Game thủ Việt đừng mơ mộng i7 đắt tiền nữa, Core i5 chưa đầy 5 triệu chơi game đã vô đối rồi!

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/10/2017 01:07 AM

Hãy bỏ qua những mẫu chip "K" khủng giá trên trời đi, thiên đường CPU chơi game cho người Việt, Core i5 8400 chỉ có giá 4,6 triệu Đồng thôi, mà nó còn có tới... 6 nhân!

Đầu năm 2017, Intel giới thiệu nền tảng Kaby Lake với chipset Intel 200 series. Ngay lập tức các hãng sản xuất cũng khiến thị trường tràn ngập với những hệ thống CPU và mainboard dành cho thế hệ CPU mới. Thế nhưng giờ đây chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa, ngoài việc đổi tên và đổi nền tảng cũng như hỗ trợ công nghệ Intel Optane tăng tốc HDD ngang SSD, thì Kaby Lake chẳng có quá nhiều thay đổi đáng kể so với người tiền nhiệm, Skylake ra mắt cuối năm 2015.

Câu chuyện trở nên kịch tính hơn bao giờ hết khi vài tháng sau khi Kaby Lake ra mắt, AMD tung ra dòng CPU Ryzen, đảo lộn mọi giá trị thị trường mà Intel đang cố gắng xây dựng vài năm gần đây. Quãng thời gian nghiên cứu của đội đỏ đã tạo ra một đoàn quân đủ sức cạnh tranh 1 chọi 1 với bất kỳ sản phẩm nào của Intel, nhất là ở tầm trung và bình dân. Những CPU giá rẻ là một chuyện, cuộc chiến HEDT với Threadripper và Skylake X lại là chuyện khác chúng ta sẽ bàn tới trong bài viết sau.

Kết cục, chiến lược nâng cấp nền tảng CPU của Intel phải thay đổi hoàn toàn. Không còn những model i7 4 nhân 8 luồng như trước và bắt game thủ, streamer và người sử dụng chuyên nghiệp phải lựa chọn HEDT đắt đỏ để có thêm nhiều nhân xử lý như trước đây nữa. Giờ đây với Coffee Lake, ngay cả model tầm trung, Core i5 8400 hay cao hơn là 8600K với khả năng ép xung cũng có 6 nhân và 6 luồng xử lý.

Tại sao lại là i5 mà không phải i7?

Đối với game thủ bình thường, Coffee Lake có lẽ chưa đủ để thuyết phục họ, thế nhưng với dân đồ họa, digital art, hay những game thủ làm streamer chuyên nghiệp, cảm giác được mua một chiếc CPU giá chỉ 4,6 triệu Đồng như i5 8400 đã có 6 nhân xử lý thật sự hấp dẫn hơn bao giờ hết.

So sánh với thế hệ i5 cũ, 7400, thì 8400 là một bước nhảy vọt khủng khiếp khi cả xung nhịp Turbo Boost lẫn bộ nhớ đệm đều được nâng mạnh mẽ, 4.0 GHz và 9MB L3 Cache. Ngay cả Core i3 8100 năm nay cũng có xung nhịp mạnh hơn i5 7400 nhưng cũng có 4 nhân 4 luồng không thua kém người tiền nhiệm. Ấy là chưa kể khi chơi game, nếu 4 nhân được dùng để xử lý game, thì 2 nhân còn lại sẽ phục vụ nhu cầu ghi hình, stream game hoặc làm bất kỳ thứ gì bạn muốn, thứ trước đây với tầm giá CPU như thế này đừng mơ làm nổi.

Tuyệt nhất là, giá của 7400 và 8400… giống y hệt nhau trên thế giới. Còn tại Việt Nam, Core i5 8400 có giá 4.650.000 VNĐ, còn Core i5 7400 có giá thấp hơn chưa đầy 300 nghìn, 4.390.000 VNĐ. Tuy nhiên xét đến những thay đổi ở trên, 300 nghìn Đồng là khoản tiền nâng cấp quá hời, nếu bạn đang có nhu cầu nâng cấp máy.

Nhưng đừng mừng vội…

Plot twist nho nhỏ là, để dùng được thế hệ CPU khủng mới ra mắt, bạn sẽ phải mua bo mạch chủ mới toanh. Điều này có nghĩa là thay vì bỏ gần 5 triệu mua con i5 mới, bạn sẽ mất cỡ chục triệu nâng cấp máy, đơn giản vì hệ thống mainboard đời Z270 cũ không tương thích với Coffee Lake. CPU Intel thế hệ 8 sử dụng socket LGA 1151 V2, với đường điện và đường tiếp nhận tín hiệu thông tin vào CPU và ngược lại khác nhau hoàn toàn. Lắp CPU mới vào mainboard cũ không giải quyết được vấn đề gì vì bật máy sẽ không lên đâu, chưa kể còn có khả năng gây hại tới CPU nữa.

