Kinh nghiệm lựa chọn bộ nguồn - Trái tim của máy tính cho game thủ

Rogue Knight  - Theo Trí Thức Trẻ | 02/10/2015 01:46 PM

Mặc dù là một linh kiện vô cùng quan trọng, đóng vai trò 'trái tim', cung cấp toàn bộ năng lượng cho máy tính hoạt động song bộ nguồn (PSU) vẫn luôn là thứ khá mơ hồ trong giới game thủ.

Mặc dù là một linh kiện vô cùng quan trọng, đóng vai trò 'trái tim', cung cấp toàn bộ năng lượng cho máy tính hoạt động song bộ nguồn (PSU) vẫn luôn là thứ khá mơ hồ trong giới game thủ. Mọi người có thể hiểu rõ VGA này mạnh ra sao, CPU kia có hiệu suất như thế nào hay nhiều RAM để làm gì, song chọn nguồn như thế nào cho phù hợp thì không phải ai cũng thông thạo.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một chút về kinh nghiệm lựa chọn một bộ nguồn phù hợp do bạn 'giavothoi' chia sẻ trên vozforums:

Trong linh kiện của phần cứng máy tính, để hiểu rõ về các linh kiện như Main/CPU/RAM… thì người dùng chịu khó bỏ một chút thời gian ra tìm hiểu, sẽ biết những điều rất cơ bản như Main đi với CPU nào thì hợp lý, cần bao nhiêu RAM để chạy cho nhu cầu. Tuy nhiên, có một thứ linh kiện còn lại mà 95% người dùng rất mơ hồ, không biết nên chọn linh kiện này như thế nào trong hằng hà sa số các thương hiệu trên thị trường. Đó chính là PSU – bộ nguồn máy tính.

Quay trở lại vấn đề, như rất nhiều người khi đi mua máy tính, họ không chắc chắn rằng mua một bộ nguồn bao nhiêu là đủ, cũng như thông số trên một bộ nguồn như thế nào, chuẩn Plus Bronze khác với Gold hay Platinum ra sao. Đặc biệt là điều phân vân đó càng nhân lên khi hệ thống họ sử dụng thêm card đồ họa, vốn là thứ ăn điện nhất trong một hệ thống máy tính.

Mặc dù trên website của các nhà sản xuất, đều có khuyến cáo VGA nào đi với PSU công suất bao nhiêu. Nhưng khuyến cáo này rất chung chung và chưa phản ánh đúng thực tế, vì gần như toàn bộ các linh kiện máy tính ở hiện tại chủ yếu tận dụng đường 12V của PSU. Một ví dụ các bạn sẽ thấy:

Ở trên là bảng công suất yêu cầu PSU tối thiểu là 600W của Gigabyte R9 290 đối với nguồn công suất thực. Nhưng thực tế sẽ nảy sinh ra 2 trường hợp :

- PSU có chất lượng linh kiện tốt, mức công suất tuy nhỏ hơn khuyến cáo nhưng vẫn DƯ SỨC tải cấu hình có R9 290, kể cả ép xung. Ví dụ như Seasonic S12II 520

- PSU dán mác 600W, mặc dù là công suất thực nhưng chất lượng linh kiện không cao, đường 12V cho công suất thấp. Dẫn tới chạy lâu dài ảnh hưởng tới chất lượng và độ ổn định của các linh kiện khác như VGA, HDD, Main…

Vậy làm sao để chọn một PSU phù hơp với bản thân cả về nhu cầu lẫn túi tiền trong hằng hà sa số PSU có mặt trên thị trường?

1/ PSU được xếp hạng như thế nào ?

Hiện tại, PSU được phân thành bảng xếp hạng với 5 thứ hạng, tương xứng với chất lượng và thiết kế của PSU:

Tier 1 (xuất sắc) : Là loại PSU có chất lượng tốt nhất, cung cấp điện năng một cách đầy đủ nhất, rất rất tuyệt vời và thích hợp cho việc ép xung cao, hệ thống siêu cao cấp, và thậm chí dùng để khoe ra ngoài cho thiên hạ biết. Dòng PSU Tier 1 có thể tóm tắt ở một câu : Tốt nhất của tốt nhất.

