Câu chuyện chiếc nút bàn phím của người Việt được cả thế giới mê đắm

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/03/2016 0:00 AM

Và rồi, từ chỗ được gọi là “anh Hùng tai nghe”, anh em chúng tôi bắt đầu gọi anh Hùng với cái tên trìu mến và ‘trẻ trâu’ hơn: “Anh Hùng bàn phím”

Khi ông anh bạn thân của tôi, người đã sáng lập ra Joinhandmade nhắn tin vào một đêm lúc tôi vẫn còn đang ngồi ườn xem một trận DOTA vô thưởng vô phạt nào đó trên Twitch vài tháng trước, thậm chí bản thân tôi còn chẳng tin được vào mắt mình. “Hay là làm keycap phím cơ nhỉ?” Câu hỏi khiến tôi tỉnh ngủ hẳn.

Từ trước tới nay mọi người biết tới Hùng như một người mê âm thanh, muốn trung hòa giữa chất âm cần có của một chiếc tai nghe để bạn có thể thưởng thức âm nhạc đúng như mong muốn thay vì những chiếc tai nghe rẻ tiền âm thanh chỉ ở mức chống điếc, nhưng lại vừa thời thượng, giống một món phụ kiện để mix với áo quần thời trang hàng ngày. Kết quả của sự cố gắng kết hợp này, cộng với việc bỏ công sức ra làm tai nghe bằng chính sức lao động của người Việt ra sao tôi xin được nhường lại cho các bạn, những người đã có cơ hội trải nghiệm những chiếc tai nghe, từ Jelly Ear, Jelly Galaxy và sau này là Jelly Doux…

Khi đó tôi cứ tưởng ông anh tôi nói đùa, chắc một phút làm việc mệt mỏi nên tán nhảm cho qua giờ giải lao. Ai ngờ đâu anh làm thật, mà không chỉ làm keycap từ chính những nguyên liệu tạo ra những tai nghe in ear trước, anh còn mạnh dạn tạo ra cả những sản phẩm cả thế giới chưa hề có.

Ý tôi là, bạn có thể bỏ cả triệu Đồng mua một nút bấm của HolyOops bằng nhôm, tinh xảo và ấn tượng, với những thiết kế đẹp đến rớt tim, điều đó không quan trọng bằng việc chiếc keycap mà chúng tôi từng giới thiệu tới các bạn độc giả trong bài viết trước được anh Hùng cùng đồng sự bỏ những hạt đá quý thường dùng để làm tranh đá vào bên trong. Kết quả là, khi kết hợp với đèn LED của phím cơ, chiếc keycap trở nên lung linh, như một món trang sức trong cửa hàng được rọi đèn vào khoe ra những đường nét đẹp nhất vậy.

Dĩ nhiên khi mượn bộ keycap của anh vài ngày, bản thân tôi cũng chẳng tài nào cưỡng lại được mà phải lắp vào chiếc phím cơ sắp đến tuổi thanh lý của mình:

Biết miêu tả sao về người anh cả này nhỉ? Có lần 3h sáng hai anh em ngồi ngắm phố ngắm phường một dịp hiếm hoi anh ra chơi Hà Nội, anh chia sẻ với tôi: “Anh không làm đồ để phục vụ thị trường, mà anh phục vụ cho chính gu của anh. Một món đồ mình làm ra mà đến mình còn chẳng muốn dùng thì bán được cho ai?” Câu nói đó cứ ám ảnh tôi mãi về sau.

Và anh làm đúng như những gì mình từng nói. Anh không đi vào lối mòn của những chiếc keycap xuyên LED hay những bộ cap màu sắc sặc sỡ PBT hay ABS mà người ta hay tìm mua ngoài cửa hàng gear. Anh làm keycap đúng với mục tiêu sống của bản thân. Anh không chạy theo thị trường, mà trái lại, tạo ra những món đồ độc, không làm số lượng lớn, nhưng mỗi chiếc cap đều được làm vô cùng tỉ mỉ với nhiều công đoạn hoàn thiện.

Nhìn vào chiếc keycap galaxy là thấy, chẳng riêng gì anh em chúng tôi, không chỉ có những người mê phím cơ Việt, mà ngay cả cộng đồng thế giới cũng phát cuồng lên vì sản phẩm mà anh tạo ra, sắp bán ngoài thị trường. Chưa bao giờ, cần phải nhắc lại để nhấn mạnh bất chấp lỗi lặp từ mà tôi rất ghét, chưa bao giờ cộng đồng phím cơ Việt lại sôi động và được nhiều người chơi mech trên toàn thế giới biết đến như khi dự án JellyKey của anh Hùng. Ai cũng muốn sở hữu cho mình những món đồ độc chưa từng có bất chấp cái giá trên trời của một chiếc keycap do anh làm thủ công.

Nhưng “mấy cap đó không phải để bán”. Anh dường như muốn chứng minh cho toàn thế giới thấy, bàn tay khối óc người Việt đủ sức làm những thứ ở tầm đẳng cấp. Thay vào đó, anh quyết định tạo ra những chiếc keycap nhựa, giống như chất liệu đã tạo ra những tai nghe in ear bóng bẩy, lung linh 1 năm trước đây, và dĩ nhiên cộng đồng game thủ cũng nóng lên trông thấy.

Và rồi, từ chỗ được gọi là “anh Hùng tai nghe”, anh em chúng tôi bắt đầu gọi anh Hùng với cái tên trìu mến và ‘trẻ trâu’ hơn: “Anh Hùng bàn phím”. Đúng, anh là người hùng, nhưng không theo những ý nghĩa mà cư dân mạng thường hiểu, mà trái lại, “anh Hùng bàn phím” của chúng tôi là một con người thầm lặng, không khoe khoang mà đáng nể phục, theo mọi nghĩa của động từ này.