Card đồ họa Nvidia và AMD - Mèo nào cắn mỉu nào?

HakieS  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/11/2015 03:14 PM

Thay vì so sánh chi tiết sản phẩm của hai hãng thì trong bài viết này, chúng tôi sẽ nói về tổng thể hai hãng sản xuất card đồ họa AMD và Nvidia

Phần khó nhất khi build một chiếc máy tính chơi game mới đó chính là việc chọn lựa những linh kiện giá hợp lý nhất mà đem lại hiệu năng tốt nhất. Một trong số những linh kiện máy tính thường gây ra nhiều tranh cãi nhất đó chính là card đồ họa. Hai hãng sản xuất card đồ họa lớn nhất trên thế giới hiện nay là Nvidia và AMD luôn có những sản phẩm ngang tầm nhau và so kè nhau đến từng tính năng một. Và câu hỏi gây hoang mang nhiều nhất đó chính là: Nên chọn card đồ họa của hãng nào bây giờ?

Và ngày hôm nay, thay vì so sánh chi tiết sản phẩm của hai hãng thì chúng tôi sẽ nói về tổng thể hai hãng sản xuất card đồ họa này. Điểm mạnh, điểm yếu và bạn nên chọn chiếc card hình nào cho chiếc PC của bạn.

Price-to-Performance (p/p) luôn luôn có sự thay đổi

Nếu như có một ai đó nói rằng card đồ họa của hãng này "lởm" hơn hãng còn lại thì hãy đừng tin họ vội mà hãy tự bản thân các bạn tìm hiểu sản phẩm của cả hai hãng và đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Một điều quan trọng nhất trong việc lựa chọn card đồ họa đó chính là tỉ lệ giữa giá thành và hiệu năng của chiếc card đó. Hay nói đơn giản hơn thì trong cùng một mức giá thành thì hiệu năng của chiếc VGA của hãng nào tốt hơn thì chiếc card đồ họa đó đáng để bạn mua hơn. Trong thời điểm tôi viết bài ciết này thì VGA của hãng AMD đang có đôi phần nhỉnh hơn so với Nvidia khi mức giá ổn mà đem lại hiệu năng không kém với các sản phẩm đắt tiền nhất của bên Nvidia là mấy.

Vậy nên khi lựa chọn một chiếc card đồ họa cho chiếc PC của bạn thì hãy lựa chọn một vài sản phẩm của cả hai hãng và so sánh chúng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Có rất nhiều những diễn đàn hay những trang thông tin về cả hai chiếc card để cho các bạn có thể đánh giá đúng nhất về từng sản phẩm. Và tất nhiên hãy chú ý đến tựa game mà bạn định chơi và xem hiệu năng của những chiếc VGA mà bạn đã chọn.

Mỗi hãng đều có một tính năng đột phá riêng của mình

P/p là một điều khá quan trọng nhưng có một yếu tố khác bạn cũng nên để ý tới đó chính là những tính năng được tích hợp trong từng chiếc VGA mà mỗi hãng thêm vào. Nếu như Nvidia có PhysiX thì AMD cũng có một tính năng tương tự để đối chọi lại. Nếu như Nvidia nổi tiếng với G-sync chống rác hình và được tích hợp ở rất nhiều những mẫu màn hình mới nhất hiện nay thì Freesync của AMD cũng không kém cạnh khi cho thấy khả năng tương thích với những chiếc màn hình cũ và (tôi hy vọng) mọi thứ đều hoạt động mượt mà.

Ngoài ra những tính năng như Shadowplay hay HairWorks của Nvidia thì AMD cũng có TressFX và Raptr để làm cho cán cân của hai hãng trở về vị trí cân bằng. Nhưng điểm khác nhau đó chính là trong khi Nvidia cố gắng tạo ra những tính năng đột phá và kiếm tiền từ những tính năng đó thì AMD lại cho thấy họ thân thiện hơn khá nhiều khi để những tính năng là "mã nguồn mở" và lập trình viên bên ngoài có thể tự ý tuỳ biến những tính năng theo ý mình.

Scandal nối tiếp Scandal

Không một hãng sản xuất nào là hoàn hảo và scandal của mỗi hãng không phải là không có. Nếu như những người dùng VGA của AMD luôn ca thán rằng driver không ổn định hay chiếc card chạy nóng đến mức "rán trứng trên card" thì Nvidia cũng không kém phần khi thời gian gần đây trên các diễn đàn mạng xôn xao vụ việc chiếc card GTX970 không chạy đúng với hiệu năng mà nhà sản xuất công bố. Thêm vào đó, những fan của Nvidia thường chê rằng card của AMD chỉ "thay mác" cho các mẫu card mới chứ không có gì đột phá thì các fan của AMD cũng không chịu thua khi cho thấy những cảrd của Nvidia không được lên DirectX 12 như AMD đã làm.

Nếu như bạn hay vào những diễn đàn công nghệ thì bạn sẽ thấy fan của hai hãng chỉ cần có 1 chút tác động cũng có thể tạo ra một "cuộc chiến" trong topic đó. Và kết quả khi ban quản trị diễn đàn vào cuộc thì thường không có kết quả mấy vui vẻ cho cả hai bên.

Hãy lựa chọn khôn ngoan

Khi xây dựng một case máy tính chơi game, đừng ngần ngại hỏi ý kiến tư vấn của những người có kinh nghiệm. Thế nhưng khi nhắc tới câu chuyện chọn card đồ họa, chắc chắn bạn sẽ rơi vào cuộc chiến không điểm dừng của những fanboy giữa hai phe AMD và Nvidia.

Đừng để những lý luận của các fanboy khiến cho bạn lung lay. Thay vào đó hãy đọc những bài đánh giá chi tiết card đồ họa để tìm ra sản phẩm tốt nhất trong tầm giá mà bạn mong muốn. Đừng cố gắng "ăn mày dĩ vãng" một thương hiệu cố định, vì trước sau gì cuộc chơi cũng sẽ có thể thay đổi chỉ trong vòng 2 đến 3 năm.