Tier 2a (tốt): Là loại PSU mang lại công suất với chất lượng tốt và độ tin cậy tuyệt vời. Khuyến khích cho người dùng sử dụng trong các hệ thống mới, sử dụng được 24/7/365 mà ngân sách ở mức phù hợp. Có thể nói đây là loại PSU hoàn hảo dành cho những hệ thống tiêu tốn năng lượng nhưng chi phí bỏ ra ở mức tốt.

Tier 2b (hợp lý): Linh kiện thiết kế tương tự đối với dòng Tier 2a, nhưng điện năng đầu ra kém hơn một chút mặc dù vẫn tốt. Với PSU này thì thích hợp với các hệ thống không có nhu cầu chạy 24/7/365.

Tier 3 (chấp nhận được): Là bộ nguồn đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về chất lượng điện năng đầu ra theo chuẩn ATX, nhưng so với hai dòng trên thì những bộ nguồn ở Tier 3 này kém hơn về chất lượng điện năng ở đầu ra. Các PSU này đáp ứng cho các nhu cầu không quá cao về đồ họa hoặc gaming hay ép xung, và không có lý do gì để thay thế nếu nó vẫn đáp ứng được hết cho nhu cầu sử dụng với độ ổn định tốt.

Tier 4 (tệ): Linh kiện chế tạo có thể có một số vấn đề, chẳng hạn như mất ổn định điện năng ở nhiệt độ cao, hoặc là không đáp ứng được tiêu chuẩn kĩ thuật về điện năng của chuẩn ATX. Không được khuyến khích mua ngoại trừ trong những tình huống mà kinh tế không cho phép, hoặc chỉ sử dụng trong thời gian không quá dài.

Tier 5 (đồ bỏ đi): Là những bộ nguồn được khuyên KHÔNG NÊN DÙNG. Nếu bạn đang sở hữu những bộ nguồn này thì nên xem xét thay thế ngay lập tức hoặc càng sớm càng tốt. Vì những bộ nguồn này có thể làm hỏng các linh kiện trong hệ thống máy tính của bạn.

Đã update ảnh Tier của các PSU, lưu ý với các bạn rằng giá trị của bảng Tier trên nó chỉ mang tính chất tham khảo do bảng Tier đó sắp xếp dựa theo tiêu chí Price/ Performance, chứ ko phải là Quality. Ngoài ra, bảng trên có một số lựa chọn mình thấy chưa đúng cho lắm, mặc dù giá trị chính xác của nó khoảng 90%.

Đó là lý do vì sao, mà dòng PSU Platinum hay X Series của Seasonic dù chất lượng đạt đẳng cấp cao, nhưng không có mặt vì giá cả cao.

Tiêu chí để lựa chọn một PSU khi sử dụng là gì?

Trong bảng xếp hạng ở trên, lại được phân ra thành rất nhiều loại nhiều dòng. Vậy làm sao để lựa chọn ra được một sản phẩm PSU phù hợp với nhu cầu cá nhân ? Câu trả lời nằm ở phần dưới khi chúng ta tự đặt ra các câu hỏi và tự trả lời các câu hỏi đó cho nhu cầu sử dụng

Một ngày bạn sử dụng máy vi tính bao nhiêu giờ?

Thời gian sử dụng máy vi tính trong một ngày và tuần hoàn liên tục sẽ ảnh hưởng tới số tiền chi trả cho mức độ tiêu thụ điện năng được tính vào hóa đơn cuối tháng. Sẽ chẳng ai muốn rằng, cuối tháng khi được nhìn số hóa đơn phải khóc thét lên, nhất là những bạn sinh viên đi thuê trọ chẳng hạn. Ví dụ mình đặt giả thiết nhu cầu của mình là một ngày dùng máy tính để chơi game là khoảng 11h. Khoảng thời gian 11h này là tuần hoàn liên tục trong năm. Như vậy một năm mình sẽ tiêu tốn 11hx365 = 4015 giờ.

