Game thủ toàn thế giới vừa mất hơn 4.000 tỷ đồng chỉ vì chiêu trò này

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 11/07/2016 04:24 PM

Hóa ra, việc gỡ bỏ chiêu flash sale kích cầu của Steam đã khiến họ thu về khoản tiền khổng lồ từ game thủ vì không giảm giá game tất tay

Cuối cùng thì kỳ giảm giá thường niên Steam Summer Sale năm nay cũng đã chính thức kết thúc. Một số người cho rằng, không có những daily deal hay những tựa game được bán nhanh dạng flash sale sẽ khiến doanh thu của Steam cũng như những nhà phát triển game trên toàn thế giới giảm sút, vì đó là cách dễ nhất để dụ dỗ game thủ tậu về những trò chơi với giá rẻ đến giật mình, từ đó tăng doanh thu cho NPH game. Thế nhưng hóa ra họ đã nhầm.

SteamSpy đã trích xuất những dữ liệu trong giai đoạn Steam Summer Sale và đã đưa ra được những con số gây sốc. Trong năm 2015, có 33 triệu phiên bản game đã được bán ra chỉ tính riêng giai đoạn Steam Summer Sale, tuy nhiên trong năm 2016 này, đã có tới 36,8 triệu lượt game giảm giá được game thủ trên toàn thế giới tậu về tài khoản Steam của họ. Số lượng game thủ có mặt trên trang chủ của Steam cũng tăng vọt. Theo thống kê, có tới 175 triệu người đã truy cập Steam trong giai đoạn bán game giảm giá.

Hóa ra, việc gỡ bỏ chiêu flash sale kích cầu của Steam đã khiến họ thu về khoản tiền khổng lồ vì không giảm giá game tất tay. So sánh với số tiền 160 triệu USD vào năm ngoái, năm nay game thủ toàn cầu đã bỏ ra 223,2 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỷ Đồng để mua game. doanh thu tăng vọt lên đến 40%.

Cứ mỗi đợt giảm giá như thế này thì game thủ trên toàn thế giới thường ví von rằng đây vốn không phải là đợt giảm giá, mà là đợt "hút máu" của Valve, lý do đơn giản vì game giảm giá rẻ quá, game thủ không cầm lòng mà cứ mua lấy được mà thôi, để rồi sau này cứ để đấy, chẳng có thời gian mà chơi khiến số tiền mình bỏ ra trở nên lãng phí.

Tất nhiên, đây chỉ là lời than vãn mang tính hài hước của game thủ mà thôi, vì các đợt Steam Sale đều là cơ hội tuyệt vời cho người chơi có thể sở hữu những tựa game bản quyền với giá rất hữu nghị, từ game online cho tới game offline.

Chúng ta có thể lấy ví dụ như Doom hay Rise of the Tomb Raider đều là những tựa game không có crack trên mạng, và để trải nghiệm thì bạn chỉ có cách là mua bản quyền game mà thôi.