Game thủ eSports Việt liệu có sống được với đam mê?

Tâm Sự Game Thủ  - Theo Helino | 20/09/2018 0:00 AM

Câu trả lời là rất khó, trong số hàng trăm tuyển thủ chuyên nghiệp đang thi đấu hiện nay, những người có thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình chỉ là thiểu số.

Dù eSports - Thể Thao Điện Tử đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, nhưng nó vẫn chưa được coi là một "nghề nghiệp" ổn định để mọi game thủ có thể đặt mục tiêu hướng tới. Chưa kể đến những định kiến xã hội với game, những tuyển thủ đi theo con đường chuyên nghiệp vẫn chưa thể tạo ra thu nhập đủ để nuôi dưỡng đam mê của chính mình.

Làm game thủ chuyên nghiệp có dễ dàng?

Câu trả lời là không. Giống như bất kỳ môn thể thao nào khác, eSports trước tiên đòi hỏi ở game thủ một năng khiếu vượt trội, tiếp đến là sự nỗ lực không ngừng. Chính vì thế, không phải ai muốn là cũng có thể làm được.

Game thủ eSports Việt liệu có sống được với đam mê? - Ảnh 1.

Thần đồng LMHT Việt - SofM, vì nhiều lý do không thể tiếp tục thi đấu ở Việt Nam.

Khi đã hội tụ đủ hai yếu tố trên, điều tiếp theo họ cần làm là vượt qua nhiều ý kiến trái chiều của xã hội. Bởi lẽ game chưa được công nhận là một ngành nghề chính thống, các bậc phụ huynh đa phần phản đối con em khi đi trên con đường đầy chông gái này. Ngoài ra, game thủ còn phải tìm được các "bến đỗ" thích hợp, đó chính là các đội tuyển mà hiện nay còn rất thưa thớt, thậm chí bấp bênh có thể giải tán bất cứ lúc nào. 

Trong một môi trường cạnh tranh gay gắt, tuổi đời game thủ lại rất ngắn thì sức ép lên mỗi tuyển thủ lại càng khủng khiếp. Họ phải vắt kiệt sức lực để luyện tập liên tục nhằm rèn giũa kỹ năng hoặc bị các tuyển thủ khác đẩy xuống băng ghế dự bị. Mác tuyển thủ chuyên nghiệp chẳng thể vẽ nên một tương lai màu hồng cho bất cứ ai. Nếu muốn lấy một ví dụ, tôi muốn nhắc đến trường hợp của đội tuyển "huyền thoại" - team StarBoba (DotA All Stars).

Game thủ eSports Việt liệu có sống được với đam mê? - Ảnh 2.

Starboba - biểu tượng của nền thể thao điện tử nước nhà một thời.

Đội DotA Starsboba ra đời tại quán net Boba, một quán nổi tiếng ở TP.HCM quy tụ nhiều cao thủ DotA thời bấy giờ. Trong suốt thời gian hoạt động, đội có nhiều thay đổi về nhân sự nhưng gây được nhiều tiếng vang nhất vẫn là đội hình đã làm nên những chức vô địch không tưởng tại World Cyber Games 2009, 2009, 2010, Asian DOTA Championship 2008 hay AIG 2009... Những danh thủ mang lại tiếng vang cho nước nhà như SoSoon, MangaQ (Yuna), David, chàng béo Archiem Batteu và Recca. Nhưng cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, việc thi đấu không mấy thành công do SoSoon giải nghệ và việc DotA thoái trào năm 2011 khiến đội tuyển dần tan rã và kết thúc một chu kỳ thành công của đội DotA được yêu mến nhất Việt Nam.

Sau này xuất hiện thêm những tuyển thủ gây được nhiều tiếng vang như QTV, Junie... nhưng họ cũng phải giải nghệ để đi tìm con đường mới.

Nguồn thu nhập của game thủ chuyên nghiệp hiện nay đến từ đâu?

Dù làm bất cứ ngành nghề gì, nếu không kiếm ra tiền thì chẳng thế nói đến đam mê. Trong khi nền eSports được đánh giá còn non trẻ tại Việt Nam thì cơ hội kiếm tiền của các game thủ chuyên nghiệp là không nhiều. Có thể liệt kê một số nguồn thu nhập của họ như:

Thi đấu cho các đội tuyển

Game thủ eSports Việt liệu có sống được với đam mê? - Ảnh 3.

Thi đấu, tập luyện và nhận lương theo tháng, song hầu như số tiền đó chỉ đủ sinh hoạt phí và các nhu cầu tối thiểu. Mức trung bình một tuyển thủ 2-3 năm kinh nghiệm ở Việt Nam hiện giao động trong khoảng 4-5 triệu đồng, tương đương một sinh viên mới ra trường. Dù đã được lo chỗ ăn chỗ ngủ ngay tại gaming house, song quả thực con số trên không đủ động lực để game thủ sống hết mình với nghề.