1 năm với 4015 giờ ngồi máy vi tính như mình không phải là ít, nhưng điều giả định ở đây là một bộ nguồn có hiệu suất cao sẽ giúp ích gì cho những người xài nhiều h bên máy vi tính ? Lúc này, chúng ta cần hiểu về hiệu suất của một bộ nguồn, hay nói hơn là hiểu về chuẩn 80 Plus.

PSU có chuẩn 80 Plus là gì?

Ổ cắm điện của bạn là dạng điện xoay chiều (AC - alternating current ) trong khi máy tính sử dụng một bộ nguồn cung cấp điện năng để chuyển đổi điện năng đó thành điện một chiều (DC - direct current ) được dùng trong hầu hết các thiết bị điện tử. Chuẩn 80 Plus hiểu đơn giản là bộ nguồn đạt đủ điều kiện cung cấp cho 80% mức điện năng hoặc hơn ở mức 10, 20, 50 và 100% tải trọng của nó. Ngoài chứng nhận 80 Plus thông thường thì còn 5 chuẩn 80 Plus khác ứng với từng mức hiệu suất của một bộ nguồn, bao gồm Bronze, Silver, Gold, Platinum, và Titanium. Các bạn có thể nhìn hình dưới để biết mức hiệu suất đạt được của từng chuẩn.

Mình lấy ví dụ, để đạt được mức DC là 400W cho hệ thống máy tính đang sử dụng (cấu hình hi –end ), mình sẽ sử dụng một PSU có hiệu suất 70% và một PSU có hiệu suất chuẩn Platinum là 90%. Nếu bạn có một máy đo điện năng tiêu thụ AC thì bạn ko cần phải đọc dòng dưới, còn nếu không thì bạn nên đọc.

Với PSU có mức hiệu suất 70% đạt được mức DC 400W suy ra AC sẽ là 400/0.7 ~ 571W điện AC.

Với PSU có mức hiệu suất 90% đạt chuẩn 80 Plus Platinum để đạt mức DC là 400W thì suy ra AC sẽ là 400/ 0.9 ~ 444W.

Vậy từ DC tính ra AC để làm gì ? Các bạn chắc hẳn đã hiểu ký hiệu kWh hay chúng ta gọi là số điện đấy.

Cách tính ra kWh = (Công suất trung bình x tổng số giờ sử dụng) / 1000. Lúc này chúng ta sẽ thấy với PSU có mức hiệu suất 70% thì số kWh sẽ là 571W x 4015 ~ 2292 kWh. Và PSU có mức hiệu suất 90% thì số kWH sẽ là 444 x 4015 ~ 1782 kWh.

PSU có hiệu suất cao hơn gì so với PSU hiệu suất thấp ? Như các tính ở trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch giữa PSU có hiệu suất 90% và 70% sẽ là 2292 – 1782 = 500 kWh / 1 năm. Với một bạn sinh viên đi thuê trọ, sử dụng điện với mức giá chủ nhà trọ quy định ở mức trung bình bây giờ là 4k/ kWh. Vậy là trong 1 năm, bạn sinh viên đó nếu sử dụng PSU có hiệu suất 90% sẽ tiết kiệm được số tiền là 2 triệu đồng. Tất nhiên, đây là cách tính theo hệ quy chiếu là sử dụng fulload hệ thống nhằm đạt mức AC cao nhất liên tục 11h trong thời gian dài như giả thiết đã nêu. Đó là chưa kể, với các PSU có hiệu suất cao thì nhà sản xuất thường thiết kế với các linh kiện tốt nhất, ví dụ như trang bị full tụ Nhật giúp lọc nhiễu tốt hơn chẳng hạn.

Dựa theo thương hiệu của PSU?

