Bí kíp chọn màn hình cho game thủ Việt thỏa thích chìm trong thế giới ảo

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 18/03/2016 05:19 PM

Một số tiêu chí để giúp việc lựa chọn màn hình chiến game của bạn trở nên dễ dàng và chính xác hơn.

Thị trường màn hình chơi game tính tới thời điểm hiện tại là cực kỳ đa dạng với hàng loạt thương hiệu và mẫu mã khác nhau. Do đó để lựa chọn cho mình chiếc màn hình phù hợp nhất là điều khiến cho rất nhiều bạn game thủ đã và đang gặp khó khăn. Vì vậy trong bài viết này mình xin phép chia sẻ với các bạn một số tiêu chí để giúp việc lựa chọn màn hình của bạn trở nên dễ dàng và chính xác hơn.

Màn hình chơi game là gì?

Thật ra khái niệm màn hình chơi game cũng khá là mơ hồ bởi trên thực tế thì màn hình nào cũng có thể chơi game được. Vào thời điểm cuối năm 2000 lúc mình bắt đầu chơi game thì khái niệm này gần như không tồn tại, tuy nhiên với sự chuyển giao từ CRT sang LCD và yêu cầu ngày càng cao của giới game thủ nên phân khúc mà ngày nay chúng ta gọi là "màn hình chơi game" mới bắt đầu định hình.


Giá của màn hình chơi game có sự chênh lệch rất lớn giữa dòng phổ thông và cao cấp​

Giá của màn hình chơi game có sự chênh lệch rất lớn giữa dòng phổ thông và cao cấp​

Vậy màn hình chơi game khác gì với màn hình thông thường? Câu trả lời là nằm ở sự tối ưu và đối tượng chúng hướng tới. Nói cho đơn giản thì màn hình hiện nay có thể chia là 3 loại chính: màn hình văn phòng, màn hình chơi game và màn hình đồ hoạ. Màn hình văn phòng nhìn chung thiên về các tính năng giúp bảo vệ người sử dụng khi dùng trong thời gian dài (chống nháy, giảm ánh sáng xanh,...) và giá cả thường được các hãng giữ ở mức thấp nhất có thể.

Trong khi đó màn hình đồ hoạ hướng đến việc tối ưu hoá hình ảnh hiển thị và thường được nhà sản xuất cân chỉnh ngay từ đầu với độ chính xác màu rất cao, do đó đây thường là loại màn hình đắt nhất. Riêng màn hình chơi game thì tuỳ nhà sản xuất, tuỳ phân khúc mà trọng tâm nó có thể thay đổi. Tuy nhiên điểm chung của tất cả các màn hình chơi game là tối ưu hoá độ phản hồi (tốc độ đáp ứng của điểm ảnh, độ trễ tín hiệu,...) để đem lại trải nghiệm mượt mà nhất cho game thủ. Một số hãng thậm chí chấp nhận hi sinh chất lượng hình ảnh để đổi lấy sự mượt mà này, một số khác tìm cách cân bằng giữa chất lượng hình ảnh và trải nghiệm của game thủ. Để khiến cho mọi việc trở nên phức tạp hơn, không ít nhà sản xuất tích hợp các tính năng vô thưởng vô phạt, nhìn thì có vẻ hữu dụng nhưng thực tế thì không, khiến chúng ta càng khó lựa chọn. Và bạn cũng đừng bất ngờ khi giá cả của màn hình chơi game cực kỳ đa dạng, từ siêu rẻ cho đến đắt đỏ.

Vậy chúng ta lựa chọn màn hình nào để chơi game? Theo những tiêu chí nào?

Kích thước

Thoạt đầu nghe có vẻ phản khoa học, tuy nhiên kinh nghiệm của mình đối với màn hình chơi game là việc kích thước lớn chưa chắc đã tốt. Ừ thì đúng là màn hình lớn xem rất sướng, nhưng nếu đã chơi game thì chắc hẳn bạn cũng sẽ nhận thấy rằng lúc nào mình cũng ở rất sát màn hình. Thậm chí ở những đoạn căng thẳng gây cấn thì toàn bộ sự chú ý của bạn đổ dồn vào trung tâm màn hình. Và nếu màn hình quá lớn, bạn sẽ rất khó quan sát những gì diễn ra ở rìa màn hình.