Một chiếc mainboard tầm trung dành cho game thủ với đủ mọi khía cạnh họ cần, từ thiết kế, khả năng hỗ trợ phần cứng mạnh mẽ, và cả đèn LED RGB giờ có giá khoảng 5 triệu Đồng trở lên theo dự kiến. Vì thế nên nhận định rằng việc nâng cấp lên Coffee Lake tốn cỡ 10 triệu Đồng là hợp lý, với điều kiện giữ lại toàn bộ phần cứng cũ của máy, từ vỏ case, nguồn, card đồ họa và tản nhiệt, không thay đổi gì hết.

Lý thuyết như vậy có lẽ đã khiến một game thủ Việt chắc đến vài phần sẽ thay đổi CPU của họ từ Skylake hoặc Kaby Lake lên Coffee Lake rồi. Tuy nhiên không thể nào bỏ qua được phần thử nghiệm. Các bạn độc giả hãy yên tâm, chúng tôi sẽ nhanh chóng có những đoạn clip chơi thử và đánh giá khả năng chơi những game hot nhất hiện tại như PUBG, Fortnite trong nay mai.

Cấu hình thử nghiệm

Bo mạch chủ: Gigabyte Z370 Aorus Gaming 7

CPU: Intel Core i5 8400 4.0 GHz

RAM: 32GB G.Skill Trident Z 3600 MHz CL16

VGA: Gigabyte Aorus GTX 1080Ti Extreme Edition

SSD: Samsung 960 Evo M.2 256GB (Windows), Kingston UV400 480GB (Game)

Tản nhiệt CPU: Corsair H115i

Nguồn: Corsair CX650M

May mắn thay, dù socket khác biệt về cơ cấu chân pin, thế nhưng bạn vẫn có thể sử dụng dàn tản nước của hệ thống máy tính cũ, miễn là chúng cũng sử dụng socket LGA 1151, không cần thay đổi gì, chỉ cần tháo và lắp, trét chút keo tản nhiệt lên là ổn. Vì Core i5 8400 không hỗ trợ ép xung, vì thế cho nên chúng ta sẽ để mặc định xung nhịp gốc 2,8 và turbo 4.0 GHz trong các bài thử nghiệm và chơi game.

Kết quả thử nghiệm

Đối với phép thử benchmark 3Dmark Time Spy, i5 8400 đạt 5120 điểm. Một con số đáng gờm vì ngay cả i7 7700K 4 nhân 8 luồng cũng chỉ được có 5320 điểm mà thôi. Các bạn có thể thấy điểm Time Spy của Ryzen rất ấn tượng, thế nhưng cần nhớ Ryzen 5 1600X 6 nhân 12 luồng có giá 6,2 triệu Đồng, và nó “thua đứt đuôi” 8700K, CPU 6 nhân 12 luồng nhưng xung nhịp overclock lên 5.0 GHz dễ như bỡn:

Trong khi đó, kết quả 3DMark FireStrike của i5 8400 chứng minh nó đã qua mặt được người anh ra mắt hồi đầu năm, 7600K ngay cả khi Intel chẳng cho phép game thủ ép xung:

Cinebench R15, một trong những công cụ đánh giá thời gian render cũng như khả năng hoạt động đơn nhân và đa nhân của một chiếc CPU. Trong phép thử này, Core i5 8600K được giữ nguyên xung nhịp:

Kế đến là PCMark 10, công cụ hoàn chỉnh benchmark một hệ thống PC chạy Windows 10. Các bạn có thể thấy điểm số của i5 8400 không thua kém quá xa những đối thủ trực tiếp như Ryzen 5 1600X, và vượt qua được i5 7600K:

Chơi game

Bỏ qua những bài thử nghiệm khô khan (nhưng cần thiết để đánh giá một chiếc CPU và toàn bộ hệ thống máy tính), chúng ta hãy đến với khả năng chơi game cũng như streaming của i5 8400. Về cơ bản, ở thời điểm hiện tại những tựa game đều chỉ tối ưu 4 nhân xử lý. Điều này có nghĩa, với 8400, bạn có thể dùng 2 nhân còn lại chỉ để phục vụ nhu cầu stream game lên YouTube, Twitch hay dùng công cụ ghi hình để quay clip game mà không hề bị ảnh hưởng đến hiệu năng khi chơi.

