RAM DDR4 giảm giá đáng kể, cơ hội nâng cấp máy tính cho game thủ

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/03/2016 12:45 PM

Khoảng cách về giá giữa RAM DDR3 và RAM DDR4 hiện đã được thu hẹp rất nhiều và đây là cơ hội tốt để game thủ nâng cấp máy tính.

Khi nâng cấp máy tính, RAM là phần cứng thường được chúng ta nghĩ tới đầu tiên bởi so với ổ SSD hay CPU, GPU thì giá của RAM vẫn là rẻ nhất. Chuyện sẽ rất đơn giản với những chiếc máy laptop hay desktop dùng chuẩn DDR3 vốn đã rất phổ biến nhưng DDR4 thì sao?

Chuẩn RAM này còn khá mới mẻ trên thị trường và chính sự mới mẻ này khiến chúng ta chưa hình dung được giá của của 1 thanh RAM hay 1 kit RAM DDR4 hiện tại đang ở đâu, sẽ phải chi bao nhiêu để nâng cấp. Dĩ nhiên cái gì mới thì giá của nó thường sẽ trên trời nhưng qua thời gian, giá sẽ giảm xuống mức dễ chịu hơn và theo nghiên cứu của AnandTech, khoảng cách về giá giữa RAM DDR3 và RAM DDR4 hiện đã được thu hẹp rất nhiều.

Theo AnandTech, cách đây 1 năm các nhà sản xuất bộ nhớ DRAM đã bắt đầu tung ra DDR4 với hy vọng tăng biên độ lợi nhuận. Trong ngành công nghiệp mang tính chu kỳ cao và cạnh tranh khốc liệt này thì sự xuất hiện các hệ thống hỗ trợ DDR4 sẽ thúc đẩy doanh số cũng như tạo cơ hội để bán loại bộ nhớ này với biên độ lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, cho đến hiện tại thì sự khác biệt giữa giá RAM DDR3 và RAM DDR4 đã không còn đáng kể và sẽ sớm biến mất. Bộ nhớ DRAM ngày càng rẻ, người dùng cuối được lợi nhưng những công ty như Micron, Samsung và SK Hynik sẽ gặp khó khăn.

Giá chip nhớ DRAM tiếp tục giảm:

Giá giao ngay (spot price) trung bình của một chip nhớ 4 Gb DDR4-2133 vào khoảng 1,814 USD tại thị trường Đài Loan tính đến cuối tháng 2 năm nay theo khảo sát của DRAMeXchange và tháng 3 này cũng là lần đầu tiên giá của chip nhớ 4 Gb DDR4 giảm xuống dưới 2 USD. Thử so sánh, vào cuối tháng 12 năm 2015, một con chip DDR4-2133 có giá 2,221 USD, trong khi cách đó 6 tháng, giá của một con chip tương tự lên đến 3,618 USD. Như vậy, một con chip nhớ DDR4-2133 đã rẻ hơn 18,4% chỉ trong vòng 2 tháng và giảm gần 50% so với giá ban đầu trong vòng 8 tháng tính theo giá giao ngay. Trong khi đó, giá hợp đồng (contract price) của một con chip 4 Gb DDR4 vào nửa cuối tháng 1 vừa qua đã rơi xuống còn 1,63 USD.

Không chỉ DDR4, giá giao ngay của chip nhớ DDR3 cũng giảm. Hiện tại 1 con chip nhớ 4 Gb DDR3-1600 có giá khoảng 1,807 USD tại Đài Loan, giảm từ mức giá 1,878 USD vào tháng 12 và từ 2,658 USD vào cuối tháng 6 năm ngoái. Vậy rõ ràng là giá của chip nhớ DDR3 giảm chậm hơn so với DDR4, từ đó dẫn đến nguy cơ giá chồng chéo giữa 2 loại bộ nhớ. Giá hợp đồng của chip 4 Gb DDR3 tính đến nửa cuối tháng 1 là 1,59 USD.

Khoảng cách về giá giữa chip nhớ 4 Gb DDR4 và 4 Gb DDR3 tại thị trường giao ngay hiện tại khoảng 7 cent nhưng nếu nhìn vào giá hợp đồng thì khoảng cách này chỉ còn 4 cent.

