Kính thực tế ảo về Việt Nam nhiều nhưng ai cũng dùng sai cách, đây mới là cách đúng

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/03/2016 05:09 PM

Đâu là những lý do khiến cho chiếc kính thực tế ảo tưởng chừng là tuyệt vời lại trở thành ác mộng cho nhiều người như vậy?

Tuy mới lạ, ấn tượng, nhưng nếu chưa quen, những người sử dụng kính thực tế ảo chắc chắn sẽ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe như chóng mặt hay buồn nôn nếu không sử dụng đúng cách. Vậy đâu là lý do khiến cho những chiếc kính thực tế ảo tạo ra trải nghiệm không như mong muốn như vậy?

Vấn đề lớn nhất với mọi bộ kính thực tế ảo chính là khoảng cách giữa hai đồng tử (IPD) của người sử dụng. Đây là khoảng cách giữa điểm trung tâm của hai đồng tử mắt, cũng là một thông số quan trọng với mọi bộ kính. IPD của người dùng cần nằm trong một khoảng nhất định để có thể trải nghiệm công nghệ thực tế ảo mà không gặp tác dụng phụ.

Mức trung bình của người lớn là 63 mm, cũng là thông số được nhà sản xuất áp dụng khi chế tạo kính. IPD càng xa con số trung bình, hình ảnh trên bộ kính càng bị méo mó. Trẻ em có mức IPD trong khoảng 40-55 mm. Do vậy, hình ảnh mà trẻ em nhìn thấy có thể biến dạng rất nặng, gây ra tình trạng mất phương hướng, khó chịu, đau đầu và mỏi mắt, thậm chí là buồn nôn. Vì vậy, các hãng khác buộc phải khuyến cáo cho trẻ em dưới 12 - 13 tuổi sử dụng kính thực tế ảo.

Tuy nhiên không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả một vài người lớn sử dụng thử kính thực tế ảo cũng gặp phải những tình trạng tương tự. Vậy đâu là những lý do khiến cho chiếc kính thực tế ảo tưởng chừng là tuyệt vời lại trở thành ác mộng cho nhiều người như vậy?

Chơi không nghỉ ngơi

Chẳng riêng gì game thực tế ảo mà cứ ngồi lỳ trước màn hình lâu luôn luôn có hại cho đôi mắt và sức khỏe của game thủ. Quá ham cày game, vô tình, bạn đã khiến cho cơ thể của mình phải chịu những đả kích rất lớn. Giảm thị lực, cận thị là điều dễ thấy nhất nhưng bên cạnh đó, việc gần như toàn bộ phần thân dưới không được hoạt động sẽ khiến cho bạn nhanh chóng cảm thấy mỏi mệt, lưng bị đau do phải ngồi quá lâu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý lựa chọn những bàn phím không quá cứng bởi chúng sẽ rất nhanh khiến các ngón tay của bạn bị mỏi nhừ.

Tương tự như vậy với game thực tế ảo, có điều lần này những tác hại đến nhanh hơn chúng ta tưởng tượng. Chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn là những triệu chứng đầu tiên. Sau khoảng 30 phút đeo kính, bạn nên nghỉ giải lao một chút trước khi quay lại với thế giới ảo muôn màu.

Game quá nhiều motion blur

Bạn đã bao giờ bị say xe chưa? Nếu rồi thì hẳn các bạn cũng hiểu ra một phần vấn đề khi gặp các bệnh lý khi di chuyển, đặc biệt là khi cơ thể đang ghi nhận bạn đang chuyển động nhưng mắt lại nhìn vào một điểm cố định, khiến cơ thể mất cân bằng, từ đó dẫn tới cảm giác nôn nao khó chịu.

Với game thực tế ảo, những hiệu ứng đẹp mắt luôn là thứ không thể thiếu để khiến cho những game thủ bị lôi cuốn. Trong khi những hiệu ứng khử răng cưa, anisotropic filter tạo ra hình ảnh đẹp mỹ mãn như đời thực, thì motion blur lại là thứ không thể thiếu để đem lại cảm giác bạn đang di chuyển với tốc độ cao. Chính những bóng mờ này là thứ tạo ra sự nhầm lẫn cho mắt người và đem lại cảm giác y hệt như khi bạn đang say tàu xe.

Tốc độ framerate không đều

Đây lại là lý do thuộc về phần cứng. Game thực tế ảo đòi hỏi một cỗ máy tính với cấu hình đủ mạnh để chiến game. Bên cạnh việc phải bỏ ra 18 triệu chỉ để mua 1 chiếc kính thực tế ảo, bản thân game thủ cũng phải sở hữu một cỗ máy tính chơi game với cấu hình đủ mạnh, và khi dùng từ đủ mạnh, chúng tôi muốn nói tới việc bạn phải có CPU và card đồ họa ở tầm cỡ high end mới có thể chinh chiến game thực tế ảo mượt mà được.

Cái gì cũng có lý do của nó cả. Khi game của bạn không thể đáp ứng tốt tốc độ khung hình 60 FPS, những điểm lag sụt khung hình khi chơi sẽ khiến cho mắt bị mệt mỏi, dẫn tới những vấn đề sức khỏe không đáng có. Vì vậy nếu muốn chiến thể loại game tân thời này, hãy chắc chắn rằng bạn đã sở hữu cho mình một cỗ máy đủ khỏe để xử lý hình ảnh xuất ra kính VR.

Game không tối ưu cho thực tế ảo

Một lý do khiến cho nhiều người chơi game bắn súng hay bị chóng mặt sau 30 phút đến 1 tiếng chơi chính là FOV (field of view). FOV quá rộng hoặc quá hẹp luôn ảnh hưởng đến mắt và não bộ của người chơi, dẫn tới việc chóng mặt khi quay chuột và chơi game FPS.

Trong nhiều game thực tế ảo, bản thân nhà làm game cũng cần tối ưu game cho những chiếc kính, từ góc nhìn, độ bóp méo hình để ăn khớp với khả năng hoạt động của kính. Một tựa game được làm cẩu thả, nhìn vào giống như khi đang "phê thuốc" với hình ảnh mờ mờ ảo ảo luôn là thứ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng những kính thực tế ảo như Oculus Rift hay Gear VR.