R8 1818 - Bàn phím "giả cơ" cho game thủ Việt ít tiền

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/07/2015 03:54 PM

R8 1818 là một chiếc bàn phím rất "sáng" và "giá" rất tốt dành cho game thủ.

Nói đến sản phẩm bàn phím giả cơ, phải nhắc tới những tên tuổi nổi tiếng như iRock, Newmen hay Fuhlen... đều là các thương hiệu lâu năm trong lĩnh vực sản xuất phụ kiện gaming như chuột và bàn phím phổ thông, có chỗ đứng vững chắc trong phân khúc sản phẩm giá rẻ.

Họ đều đặt ra chiến lược nhắm tới đối tượng khách hàng như học sinh sinh viên chưa có đủ điều kiện để sắm các mẫu bàn phím cơ đắt tiền, hay các quán game cần phụ kiện đủ tốt mà không quá xa xỉ. Sự ra đời của bàn phím giả cơ giá mềm là bước đi hết sức hợp lý, được người dùng hưởng ứng.

Với một thị trường đầy tiềm năng như vậy, ngày một nhiều nhà cung cấp tham gia, các mẫu bàn phím mới liên tiếp xuất hiện. Số lượng tăng lên, tính cạnh tranh cao khiến chất lượng sản phẩm ngày một tốt hơn, giá thành cũng "mềm" hơn. Đáp ứng được các yếu tố về giá, thiết kế và cảm giác sử dụng tốt, cái tên R8 cùng chiếc bàn phím giả cơ 1818 của mình đang nổi lên như một hiện tượng, được game thủ đón nhận và tìm mua.

Hộp sản phẩm R8 1818 với hình ảnh về bàn phím có khả năng thay đổi 3 màu đèn led.

Trước tiên, thế nào là bàn phím giả cơ? Chúng thực chất là bàn phím membrane, hay thường được gọi với cái tên "phím cao su", thiết kế sử dụng lớp cao su nằm bên dưới những phím bấm với vai trò nhận tín hiệu, chứ không được trang bị hệ thống switch (chân phím) như bàn phím cơ thực thụ.

Vậy R8 1818 có điểm gì nổi bật so với hàng trăm mẫu bàn phím gaming, bàn phím gắn mác "giả cơ" trên thị trường? Hãy cùng tìm hiểu ngọn nguồn về sản phẩm đang khiến Game thủ "phát sốt" hiện nay.

Ấn tượng ban đầu

Là một sản phẩm đánh vào phân khúc phổ thông, việc đóng gói của 1818 vô cùng đơn giản, trong hộp chỉ có duy nhất đúng chiếc bàn phím, không phụ kiện, không nút phụ tặng kèm.

Duy nhất chỉ có bàn phím, người dùng không được tặng kèm phụ kiện gì từ nhà sản xuất.

Tuy nhiên bản thân chiếc bàn phím lại cực kỳ nặng. Rất hiếm khi thấy một bàn phím cao su nào có trọng lượng lớn tới như vậy. Đây vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu trong thiết kế của sản phẩm này.

Trái ngược với vỏ hộp đơn giản, sản phẩm nằm trong lại "màu mè" một cách bất ngờ. Tất cả các phím đều trang bị đèn Led với 3 màu chuyển đổi, độ sáng tốt.

Người dùng có thể thay đổi màu sắc đèn nền của bàn phím.

Sản phẩm trong tay tôi có thể chuyển đổi giữa 3 màu tím, đỏ và xanh dương bằng một nút bấm chuyên dụng. R8 1818 còn một vài phiên bản màu sắc khác như vàng hoặc xanh lá.

Dây kết nối USB được trang bị cục chống nhiễu.

R8 1818 được trang bị dây kết nối USB có chiều dài 1,8m, đủ để luồn lách ngay cả khi case đặt xa bàn làm việc. Dây kết nối còn được gắn cục chống nhiễu để ngăn việc dây quá dài gây nhiễu tín hiệu.

Thiết kế

Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào R8 1818 chính là thiết kế khá lạ mắt của sản phẩm. Lạ mắt ở hàng phím nhô cao nhưng không có viền bao quanh. còn các phím hàng dưới cùng lại có kích thước to hơn hẳn so với thiết kế thông thường. Thiết kế này khiến tôi nhớ tới chiếc các bàn phím huyền thoại của Dell như GM952 và SK 8115. Tuy nhiên khác với Dell, R8 1818 bỏ đi miếng kê tay, cộng thêm thiết kế lạ của hàng phím dưới cùng làm tôi phải mất một thời gian làm quen để không bị gõ nhầm.

