Cẩm nang chọn "phụ tùng" cho game thủ chuyên nghiệp

Nút Chuối  - Theo Màn Ảnh Sân Khấu | 15/10/2014 03:55 PM

Với những game thủ eSports, yêu cầu và việc sử dụng gaming gear của họ cũng sẽ khác biệt hơn so với những gamer casual thông thường khác

Đối với những game thủ thể thao điện tử nói riêng cũng như những người hâm mộ nhiều tựa game eSports nói chung, bên cạnh kỹ năng, phản xạ trong game, thì những công cụ phần cứng hay nói cách khác là thiết bị ngoại vi chơi game cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong những trận đấu.

Ở những trận đấu đỉnh cao, bên cạnh vấn đề tài trợ, thì cũng chẳng bao giờ gamer chuyên nghiệp được bắt gặp đang thi đấu khi sử dụng những chú chuột chơi game rẻ tiền hay bàn phím… Mitsumi cả.

Vậy câu hỏi được đặt ra là, những gamer eSports nên lựa chọn gaming gear ra sao để phù hợp với những trận đấu cân sức?

Bàn phím

Như các bạn có thể thấy thị trường gaming gear hiện nay là nơi hàng loạt những thương hiệu lớn trên thị trường cạnh tranh đến từng phân khúc và sản phẩm. Chính vì thế, khi những công nghệ đã trở nên bão hòa, thì các hãng gaming gear buộc phải sử dụng hình ảnh bắt mắt, cộng với thiết kế cực kỳ ấn tượng, thậm chí lộ chất “ngầu” để thu hút những game thủ mua về.

Tuy nhiên ở những địa điểm thi đấu eSports, đôi khi vị trí lắp đặt thiết bị lại không đủ rộng để game thủ có thể đặt những chiếc bàn phím cồng kềnh, to lớn (vì còn phải chừa chỗ cho màn hình và chuột chơi game + mousepad).

Vì thế, hiện tại không ít những chiếc bàn phím cơ chơi game với kích thước nhỏ gọn như SteelSeries 6Gv2, Filco Majestouch Tenkeyless, Razer BlackWidow Tournament Edition đều là lựa chọn hợp lý cho game thủ chuyên nghiệp cũng như những người chơi game eSports.

Chuột chơi game

Không khác gì so với bàn phím, giờ đây chuột chơi game cũng đã trở thành những công cụ đầy tính mỹ thuật. Nếu như trước đây, MadCatz R.A.T. 7 là một trong những chú chuột hầm hố bậc nhất, thì giờ chúng ta có cả Tt eSports Level 10M, hay Razer Ouroboros…

Tuy nhiên hầu hết những chú chuột chơi game với ngoại hình hầm hố, nhiều nút và phức tạp lại thường không phù hợp với những game thủ eSports. Chỉ cần một động tác lỗi, game thủ có thể bấm nhầm những nút phụ không cần tới, và chúng có thể vô tình ảnh hưởng tới game.

Lấy ví dụ với CS 1.6, với SteelSeries Sensei trước khi chỉnh sửa nút bằng driver, việc ngón áp út chạm nhầm vào hai nút phụ ở hông phải là điều xảy ra thường xuyên. Tiếc một nỗi, hai nút phụ này có chức năng mặc định là Page Up/Page Down, vì thế không ít lần game thủ đã phải khóc hận khi đang ngắm bắn thì nhân vật lại chĩa súng lên trời.

Chính vì thế, những chú chuột đơn giản, vừa tay và không quá phức tạp như DeathAdder, IE 3.0, Sensei RAW, Kana hay Kinzu sẽ hợp với game thủ pro hơn, vì chúng thường tập trung vào trải nghiệm sử dụng và cảm giác cầm nắm hơn là bề ngoài ấn tượng thu hút người sử dụng.

Mousepad

Hiếm khi chúng ta thấy game thủ chuyên nghiệp sử dụng chuột chơi game theo kiểu “ăn chay”, nghĩa là không sử dụng lót chuột.

Ở một mức độ nhất định, mousepad củng cố thêm khả năng hoạt động của chuột chơi game ở cả hai khía cạnh: Cho phép mắt đọc hoạt động tốt hơn, cùng lúc tối ưu hóa khả năng di chuyển của feet chuột, vốn được tạo ra để game thủ thực hiện những cú frag hay di chuyển chuột trơn hơn.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, một số chuột chơi game sở hữu cảm biến quang học hay laser không phù hợp lắm với những pad màu, vì thế nên lựa chọn tiêu chuẩn là những chiếc mousepad với bề mặt đen hoàn toàn, cho phép game thủ sử dụng hiệu quả hơn mọi mẫu chuột chơi game của mình.

Tai nghe

Đối với nhiều game thủ, họ có thể thoải mái thưởng thức game trong tình trạng “điếc”. Tuy nhiên với những game thủ eSports, đặc biệt là những người chơi FPS chuyên nghiệp, tai nghe là một trong số những món phụ kiện không thể thiếu đối với họ. Thậm chí bàn phím đôi khi còn không quan trọng bằng những chiếc tai nghe để theo dõi footstep hay chuột chơi game với độ chính xác cao.

Những sản phẩm hỗ trợ âm thanh vòm 5.1 hay 7.1 thường sẽ là lựa chọn hàng đầu cho những gamer pro. Hoặc chí ít, trong những giải đấu lớn, với việc yêu cầu game thủ sử dụng những chiếc headset Plantronic rất lớn để loại bỏ hoàn toàn âm thanh bên ngoài, game thủ vẫn sẽ chọn sử dụng những tai nghe in ear với soundcard giả lập 7.1 để đem lại trải nghiệm game tốt nhất.

>> Các tiêu chí chọn mua gaming gear cho game thủ