KBC Pok3r – Bàn phím cơ siêu gọn nhẹ dành cho game thủ Việt

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/04/2015 04:17 PM

Ấn tượng đầu tiên với Pok3r của chúng tôi chính là kích thước quá đỗi vừa vặn, nhỏ gọn của một chiếc bàn phím cơ.

Đối với nhiều người sử dụng bàn phím cơ trên toàn thế giới, những sản phẩm được đóng mác “60%”, nghĩa là chỉ sở hữu cụm phím trung tâm với những ký tự căn bản thay vì sở hữu đủ những phím chức năng, mũi tên hay numpad thường chỉ phù hợp với những người sử dụng văn phòng, gõ văn bản hay nhiều hơn là những coder với không gian làm việc bừa bộn, muốn sở hữu cho mình một chiếc bàn phím vừa đủ chức năng nhưng lại gọn nhẹ, dễ mang vác vận chuyển.

Tuy nhiên tại Việt Nam, với cộng đồng chơi bàn phím cơ đa số đều là những game thủ Việt. Và họ lựa chọn những chiếc bàn phím nhỏ gọn như Filco Minila, KBP V60 hay KBC Poker II như một món đồ dành cho những trận đấu game On LAN, với kích thước gọn gàng và tiện dụng xét riêng với những game thủ FPS.

Mới đây, phiên bản mới nhất trong dòng bàn phím Poker của KBC mang tên Pok3r (hay còn được gọi là Poker 3) đã chính thức được nhập về Việt Nam với mức giá khoảng 2,7 triệu Đồng. Tuy nhiên điều đáng chú ý là, phiên bản Pok3r mà chúng tôi được trải nghiệm lại không sử dụng một trong số 4 mẫu switch Cherry MX “có màu” như rất nhiều bàn phím cơ đang có trên thị trường hiện nay.

Thay vào đó, Pok3r sử dụng switch Cherry clear/white, với nhiều đặc tính giống như Brown switch như tiếng lách cách rất nhẹ khi gõ, thế nhưng có sức nặng lớn hơn gấp rưỡi nếu so sánh với brown hay red switch cũng đến từ nhà sản xuất nước Đức. Tuy nhiên không phải vì thế mà trải nghiệm gõ với Pok3r lại không được như ý.

Ấn tượng đầu tiên với Pok3r của chúng tôi chính là kích thước quá đỗi vừa vặn, nhỏ gọn của một chiếc bàn phím cơ. Các bạn có thể cầm bàn phím bằng 1 tay theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên cần nhớ, với base bằng thép và lớp vỏ kim loại, trọng lượng của Pok3r không hề nhẹ nhàng chút nào.

Vẫn sử dụng kết nối micro USB, game thủ sẽ có thể kết nối bàn phím với máy tính thông qua cáp được bán đại trà trên thị trường. Đối với những game thủ thích độ bàn phím cơ, thì Pok3r vẫn là một lựa chọn hoàn hảo, thậm chí còn dễ tháo lắp và mod lại nhiều chi tiết hơn cả Poker II nhờ vào kết cấu của nó. Tuy nhiên có một vấn đề cố hữu với nhiều bàn phím cơ sử dụng kết cấu “trần” như Pok3r hay gần đây là K70 và Ozone Strike Battle, đó là bụi sẽ có thể chui vào khe hở giữa các switch một cách rất dễ dàng.

Đối với những game thủ hay người sử dụng bàn phím hay cần tới cụm phím function hay numpad, cũng như phím mũi tên, thì Pok3r sẽ yêu cầu người sử dụng làm quen 1 thời gian vì những cụm phím đó được ẩn ở “layer” sau của bàn phím, và sẽ được kích hoạt bằng phím FN. Điều này khiến cho việc sử dụng những bàn phím layout 60% không mấy hợp lý đối với những game thủ MOBA như DOTA 2 hay LoL, khi họ cần tới cụm function khá nhiều.

Đổi lại, trải nghiệm gõ, cùng với keycap siêu bền được đúc bằng nhựa PBT lại là điểm níu giữ game thủ khi họ dùng thử Pok3r.

Xin chân thành cám ơn An Phát PC đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này.

>> Choáng với game thủ Việt "phủ xanh" cả bàn phím cơ