Giờ đây chơi game máy tính đâu cần đến card đồ họa rời!

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/02/2016 08:00 PM

Ở phân khúc bình dân giá rẻ, để dựng được bộ máy tính vừa ý, cân đối các nhu cầu sử dụng là việc cực kỳ khó

Ở phân khúc bình dân giá rẻ, để dựng được bộ máy tính vừa ý, cân đối các nhu cầu sử dụng là việc cực kỳ khó. Nếu chỉ để chơi game, một cấu hình cỡ 6,5 đến 7 triệu đồng sử dụng CPU Pentium, RAM 4 GB và card đồ họa cỡ GT 730, GT 740 đã đủ chiến các tựa game cơ bản như Dota 2, LoL, CS:GO. Thế nhưng trường hợp người dùng có cả nhu cầu công việc, vấn đề trở nên phức tạp hơn vì chip Pentium quá yếu, render chậm, đồ họa chậm, RAM 4 GB cũng chẳng đủ. Lúc này chỉ có 1 trong 2 lựa chọn, mà chả lựa chọn nào vẹn toàn cả:

- Lựa chọn 1: Chấp nhận khả năng làm việc yếu, giảm CPU và RAM để mua VGA.

- Lựa chọn 2: Không chơi game, chọn CPU mạnh, RAM nhiều nhưng không có VGA.

Có giải pháp nào cho những tình huống khó khăn như thế này không? Từ đời Haswell trở về trước, hoàn toàn không có cách nào! Còn thời điểm hiện tại, câu trả lời là có! Đó chính là chủ đề của bài viết hôm nay: H110 + Core i3 + DDR4 - Làm việc, giải trí vẹn cả đôi đường.

 

Skylake: Hiệu năng đồ họa tăng mạnh nhờ RAM

Được tích hợp ngay bên trong CPU và không có bộ nhớ riêng, iGPU (đồ họa tích hợp) phải mượn RAM làm bộ nhớ, vì thế sức mạnh phụ thuộc nhiều vào tốc độ RAM, đặc biệt chạy Dual Channel (2 thanh) hiệu năng cao hơn Single Channel (1 thanh) rất nhiều.

 

Với đặc điểm như vậy, RAM DDR4 tốc độ cao là trợ thủ đắc lực cho iGPU của Skylake, dù rằng giá của chúng hiện nay đang cao hơn DDR3 truyền thống. Thanh DDR4 tốc độ thấp nhất được bán hiện nay có xung nhịp 2133 MHz, trong khi đó DDR3 phổ thông thường có xung nhịp 1600 MHz.

So sánh đơn cử cùng dòng Avexir Budget Series, thanh DDR3 4 GB 1600 MHz (có tản nhiệt) đang có giá 469 ngàn đồng, còn DDR4 4 GB 2133 MHz đang được bán với giá 639 ngàn đồng.

Phân loại và thông số

Cùng gọi chung là đồ họa tích hợp nhưng mỗi lứa CPU đều có nhiều mã khác nhau. Đối với lứa Skylake, tới thời điểm hiện tại có 2 mã iGPU là HD 510 trang bị trên Pentium G4400 và HD 530 trang bị trên các CPU còn lại (G4500 cho tới Core i7). HD 530 có thông số gấp đôi HD 510, chính là nhân vật mà tôi muốn thử nghiệm ngày hôm nay.

 

Cấu hình thử nghiệm

Bo mạch chủ: ASRock H110M-HDV

Bộ xử lý:

- Intel Pentium G4400 (3,3 GHz)

- ntel Pentium G4500 (3,5 GHz)

- Intel Core i3-6100 (3,7 GHz)

Bộ nhớ trong: Avexir Core Series DDR4

Card đồ họa:

- Inno3D GT 730 1 GB GDDR5

- Intel HD 530 (G4500 và Core i3-6100)

- Intel HD 510 (G4400)

Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

Nguồn: Seasonic X650

 

Để đánh giá hiệu năng HD 510 và HD 530, chúng ta cần 1 mốc so sánh nào đó. Khách mời trong bài review này là Inno3D GT 730 GDDR5 - một trong những card đồ họa bán cực kỳ chạy ở phân khúc phổ thông nhờ giá hợp lý và hiệu năng tốt.

Xin cám ơn Công ty Máy tính Hà Nội (43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã tài trợ kit nhớ Avexir Core Series DDR4 cho cấu hình thử nghiệm của chúng tôi. Đánh giá chi tiết của sản phẩm này, các bạn có thể tham khảo tại đây.