24 hoặc 27 inch là kích thước màn hình tối ưu dành cho chơi game​

24 hoặc 27 inch là kích thước màn hình tối ưu dành cho chơi game​

Đối với khoảng cách ngồi trước màn hình từ 0,5 đến 1m, kích thước màn hình 24 hoặc 27 inch là tối ưu nhất. Chúng rất phổ biến và giá cả tuỳ theo dòng cũng tương đối hợp lý. Xu hướng màn hình lớn 32-34 inch đang bắt đầu xuất hiện nhiều, nhưng giá chúng vẫn còn rất cao và không đem lại ưu điểm rõ rệt để hợp lý hoá số tiền mà bạn phải trả.

Chẳng hạn với khoảng 6-7 triệu là bạn có thể mua một chiếc màn hình 24 inch 144 Hz, nhưng nếu muốn lên 34 inch thì ít nhất phải trả gấp 3-4 lần con số đó (chưa tính là tần số quét của những dòng này chỉ dừng lại ở 100 Hz). Lựa chọn kích thước màn hình hợp lý không chỉ giúp trải nghiệm của bạn tốt hơn mà còn tiết kiệm bạn một số tiền không nhỏ, tránh rơi vào cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa mà nhiều hãng đang cố tạo ra.

Độ phân giải màn hình

FullHD, QHD,... hay 4K. Cũng như tần số quét, độ phân giải màn hình càng cao thì càng sắc nét. Tuy nhiên độ phân giải cao đòi hòi cấu hình máy cũng phải cao tương xứng để có thể đảm bảo sự mượt mà trong trải nghiệm. Nếu như sắm một chiếc màn hình 4K mà chơi game với tốc độ khung hình chỉ 20-30fps thì mình đảm bảo FullHD với 60 fps sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm tốt hơn, đặc biệt là với các game hành động và bắn súng.

Đối với dân chơi game, giảm hiệu ứng hay độ phân giải để chơi cho mượt là chuyện thường ngày. Nhưng nếu sắm màn hình 4K mà phải chơi ở độ phân giải thấp hơn thì rõ ràng là kế hoạch của bạn có vấn đề.


Nên đảm bảo máy bạn có thể đạt tối thiểu 60 fps khi chơi game ở độ phân giải gốc của màn hình​

Nên đảm bảo máy bạn có thể đạt tối thiểu 60 fps khi chơi game ở độ phân giải gốc của màn hình​

Nếu bạn sử dụng máy console để chơi game, lời khuyên của mình là không nên mua màn hình có độ phân giải nào khác ngoài FullHD. Ngay cả những chiếc máy console mới nhất hiện nay như Xbox One hay PS4 cũng chỉ xuất ra tín hiệu gốc 1080p@60Hz (có tuỳ chọn 4K nhưng đó là upscale hình ảnh lên), do đó nó cũng không tận dụng được tối ưu độ phân giải màn hình.

Riêng đối với những bạn dùng PC , việc chơi game ở độ phân giải khác độ phân giải gốc của màn hình là điều nên tránh. Bản thân những chiếc máy console như Xbox One hay PS4 đều có tính năng tự động upscale (nội suy hình ảnh) lên độ phân giải cao hơn, và dù nó không thật sự hoàn hảo nhưng nhìn chung cũng vẫn không đến nỗi quá tệ. Tuy nhiên PC thì bạn chơi độ phân giải nào thì tín hiệu là độ phân giải đó, và việc upscale là hoàn toàn phụ thuộc vào màn hình.

Vấn đề ở chỗ ngay cả một số dòng màn hình đắt tiền với giá hơn 1000 USD như Acer Predator X34 mà mình đánh giá gần đây thì tính năng upscale của nó vẫn cực kém. Trừ khi chơi độ phân giải gốc, tất cả những tuỳ chọn khác đều khiến hình ảnh không vỡ hạt thì cũng mờ mờ thiếu sắc nét. Vì vậy lời khuyên của mình là nên đảm bảo máy bạn đủ khả năng đạt được ít nhất là 60 khung/hình giây ở độ phân giải gốc của màn hình. Vậy thì làm cách nào để biết nếu bạn chưa sắm màn hình? Hãy tham khảo các bài đánh giá card màn hình thì bạn sẽ có câu trả lời.

