẩm. Điều này phần nào cho người viết một ý nghĩ: phải chăng phần game đầu tiên thành công đến vậy chẳng qua là do nền đồ họa đỉnh cao đến mức khủng khiếp của nó?

Giải mã Crysis 3 – Đứa con của những kẻ không biết làm game - Ảnh 2.

Crytek của năm 2007 là những gã điên. Họ đưa mọi công nghệ hình ảnh tân tiến nhất thời bấy giờ vào Crysis, mặc kệ xem cỗ máy của người chơi có chạy nổi không. Và không cỗ PC nào chạy nổi thiết lập cao nhất thật, vì Crysis không phải là một tựa game của năm 2007, mà giống hơn một bản tech demo cho tương lai. "Nhưng máy bạn liệu có chơi được Crysis không?" không đơn giản chỉ là một câu đùa, vì nó còn cho thấy cái sự kì vọng to lớn về một thứ gọi là đỉnh cao đồ họa ở đứa con của Crytek. Mọi sự chú ý đổ dồn vào phần nhìn tuyệt diệu trong khi chất lượng gameplay ở mức trung bình bị ngó lơ.

Suy nghĩ này chắc chắn sẽ khiến một vài game thủ không hài lòng, và điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Vậy nhưng hãy xét đến hậu bản là Crysis 2, một tựa game được làm ra không phải để vắt kiệt cỗ máy của bạn, mà là để kiếm tiền. Crysis 2 vẫn đẹp, nhưng để bù đắp cho giới hạn phần cứng của hai mẫu console là Xbox 360 và Playstation 3, những gã điên người Đức chấp nhận trở nên bình thường. Họ cắt giảm các yếu tố hình ảnh để cho cả console lẫn PC đều có thể chơi được, từ đó gia tăng độ tiếp cận cho sản phẩm. Nhưng hỡi ôi!

Giải mã Crysis 3 – Đứa con của những kẻ không biết làm game - Ảnh 3.

Lúc này khi không còn lớp vỏ đồ họa thần thánh che mắt, game thủ nhận ra rằng Crysis 2 chơi không hay như họ mong muốn. Nó không nhanh và dồn dập như Call of Duty, nhưng cũng không chạm đến được ngưỡng tuyệt hảo như Halo. Sự tuyến tính trong thiết kế màn chơi cũng khiến cho điểm sáng le lói ở người tiền nhiệm của nó cũng vụt tắt.

Và giờ bạn nhận ra, có lẽ Crytek không biết thiết kế game. Họ bị ám ảnh với công nghệ nhưng cái sự thật chình ình ra đó là những tựa game của họ chơi nói trắng ra là không hay. Đuổi theo sự chân thực trong hình ảnh nhưng cốt lõi gameplay có vấn đề khiến cho các sản phẩm của Crytek chỉ dừng lại ở mức tạm chấp nhận được, và khi nền đồ họa không còn đủ sức để cân nữa, thì các khuyết điểm khác dần theo đó mà lộ rõ.

Và khi những gã điên không còn điên nữa, thì họ còn lại gì?

Crysis 3 và cố gắng tìm lại ánh hào quang

Khi mà các tựa game với đồ họa tuyệt phẩm xuất hiện ngày càng nhiều, thì chỗ đứng của Crytek, với tư cách là một nhà phát triển game, cũng từ đó mà lung lay. Đừng hiểu nhầm, vì Crytek trong cương vị là một nhà phát triển engine với CryEngine nổi tiếng rất ăn nên làm ra, chỉ có mảng game của họ là thụt lùi. Crytek biết rằng những fan hâm mộ của Crysis không thích phần game thứ hai, với hàng loạt chỉ trích nhắm đến gameplay tuyến tính và nền đồ họa "đáng thất vọng". Tất nhiên đấy chỉ là cách nói phóng đại, ấy nhưng nó cũng không thực sự xa rời lắm những than phiền về Crysis 2 tràn lan trên các diễn đàn game.

Giải mã Crysis 3 – Đứa con của những kẻ không biết làm game - Ảnh 4.

Và cách họ sửa sai là gì? Khi Crysis 3 ra mắt với hàng loạt những hứa hẹn về đồ họa và lối chơi cải tiến, người ta đã bắt đầu thêm số ba vào câu "Nhưng máy bạn liệu có thể chơi Crysis không?" Một chiến lược marketing nhắm thẳng đến khía cạnh đồ họa nổi trội, với một series video khoe khoang về các kì quan tuyệt đẹp trong game.

Đồ họa. Luôn luôn là đồ họa trên hết.

Nhưng nói qua cũng phải nói lại. Crytek biết được rằng Crysis 2 là một sai lầm. Họ biết họ cần phải làm gì với Crysis 3, hay ít nhất, là họ nghĩ họ biết. Công bằng mà nói, như bài viết đã nêu ra, thì Crytek không phải là những kẻ biết làm game. Trước và sau Crysis 3 là Crysis 2, Warface rồi Ryse: Son of Rome, Crytek không có lấy một sản phẩm có chất lượng vượt quá cái mức gọi là trung bình khá. Yếu tố mà người ta nhắc đến nhiều nhất là đồ họa. Và buồn thay, Crysis 3 không thoát khỏi được cái dớp đáng xấu hổ đó.