Dãy phím dưới cùng có thiết kế khá lạ, người dùng cần mất thời gian để làm quen.
Dell GM952 cũng có thiết kế tương tự nhưng có miếng kê tay gắn rời.

Vì không có phần viền bao quanh chân phím, hiệu ứng đèn led hắt ra trông rất đẹp mắt. Điều này đã từng được thấy trên các mẫu bàn phím cao cấp của Corsair hay Ozone.

Chân phím lộ ra qua 4 cạnh bên, do không hề có phần viền bao quanh.

Tuy nhiên, bên cạnh đẹp mắt, dễ bám bụi bẩn lại là một vấn đề. Thiếu phần viền chạy quanh làm bụi bẩn có thể lọt vào từ mọi phía, đặc biệt trong môi trường tiệm net. Bù lại, việc vệ sinh lại dễ dàng hơn các bàn phím bình thường.

Một điểm khác biệt lớn khác đến từ phím Backspace (Xóa kí tự) của 1818: Phím này chỉ có kích thước 1 x 1, không khác gì các phím chữ khác, gây ra sự bối rối không nhỏ cho người mới sử dụng, khó tránh khỏi bấm nhầm.

Phím Backspace ... quá nhỏ!

Giải đáp cho thắc mắc về vấn đề trọng lượng của R8 1818, mặt dưới phím là một tấm plate bằng kim loại chắc chắn, trọng lượng lớn của bàn phím có lẽ tới từ tấm kim loại này. Đế này được cách điện tốt, không gây giật điện khi chạm vào.

Phần đế kim loại của R8 1818.

R8 1818 có 2 chân phím có thể gập lên xuống, phù hợp với cả người dùng thích kê cao lẫn kê thấp.

Chân kê bàn phím tương đối chắc chắn.

Sử dụng thực tế

Điểm thiết thực nhất của bàn phím giả cơ nằm ở cảm giác bấm. Tất nhiên chúng ta không thể trông đợi nó gõ "sướng" như phím cơ thực thụ, dù vậy vẫn có những nét tương đồng như lực bấm hay thiết kế chân phím.

Vẫn là phím membrane với lớp cao su bên dưới, nhưng bàn phím giả cơ được trang bị thêm bộ phận chân phím làm cầu nối phím bấm với phần cao su phía dưới. R8 1818 cũng sử dụng thiết kế này.

Vẫn là lớp cao su phía dưới đóng vai trò tiếp nhận tín hiệu.  (Ảnh từ Video Youtube)

Phần chân phím giả switch phím cơ với dấu cộng ở giữa giống hệt switch của Cherry hay Kailh. Chính bởi thế, R8 1818 có cũng có khả năng thay thế keycap y hệt bàn phím cơ.

Chân phím của R8 1818 có khả năng lắp được keycap của phím cơ.

Thiết kế là như vậy, còn cảm giác bấm thì sao? Tham chiếu với switch của Cherry, cảm giác bấm của R8 1818 có điểm tương đồng với Cherry MX Red và Cherry MX Black, hành trình phím "trơn tuột" chứ không lách tách như Blue Switch. Về điểm này, mọi bàn phím membrane đều có thể mô phỏng switch Red và Black rất tốt.

Tuy nhiên khác biệt về chất thể hiện rõ nhất ở lực bấm. R8 1818 có lực bấm không đồng đều, có những phím lực bấm rất nhẹ, trong khi một số phím lại cần lực bấm mạnh hơn, dẫn tới cảm giác thiếu cân bằng giữa các ngón tay khi sử dụng.

Dù vậy, so với tiêu chuẩn của bàn phím giả cơ thì R8 1818 vẫn làm khá tốt. Chủ quan là một người đã sử dụng phím cơ khá lâu và "dị ứng" phím cao su, tôi vẫn phải thừa nhận những gì R8 1818 mang lại là vô cùng ấn tượng.

Hiệu năng chơi game và đa phương tiện

R8 1818 được tung ra thị trường với tham vọng chiếm lĩnh thị trường bàn phím giá rẻ cho game thủ. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, các tính năng hỗ trợ game chuyên biệt cùng các phím chức năng rõ ràng không thể thiếu.

Các phím đa phương tiện tích hợp vào dãy F1-F12.

Phím Windows bên phải được thay thế bằng phím Fn (Function), kết hợp với hàng phím F trên cùng để tăng giảm âm lượng, độ sáng đèn led, khóa phím Windows khi chơi game... Với một sản phẩm giá rẻ, đây là những tính năng ghi điểm với người dùng phổ thông.

Phím Function và phím đổi màu đèn Led nằm cạnh nhau.
Hai phím thay đổi độ sáng của đèn nền, tránh lóa mắt khi sử dụng trong điều kiện ánh sáng yếu.