Tỉ lệ màn hình

16:9 hiện vẫn đang là tỉ lệ màn hình phổ biến nhất hiện nay và tương thích tuyệt đối với tất cả các trò chơi ra mắt trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tỉ lệ 21:9 dù không phải là mới, nhưng trong thời gian 1 năm trở lại đây thì số lượng các mẫu màn hình chơi game sử dụng tỉ lệ này xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy không tương thích tuyệt đối như 16:9 nhưng phần lớn các game bom tấn mới ra như Star Wars Battlefront hay Fallout 4 đều hỗ trợ.


16:9 và 21:9 là hai tỉ lệ màn hình phổ biến nhất hiện nay​

16:9 và 21:9 là hai tỉ lệ màn hình phổ biến nhất hiện nay​

Nếu lựa chọn, 16:9 vẫn sẽ là tỉ lệ an toàn nhất và bạn không cần phải lo lắng về tương thích dù chơi bất kỳ trò chơi nào. Tuy nhiên 21:9 là một sự lựa chọn tốt nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác màn hình siêu rộng như phim khi chơi game. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết của mình về sự khác biệt giữa 2 tỉ lệ này: So sánh ưu nhược của tỉ lệ màn hình 21:9 và 16:9

Tốc độ đáp ứng của màn hình

Màn hình chơi game thường có tốc độ đáp ứng màn hình rất cao, tối thiểu là 5 ms và thậm chí có thể xuống còn 1 ms. Dĩ nhiên, thông số này càng thấp thì càng tốt nhưng nó cũng có một số hệ luỵ nhất định. Đối với các màn hình dùng công nghệ IPS và VA, 5 ms là con số chấp nhận được để bạn tránh hiện tượng bóng ma đối với các ảnh chuyển động nhanh mà vẫn giữ được chất lượng hình ảnh đẹp (theo tiêu chuẩn của màn hình chơi game, dĩ nhiên là nó không thể sánh được với các dòng màn hình dành cho đồ hoạ). Với công nghệ hiện nay, để đạt được tốc độ phản hồi điểm ảnh 1 ms thì cách duy nhất là sử dụng tấm nền TN. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải chấp nhận những hạn chế cố hữu của công nghệ TN như màu sắc nhợt nhạt (so với VA và IPS), góc nhìn kém,... để có được sự rõ nét tối đa trong hình ảnh.


Trừ khi bạn là game thủ chuyên nghiệp, tốc độ đáp ứng 5 ms là đủ đáp ứng nhu vầu chơi game thông thường​

Trừ khi bạn là game thủ chuyên nghiệp, tốc độ đáp ứng 5 ms là đủ đáp ứng nhu vầu chơi game thông thường​

Nếu bạn không phải là game thủ chuyên nghiệp và chỉ chơi game để giải trí là chính thì lời khuyên của mình là nên lựa chọn các màn hình sử dụng công nghệ IPS hoặc VA với tốc độ đáp ứng 5 ms. Đúng là trên lý thuyết nó có thể không nhanh như 1 ms của TN, nhưng không phải ai cũng đủ nhạy để nhận ra điều này. Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh của IPS và VA đủ tốt để bạn có thể dùng màn hình chơi game cho một số mục đích khác như xem phim hay chỉnh sửa hình với mức độ nghiệp dư.

Trong khi đó các màn hình chơi game có tốc độ đáp ứng 1 ms chỉ phù hợp đối với game thủ chuyên nghiệp hay những bạn chơi game với quyết tâm phải thắng và muốn tận dụng tất cả lợi thế mình có. Công bằng mà nói, công nghệ TN cũng đã tiên tiến hơn rất nhiều và hình ảnh không đến mức quá tệ như cách đây 2-3 năm. Tuy nhiên với chất lượng hình ảnh của nó vẫn kém hơn IPS và VA, chưa kể bạn sẽ phải chi rất nhiều tiền cho một chiếc màn hình với mục đích duy nhất là chơi game. Giá các màn hình chơi game cao cấp dùng tấm nền TN 1 ms thậm chí là còn cao hơn cả màn hình chơi game IPS/VA.

Những tính năng hỗ trợ game thủ

Mỗi hãng hiện nay đều có một loạt các "tính năng dành cho game thủ". Nhẹ nhàng thì là tính năng chống nhoè, tăng độ sáng vùng tối,... cho đến chơi ăn gian một cách trắng trợn như cho đặt luôn một hồng tâm ảo ngay giữa màn hình. Những tính năng này đôi lúc là từ phần cứng nhưng cũng không ít chỉ là sự tuỳ chỉnh phần mềm (hay đúng hơn là thuật toán xử lý hình ảnh). Vậy thì những tính năng nào hữu dụng cho bạn?