*Chip nhớ là những con IC nằm trên thanh RAM, dung lượng của nó được đo bằng đơn vị Gigabit (Gb) nhưng dung lượng của thanh RAM được đo bằng đơn vị Gigabyte (GB). Một thanh RAM thường có nhiều con chip nhớ, chẳng hạn như một thanh RAM 4 GB sẽ có 8 con chip nhớ hay IC, mỗi con có dung lượng 8 Gb. Tương tự với RAM trên thiết bị di động, các chip nhớ được bắn chết trên bo mạch thay vì nằm trên một thanh RAM gắn rời, tổng số lượng và dung lượng chip nhớ chính là dung lượng RAM của máy.

Giá chip nhớ giảm khiến giá của cả mô-đun (thanh RAM) giảm theo:

Chip nhớ DRAM giảm giá tác động đến giá của thanh RAM thực tế. Giá của một thanh RAM 4 GB DDR4-2133 SO-DIMM đã rơi xuống còn 15,50 USD vào nửa cuối tháng 1, giảm từ 18 USD vào tháng 12 năm 2015. Trong khi đó, giá của một thanh RAM 4 GB DDR3-1600 SO-DIMM cũng giảm còn 15,25 USD từ 16,75 USD vào tháng 12 năm ngoái.

Từ đó, giá bán lẻ của RAM DDR4 tiếp tục giảm. Dưới đây là biểu đồ so sánh giá bán lẻ cao nhất và rẻ nhất của RAM DDR4 và DDR3 của một số thương hiệu như Kingston, G.Skill và Corsair. Giá bán lẻ được tham khảo trên Amazon.com.

RAM Kingston HyperX Fury Black 16 GB kit (2 x 8 GB) DDR4-2133 có giá 229,20 đô vào tháng 3, 2015 thì đến tháng 2 năm nay đã giám xuống còn 69,94 USD, giảm gần 160 USD. Tương tự với dòng RAM HyperX Fury 16 GB kit (2 x 8 GB) DDR3L-1866 giá bán cũng giảm 13 USD chỉ trong vòng chưa đến 4 tháng.

Tương tự với G.Skill, dòng RAM Ripjaws V DDR4 -3200 16 GB kit (2 x 8 GB) hiện chỉ còn 107,14 USD trong khi mức giá khi mới được bán ra vào tháng 11 năm ngoái vào khoảng 176,64 USD. Trong khi đó, dòng RAM tốc độ cao TridentZ DDR4-4266 8 GB (2 x 4 GB) cũng giảm giá mạnh từ 657,99 USD khi mới ra mắt xuống còn 404,99 USD tính đến ngày 19 tháng 2 vừa qua.

Trong khi đó, những bộ RAM dung lượng cao như Corsair Dominator Platinum 64 GB (8 x 8 GB) DDR4-2666 cũng giảm giá mạnh. Từ mức giá ban đầu đến 1759,99 USD khi mới ra mắt hồi đầu năm ngoái, bộ kit RAM này hiện tại chỉ còn khoảng 539,99 USD, giảm 1220 USD. Tương tự với kit RAM Dominator Platinum 64 GB (4 x 16 GB) DDR4-2666, mức giá cũng giảm từ 631,99 USD ban đầu xuống còn 509,99 USD.

Điều đáng chú ý là dòng RAM DDR3-1866 và dòng DDR4-2133 giá rẻ hiện tại đã đạt mức giá khá cân bằng. Thêm nữa, dòng DDR3L cũng như DDR3-2133 cao cấp hiện đắt hơn cả DDR4-2133. Trong khi DDR3 có ưu điểm là độ trễ thấp nhưng sau khi các nhà sản xuất DRAM giảm sản lượng thì DDR3 sẽ đắt hơn và khó nâng cấp hơn trong tương lai.

DDR4 đang trên đường trở thành chuẩn bộ nhớ thống trị trên PC:

Sự khác biệt rất nhỏ về giá giữa DDR3 và DDR4 cho thấy sức cung ứng của chuẩn RAM mới đang tăng mạnh và ngang bằng với chuẩn RAM cũ. Tuy nhiên, nhu cầu của người dùng đối với DDR4 vẫn thấp hơn so với khả năng cung cấp. Điều này rất dễ hiểu bởi sức mua của mặt hàng máy tính PC nhìn chung giảm và những thế hệ CPU cũ cùng phần cứng cũ vẫn bán tốt. Thế nhưng với tình hình giá RAM DDR4 đang dần trở nên rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn thì những nhà sản xuất PC sẽ dần dần chuyển sang chuẩn DRAM mới và kết quả thì như Intel và IHS đã dự đoán, DDR4 sẽ sớm trở thành chuẩn bộ nhớ thống trị thị trường máy tính PC chỉ trong 1 năm nữa.