Còn về game thì sao? Có hàng loạt tính năng mà R8 1818 trang bị nhằm hỗ trợ tối đa cho quá trình chơi game. Việc mang lại cảm giác bấm phím giống với Cherry MX Red dành riêng cho game thủ là một điểm cộng. Những tính năng cao cấp khác như khóa phím Windows trái, anti-ghosting hay chuyển đổi chức năng cụm phím WASD giúp ích rất nhiều cho game thủ trong các game đấu.

Thử nghiệm với Dota 2 và Liên Minh Huyền Thoại, thiết lập khóa phím Windows trái

Sử dụng tổ hợp phím Fn + Windows Trái để tắt/bật tính năng khóa phím Windows.

Trong suốt game đấu Dota 2, vẫn có những lúc dãy phím cuối gây ảnh hưởng tới người chơi, tuy nhiên vì phím Windows đã khóa, nên không hề gây ra bất cứ pha xử lý lỗi nào. Loạt phím Anti-ghosting 6 phím cũng giúp các hero cần macro và micro nhiều như Chen và Meepo điều khiển dễ dàng, combo tự tin không lo nhấn nhầm. Riêng với game Liên Minh Huyền Thoại, việc phím Space lớn hơn bình thường dẫn tới những tai nạn khi chạm nhầm Tốc Biến vốn được mặc định ở phím Space.

Phím Space hơi to đôi khi sẽ khiến người dùng sử dụng Tốc Biến ngoài ý muốn.

Phím Space hơi to đôi khi sẽ khiến người dùng sử dụng Tốc Biến ngoài ý muốn.

Một thử nghiệm khác với Game bắn súng CS:GO, thiết lập khóa phím Windows trái, đổi WASD thành 4 phím mũi tên di chuyển.

Counter Strike là một tựa game quá phổ biến nên tôi trông chờ một màn thể hiện ấn tượng của R8 1818. Bàn phím có khả năng thay đổi hoàn toàn chức 4 phím WASD thành các phím mũi tên, nhờ đó game thủ không ph lo về việc "quên tắt unikey" như trước đây nữa. Bù lại việc chat cũng khó khăn hơn thì bạn mất hoàn toàn khả năng gõ chữ của cụm phím WASD, dù vậy điều này có thể khắc phục bằng cách sử dụng micro để voice chat trong game.

Tính năng ngồi trong game bắn súng thường được cài đặt mặc định với phím Control.

Tính năng ngồi trong game bắn súng thường được cài đặt mặc định với phím Control.

Một vấn đề khác mà tựa game bắn súng này gặp phải với R8 1818 cũng tới từ hàng phím dưới cùng. Ở Counter Strike, nhiệm vụ của các phím Control hay Alt đã nhiều lên, khiến cho việc nhấn nhầm không còn "vô hại" như trước nữa. Bạn sẽ gặp tình trạng nhấn nhầm phím khiến nhân vật bất ngờ ngồi xuống và ăn "kẹo đồng" vào đầu.

Kết luận

Tựu chung, R8 1818 dù còn những điểm trừ, nhưng sản phẩm này đã tạo ra một cơn gió mới dành cho thị trường bàn phím giả cơ ở phân khúc bình dân. Từ vẻ ngoài với đèn nền nhiều màu sắc, cho tới hệ thống chân phím giả cơ tối ưu, trải nghiệm mà 1818 mang lại là vô cùng ấn tượng. Khả năng chơi game của R8 1818 được tối ưu khá tốt với những tính năng như khóa phím Windows, chuyển đổi tính năng sử dụng cho tới hệ thống Anti-ghosting. Thật khó có thể đòi hỏi nhiều hơn ở mức giá khoảng nửa triệu đồng.

Ưu điểm:

- Giá thành hợp lý.

- Thiết kế chắc chắn, đầm tay.

- Chân phím giả cơ hoàn thiện, giúp dễ dàng sử dụng các loại keycap của phím cơ.

- Đèn led đẹp mắt, phím xuyên led.

- Nhiều tính năng hỗ trợ chơi game.

- Các phím bấm Media hữu dụng.

Nhược điểm:

- Không có phụ kiện đi kèm.

- Dễ bám bụi.

- Nhiều phím bấm không giống thiết kế chuẩn, cần mất thời gian để làm quen.

- Lực bấm các phím không hoàn toàn đồng đều, tồn tại một số phím bấm nhẹ hơn và một số phím nặng hơn.

Xin cám ơn nhà phân phối Tân Doanh đã hỗ trợ sản phẩm giúp chúng tôi thực hiện bài viết này.