Gặp đối thủ "trẻ trâu" chửi bới, đây là những việc game thủ Việt cần làm ngay

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/09/2016 0:00 AM

Những cách rất đơn giản và hiệu quả để kiềm chế cơn giận, quên đi những gì game thủ phải trải qua và tiếp tục chơi game tiếp

Có thể nói chẳng ai trong chúng ta xa lạ gì với nói tục và chửi bậy. Ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường, cái chúng ta được dạy là không nói tục chửi bậy điều đó nó thể hiện lên một con người có văn hoá. Và khi chơi game cũng vậy, những game thủ như chúng ta ngày nay cũng chưa chắc đã kiểm soát được những câu văn, lời nói mình văng ra trong lúc chơi game.

Việc văng tục, chửi bậy dường như đã trở thành một “nét văn hóa” không mấy đẹp đẽ trong cộng đồng game thủ. Nhiều người để thoải mái trong game đã không tiếc lời, sử dụng những từ ngữ nặng nề nhất để mạt sát đối thủ của mình với một phong cách rất… anh hùng bàn phím.

Bên trong những tựa game, nơi game thủ có thể tương tác với nhau bằng bất kỳ cách nào họ muốn, một trong những vấn nạn mà không chỉ nhà phát hành mà ngay cả những game thủ cũng phải đau đầu chính là câu chuyện văng tục, chửi bậy của một số lượng không nhỏ người chơi game online Việt Nam hiện nay. Thậm chí, tình trạng này còn leo thang và được game thủ nước ta “xuất khẩu” sang cả những server game online nước ngoài.

Và khốn khổ nhất cho những game thủ chúng ta chính là những game thủ "hiếu chiến" và hiếu thắng như thế này đây. Khi nhìn vào nguyên nhân sâu xa, chúng ta không khỏi xót lòng với những lý do khiến cho tình trạng này leo thang. Một game thủ từng lên tiếng, dĩ nhiên là nhờ chúng tôi giấu tên trong bức email chia sẻ về một trong những thực tế khiến người Việt là một trong số những cộng đồng bị ghét bỏ bậc nhất trong thế giới game online nước ngoài:

"Cái cảm giác được trashtalk khi chơi game nhiều khi nó khiến người rạo rực. Biết là không đúng, vẫn biết là phải tôn trọng đối thủ và đồng đội, nhưng chẳng hiểu sao cứ chọc giận được đối thủ là lại có hứng thú chơi tiếp, tiếp tục bón hành cho họ. Hết game, cái cảm giác được gõ gg ez thật sự không gì so sánh nổi. Đấy là lúc đang thắng. Lúc thua thì sao? Có một cụm từ tạm gọi là Blame time, khi kẻ đóng góp ít nhất hoặc gây ra những lỗi trong game bị lôi ra bôi bác, chê bai. Dĩ nhiên điều này cũng chẳng khiến hắn ta chơi giỏi hơn được đâu, nhưng ít ra nó cũng khiến tôi đỡ bực mình."

Tôi và các bạn cũng không phải ngoại lệ. Tôi đã từng được "trải nghiệm" một anh chàng toxic đúng nghĩa đen. Đồng đội quên cắm mắt, cũng văng tục, cũng mỉa mai đồng đội "noob", "*** ** mày gỡ game đi", vân vân và mây mây. Đối thủ có một pha xử lý lỗi, hắn cũng lên tiếng cười nhạo.

Chẳng biết thắng một trận DOTA 2 cậu ta có được huân huy chương hay thành tích gì trong cuộc đời hay không, mà càng không biết chê bai người khác có khiến cậu ta hơn được ai hay không. Chỉ biết đúng một điều, những câu nói của hắn chỉ khiến cho chúng tôi, những game thủ dù chẳng quen biết nhưng đang là đồng đội của nhau cảm thấy cực kỳ bực bội và khó chịu.

Dần dà, sau nhiều lần bực mình chỉ vì một trận đấu thua và bị đối phương sỉ nhục, tôi rút ra những cách rất đơn giản và hiệu quả để kiềm chế cơn giận, quên đi những gì tôi phải trải qua và tiếp tục chơi game tiếp, hoặc dễ dàng hơn nữa là tắt máy đi ngủ:

Đi uống nước

Không chỉ tốt cho sức khỏe, nước lọc là một món quà kỳ diệu, nó khắc chế được tất cả những cơn bốc hỏa, những cảm xúc bực tức trong người. Nếu bạn không phải là một game thủ chuyên nghiệp, chẳng có lý do gì bạn không nghỉ một chút trước khi vào trận đấu mới, mà thực tế là cũng nên ngừng chơi cho đến khi có cảm giác muốn tiếp tục chìm vào thế giới ảo, sau khi đã quên đi những tức tối của trận đấu trước.

Rời trận đấu ngay khi kết thúc

Đây không phải một cách hay nhưng ít nhất nó sẽ tránh được cho bạn những mệt mỏi bức bối sau khi thua trận. Nếu không đọc được những dòng chat trêu tức của đối phương, bạn cũng sẽ bớt đi khó chịu vì trận thua đó.

Đừng cố nán lại cãi nhau với những kẻ xấu tính

Hãy tập thói quen tư duy, khi bạn cãi nhau với một kẻ thích blame, bạn đã chính thức hạ mình xuống đẳng cấp của họ. Nếu câu chat khiến bạn quá nóng mắt, hãy reply một cách đơn giản: "Ờ" hoặc "Uhm". Mục đích của những câu blame là khiến bạn bực mình. Những câu trả lời lạnh lùng và "có vẻ chấp nhận" sẽ khiến máu hiếu thắng của những game thủ xấu tính giảm đi ít nhất là 50%. Họ vẫn sẽ chat tiếp để lấy lại "oai phong", nhưng không một câu nói nào sau đó đủ sức "đỡ" được câu trả lời của bạn.

Và cũng đừng quên tặng cho những kẻ xấu tính đó một cái report. Bạn thua một trận đấu, điều đó có là gì, đến cả những nhà vô địch cùng từng thua thê thảm cơ mà! Nhưng với những kẻ đao to búa lớn, vài trận đấu low priority hoặc nặng hơn là bị cấm chơi game sẽ khiến họ có cách nghĩ khác phần nào.