Game thủ PUBG Mobile muốn "cạch mặt" streamer có "vấn đề" cũng khó, "chặn" rồi mà FB vẫn hiện

Quyết Một Phen  - Theo Helino | 29/03/2019 11:30 AM

Dù game thủ PUBG Mobile có chặn những streamer được OTA Network hỗ trợ thì mục quảng cáo vẫn hiển thị.

PUBG Mobile là một tựa game chơi trên nền tảng giả lập, nhưng tình trạng nhiều người chơi cố tình sử dụng những phần mềm thứ 3 để can thiệp vào game vẫn luôn diễn ra. Nhiều website được các đối tượng xấu lập ra chuyên cung cấp tài khoản hack PUBG Mobile với hàng loạt những tính năng "bá đạo" như giảm giật, hiện khung hình người chơi, hiện vị trí khoảng cách cũng như lượng máu của người chơi khác, hoạc thậm chí là "lừa" cả trình giả lập của Tencent để có thể thi đấu với đối thủ chơi PUBG Mobile trên smartphone.

Game thủ PUBG Mobile muốn cạch mặt streamer có vấn đề cũng khó, chặn rồi mà FB vẫn hiện - Ảnh 1.

Tencent và Bluehole liên tục ra mắt những bản cập nhật để sửa lỗi cũng như đưa ra những án phạt cực nặng cho người chơi

Biện pháp phòng tránh tối thiểu nhất mà cộng đồng PUBG Mobile chân chính truyền tay nhau lúc này đó là "chặn" những streamer hay youtuber có vấn đề về "đạo đức". Trong khi việc chơi game mà gặp phải người dùng hack/cheat thì cứ đành... nhịn nhục cho qua hoặc là cố leo lên rank cao. Nhưng thực tế thì sao? Liệu việc chặn tài khoản Facebook có giúp game thủ chân chính khỏi phải xem những pha "sấy xuyên cỏ, xuyên khe cửa mà không hack" nữa không? Câu trả lời là không. Dù bạn có chặn những streamer được OTA Network hỗ trợ thì mục quảng cáo "xem thêm" vẫn hiển thị buổi livestream của đối tượng bị "chặn".

Game thủ PUBG Mobile muốn cạch mặt streamer có vấn đề cũng khó, chặn rồi mà FB vẫn hiện - Ảnh 2.

Người dùng FB chặn những đối tượng mà mình không thích nhưng kết quả là họ vẫn phải chứng kiến quảng cáo của FB dành cho đối tượng này.

Nguyên nhân của việc này chính là bởi OTA Network, đơn vị duy nhất triển khai chương trình Facebook Gaming Creator tại Việt Nam, Facebook Gaming tạo ra rất nhiều giá trị đặc biệt dành riêng cho các gaming creators tham gia vào nền tảng này. Ngoài lương cứng, các streamer có thể gia tăng thu nhập thông qua cơ chế tặng "sao". Cũng thông qua sự hỗ trợ của OTA Network, hiện tại Facebook Gaming đang triển khai rất hiệu quả chương trình hỗ trợ quảng cáo cho creator nằm trong chương trình Facebook Gaming Creator. Bởi vậy mà những buổi livestream của những streamer được hậu thuẫn sẽ thường "đập vào mắt" người dùng trên chính Newsfeed của họ.

Game thủ PUBG Mobile muốn cạch mặt streamer có vấn đề cũng khó, chặn rồi mà FB vẫn hiện - Ảnh 3.

Game thủ PUBG Mobile và người dùng FB đang phải chứng kiến những nội dung mà mình không thích.

Đây rõ ràng là một lỗi rất không đáng có mà Facebook và đối tác cần ngồi lại và xử lý vấn đề. Họ không thể cưỡng ép người dùng phải chứng kiến những nội dung quảng cáo mà người dùng mạng xã hội cảm thấy không thích, hoặc nói nặng hơn là ghét cay đắng. Việc game thủ đam mê PUBG Mobile bị "đập vào mắt" những video gaming liên quan tới PUBG Mobile trên Newsfeed là điều quá bình thường lúc này. Bởi trong quá khứ, nhiều vụ việc mờ ám liên quan tới thuật toán Newsfeed vẫn được cộng đồng bàn tán. Đơn cử như mỗi lần bạn trò chuyện với ai đó về một chiếc túi xách CK, ít phút sau, hình ảnh của nó chễm chệ trên News Feed, mời gọi bạn mua hàng.