Những tựa game dưới đây đều được thử nghiệm với màn hình độ phân giải 2K 2560×1440, màn hình 144Hz:

Đầu tiên là Battlefield 1 setting Ultra, game đạt tốc độ khung hình trung bình 74 FPS. Thật sự là một con số đáng nể vì đây là i5, không phải i7. Ở tầm giá như thế này bạn có thể chơi mượt gần như mọi game có trên thị trường với xung nhịp 4.0 GHz.

Tiếp tục với DOOM, chạy trên nền Vulkan API. Vẫn biết rằng nền tảng đồ họa này chiều chuộng card đồ họa AMD hơn, thế nhưng với i5 8400 và chiếc card đồ họa GTX 1080Ti mà hãng “gửi gắm”, tốc độ khung hình trung bình đạt được 84 FPS với thiết lập đồ họa Ultra.

GTA V, tựa game người Việt nào cũng quan tâm, mua máy về phải chơi mượt GTA V và… Liên Minh Huyền Thoại. Tin tốt là, với mức giá 4,6 triệu Đồng, GTA V Ultra độ phân giải 2K đạt 83 FPS. Nếu sử dụng màn Full HD, tốc độ khung hình còn cao hơn nữa!

Rise of the Tomb Raider, công cụ đo đạc chuẩn mực của mọi hệ thống chơi game với đồ họa đẹp không cưỡng lại được. Ngay cả ở chế độ đồ họa cao nhất, với những tùy chọn siêu nặng như Dynamic Foliage, PureHair, Sun Soft Shadows và bokeh DOF độ phân giải 2K, game vẫn chạy “gần” mượt ở tốc độ 55,5 FPS. Tin tôi đi, giữa 55,5 FPS và 60 FPS khác biệt nhỏ lắm, rất khó để nhận ra.

Nặng nhất trong số những game thử nghiệm nhanh với hệ thống i5 8400 chính là Watch Dogs 2. Hạ tùy chọn đồ họa xuống giữa Ultra và High, tắt Temporal Filtering, tốc độ khung hình chỉ đạt trung bình 44 FPS mà thôi. Chính vì thế lời khuyên của chúng tôi là, với một hệ thống chạy CPU Core i5 8400, hãy chọn màn hình độ phân giải Full HD để thưởng thức game mượt mà nhất.

Nhiệt độ

Sử dụng bộ kit AIO tản nhiệt nước cao cấp của Corsair, H115i, chúng tôi thử nghiệm hệ thống máy tính với cả hai tùy chọn, trong phòng điều hòa và không có điều hòa, block tản nhiệt đặt ở chế độ Performance mặc định của nhà sản xuất. Kết quả như sau:

Phòng có điều hòa, nhiệt độ phòng 22 độ C, ngay cả khi stress test, i5 8400 chỉ nóng lên cỡ 47 đến 50 độ C mà thôi. Khi chơi game, nhiệt độ CPU chỉ lên tới 42 đến 45 độ C. Tuy nhiên đối với căn phòng không có điều hòa, nhiệt độ phòng trung bình 34 độ C, full load CPU khiến con chip tăng nhiệt độ lên tới 58 độ C. Bản thân con chip không ép xung và TDP chỉ 65W nên hệ quả là mát hơn nhiều so với i7 8700K, cả ở chế độ thông thường lẫn ép xung.

Kết

Ông vua tầm trung là đây chứ còn đâu? Với khoảng 20 đến 30 triệu Đồng, giờ bạn có thể chơi mượt mọi game với setting High đến Ultra, với cấu hình Core i5 8400, card đồ họa GTX 1060 hay 1070 và 16GB RAM. Thật sự ở tầm giá như thế này, gần như không có nhược điểm nào khiến 8400 bị chê bai cả, ngoại trừ việc không cho ép xung và không có đa luồng xử lý.

Còn lại, mọi thứ đều quá tuyệt với game thủ: Chơi game ngon, giá rẻ, sức mạnh chỉ thua sút Core i7 7700K một chút, nhiều nhân xử lý phục vụ cả game lẫn stream, và quan trọng không kém là chạy rất mát. Giờ đây dám khẳng định rất nhiều bạn game thủ (trong đó có cả tôi) đã cảm thấy hối hận phần nào khi không chờ Coffee Lake mà đi mua ngay combo Kaby Lake và Z270 hồi đầu năm.

Giữa năm, AMD tạo ra một cơn bão trong thị trường PC, trong đó có cả thị trường máy tính chơi game. Đến cuối năm, Intel lại một lần nữa khẳng định họ không hề thua sút, cả về tầm giá lẫn sức mạnh.