Giải mã Crysis 3 – Đứa con của những kẻ không biết làm game - Ảnh 5.

Nhưng sự thật ẩn sau đó còn phức tạp hơn nhiều. Giám đốc thiết kế của Crysis 3, đồng thời cũng là CEO của Crytek, Cervat Yerli từng nói "Crysis 3 là sản phẩm hoản hảo nhất mà chúng tôi từng làm ra". Điều đó nghe có vẻ đi ngược lại những gì mà giới phê bình lẫn game thủ nhận thấy ở thời điểm phát hành, nhưng khi người viết bật game lên lần đầu tiên trong vòng năm năm, thì mọi thứ bắt đầu đi ngược lại mong đợi.

Ấy là Crysis 3 chơi cũng không đến nỗi nào. Bỏ qua phần nhìn mà bất cứ ai cũng nói đến, Crysis 3 về tổng thể được thiết kế tốt hơn hẳn hai người tiền nhiệm của nó. Sự tuyến tính từ phần hai đã được giảm bớt, thay vào đó là lối thiết kế màn chơi mở hơn nhưng phần một. Các level giờ đây có nhiều cách tiếp cận khác nhau với ống thông gió hay các đường đi bí mật ẩn sau các vật phẩm. Trong một thoáng người viết thậm chí còn tưởng mình đang chơi một tựa game Deus Ex vì lối thiết kế màn chơi phi tuyến tính đầy sự tự do này. Ấy là chưa kể các loại vũ khí và công cụ hack mới được thêm vào khiến cho game thủ có nhiều sự lựa chọn hơn chỉ đơn thuần là chạy và bắn.

Đi cùng với việc mở các level ra, thì Crysis 3 lại có gameplay tập trung hơn so với phần một. Tựa game vẫn cho người chơi chơi đùa trong màn chơi thoải mái, nhưng việc thu hẹp lại hơn so với phần một đồng nghĩa với việc cốt truyện được truyền tải một cách đầy đủ hơn. Ừ nhưng rồi, Crytek đã làm sai điều gì để khiến cho (hoặc ít nhất là phần nào đó khiến cho) Crysis 3 thất bại?

Giải mã Crysis 3 – Đứa con của những kẻ không biết làm game - Ảnh 6.

Câu trả lời đơn giản nhất, là nếu như người viết không liệt ra các ưu điểm vừa rồi, có khi game thủ còn không biết chúng hiện hữu. Các đường đi bí mật nghe qua có vẻ hay nhưng không mang lại sự hứng thú như việc chạy và bắn do sắp xếp vị trí kẻ thù lộn xộn; hack thì quá dễ và việc dùng một con robot bị hack để quét sạch toàn bộ tiểu đội địch là điều đơn giản; cốt truyện không có lấy một nhân vật đáng để được quan tâm hoặc yêu thích (ngoại trừ Psycho nhưng đến nửa sau game thì Crysis 3 hoàn toàn bỏ quên nhân vật này). Nói chung là đứa con của Crytek tưởng có mọi thứ nhưng hóa ra nó chẳng có gì. Tại sao lại nói thế?

Đến đây người đọc có lẽ đã hình dung ra rằng Crysis 3 chắc chắn không phải là một tựa game hay. Và đối với người viết thì điều tương tự cũng có thể được nói về phần game thứ nhất. Cả hai có gameplay ở mức trung bình và đồ họa tuyệt diệu, nhưng chỉ một trong hai thành công. Lí do đơn giản vì năm 2013, game thủ đã bắt đầu hiểu hơn về mọi thứ. Họ không còn ở năm 2007 để trầm trồ trước một tựa game mà không máy nào chạy nổi nữa. Crysis là một thành công dựa trên sự tò mò, sự tò mò về tựa game đẹp nhất mà ai cũng nói tới.

Giải mã Crysis 3 – Đứa con của những kẻ không biết làm game - Ảnh 7.

Đến với Crysis 3, game thủ biết là nó đẹp, và họ cũng biết là nó chơi không hay. Còn gì để nói nữa? Các trang web game lúc đó đã cho người chơi hiếu kì biết mọi thứ mà họ cần biết, và chẳng có lí do gì để trông đợi một tựa game mà hầu hết bạn mua chỉ để ngắm. Ấy là nếu như máy bạn đủ sức để ngắm được nó.

Tạm kết

Sự thất bại của Crysis 3 là điều đã được dự đoạn trước. Game thủ của năm 2013 khác xa với những gã cuồng PC năm 2007, sự hiếu kì của họ không lớn nhưng hồi tám năm trước nữa. Nhất là khi trình độ làm game của Crytek đã bị nhìn thấu; đó là những gã điển nổi tiếng nhờ đồ họa, và chỉ mình đồ họa thôi. Game nhìn đẹp thì ai mà chẳng trầm trồ, nhưng đến lần thứ ba rồi thì nó đâu còn gì là đặc biệt nữa.