Game và giá trị huấn luyện quân sự

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 18/09/2013 03:36 PM

Những tựa game luôn chứng minh được hiệu quả trong quá trình huấn luyện quân sự.

Kể từ khi tựa game chiến thuật thời gian thực mang tên America's Army ra mắt phiên bản đầu tiên vào năm 2002, video game nói chung cũng như những trò chơi được thiết kế đặc biệt nói riêng đã đóng góp một phần không hề nhỏ trong công việc huấn luyện về mặt quân sự cho các chiến binh trước khi lên đường thực hiện nghĩa vụ. Chưa hết, những tựa game như vậy thậm chí còn kêu gọi, thu hút những thanh niên có ý định vào quân đội. Ai mà chẳng thích được đóng vai một người lính "ngầu tới tận răng" như trong Call of Duty hay Battlefield. Thế nhưng, đời thực thì lúc nào cũng khác xa trong game.

Game và giá trị huấn luyện quân sự 1

Corey Mead, giảng viên trường cao đẳng Baruch, tác giả cuốn "Trò chơi điện tử và tương lai của xung đột vũ trang", đã viết trong cuốn sách của mình về việc quân đội Mỹ chẳng sớm thì muộn cũng sẽ đặt sự tin tưởng lớn vào những tựa game trong việc huấn luyện binh sỹ. Thế nhưng, liệu dựa dẫm quá nhiều vào những chương trình giả lập có giúp ích được cho người lính trên chiến trường thực sự, nơi không có những thứ xa xỉ như "hồi máu" hay "hồi sinh" hay không?

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Mead đã trao đổi với phóng viên về những tựa game như Tactical Iraqi. Thay vì cố gắng sử dụng cái đầu chiến thuật để chiến thắng những cuộc xung đột diễn ra trong game, người chơi Tactical Iraqi lại dược đào tạo một cách rất cụ thể về việc giao tiếp với người dân bản địa. Thống kê cho thấy, chỉ sau 2 tuần, tựa game hay nói đúng hơn là sản phẩm tương tác này đã giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao khả năng giao tiếp của binh sỹ Mỹ.

Game và giá trị huấn luyện quân sự 2

Trong khi đó, cũng có những trường hợp, game được sử dụng để giúp ích cho những người lính bị chấn thương tâm lý sau những trận chiến. Chúng ta thường gọi tình trạng đó với cái tên viết tắt PTSD (Post Traumatic Stress Disorder). Bằng biện pháp tâm lý, người lính sẽ được trải nghiệm lại chính những giây phút kinh hoàng giữa sự sống và cái chết. Hiệu ứng âm thanh và hình ảnh được lần lượt thêm vào để mô phỏng trải nghiệm thực tế.

Vậy họ làm như thế với mục đích gì? "Điều mấu chốt, chúng tôi muốn những người lính bị sang chấn tâm lý trải nghiệm lại chỉnh những giây phút đó." Với sự trợ giúp của bác sỹ tâm lý, những người lính sẽ dần dần bớt sợ hãi và tổn thương tâm lý hơn sau những lần chơi game như vậy.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều người cũng tin rằng Lầu Năm Góc, bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang tin tưởng rằng game sẽ trở thành giải pháp đầu tiên cho bất kỳ vấn đề nào trong huấn luyện. Tuy nhiên câu chuyện giữa mô phỏng và thực tế luôn là điều khiến chúng ta quan ngại. "Trong game, bạn có thể thử lại sau những lần thất bại. Ngoài đời thực, đôi khi nó có thể lấy đi cả cơ hội trở về nhà của bạn."