Lúc đó, DDR3 sẽ biến mất nhanh chóng. Nền tảng vi xử lý Intel Skylake dành cho máy tính desktop lẫn laptop hiện hỗ trợ DDR4, DDR3L và LPDDR3 (ngoại trừ Core M không hỗ trợ DDR4), do đó các nhà sản xuất PC có thể chọn loại trang bị loại bộ nhớ nào cho máy tùy theo yêu cầu và giá tiền. Hiên tại, những chiếc desktop đời mới và laptop hiệu năng cao dùng CPU Skylake đã bắt đầu khai thác RAM DDR4. Tuy nhiên, phần lớn desktop và laptop phổ thông vẫn dùng DDR3 bởi ưu thế về giá. Ngay cả khi giá của chip nhớ DDR4 giảm xuống dưới tầm giá của chip nhớ DDR3 trong vài tháng tới thì RAM DDR4 vẫn chưa thể đổ bộ ào ạt bởi các nhà sản xuất bo mạch chủ sẽ phải cân nhắc đầu tư thiết kế lại bo mạch hỗ trợ DDR4. Đó là chưa kể nhiều đối tác của Intel vẫn đang bán các dòng sản phẩm bo mạch chủ hay máy tính dùng CPU Haswell và Broadwell vốn chỉ hỗ trợ DDR3. Theo các nhà phân tích từ DRAMeXchange, các nhà sản xuất PC vẫn sẽ tiêu thụ RAM DDR3 số lượng lớn chỉ đến khi các hệ thống cũ được bán hết.


8 thanh Corsair Dominator Platinum 32 GB (4 GB x 8) DDR4-2666 lắp trên bo mạch chủ ASUS RoG Rampage V Extreme.​

8 thanh Corsair Dominator Platinum 32 GB (4 GB x 8) DDR4-2666 lắp trên bo mạch chủ ASUS RoG Rampage V Extreme.​

Avril Wu - giám đốc nghiên cứu tại DRAMeXchange cho biết: "DDR3 vẫn sẽ chiếm thị phần lớn trên thị trường DRAM cho máy tính trong nửa đầu năm 2016. Thị phần của DDR4 sẽ mở rộng từ từ và đến cuối quý 2 năm nay thì tăng nhanh khi các nhà sản xuất OEM bắt đầu dọn kho."

Khi Intel tăng doanh số bán ra của dòng vi xử lý Skylake, sẽ có nhiều máy tính PC sử dụng RAM DDR4. Skylake chưa hết nóng thì đã có thông tin về thế hệ vi xử lý tiếp theo của Intel mang mã Kaby Lake, dự kiến ra mắt cuối năm nay đầu năm sau. Do đó, chúng ta sẽ sớm thấy những chiếc laptop phổ thông dùng Skylake và DDR4 ngay trong năm nay, không chỉ là laptop cao cấp.

Một lý do nữa khiến DDR4 trở thành chuẩn RAM thống trị thị trường máy tính PC đó là ngành công nghiệp máy chủ đã chuyển sang dùng DDR4 từ quý 4 năm 2014 khi Intel ra mắt thế hệ Xeon Haswell-EP. Phần lớn thiết kế của máy chủ x86 mới đều đã sử dụng DDR4 và máy chủ thường khai thác lượng RAM lớn hơn nhiều so với máy tính laptop hay desktop. Do đó, các nhà sản xuất bộ nhớ buộc phải tăng sản lượng DDR4 để đáp ứng nhu cầu của các trung tâm dữ liệu.

Sức cung vượt quá sức cầu:

Khả năng chồng chéo về giá DRAM DDR3 và DDR4 là điều đã được dự đoán trước bởi nhu cầu đối với chuẩn RAM mới còn thấp và tình trạng tồn kho. Theo nghiên cứu của IDC, số lượng máy tính PC bán ra trong quý 4 năm 2015 đạt 71,9 triệu máy, tăng 2,7% so với quý 3 cùng năm nhưng giảm 10,6% so với quý 4 năm 2014. Doanh số máy tính bảng cũng đạt 65,9 triệu máy vào quý 4 năm 2015, tăng 35,3% so với quý 3 nhưng giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh số smartphone đạt đến 399,5 triệu máy trong quý 4 năm 2015, tăng 12,4% giữa 2 quý và 5,7% so với quý 4 năm 2014.