Kể cả khi cống hiến, hy sinh nhiều thứ chỉ để giành thành tích cao, QTV (bộ môn LMHT) đã từng tâm sự: "Vô địch VCSA được một số tiền khủng vài trăm triệu, nhưng khi chi ra cho các thành viên thì mỗi người chỉ nhận khoảng 30 triệu đồng". 6 tháng để nhận 30 triệu, tính ra 5 triệu/tháng, thử hỏi khi trừ đi các chi phí thì game thủ chuyên nghiệp còn để ra được bao nhiêu? Anh cũng cho rằng nghề game thủ ở Việt Nam rất bạc bẽo, rất khó để nuôi dưỡng đam mê.

Caster, Streamer

Game thủ eSports Việt liệu có sống được với đam mê? - Ảnh 4.

Hiện thu nhập đến từ việc bình luận, streaming các trận đấu của game thủ chuyên nghiệp có vẻ ổn định hơn cả. Top thu nhập trong lĩnh vực này có thể đạt 30 đến 50 triệu đồng một tháng

Với sự phát triển vượt bậc về công nghệ, giờ đây việc stream game đã trở nên vô cùng đơn giản, bất cứ người chơi nào cũng có thể sở hữu kênh stream cho riêng mình. Có thể là trên YouTube, Facebook, Twitch hay Azubu. Song cũng phải nhìn nhận rằng, kiếm tiền từ công việc stream game không phải lúc nào cũng dễ dàng. Rất ít người có thể thành công với nghiệp streamer, sở hữu lượng fan đông đảo như những QTV, SofM, Optimus... (có thời điểm đạt hàng chục nghìn người xem cùng lúc). Còn hầu như đại đa số các bình luận viên coi cast/ chơi game là một công việc, mức thu nhập chỉ quanh mốc 3-5 triệu đồng.

Cày rank (xếp hạng) thuê

Game thủ eSports Việt liệu có sống được với đam mê? - Ảnh 5.

Henry - Cựu tuyển thủ của Saigon Jokers từng tiết lộ lương không đủ sống, anh phải bỏ chuyên nghiệp đi cày thuê.

Đây không phải là một kênh kiếm tiền chính thống, dĩ nhiên không được sự ủng hộ từ phía nhà phát hành và ngay cả fan cũng khó lòng chấp nhận. Song vì cuộc sống, một số tuyển thủ vẫn nhận "cày rank chui", để có thêm thu nhập. Tất nhiên khi bị phát hiện, họ sẽ nhận các án phạt nặng, thậm chí mất luôn sự nghiệp thi đấu của mình.

Chưa kể những tựa game sẽ thoái trào, thu nhập từ việc cày thuê cũng sẽ giảm sút. Do đó, việc game thủ chuyên nghiệp có thể sống từ chính bản thân trò chơi là quá khó khăn. Nếu muốn duy trì đam mê, họ phải tập cách thích ứng.

Thay đổi để thích nghi nếu muốn sống với đam mê game

Đã có rất nhiều game thủ thành công với game mình chơi nhưng họ không thể duy trì bởi tuổi đời của game thủ quá ngắn. Điều này buộc họ phải tự tìm ra con đường đi riêng để tiếp tục cuộc sống. Đa phần trong số đó là đầu quân cho các công ty làm về game, hoặc lui về sau hậu trường để làm huấn luyện viên chiến thuật, dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm "chiến trường".

Như Nguyễn Bá Đạt và Nguyễn Mạnh Linh ở bộ môn Warcraft III đều là những tuyển thủ xuất sắc, giúp Việt Nam tỏa sáng ở sân chơi quốc tế WCG. Mặc dù chưa đạt được thành tích cao nhất, họ đã góp phần nâng cao trình độ thể thao điện tử thời điểm bấy giờ. Sau này, để theo đuổi đam mê góp sức vào ngành game, cả hai đã làm việc cho các công ty game tên tuổi của Việt Nam là VNG và Sgame.

Game thủ eSports Việt liệu có sống được với đam mê? - Ảnh 6.

Tuyển thủ Violet làm HLV sau khi giải nghệ.

Hay gần đây nhất có Violet - cựu tuyển thủ chuyên nghiệp LMHT. Anh chuyển sang làm Huấn luyện viên cho EVOS và ngay lập tức có những thành tích cao trên cả đấu trường quốc nội và giành suất đại diện Việt Nam đi thi đấu. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, song những người sớm thích nghi họ vẫn có thể tiếp tục cống hiến cho nền eSport nước nhà.

Song cũng phải nhìn nhận thực tế, số game thủ chuyên nghiệp tại Việt Nam có thể sống bằng game chưa nhiều. Họ phải đánh đổi nhiều thứ và nguồn thu nhập cũng rất bấp bênh. Vậy nên, hãy cứ theo đuổi niềm đam mê của mình, nhưng vẫn phải cân bằng giữa game và công việc hàng ngày để tương lai có một cuộc sống ổn định hơn.