 

Hiệu năng xử lý của CPU

Khởi đầu bằng Cinebench R11.5 - phần mềm đánh giá khả năng render, dựng ảnh và video của bộ xử lý. Core i3-6100 cho hiệu năng cao hơn hẳn 2 bộ xử lý Pentium, hơn 33% so với G4500 và 41% so với G4400.

Với phiên bản mới hơn của phần mềm Cinebench có tên R15, khoảng cách Core i3-6100 bứt lên càng rõ: Hơn G4500 39%, hơn G4400 47%.

Cùng là điểm CPU nhưng 2 phần mềm 3DMark Vantage và 3DMark 11 lại chấm dựa trên khả năng chơi game. 3DMark Vantage đánh giá Core i3-6100 chơi game tốt hơn G4500 khoảng 42%, hơn G4400 khoảng 45% - gần gấp rưỡi!

Lên 3DMark 11, con số chênh lệch giảm xuống nhưng khoảng cách vẫn rất xa: 39% và 46%!

Hiệu năng chơi game

Trong phần này, tôi không có ý định đặt HD 530 vào sân chơi của các sát thủ phần cứng như Crysis hay Metro 2033. Mục đích mà tôi nhắm tới là khả năng chiến các nội dung eSport hiện nay mà tiêu biểu là Dota 2 - game yêu cầu phần cứng mạnh, chơi được Dota 2 nghĩa là yên tâm chơi ngon LoL, CS:GO…

Cách thức test: Xem lại replay trận đấu trong khoảng 2 phút, tại 2 độ phân giải thông dụng 1366 x 768 và 1920 x 1080.


Độ phân giải 1366 x 768

Độ phân giải 1366 x 768


Độ phân giải 1920 x 1080

Độ phân giải 1920 x 1080

Video đoạn game 2 phút sử dụng để đo khung hình, chất lượng hình ảnh giống như thiết lập test độ phân giải 1366 x 768:

DOTA 2

Đầu tiên là độ phân giải 1366 x 768, tuy tắt hết các hiệu ứng nhưng cả 3 mục quan trọng nhất là Texture (bề mặt vật liệu), Shadow (đổ bóng) và Render đều đẩy max nên hình ảnh khá đẹp. HD 530 đá cặp với 2 thanh RAM DDR4 cho khung hình tốt, tối thiểu 43 và trung bình 58,4 FPS - chắc chắn làm hài lòng các game thủ chơi Dota 2 trên màn hình 18,5 inch. GT 730 GDDR5 - một trong các card đồ họa có sức mua tốt nhất hiện nay chỉ mạnh hơn iGPU mới của Intel 29%.

Nâng lên độ phân giải 1920 x 1080, số lượng điểm ảnh tăng gấp 2,25 lần nên tôi phải giảm Texture và Shadow xuống Medium để duy trì khung hình ổn định. Khả năng chơi game của HD 530 trên màn hình Full HD là chấp nhận được chứ không thể gọi là tốt. Ở độ phân giải này, GT 730 GDDR5 cho khung hình cao hơn 26% so với HD 530.

Bổ sung thêm điểm số đồ họa của 3DMark Vantage và 3DMark 11:

Kết luận

Vào thời điểm này, cần dựng 1 case Skylake phân khúc phổ thông cho nhu cầu làm việc và chơi game, người dùng có thể tham khảo 3 kịch bản cấu hình dưới đây:

- Cấu hình 1: Hiệu năng chơi game cao nhất nhưng khả năng render, làm video yếu.

- Cấu hình 2: Đây là giải pháp kém hợp lý nhất vì hiệu năng CPU chỉ mạnh hơn cấu hình 1 một chút, vẫn quá yếu. Trong khi đó hiệu năng chơi game kém hơn 35%.

- Cấu hình 3: CPU mạnh, nhiều RAM, làm video mạnh hơn 2 cấu hình còn lại gần gấp rưỡi; hiệu năng chơi game yếu hơn cấu hình 1 khoảng 28%, đủ chơi Dota 2 với chất lượng hình ảnh tốt.

Thế hệ Skylake cùng sự kết hợp với DDR4 đã nâng hiệu năng đồ họa tích hợp của Intel lên một tầng mới, khiến khả năng chơi game giải trí và làm việc đồ họa giờ đây đã có thể song hành. Với những người dùng không quá dư dả, một hệ thống sử dụng bo mạch chủ H110, bộ xử lý Core i3/i5 cùng cặp RAM DDR4 Dual Channel là giải pháp hoàn hảo nhất thời điểm hiện tại, vừa có thể giải trí với các tựa game eSport hot, vừa có thể yên tâm hiệu năng làm việc, làm đồ họa mạnh nhất với số tiền bỏ ra.