Phần lớn máy tính PC và các loại máy tính bảng giá rẻ thường sử dụng dòng DRAM DDR3 hoặc DDR4 phổ biến trong khi smartphone lại dùng RAM LPDDR3 hoặc LPDDR4 đắt tiền hơn. Mặc dù doanh số máy tính PC và máy tính bảng trong quý 4 cao hơn quý 3 nhưng lợi nhuận thực tế của ngành công nghiệp DRAM lại giảm 9,1%, xuống mức lợi nhuận 10,27 tỉ USD do sự cung cấp quá mức của loại bộ nhớ DRAM giá rẻ. Ngược lại, lợi nhuận của loại bộ nhớ DRAM điện năng thấp LPDDR chỉ giảm 1% xuống 4,499 tỉ USD trong quý 4 so với quý 3 cùng năm.

Chuyển dịch sang quy trình sản xuất mới khiến giá DRAM tiếp tục giảm:

Hiện tại chỉ có 3 nhà sản xuất chip DRAM chính trên thị trường nhưng sự cạnh tranh giữa 3 hãng vẫn rất khốc liệt. Không hãng nào muốn cắt giảm sản lượng DRAm bởi không ai muốn mất thị phần. Tuy nhiên, Samsung, SK Hynik và Micron đều rất nôn nóng tiếp nhận các công nghệ sản xuất nhỏ hơn để giảm chi phí. Bởi lẽ khi thu nhỏ quy trình sản xuất, kích thước của chip nhớ cũng giảm theo, từ đó tăng số lượng bit đầu ra trên mỗi tấm wafer và về cơ bản sẽ tăng sản lượng chip nhớ DRAM sản xuất trên cùng 1 tấm wafer khiến giá thành giảm.

​Samsung đã bắt đầu chuyển sang sử dụng công nghệ sản xuất 20 nm vào quý 1 năm 2014 và các nhà phân tích từ DRAMeXchange tin rằng cho đến hiện tại, sản lượng của hãng này rất cao. Trong khi đó, các nhà giám sát thị trường tiên liệu rằng Samsung sẽ bắt đầu sản xuất bộ nhớ dùng quy trình sản xuất 18 nm vào giữa năm nay và sẽ tăng tổng sản lượng DRAM trên thị trường. Các nhà sản xuất smartphone cũng đã sẵn sàng cho bước nhảy vọt này và DRAMeXchange cho rằng Xiaomi, Oppo và Vivo đều đã phê chuẩn sử dụng chip 12 Gb LPDDR4 đơn đế (mono-die) sản xuất trên quy trình 18 nm của Samsung trên các sản phẩm của mình.

Ngược với Samsung, SK Hynix đang dần tăng sản lượng với công nghệ sản xuất 21 nm. Chưa rõ SK Hynix có kế hoạch chuyển sang dùng quy trình nhỏ hơn hay không nhưng để tăng sản lượng thì hãng này lại tiếp cận theo một hướng khác đó là tăng sản lượng wafer với quy trình M14. Với quy trình này thì mỗi tháng, SK Hynix sẽ sản xuất được 200 ngàn tấm wafer và có thể tăng sản lượng DRAM từ số lượng wafer lớn này. Hiện tại SK Hynix vẫn chưa sản xuất số lượng lớn chip nhớ 8 Gb DDR4 trên quy trình 21 nm nhưng một khi tăng quy mô sản xuất thì sản lượng đầu ra của SK Hynix sẽ tăng cao và sẽ gia tăng áp lực lên giá thành.