Đừng quá quan tâm đến các tính năng dành cho game thủ khi lựa chọn màn hình​

Đừng quá quan tâm đến các tính năng dành cho game thủ khi lựa chọn màn hình​

Kể từ lúc mình bắt đầu chơi game cho đến hiện tại chắc ngót nghét 15 năm, từ tự sắm cho đến hãng gửi để đánh giá thì có lẽ cũng xài hơn chục cái màn hình chơi game. Điều mà mình nhận thấy là dẫu cho các "tính năng hỗ trợ game thủ" có thực sự hiệu quả hay chỉ là chiêu bài quảng bá của hãng thì mình cao lắm là chỉ hứng thú chỉnh trong vài tháng đầu, sau đó thì cứ để mặc định mà xài.

Sự khác biệt đôi lúc vẫn nhận thấy được, nhưng nó không đủ nhiều để tạo sự khác biệt rõ rệt trong trải nghiệm của bạn. Và không sớm thì muộn bạn cũng sẽ chẳng còn hứng thú với việc điều chỉnh nó cho mỗi trò chơi. Tốt nhất là bạn đừng xem nó là yếu tố quyết định khi mua.

Tần số quét

Về cơ bản tần số quét của màn hình chơi game càng cao thì càng tốt. Chuyện hình ảnh chuyển động trên màn hình 144 Hz sẽ mượt hơn 120 Hz, 120 Hz sẽ mượt hơn 60 Hz là điều ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng biết rằng nó chỉ đúng với điều kiện nhất định. Điều kiện đó chính là việc chiếc máy chơi game của ban (PC, Xbox, Playstation ) phải xuất ra tốc độ khung hình tương đương hoặc cao hơn tần số quét của màn hình.

Không như TV với chip xử lý hình ảnh chuyên dụng có thể nội suy hình ảnh từ tốc độ khung hình thấp lên tốc độ tương đương tần số quét (chẳng hạn phim 24p lên 60p/60Hz) một cách hiệu quả, chip xử lý hình ảnh của màn hình vi tính chỉ lặp lại khung hình cho đến khi có khung hình mới. Điều này đồng nghĩa với việc dù tầng số quét của bạn có cao đến mức nào đi chăng nữa, tốc độ khung hình của tín hiệu mới chính là yếu tố quyết định sự mượt mà của hình ảnh hiển thị. Màn hình 120 hz mà tốc độ khung hình 60 fps thì hiển thị cũng chả khác gì màn hình 60 Hz.


Để có thể tận dụng được tần số quét cao, bạn phải có máy đủ mạnh để xuất ra tốc độ khung hình tương ứng​

Để có thể tận dụng được tần số quét cao, bạn phải có máy đủ mạnh để xuất ra tốc độ khung hình tương ứng​

Khi lựa chọn màn hình chơi game, bạn phải biết được khả năng chiếc máy chơi game của mình đến mức nào. Chẳng hạn đối với các máy console như Xbox One hay PS4, tín hiệu tối đa mà nó có thể xuất ra là 60 Hz, tương đương với 60 fps. Như vậy sẽ là rất phí nếu như bạn mua màn hình tần số quét trên 60 Hz chỉ để chơi game console. PC thì phức tạp hơn, và thực tế thì tất cả các màn hình tần số quét cao hiện nay đều được thiết kế dành riêng cho game PC.

Tuỳ theo cấu hình, tuỳ theo trò chơi mà tốc độ khung hình bạn đạt được là khác nhau. Đối với một trò chơi nhất định, bạn đạt tốc độ khung hình trên 60 fps thì việc đầu tư vào màn hình tần số quét trên 60 Hz là hợp lý. Thế nhưng nếu tốc độ khung hình của bạn chỉ trên 60 và dưới 120 fps thì sắm màn hình 144 Hz đơn giản chỉ là phí tiền. Dĩ nhiên là bạn có thể dự kiến sẽ nâng cấp máy trong tương lai để đạt được tốc độ khung hình lý tưởng, nhưng đừng lo quá xa mà quên rằng bạn sẽ không thể tận dụng hết khả năng của chiếc màn hình đắt giá hiện tại.

(Tham khảo Tinh Tế)