Thể thao điện tử Việt Nam chưa được phát triển bài bản

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/11/2014 04:30 PM

"Thể thao điện tử tại Việt Nam vẫn chưa được công nhận là một môn thể thao chính thống."

Chiều nay tại trung tâm hội nghị Metropole, HCM, công ty điện tử Starfish (Sao Biển) cùng đối tác TteSports đã tổ chức một buổi giao lưu nho nhỏ trao đổi về những cơ hội phát triển lĩnh vực thể thao điện tử tại Việt Nam và kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo chia sẻ của Starfish và Tt eSports thì trong thời gian gần đây, thể thao điện tử và khái niệm game thủ chuyên nghiệp đang bắt đầu bùng nổ rất mạnh mẽ. Thống kê cho thấy tính đến cuối năm 2013, số lượng người theo dõi các giải game đã lên đến 71,5 triệu người.

Gặp gỡ game thủ kiếm 15 tỷ Đồng một năm

Kỷ lục về sự kiện thể thao điện tử đơn lẻ có nhiều người xem nhất từ trước đến nay thuộc về mùa giải thứ 3 của game MOBA Liên Minh Huyền Thoại (League of Legends) khi có đến 32 triệu người xem trực tuyến, 8,5 triệu người xem cùng lúc qua kênh Twitch TV, 18.000 người tham dự sự kiện tại chỗ, qua đó vượt mặt cả những giải đấu thể thao truyền thống như giải vô địch bóng bầu dục BCS, giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA hay giải bóng chày MLA.

Về quy mô giải thưởng, tổng giá trị giải thưởng cho các giải game đã chạm mốc 25 triệu USD trong đó giải DOTA 2 quốc tế có giá trị gần 11 triệu USD, xếp thứ 2 là giải vô địch thế giới Liên Minh Huyền Thoại - 2,1 triệu USD. Về số người chơi, riêng game LMHT đã có 76 triệu người chơi tính đến nay và dự đoán sẽ tăng lên 94 triệu người, đạt doanh thu gần 600 triệu USD vào năm 2015.

Tinhte.vn_Starfish_Ttesports-2.

Anh Chia-Chi Chang đại diện kinh doanh Tt eSports Thái Lan Việt Nam (trái) và anh Khoa đại diện Starfish chia sẻ rất nhiều về thể thao điện tử trong nước.​

Qua những con số trên, Starfish và Tt eSports cho rằng thể thao điện tử là một lĩnh vực trẻ, giàu tiềm năng và đây là cơ hội để họ cũng như các đối tác doanh nghiệp mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam. Starfish và Tt eSports mong muốn góp phần vào việc thành lập một cộng đồng game chuyên nghiệp, xây dựng những đội tuyển chơi game có tổ chức và mở ra các giải đấu mang tầm quốc gia.

Hiện tại, cả 2 công ty đều đã đầu tư và hỗ trợ cho hơn 100 hệ thống phòng game đạt chuẩn. Các phòng game này đều được hỗ trợ cung cấp phần cứng như thùng máy, nguồn, card đồ họa, thiết bị chơi game như phím, chuột, tai nghe đến từ các thương hiệu đang được Starfish phân phối như Intex, Tt eSports, Thermaltake, Galaxy với mức giá tốt và dịch vụ hậu mãi, bảo hành 2 năm. Tuy nhiên, Starfish và Tt eSports cũng bày tỏ những khó khăn và thách thức về lĩnh vực thể thao điện tử tại Việt Nam.

Trao đổi thêm về điều này, đại diện kinh doanh Tt eSports khu vực Thái Lan và Việt Nam - ông Chia-Chi Chang cho biết: "Thể thao điện tử tại Việt Nam vẫn chưa được công nhận là một môn thể thao chính thống. Mọi người vẫn chưa hiểu lắm về thể thao điện tử và rào cản về văn hóa khiến loại hình thể thao này chưa được nhìn nhận và đầu tư nghiêm túc. Tt eSports hiển nhiên có đầu tư cho một số đội game tại Việt Nam, điển hình như game bắn súng Crossfire. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần có thời gian để hòa hợp giữa 2 luồng suy nghĩ. Chúng tôi là một phần của đội game và cùng nhau, chúng tôi muốn đưa họ đến các mục tiêu, ở đây là giải thưởng."

Tinhte.vn_Starfish_Ttesports-3.

Anh Vũ đến từ cộng đồng Starcraft II Việt Nam nói về những khó khăn khi phát triển eSport.​

Trong khi đó, anh Khoa đại diện Starfish và anh Vũ đến từ eCraft - một đơn vị đại diện cho cộng đồng game Starcraft II tại Việt Nam cho biết các giải game trong nước vẫn chưa được tổ chức thường niên và liên tục. Mỗi giải nhiều nhất cũng chỉ diễn ra được trong vòng 2 đến 3 năm và kể từ khi World Cyber Games rút lui, Việt Nam vẫn thiếu đi một sân chơi uy tín và lâu dài cho các game thủ chuyên nghiệp.

Về phần các đội game, khâu quản lý vẫn chưa được thực hiện bài bản và vẫn chưa thể tiếp cận được các nhà tài trợ. Vì vậy, Starfish, Tt eSports và eCraft đại diện cho 3 vai trò là nhà tài trợ, doanh nghiệp và đại diện trung gian sẽ làm cầu nối giữa game thủ và doanh nghiệp.

Tinhte.vn_Starfish_Ttesports_PG-1.

Game thủ sẽ được định hướng rõ ràng về thể thao điện tử trong khi doanh nghiệp, nhà tài trợ sẽ có thể quảng bá sản phẩm, thương hiệu và thúc đẩy doanh số. Mặc dù không giới thiệu về các sản phẩm mới nhưng Starfish và Tt eSports cũng trưng bày rất nhiều phần cứng chơi game đang được phân phối như bộ PC Level 10, card đồ họa Galaxy, bàn phím cơ, chuột chơi game, tai nghe...

(Theo Tinh Tế)

>> Gặp gỡ game thủ kiếm 15 tỷ Đồng một năm