Cuối cùng là Micron, hãng này đã bắt đầu sản xuất chip nhớ dùng quy trình 20 nm vào đầu năm ngoái. Đến cuối năm ngoái thì công ty cho biết vẫn đang theo sát kế hoạch chuyển đổi sang quy trình nhỏ hơn và tăng sản lượng DRAM dùng quy trình 20 nm. Trên thực tế, Micron cho rằng sản lượng của quy trình 20 nm tốt hơn so với sản lượng DRAM từ quy trình 25 nm. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch tăng sản lượng đối với các dòng sản phẩm có biên độ lợi nhuận cao bao gồm chip 8 Gb DDR4, 8 Gb GDDR5/GDDR5X và LPDDR4. Micron cũng đã công bố kế hoạch chuyển sang sử dụng công nghệ sản xuất 16 nm và dây chuyển sản xuất hiện tại của công ty đã sắn sàng cho lô sản phẩm DRAM 16 nm đầu tiên vào tháng 9 năm nay.

Mặt khác, khi giá của chip nhớ 4 Gb DRAM giảm thì các nhà sản xuất hy vọng sẽ tăng lợi nhuận từ các dòng sản phẩm như chip nhớ LPDDR, DRAM cho máy chủ và bộ nhớ cho card đồ họa cũng như các hệ thống đặc biệt.

Samsung vẫn là nhà sản xuất chip nhớ DRAM đầu bảng:

Nhờ sự chuyển dịch nhanh chóng sang các công nghệ sản xuất hiện đại hơn cũng như năng lực sản xuất lớn, Samsung vẫn là nhà sản xuất chip nhớ DRAM lớn nhất thế giới trong hơn 1 thập kỷ qua và không có gì ngạc nhiên khi hãng điện tử Hàn Quốc vẫn nắm giữ vị trí này tính đến quý 4 năm 2015.

​Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất và kinh doanh chip nhớ DRAM của Samsung trong quý 4 mặc dù giảm 9,7% xuống mức 4,762 tỉ USD so với quý trước nhưng công ty vẫn nắm đến 46,4% thị trường bộ nhớ toàn cầu, gần gấp đôi so với SK Hynix. Doanh thu của của SK Hynix cũng giảm 9,3% theo quý và thị phần xếp thứ 2 với 27,9%. Vị trí thứ 3 là Micron, so giữa 2 quý thì hãng này cũng giảm mất 10,5%, thị phần còn 18,9%. Ngược lại, nhóm các nhà sản xuất chip nhớ nhỏ hơn như Nanya, Powerchip và Winbond vốn chiếm chỉ 3,7% thị phần DRAM lại có xu hướng tăng cả về doanh số lẫn thị phần nhờ định hướng đến thị trường bộ nhớ đặc biệt và bộ nhớ dùng trong các ngành công nghiệp.

Về thị trường bộ nhớ DRAM cho thiết bị di động, Samsung tiếp tục đứng đầu, tính đến quý 4 năm 2015 là 58,20%, lợi nhuận tăng 1,3% so với quý trước. Tất cả các hãng còn lại đều giảm cả thị phần lẫn lợi nhuận. Không khó hiểu về sự tăng trưởng này khi Samsung hiện là nhà cung cấp chip nhớ DRAM cho Apple và có cả mảng di động riêng, chưa kể là hãng cũng đang đáp ứng cho nhu cầu lớn từ các hãng di động tại Trung Quốc.

SK Hynix vẫn là nhà sản xuất chip nhớ DRAM cho thiết bị động đứng thứ 2 thế giới. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bộ nhớ LPDDR trong quý 4 giảm xuống còn 1,175 tỉ USD so quý 3 năm 2015 và thị phần cũng giảm nhẹ xuống còn 26,1%. Tuy nhiên, doanh số của SK Hynix vẫn rất cao bởi hãng này cũng là nhà cung cấp bộ nhớ LPDDR4 quan trọng của Apple.

Nhìn chung, DRAMeXchange dự đoán LPDDR4 sẽ chiếm 45% doanh số của sản phẩm bộ nhớ DRAM cho di động trong năm nay, tăng từ 18,2% trong năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng chip nhớ 8 Gb DDR4 dự kiến cũng sẽ tăng và khi Samsung bắt đầu chuyển sang quy trình 18 nm vào giữa năm nay thì hãng này sẽ có lợi thế về năng lực sản xuất và những ưu điểm về hiệu năng của quy trình sản xuất mới. Micron ngược lại chỉ sẵn sàng chuyển sang quy trình sản xuất 16 nm vào quý 4, do đó phải đến cuối năm nay thì hãng mới có thể thu lời từ quy trình này.

Theo Tinhte - AnandTech​.

Đây là chiếc card đồ họa siêu rẻ nhưng game thủ Việt phải cực cẩn thận khi mua