Hiện tại, trên thị trường Việt Nam phổ biến rất nhiều loại PSU đến từ rất nhiều hãng trên thế giới. Trong đó có thể kể đến một số cái tên vào thị trường Việt Nam sớm nhất ( lưu ý là vào thị trường sớm nhất chứ ko phải là bộ nguồn danh tiếng nhất trên thế giới về chất lượng ) như : Acbel, Cooler Master. Theo sau đó là các thương hiệu như Huntkey, Antec, Seasonic, Thermaltek, Seagotep, Andyson, Gigabyte, FSP, Zalman... chưa kể còn vô số PSU “ Noname “ bán tràn lan trên thị trường. Nổi bật nhất trong số những thương hiệu kể trên có lẽ phải nói tới Seasonic, ông lớn trong ngành sản xuất PSU với bề dày lịch sử 40 năm kinh nghiệm, sản phẩm đạt chất lượng rất cao và cũng là đơn vị chuyên OEM các sản phẩm cho các đối tác lớn như Antec, Cooler Master…

Những con nguồn noname giá rẻ nhưng công suất ghi "cực cao" thế này góp phần làm hại PC của bạn đáng kể


Hình minh họa

Hình minh họa

Khi mua PSU, nhìn vào các thương hiệu như Seasonic, Antec, Corsair hoặc FSP... thì bạn khá là yên tâm vì những sản phẩm của các thương hiệu này thường đạt chất lượng cao ứng với từng phân khúc sản phẩm. Nói các thương hiệu trên không có nghĩa là các thương hiệu khác kém hơn, nhưng so về chất lượng của sản phẩm nói chung thì các ông lớn kia có tiếng nói hơn rất nhiều.

Sau đây là bảng tổng hợp các VGA đi kèm với PSU và và khả năng ăn điện ( A ) của các VGA, từ đó sẽ lựa ra được PSU phù hợp ( có khuyến cáo đi kèm ). Ngoài các yêu cầu này là dành cho một hệ thống có chứa các thành phần cơ bản (trừ khi có ghi chú khác). Càng thêm vào VGA,ổ đĩa cứng, quạt làm mát…trong hệ thống thì cường độ dòng điện sẽ nhiều hơn trên đường 12v dẫn tới phải sử dụng PSU chất lượng với công suất cao hơn.

Lưu ý

Đây là bảng số liệu mang tính chất tham khảo, người dùng nếu không tin tưởng có thể bỏ tiền mua PSU có công suất cao hơn cho yên tâm.

Số Ampe cho mỗi VGA dựa theo mức ăn điện của bản Ref, custom thì có sự chênh lệch một chút.

Những PSU trên là những PSU phổ biến với túi tiền phù hợp mà vẫn đảm bảo độ hoạt động tốt, người dùng có thể bỏ tiền túi ra mua PSU công suất và chất lượng cao hơn tùy theo độ ăn chơi / sự cẩn trọng cũng như phần cứng thêm vào trong hệ thống đang sử dụng hoặc mua mới của từng cá nhân.

Phần cuối là các thành phần bên trong một bộ nguồn cơ bản (sưu tầm):

1: Jack để cắm dây nguồn AC

2: Cầu chì.

3: Diode nắn nguồn.

4: Cặp tụ lọc nguồn chính 300v (sơ cấp).

5: Cặp transistor công suất nguồn chính- của nguồn cấp sau (những nguồn công suất lớn hoặc mới hoặc đắt tiền thì nó là mosfet).

6: Biến áp nguồn chính (biến áp xung).

7: Transistor(mosfet) công suất tạo +5vSB (+5v cấp trước để khởi động).

8: Biến áp đảo pha cho công suất nguồn chính.

9: Biến áp xung tạo +5vSB.

10: Diode kép.

11: Cuộn cảm lọc nhiễu.

12: Các tụ lọc nguồn đầu ra.

13, 14: IC tạo dao động và dò sai ổn áp.

15: Photo quang để hồi tiếp dò sai cho việc ổn áp.

16: Quạt gió.

17: Dây dẫn điện ra các tải tiêu thụ.

Thanh niên 'số hưởng' hỏng VGA nhận lại hàng khủng đắt hơn 8 triệu